Trang thơ tưởng nhớ Đinh Cường

09:33 07/01/2017


Phạm Tấn Hầu - Trần Thị Tường Vy - Hồ Đăng Thanh Ngọc

PHẠM TẤN HẦU

Bài ca khi rời căn gác
              Để nhớ anh Đinh Cường

Bỏ lại căn gác này
cho dãy hành lang sâu hút
theo những tháng năm
đã mất
trong hình dáng bạn bè
với Đinh Cường và Nguyễn Hữu Đống, Kim Long
và ai nữa
mang đi đâu
một phần câu chuyện.


Bỏ lại những cơn mưa
làm rối loạn cuộc hẹn hò
Mưa tới lui
vỗ vào giữa quãng ba
của cây đàn chàng du ca
để lại
cùng toan, màu, khung ảnh…
và ba bông hồng vàng
ngắt ra từ đêm tối
tựa như ai đã hóa thân
trong chuyến trở về thầm lặng.


Hỏi rằng: Ai đó? Còn không?
Thứ lửa nào cho loài chim phượng
Còn không? Nỗi đơn độc nhuốm màu sợ hãi
vì lũ cú đêm chừng muốn lấy đi
câu chuyện của chúng ta
âm nhạc của chúng ta
theo cách chúng lấy đi
những xác chết.


Có lẽ, cần phải nhớ hết.
Là tất cả, có phải không? Những người bạn
đã cùng tôi
đi qua hết dãy hành lang sâu hút này

chỉ để chia sẻ được bao điều
còn là mơ ước
Để vẽ nên, để hát
Để chỉ sống, và
có thể chết đi, trọn vẹn
là giữa bạn bè.



   Người đi trong tuyết - tranh Đinh Cường


TRẦN THỊ TƯỜNG VY

Thương tiếc Đinh Cường

Cứ tưởng rằng Anh sẽ bất tử
nào ngờ Anh vẫn ra đi
như bao nhiêu người khác
những người không phải là họa sĩ
những người không phải là thi sĩ.
Anh là Bạn thân của chồng tôi
Cố họa sĩ Bửu Chỉ
những ngày ở Huế
Những ngày ở Sài Gòn
Anh và Chồng tôi cởi áo ở trần
Cật lực sáng tác giữa mùa hè
hay giữa mùa thu
tôi không nhớ nữa
Chỉ nhớ sau khi chồng tôi đi vào tranh vẽ
Anh là người nhắc tới chồng tôi nhiều nhất
Mười ba năm trời
Anh làm biết bao bài thơ
Anh vẽ biết bao bức họa
thân tặng và nhắc nhở
ngỡ như chồng tôi vẫn sống ở đời.
Bài thơ cuối cùng của Anh
ngày 3 tháng đầu năm 2016
trước 4 ngày trút hơi thở cuối cùng
vẫn là bài thơ Anh gởi tặng chồng tôi
Ngày đó Anh thấy chồng tôi đứng bên Anh
bên giá vẽ cuối cùng
hay là Anh thấy chồng tôi cùng đứng với Anh
với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với thi sĩ Thái Ngọc San
với Anh Bửu Ý và bao nhiêu người bạn thân thiết khác
Anh từng vẽ chân dung hay làm thơ tặng.
những ngày cuối cùng Anh làm thơ
để cho quên nỗi đau căn bệnh quái ác
Suốt một đời Anh sống nhẹ nhàng
Giờ này chắc chắn Anh đương vui
Cùng với các nhà danh họa cổ kim
Michel Ange, Picasso vân vân tôi không nhớ hết…
Khi còn sống Anh đối với chúng tôi
- tôi và các con tôi -
như người trong một gia đình thân thiết


Anh đã giã từ cõi tạm
Tôi gởi mấy hàng này mong được đốt lên cho Anh xem thấy
như những ngày Anh về Huế
Anh luôn nhớ cùng tôi đi thăm mộ Bạn
nhìn khói tro vàng giấy bay lên
nhẹ nhàng như một cuộc Trở về




HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Ngày họa sĩ Đinh Cường ở Gác Trịnh

những người bạn đã theo anh về
từ ký ức 1964
Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bùi Giáng, Bửu Chỉ…
trong “Căn nhà của những gã lang thang”
với bức tường gạch đỏ
lô nhô những chai lọ, ly tách ngổn ngang
trong một thời cuộc ngổn ngang
chỉ có những con chim lửa
đã bay lên hót vang
cùng những câu thơ giấu trong vòm long não
và nét vẽ bày biện cuộc chơi trên toan trắng
những ám ảnh phận người
sỏi đá có buồn không?
đã vẽ và đã khóc
như đã hát và đã khóc
giấu sau nét cọ giọng trầm buồn
thoáng dáng qua cầu guộc gầy Dao Ánh
đi về trong toa tàu thế giới chưa dừng lại

và bây giờ chiếc ghế và ba bông hồng vàng
ngồi yên ở đó
ru lại những ngày gần
ru lại tình yêu
ru lại

và bây giờ anh ngồi đó từ chín giờ sáng ngày hăm hai
trong không gian ký ức xám tro tháng mười một
trên chiếc ban công ngày xưa
còn lưu bóng hình người bạn nhạc sĩ ôm đàn
chiếc áo phai màu của anh đang nói
chuyện về những vòm long não
cuộc đối thoại với kỷ niệm
đối thoại cùng một
H-u-ế
với tháng ngày
cũ xưa Siphani
đã rời đi hôm qua
cuộc sống nhiều khi là sự về lại
và gió đã ngược về ngắm anh
nụ cười hiền như nhánh sương Blao xưa
vọng từ hố thẳm
khoảng nâu trầm tiếng chuông nhà thờ Dran
gọi những giấc mơ phố núi
đánh thức những con chim mỏ đỏ
cùng dạo chơi những dạ khúc vĩ cầm
đã vang vọng trong bầu trời
H-u-ế Nostalgia


và rồi anh sẽ không còn ở đó
như những cánh chim thiên di của anh
“như là mây giang hồ”
để lại một vết trắng mù khơi
của những tiếng vọng huyền thoại
từ những bước chân xưa
hình như đang rưng rức mùa đông chiều
đổ bóng đỏ trên cầu Phủ Cam
qua dòng đêm An Cựu xanh
rồi cháy lên cùng cây lá

           Gác Trịnh, hoàng hôn 24 tháng 11 năm 2013


Người ngồi tịch lặng - tranh Đinh Cường

(TCSH335/01-2017)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • Trần Chấn Uy - Hồ Dzếnh - Thiệp Đáng

  • Phan Lệ Dung - Nguyễn Đông Nhật - Phan Trung Thành - Đoàn Mạnh Phương - Triệu Nguyên Phong - Ngọc Tuyết - Huỳnh Thúy Kiều - Nguyễn Thiền Nghi - Nhất Lâm


  • ĐÀO DUY ANH

  • Nguyễn Đạt - Đoàn Minh Châu - Phùng Tấn Đông - Đinh Cường

  • PHẠM TẤN HẦU

    Tình yêu luôn là một huyền thoại và lịch sử kể qua câu chuyện Huyền Trân.
    Và giống như một người mù
    Tôi trở lại quê hương dưới mùi thơm của hoa nhài.
                            P.NERUDA

  • NGUYỄN PHÚC VĨNH BA

    Lời người viết: Biết tin hiền thê của người bạn vong niên qua đời quá muộn, ghé thăm và nghe bạn than thở nỗi lòng, bỉ nhân không cầm được lòng xúc động. Thấy ông lão tám mươi rưng rưng khóc vợ, kể lể bao vui buồn ngày còn đủ vợ chồng, bỉ nhân xao xuyến vô cùng. Thay bạn, bỉ nhân viết quấy quá đôi hàng văn tế, chỉ mong nói hộ bạn nỗi niềm đau khổ đó. Than ôi! Chữ nghĩa cũng chỉ dành cho người sống đọc. Còn người đã khuất thì liệu có biết thấu chăng?

  • Đinh Cường - Nguyễn Ngọc Phú - Tần Hoài Dạ Vũ - Châu Thu Hà - Vi Thùy Linh - Đinh Thị Như Thúy - Nguyễn Nhã Tiên - Hà Duy Phương - Chử Thu Hằng - Thùy Nhiên Trương Hà

  • VŨ THỊ MAI OANH

    (Viết cho ai yêu thiên nhiên Nhật Bản)

  • Khaly Chàm - Phan Hoàng - Trần Hữu Dũng - Phan Hoàng Phương - Vũ Thiên Kiều


  • KHẾ IÊM

  • Lynh Bacardi, tên thật là Phạm Thị Thùy Linh, sinh ngày 03/04/1981. Làm thơ, viết văn, đồng thời là một dịch giả chưa từng học qua trường lớp chính quy nào. Đến với thơ văn từ năm 2003, Lynh Bacardi không ngừng nỗ lực cách tân và đã tạo cho mình một lối viết đầy bản sắc trong thế hệ trẻ luôn có ý hướng cách tân hiện nay. Thế mạnh của Lynh chính là sự vượt thoát trong tư tưởng, dám bội ước với lối thi pháp truyền thống và nói lên được những khát vọng của giới nữ.

  • Tần Hoài Dạ Vũ - Nguyễn Thanh Mừng - Phạm Nguyên Tường - Nguyễn Nguyên An - Lãng Hiển Xuân - Trần Tịnh Yên - Nhất Lâm - Nguyễn Đông Nhật - Trương Văn Nhân - Miên Di - Nguyễn Lãm Thắng - Huỳnh Thúy Kiều - Ngàn Thương - Hoàng Cát - Đức Sơn - Lệ Thu - Hồng Vinh - Ngô Thiên Thu - Lưu Ly - Ngô Công Tấn - Nguyễn Minh Khiêm - Nguyễn Khắc Thạch - Nguyễn Thường Kham - Từ Hoài Tấn - Nguyên Tiêu - Phan Lệ Dung - Phan Trung Thành - Tôn Phong - Trần Áng Sơn - Lê Ngã Lễ - Trần Vạn Giã - Từ Nguyễn