GS Bruce Weigl và tác giả tại TCSH
Người đàn ông đó là giáo sư, tiến sĩ Bruce Weigl - một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Thơ của Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ, giáo sư danh dự ngành nghệ thuật và nhân văn học của trường Đại học Lorain County Community, tiểu bang Ohio. Ít ai biết được rằng, Bruce Weigl đã có một “mối tình” sâu đậm với Huế. Từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967-1968 trong Lữ đoàn Kỵ binh bay số 1, Bruce Weigl đã bắt đầu một tình yêu thầm lặng với Huế khi ông 18 tuổi. Tình yêu ấy bắt đầu trong những lần lữ đoàn của ông di chuyển từ An Khê đến Căn cứ trại Evans, trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. “Giữa cuộc chiến tranh lúc ấy, tôi vẫn thấy Huế thật đẹp. Những hàng cây xanh, những con người hiền hòa, những ngôi chùa cổ kính… Đặc biệt, tôi vẫn nhớ những dãy đèn đường sáng rực của Huế thời đó. Bây giờ, mỗi khi đến Huế, tôi luôn ngước tìm những ngọn đèn đường, và cảm thấy yên lòng khi chúng luôn ở đó, như chưa hề có sự thay đổi”. Có thể những ngọn đèn đường không thay đổi và vẫn đứng đó để soi đường cho nhiều thế hệ, nhưng cuộc đời của Bruce Weigl đã thay đổi rất nhiều kể từ sau cuộc chiến. Trở về Mỹ sau chiến tranh, Bruce Weigl đã bị trầm cảm, hoảng loạn và mất ngủ một thời gian dài. Những cơn ác mộng theo đuổi ông và chỉ cần nhắm mắt lại, ông đã nghe tiếng pháo cối và tiếng bom đạn gầm rú. Ông đã viết: “Chiến tranh đã ăn ruỗng tôi/ tôi không thể chạm vào ai được nữa/ Ngọn gió thổi xuyên qua tôi đến nơi xanh thẳm/ nơi họ vẫn ngã xuống trong biển máu/ Tôi vẫn nghe tiếng họ, đêm đêm/ tôi không thể trút bỏ quần áo trong ánh sáng” (Kỷ niệm ngày được tha thứ, Bruce Weigl). Tâm niệm rằng “Người Mỹ đã lấy đi quá nhiều thứ của người Việt Nam, chúng tôi phải có trách nhiệm trả lại một phần nào đó”, Bruce Weigl là một trong những cựu binh Mỹ đầu tiên trở về Việt Nam sau chiến tranh, vào năm 1985. Ông đã đóng góp cho việc xây dựng bệnh viện, đưa thuốc men về những vùng nghèo khó, xa xôi nơi ông từng tham chiến. Cùng với các cộng sự ở Trung tâm William Joiner (Trường đại học Massachusettes, thành phố Boston), Bruce Weigl đã không mệt mỏi cống hiến cho việc giới thiệu văn học Việt Nam trên đất Mỹ. Ông đã dịch và giới thiệu hàng trăm bài thơ Việt Nam và là đồng dịch giả của bốn tập thơ Việt-Anh. Qua các khóa giảng dạy, công việc dịch thuật, cùng với các bài diễn thuyết trong hơn 20 năm qua, Bruce Weigl đã giới thiệu cho hàng ngàn sinh viên và công chúng Mỹ về văn hóa, lịch sử và văn học Việt Nam, với mong muốn mở rộng góc nhìn của họ về đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.
Đã trở về Huế một số lần sau chiến tranh, nhưng vào tháng 12/2010, Bruce Weigl đã có một chuyến trở về thực sự ý nghĩa, bằng cả thể xác, tâm hồn và thơ ca. Buổi đọc thơ và giao lưu với các nhà văn, nhà thơ, cựu chiến binh tại Tạp chí Sông Hương sáng 14/12/2010 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với Tạp chí Sông Hương tổ chức đã để lại cho ông những ấn tượng không thể phai mờ. Ông thật xúc động khi được gặp gỡ, giao lưu, đọc thơ cùng với những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng của Huế với sự chuẩn bị và giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của ông hết sức chu đáo của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc. Buổi giao lưu thơ cũng ẩn chứa nhiều bất ngờ đặc biệt khi nhà thơ Vĩnh Nguyên đọc tặng bài thơ “Bruce Weigl và tôi”, được in trong tập “Chòi ngắm sóng” (NXB Hội Nhà văn 2003), rồi nhà thơ Tây Linh Phạm Xuân Phụng “hứng khởi” viết tặng Bruce Weigl bài thơ “Thế hệ chúng tôi” ngay trong buổi giao lưu. Buổi giao lưu thơ cũng hết sức sinh động bởi sự trình bày song ngữ Anh Việt những bài thơ nổi tiếng mà Bruce Weigl đã viết dành cho Việt Nam như “Bài hát bom na-pan”, “Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ”, cùng với sự trao đổi của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả… Ông cũng đặc biệt trân trọng những lời chia sẻ chân tình của dịch giả Bửu Ý, người đã có nhiều năm dịch thuật và có những nhận xét ưu ái về bản dịch các bài thơ của ông. Trở lại Huế lần này, Bruce Weigl cũng đã thanh thản hơn khi ngắm nhìn cảnh trẻ em nô đùa “dưới bầu trời không còn đen kịt máy bay và bom đạn của chúng tôi”, theo lời ông nói. Nhờ sự kết nối của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, ông đã đến thăm và tặng 700 quyển sách cho trường tiểu học Thuận Thành, đường Nguyễn Thái Thân, Huế. Ông thực sự trở thành một đứa trẻ, cùng đá bóng với các em, cùng đọc sách với các em, cùng cười và cùng hát, giúp các em bóc những món quà là những quyển sách đã được gói thật đẹp. “Hôm nay, tôi cảm thấy mình là một ông già No-en. Được gặp gỡ ban giám hiệu, các thầy cô giáo và các em, tôi thật sự tin tưởng vào tương lai của đất nước các bạn. Các học sinh ở đây viết rất đẹp, đẹp hơn các học sinh Mỹ. Các thầy cô giáo thì thật nhiệt tình và tâm huyết”. Với sự tiếp đón chu đáo của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ Thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, Bruce Weigl đã được đến thăm triển lãm nghệ thuật đặc biệt của các họa sĩ Huế. Ông hỏi thăm cẩn thận về từng bức tranh và bày tỏ ước muốn một ngày được trở lại, mua tranh của một họa sĩ Huế để treo trong ngôi nhà của mình. Và Bruce Weigl cũng đã có những giây phút không thể nào quên khi được đến nhà và ăn cơm với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, và nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Được thưởng thức các món ăn Huế trong ngôi nhà của những người bạn làm ông thực sự hạnh phúc. Ông đặc biệt quan tâm tới sức khỏe của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và mong muốn sẽ giúp tìm một chiếc xe lăn tốt nhất, có nút điều khiển tự động để tiện cho việc di chuyển và sinh hoạt của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường “để anh có thể nghỉ ngơi tốt hơn, đảm bảo sức khỏe hơn, và lại có thể viết những tác phẩm dành tặng bạn đọc”, ông tâm sự chân thành cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đã đọc thơ và giao lưu ở khắp mọi nơi trên thế giới, chắc hẳn Bruce Weigl sẽ không quên buổi tối cạnh sông Hương, trước khách sạn Hương Giang, khi ông ngồi uống rượu, đọc thơ và hát với một nhóm những chàng trai đạp xích lô đêm. Khi ấy, sau khi đi dạo về, trời đã gần nửa đêm, các chàng trai trẻ đạp xích lô đang tổ chức một cuộc rượu và mời ông tham gia. Ngay sau khi ngồi xuống, ông đã hỏi rằng có ai thuộc thơ không. Một chàng trai đã lập tức đọc cho ông nghe thơ Hàn Mặc Tử và những người khác thay nhau hát cho ông nghe những bài ca Huế, những bài hát hip-pop. Ông cũng đã ngồi trên lề đường, đọc cho họ nghe những bài thơ ông viết về chiến tranh, về Việt Nam. Và một chàng trai đạp xích lô, trong sự xúc động, đã tặng ông chiếc vòng đeo tay duy nhất của anh. Chiếc vòng ấy, ông đang nâng niu như một kỷ vật của Huế, như tình cảm của người dân Huế. Chiếc máy bay chao cánh trên bầu trời đêm. Thành phố Huế thắp lên những ngọn đèn lung linh như vẫy tay chào một người con của đất Việt. Người con đó đang tự hứa với mình, với Huế rằng ông sẽ tiếp tục trở về để làm nhiều hơn nữa cho Huế, và tiếp tục đưa văn học và nghệ thuật Huế giao lưu với những người yêu văn học và nghệ thuật quốc tế. N.P.Q.M (264/2-11) |
ĐỖ AN TIÊMLần đầu tiên tôi biết Vân Khanh qua tiết mục Tiếng Thơ của Đài T.N.V.N. Chất giọng mượt mà, trữ tình của Vân Khanh đã làm tôi xúc động, mặc dù bài thơ hôm đó anh ngâm tôi đã thuộc và nghe diễn ngâm nhiều lần từ thuở niên thiếu. Tôi ngờ ngợ đây là một tài năng. Song, cái tính xấu cố hữu hay nghi ngờ đã ngăn tôi lại. “Biết đâu đấy. Có khi chỉ là một mảnh sao băng”. Và tôi hình dung Vân Khanh còn trẻ, quá trẻ nữa. Một Vân Khanh rất “nghệ sĩ” theo cái nghĩa nhiều người hiểu chưa đúng về nghệ sĩ.
NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNTôi vừa làm một cuộc du lịch đầy thú vị. Ấy là cuộc du lịch lướt nhanh ngược dòng Sông Hương, về tận ngọn nguồn. Tôi gặp lại biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, bao nhiêu khuôn mặt thân yêu, thân quen, và cả những điều kỳ thú, mới lạ. Hai mươi năm, những khuôn mặt nào đã soi xuống dòng sông, những kỷ niệm nào còn đọng mãi trong ta...?
LÊ KHÁNH MAI (Nhà thơ - Tổng Biên tập tạp chí Nha Trang)Đến từ Nha Trang - Khánh Hoà, vùng đất cực Nam Trung Bộ, tôi không có mong muốn gì hơn là được chúc mừng Sông Hương tròn 20 tuổi, được học tập những kinh nghiệm và thành công của một tờ tạp chí văn nghệ địa phương đã từ lâu đứng ở vị trí đàn anh ở miền Trung và cả nước.
BẢO HÂNTại Festival Huế 2008, bên cạnh hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày diễn ra trên khắp các đường phố, nhà triển lãm với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng; một phòng tranh nhỏ nhắn, ý nhị nằm trong con kiệt nhỏ đường Lê Thánh Tôn của Nội thành Huế. “Về lại” tên của phòng tranh, là tình cảm của những người Huế xa quê góp tiếng lòng của mình bằng những gam màu hoài hương.
VÕ QUANG YẾNBùi ngùi nhớ mẹ thuở xưa,Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương. Ca dao
Nhà văn Trần Hữu Lục, - Sinh tại Huế. Thành viên nòng cốt của nhóm Việt. Chủ bút báo Sinh viên Huế (1968). Phụ trách văn nghệ trên Nguyệt san Đối diện (từ 1972 đến 1975). Viết văn trên các báo và tạp chí: Việt, Đất Nước, Ý Thức, Sinh Viên Huế, Đối Diện…
Tạp chí Sông Hương đang đứng trước ngưỡng cửa của tuổi 20 trai tráng và đầy ắp hoài bão. Sông Hương đã vượt ra khỏi phạm vi của một tờ báo văn nghệ tỉnh để trở thành một địa chỉ gửi gắm những tin yêu và tín nhiệm của bạn đọc gần xa trong cả nước và cả ở nước ngoài về món ăn tinh thần văn học. Không hẹn mà gặp, các cộng tác viên và bạn đọc Sông Hương ở Hà Nội và các tỉnh đã tâm tình rất thật tình và thật lòng để khích lệ và nhắn nhủ Sông Hương.
Dường như có dòng sông Hương vẫn chảy âm thầm ở bên ngoài Tổ quốc. Đấy là khi tôi đọc được những trang viết đầy ắp phong vị, nồng ấm hương đất quê nhà của những người Huế đang định cư ở nước ngoài. Họ đã tìm thấy tín hiệu giao cảm với xứ Huế thông qua “chiếc cầu nối” của Tủ sách Nhớ Huế.
Vậy là hôm nay Huế - một thành phố cố đô ở miền Trung đã làm một việc đầy ý nghĩa và đẹp đẽ đặt tên đường cho các danh nhân văn hóa : Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Hải Triều... trong đó có Nguyễn Tuân nhà văn lớn cho các phố phường và các làng thôn được đô thị hóa sau thời kỳ mở cửa của đất nước.