Phạm Tấn Hầu - Trần Thị Tường Vy - Hồ Đăng Thanh Ngọc
PHẠM TẤN HẦU
Bài ca khi rời căn gác
Để nhớ anh Đinh Cường
Bỏ lại căn gác này
cho dãy hành lang sâu hút
theo những tháng năm
đã mất
trong hình dáng bạn bè
với Đinh Cường và Nguyễn Hữu Đống, Kim Long
và ai nữa
mang đi đâu
một phần câu chuyện.
Bỏ lại những cơn mưa
làm rối loạn cuộc hẹn hò
Mưa tới lui
vỗ vào giữa quãng ba
của cây đàn chàng du ca
để lại
cùng toan, màu, khung ảnh…
và ba bông hồng vàng
ngắt ra từ đêm tối
tựa như ai đã hóa thân
trong chuyến trở về thầm lặng.
Hỏi rằng: Ai đó? Còn không?
Thứ lửa nào cho loài chim phượng
Còn không? Nỗi đơn độc nhuốm màu sợ hãi
vì lũ cú đêm chừng muốn lấy đi
câu chuyện của chúng ta
âm nhạc của chúng ta
theo cách chúng lấy đi
những xác chết.
Có lẽ, cần phải nhớ hết.
Là tất cả, có phải không? Những người bạn
đã cùng tôi
đi qua hết dãy hành lang sâu hút này
chỉ để chia sẻ được bao điều
còn là mơ ước
Để vẽ nên, để hát
Để chỉ sống, và
có thể chết đi, trọn vẹn
là giữa bạn bè.
Người đi trong tuyết - tranh Đinh Cường
TRẦN THỊ TƯỜNG VY
Thương tiếc Đinh Cường
Cứ tưởng rằng Anh sẽ bất tử
nào ngờ Anh vẫn ra đi
như bao nhiêu người khác
những người không phải là họa sĩ
những người không phải là thi sĩ.
Anh là Bạn thân của chồng tôi
Cố họa sĩ Bửu Chỉ
những ngày ở Huế
Những ngày ở Sài Gòn
Anh và Chồng tôi cởi áo ở trần
Cật lực sáng tác giữa mùa hè
hay giữa mùa thu
tôi không nhớ nữa
Chỉ nhớ sau khi chồng tôi đi vào tranh vẽ
Anh là người nhắc tới chồng tôi nhiều nhất
Mười ba năm trời
Anh làm biết bao bài thơ
Anh vẽ biết bao bức họa
thân tặng và nhắc nhở
ngỡ như chồng tôi vẫn sống ở đời.
Bài thơ cuối cùng của Anh
ngày 3 tháng đầu năm 2016
trước 4 ngày trút hơi thở cuối cùng
vẫn là bài thơ Anh gởi tặng chồng tôi
Ngày đó Anh thấy chồng tôi đứng bên Anh
bên giá vẽ cuối cùng
hay là Anh thấy chồng tôi cùng đứng với Anh
với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với thi sĩ Thái Ngọc San
với Anh Bửu Ý và bao nhiêu người bạn thân thiết khác
Anh từng vẽ chân dung hay làm thơ tặng.
những ngày cuối cùng Anh làm thơ
để cho quên nỗi đau căn bệnh quái ác
Suốt một đời Anh sống nhẹ nhàng
Giờ này chắc chắn Anh đương vui
Cùng với các nhà danh họa cổ kim
Michel Ange, Picasso vân vân tôi không nhớ hết…
Khi còn sống Anh đối với chúng tôi
- tôi và các con tôi -
như người trong một gia đình thân thiết
Anh đã giã từ cõi tạm
Tôi gởi mấy hàng này mong được đốt lên cho Anh xem thấy
như những ngày Anh về Huế
Anh luôn nhớ cùng tôi đi thăm mộ Bạn
nhìn khói tro vàng giấy bay lên
nhẹ nhàng như một cuộc Trở về
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Ngày họa sĩ Đinh Cường ở Gác Trịnh
những người bạn đã theo anh về
từ ký ức 1964
Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bùi Giáng, Bửu Chỉ…
trong “Căn nhà của những gã lang thang”
với bức tường gạch đỏ
lô nhô những chai lọ, ly tách ngổn ngang
trong một thời cuộc ngổn ngang
chỉ có những con chim lửa
đã bay lên hót vang
cùng những câu thơ giấu trong vòm long não
và nét vẽ bày biện cuộc chơi trên toan trắng
những ám ảnh phận người
sỏi đá có buồn không?
đã vẽ và đã khóc
như đã hát và đã khóc
giấu sau nét cọ giọng trầm buồn
thoáng dáng qua cầu guộc gầy Dao Ánh
đi về trong toa tàu thế giới chưa dừng lại
và bây giờ chiếc ghế và ba bông hồng vàng
ngồi yên ở đó
ru lại những ngày gần
ru lại tình yêu
ru lại
và bây giờ anh ngồi đó từ chín giờ sáng ngày hăm hai
trong không gian ký ức xám tro tháng mười một
trên chiếc ban công ngày xưa
còn lưu bóng hình người bạn nhạc sĩ ôm đàn
chiếc áo phai màu của anh đang nói
chuyện về những vòm long não
cuộc đối thoại với kỷ niệm
đối thoại cùng một
H-u-ế
với tháng ngày
cũ xưa Siphani
đã rời đi hôm qua
cuộc sống nhiều khi là sự về lại
và gió đã ngược về ngắm anh
nụ cười hiền như nhánh sương Blao xưa
vọng từ hố thẳm
khoảng nâu trầm tiếng chuông nhà thờ Dran
gọi những giấc mơ phố núi
đánh thức những con chim mỏ đỏ
cùng dạo chơi những dạ khúc vĩ cầm
đã vang vọng trong bầu trời
H-u-ế Nostalgia
và rồi anh sẽ không còn ở đó
như những cánh chim thiên di của anh
“như là mây giang hồ”
để lại một vết trắng mù khơi
của những tiếng vọng huyền thoại
từ những bước chân xưa
hình như đang rưng rức mùa đông chiều
đổ bóng đỏ trên cầu Phủ Cam
qua dòng đêm An Cựu xanh
rồi cháy lên cùng cây lá
Gác Trịnh, hoàng hôn 24 tháng 11 năm 2013
Người ngồi tịch lặng - tranh Đinh Cường
(TCSH335/01-2017)
HOÀNG NGỌC QUÝ
NGUYỄN MAN KIM
NGÔ ĐÌNH HẢI
Đinh Thu - Nguyễn Văn Thanh - P.n.thường Đoan - Trần Nhuận Minh - Trọng Hướng - Lâm Anh - Đoàn Mạnh Phương - Đỗ Hàn - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Loan - Triệu Nguyên Phong - Kiều Trung Phương - Nguyễn Thiền Nghi - Hồ Đắc Thiếu Anh - Vạn Lộc - Nguyễn Đạt - Trường Thắng - Lê Nguyễn - Trịnh Bửu Hoài
LTS: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 có ý nghĩa lớn là làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến.
Nguyễn Tùng Linh - Lê Thị Mây - Phạm Sông Hồng - Y Phương - Thuận Vi - Nguyễn Khắc Thạch - Đặng Thị Vân Khanh
HỒ HỒNG TRÂM
TRẦN VIỆT DŨNG
NGUYỄN THỤY KHA
Hoàng Anh Tuấn - Ngọc Tuyết - Nguyễn Thánh Ngã - Khaly Chàm - Mai Văn Hoan - Võ Văn Luyến - Vũ Kim Liên - Lê Vy Thủy
LGT: Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap - làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc… Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm. Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.
NGUYỄN MINH KHIÊM
Vĩnh Nguyên - Phan Hoàng - Lê Hưng Tiến - Miên Di - Phan Thành Minh - Viên Chính - Kinh Thượng - Trần Thị Phương Lài - Văn Nhân
Nguyễn Tất Hanh, sinh ngày 17/2/1954; Quê quán: Thủy Đường, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Với anh “Nghệ thuật là khó khăn, đòi hỏi người sáng tạo phải tốn nhiều công sức. Nó không phải cuộc dạo chơi mà là sự kiếm tìm, có thể hôm nay bội thu ngày mai lại mất mùa nhưng với tôi - sự hướng tới cái đẹp thì không bao giờ ngừng”.
LÊ THÁNH THƯ
ĐÀO DUY ANH
NGUYỄN NGỌC PHÚ
MAI VĂN PHẤN
NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN
Nguyễn Văn Thanh - Nhất Lâm - Nguyễn Thường Kham - Phan Văn Chương - Chu Lê - Trần Vạn Giã - Nguyễn Hoàng Thu - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Tất Độ - Lưu Xông Pha