Thơ Sông Hương 04-88

10:05 10/06/2014

Hải Bằng - Nguyễn Văn Dinh - Nguyễn Khắc Thạch - Phạm Tấn Hầu - Trần Bá Đại Dương - Tôn Nữ Ngọc Hoa

Nhà thơ Hải Bằng - Ảnh: internet

HẢI BẰNG

Đợi đò

Giận mái chèo quên lời dặn dò
Em về bên ấy ở đây lo
Trách ai thời trước sinh ra bến
Mà để đời ta mãi đợi đò.


Lời tựa cho thơ

Suốt đời viết mãi cuộc chia ly
Hàng triệu câu thơ chẳng nghĩa gì
Chỉ tủi - thời gian - khi bạc tóc
Em cầm tuổi trẻ của tôi đi...




NGUYỄN VĂN DINH

Nghĩ về thơ

Thơ phải nói điều cần phải nói
Chớ ngụy trang hoa sói hoa hòe
Thơ hiểu thấu băn khoăn thời đại
Nỗi vui buồn nhân loại sẻ chia


Trước biển

Nói gì với biển, biển ơi!
Nghìn năm con sóng không thôi vỗ bờ
Riêng em từ bấy đến giờ
Vẫn chưa hiểu hết bến bờ trong anh




NGUYỄN KHẮC THẠCH

Ông già bán vé số

Tôi gặp ông mỗi sáng qua đường
Chiếc gậy chống lưng còng như gẫy
Chiếc gậy nối bàn tay run rẩy
Dắt ông về phía phố vui đông

Hai mươi đồng chiếc vé mỏng manh
Mang sức nặng triệu đồng hy vọng
Lời rao mời bay cao khoảng trống
Ông bán rủi may cho số phận người đời

Tôi cũng từng mua vé ông chơi
Từng hy vọng và từng thất vọng
Lạnh như tiền cũng làm cháy bỏng
Nỗi đam mê trần tục con người

Cuộc chơi này trâng tráo buồn vui
Ngang ngữa đám dân thường quan chức
Cái ngưỡng cao phập phồng hư thực
Nằm trong tay trần trụi ông già

Xác vé mù như xác pháo bay qua
Cuộc chơi vẫn ông già hấp dẫn
Nhưng chính ông chẳng có gì bí ẩn
Ngoài mấy đồng lời khi hết số tay không…




PHẠM TẤN HẦU

Cải trang

đi qua dãy hành lang này
âm u và chật hẹp
như ẩn dụ
sự theo dõi rập rình

hãy nhớ tới vai mình, anh tự nhủ
và cố lắng nghe
để lặp lại
đúng theo lời tiếng vọng

anh cần biết kiềm chế, vì giọng anh ngân vang
dễ bị kích động bởi cá tính và mơ ước trẻ trung
anh có thể quên đi sức chịu đựng
của một sân khấu cổ xưa

Điều đó ám ảnh anh
như một nỗi sợ hãi mơ hồ
anh chưa bao giờ giám thử
cái vinh quang vượt quá vai mình

Tưởng như mọi chuyện sắp sẵn cả rồi
từ đạo cụ, y trang, kẻ nhắc tuồng
và khán giả, anh biết
có quá nhiều đạo diễn cải trang

                                                12-87


TRẦN BÁ ĐẠI DƯƠNG

Trăng
            Nhớ L.V.T.

Những đêm trăng
cái bóng của bạn và tôi
hiện rõ

Trăng
Như chiếc kính chiếu yêu
Mỗi người soi vào
Thấy
            hiện lên
- Con bọ cạp châu Phi;
                        Một bụi mâm xôi;
Một chú khỉ nhắng nhít
                        thích nhảy nhót và bắt chước;
Hay một con bê non với đôi mắt ướt;
vân vân và vân vân...
Đôi khi
            thấy hiện lên
một cái gì gần như
bóng dáng CON NGƯỜI
nhưng điều này, theo tôi
không nhiều
            cũng không ít.

Những bi kịch
thường xảy ra về đêm
khi chúng ta
            một mình,
với vầng trăng
                        trên đỉnh trời
vằng vặc!

                                    Huế, rằm thu 1987.



TÔN NỮ NGỌC HOA

Ghi giữa hai mùa

Ẩn dưới làn sương tím biếc
biết bao dáng nét lạ lùng
cứ như chưa bao giờ có
núi đồi mờ ảo chập chùng

cứ như chưa bao giờ có
dòng sông dài phía vô cùng
sợi nắng cuối ngày rối gió
đan cài nên bao nhớ nhung

cái rét đầu mùa chớm buốt
nửa như khói chia xa
nửa như níu đôi chân bước
dùng dằng những dáng mây qua

khóm trúc che gương mặt ai
long lanh kìa đôi con mắt
đâu đây tiếng lá rơi rơi
khẽ khàng chạm vào hoang vắng

ai hát hay là chim hót
mà nghe thánh thót bên trời
tôi ngỡ hồn tôi đọng lại
trong từng hạt sương chơi vơi

dần trôi dần trôi dần trôi
bóng chiều giữa miền tĩnh lặng
tôi đứng yên nghe tim mình
chìm vào tiếng đêm vang vọng

mùa thu bàng hoàng quay gót
nào hay lóng lánh giọt buồn
nhỏ vào mùa đông non nớt
tan trong tiếng chuông trầm buông

                                        Lập đông 87

(SH30/04-88)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LGT: Khác với những cây bút trẻ cùng thời, Hoàng Thúy đi thẳng vào mạch cảm xúc không qua bước khởi động. Thơ như trạng thái tâm hồn dồn nén, đến thời thì xuất hiện. Điều này hiếm thấy ở một tác giả trẻ. Thơ Hoàng Thúy biểu hiện của vẻ đẹp tự nhiên sâu kín, không phải trau chuốt. Trong trường hợp này thơ chính là hiện tượng linh ứng của con người trước thế giới thiên nhiên và xã hội.
    Hoàng Vũ Thuật (gt)

  • PHAN HOÀNG PHƯƠNG

    Nhớ Phùng Quán


  • NGUYỄN THANH MỪNG

  • Ngô Minh - Hải Kỳ - Phan Bá Linh - Thế Hùng - Mùi Tịnh Tâm - Nguyễn Văn Phương

  • Nguyễn Lãm Thắng - Khaly Chàm - Nguyễn Loan - Huỳnh Minh Tâm - Kai Hoàng

  • Phạm Quyên Chi là một tác giả trẻ đang sống tại thành phố Quy Nhơn, mới đến lần đầu với Tạp chí Sông Hương. Trong những sáng tác đầu tay, Phạm Quyên Chi từng bộc bạch: “Tôi là một đứa con gái thích tưởng tượng. Dường như những tứ thơ của tôi đã hình thành nên trong những “khoảnh khắc của tưởng tượng” như thế. Tôi cũng không hiểu được chính mình, chỉ có thơ là hiểu tôi…”.

  • Nguyễn Thanh Lâm - Từ Quốc Hoài - Hoàng Ngọc Giang

  • LTS: Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên-Huế. Học sinh Quốc Học - Huế năm 1959 - 1962. Là nhóm bạn với Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Shiphani, Lê Văn Ngăn, Võ Chân Cửu...

  • ĐINH CƯỜNG

    Như tiếng thì thầm vĩnh biệt
                                               Khi hay tin Lê Văn Ngăn mất

  • (SHO) BẠN VỀ BÊN PHỐ XƯA MƯỜI BỐN NĂM RỒI SAO SƠN.

    CHIỀU NAY TÔI ĐI TRÊN PHỐ XƯA GEORGETOWN MÀ NHỚ BẠN

  • Nguyễn Thị Anh Đào - Lê Vi Thủy - Trần Tịnh Yên - Ngô Hà Phương - Trần Quốc Toàn - Bạch Diệp - Đinh Thị Như Thúy - Hạnh Ngộ - Hạc Thành Hoa


  • LÊ MINH CHÁNH

  • Nguyễn Đông Nhật - Nhất Lâm - Nguyễn Văn Quang - Trần Hữu Dũng - Đỗ Hàn - Hồ Đắc Thiếu Anh - Mai Văn Hoan - Nguyễn Man Kim - Nguyễn Thị Ngọc Hà - Lưu Ly - Vĩnh Nguyên - Cao Quảng Văn - Ngàn Thương - Nguyễn Đạt - Phan Đạo - Phương Việt - Châu Thu Hà - Nguyễn Hoàng Thọ - Lê Hồ Ngạn

  • Đông Hà - Phạm Trường Thi - Nguyễn Hoa - Đoàn Mạnh Phương - Văn Công Hùng - Trần Thị Ngọc Mai - Duy Mong - Xuân Thảo - Hồng Vinh - P.N. Thường Đoan - Hoàng Ngọc Châu - Triệu Nguyên Phong - Ngô Thái Dương

  • PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

    Yếm Đào