Thơ Sông Hương 01-15

08:04 02/02/2015

Bạch Diệp - Nguyễn Hữu Minh Quân - Nguyên Tiêu - Nguyễn Thiền Nghi - Phan Lệ Dung - Lê Viết Xuân - Nguyễn Tấn Tuấn - Ngô Thiên Thu - Đinh Ngọc Diệp - Trịnh Bửu Hoài

Tranh của HS Nguyễn Hóa

BẠCH DIỆP

Một ngày

Dây leo vẫn bò men cửa sổ
Tôi tóc ngắn
Huýt sáo gọi cổng
Trèo qua hàng rào


Không có những người đàn bà xách làn đi chợ
Hay vội vã hôn con trước cổng trường
Siêu thị thất thần những khuôn mặt đàn ông
Tay xách vai mang
Vụng về giữa quầy thực phẩm


A… a ngày nắng
Cà phê góc phố quý bà váy ngắn, áo hoa, chân gõ nhịp…
Mặt trời tủm tỉm
nhấm nháp vạt sương
Dâu tươi, cà rốt, nho và cam
Điệu vũ mùa hè trong chiếc máy kem
Tươi như màu hồng tháng sáu


Mới thấy phố mình nhiều hoa thế
Restaurant, quán nhậu vỉa hè cũng nhiều
Chiều sóng sánh men
Chuyện cục diện chiến trường Libya
Sao Chổi sắp va vào các hành tinh
Giấc mơ Freud hay cuộc thi hoa hậu cuối tuần

Một ngày thế là cũng đủ


Bên ngọn đèn chong
Những người đàn ông chờ bữa.




NGUYỄN HỮU MINH QUÂN

Sau cơn lũ

Mưa đền cây sau một ngày lũ rút
Trăng vẫn về nguyên vẹn đấy thôi
Em áo trắng bên chiều đợi gió
Một cánh chim bay về phía mặt trời


Bước chân huyền hồ ai để lại
Ngỡ em về trắng tóc chiêm bao
Xóm nhỏ mênh mông trắng bờ trắng bãi
Người trắng tay chờ hoa trái mùa sau


Bồi đắp phù sa bãi bờ sau lũ
Ai đứng chờ ai tận cuối cơn đau
Bài thơ cũ chờ nửa vầng trăng cũ
Nghiêng bên nào cho khỏi khuyết nhau




NGUYÊN TIÊU

Hoài khúc tháng chạp

Gió thu cuối tràn bao cảm xúc
Lá lăn tăn trò chuyện vỉa hè
Chân dấn bước dẫm chiều kỷ niệm
Thơ vô ngôn tâm thức lắng nghe.

Ta từng mơ những điều không thật
Mải mê hong nắng ấm huyễn không
Tự vẽ ra chân trời hư ảo
Vùi trong cơn mộng mị thắt lòng.

Rồi một ngày heo may thoảng đến
Nắng xa xôi còn đọng chói ngời
Cơn giá rét trùm lên tâm thức
Choàng vai thơ thiền định non khơi!




NGUYỄN THIỀN NGHI

Khói

Môi khói bay
Chân theo về phía núi
Lim dim cái nhìn phù du


Cái nóng đan lưng
Hạt mưa châm thịt
Vạc vàng lúa chín vào tay
Thủng thẳng cắt
Thủng thẳng gặt
Gặt cả mặt trời vào gùi mây


Máu đất chưa khô
Gió vằn tiếng rừng rách áo
Kéo bóng đời đắp rẫy
Thủng thẳng khói lối về


Chiều ểnh môi đau
Con đường ướt nhoẹt chân ngày
Khói nồng men đất
Mưa hoàng hôn xổ đậm màu xám
Chiết ra khoảng lặng mù


Đêm giọt tiếng không
Không biên giới cội nguồn
Quẩn quanh trong cái quanh quẩn


Đêm khói về đâu
Những túi đèn lượn lờ
Muốn hóa thân đom đóm
Rồi cũng tắt ngấm
Lưu đày trong vòm trời đen kịt.




PHAN LỆ DUNG


Nỗi niềm

Rồi anh sẽ quên
con đường cỏ may
buổi chiều khói lên nhuộm xám
tiếng hát ai lạc loài
và mùi hoa cúc mộng mị


gặp anh
tháng năm
gió thổi nóng trên tóc
đàn chim cánh nâu phơi bóng trên sông lanh chanh vẫy cánh


như những người yêu nhau hẹn hò
tôi ném hòn đá thia lia
mặt nước hồn nhiên gợn sóng
đôi mắt anh thoáng buồn
lúc đó những chiếc lá khô
trôi động đậy
và trời sắp mưa
người đàn bà mặc áo hoa
trên đường đi chợ về
bước nhanh như gió
mấy chiếc xe chở lúa nặng trĩu
thản nhiên như người dưng
phả bụi mù trời


tôi nhìn gió thổi trên sông
anh nói mấy câu muộn màng cay đắng
xa xa phía cổng làng
đám mây đen ồ ạt
đuổi theo sợi khói mỏng manh


Rồi anh sẽ không còn nhớ...
và mưa
mưa tháng năm mù mịt
như muốn che kín nỗi niềm.




LÊ VIẾT XUÂN

Gặp lại lời ru

Lâu lắm rồi, mới gặp lại lời ru
Trong liên hoan Hát ru người mẹ trẻ
Đánh thức trong anh một thời thơ bé
Lời mẹ ru thăm thẳm vọng về


Mái tranh nghèo thui thủi dưới rặng tre
Tiếng võng đưa nồm nam kẻo kẹt
Lời mẹ ru bỗng trầm thao thiết
Đưa anh vào giấc ngủ bình yên


Anh đã đi ngang dọc khắp miền
Lúc vấp ngã, vịn lời ru đứng dậy
Đi sao hết những lời ru ấy
Đời người không thể thiếu lời ru…


Em hát ru sao lắm nỗi tâm tư
Nghe khó nhọc như người leo dốc
Anh không biết nên cười hay khóc
Em hát ru con, ai hát ru mình?




NGUYỄN TẤN TUẤN

Buổi sáng vùng cao

Buổi sáng vùng cao
Cái lạnh đầu đông len vào kẻ đá
Những đứa trẻ còng lưng đạp xe
Con dốc đến trường nghiêng ngã vòng quay
Hạt chữ nảy mầm trên tán rừng hòa quyện lối mây
Chào mào ngậm sương tìm tia nắng


Buổi sáng vùng cao
Ngực núi phập phồng làn hơi trắng
Gió lao xao hát lời rừng xanh thầm lặng
Lưng chừng dốc vắng, sơn nữ vớt mây làm khăn choàng địu con
lên rẫy
Khúc khuỷu suối reo, gập ghềnh đá nhảy
Trong veo mắt rừng, chợt ven đường cánh hoa dại nguyên sơ


Buổi sáng vùng cao
Chiếc gùi lên nương còn đẫm cơn mơ
Em gieo hạt yêu thương vào mùa cơm nếp mới
Lũ ong tìm hoa
Cần mẫn dòng mật thơm chắt chiu từ đại ngàn vời vợi
Vành khuyên thánh thót lưng trời!


Buổi sáng vùng cao
Ngỡ ngàng hạt sương rơi
Lưng dốc đẫm mồ hôi, chú bé gùi tương lai vào từng con chữ
Ta gùi đam mê trong lời ru sơn nữ
Ngơ ngác lũ nai rừng
Mai xa bản làng, lời ru nào níu giữ bước đa đoan?




NGÔ THIÊN THU

Nguyễn Du trong cõi Đạm

Chiếc thoa ngọc bích Trà Châu
Gởi cho chàng Nguyễn đêm sầu Thăng Long
Vấn vương khúc Phụng Cầu Hoàng
Trở về bối rối một dòng Hương. Mơ


Đạm Tiên thánh thót âm xưa
Mắt buồn rơi ướt vạn mùa thu bay
Thoa đâm áo não ngón tay
Hồ Cầm nhỏ máu xót cay vô bờ


Giấy hồng nhan hóa thành thơ
Thả vào cõi Đạm mịt mù bóng mây
.



ĐINH NGỌC DIỆP

Đồng dao

Bao nhiêu trăng khuyết
Trên hồ gương đầy


Bao nhiêu ao cạn
Trăng tròn đầu cây
Chết khô lòng đĩa.


Ngày sau ai vớt
Lý Bạch ôm trăng
Bàn tay san hô
Cào lên quả đất




TRỊNH BỬU HOÀI

Bên thềm xuân

Có phải là em. Đóa mai vàng buổi sáng
Làm mặt trời úp mặt ở trong mây
Trên môi em những giọt sương vừa cạn
Má ướt mềm nắng gió cũng cuồng say


Có phải là em. Nụ tầm xuân vừa chín
Giữa đêm đông chỉ đợi phút giao mùa
Hình như cả trần gian nầy bịn rịn
Đón em về rực rỡ tuổi hồng xưa


Có phải là em. Loài cỏ non huyền thoại
Trải hết nhân gian tấm thảm diệu kỳ
Anh như sương rùng mình quấn lại
Trong hồn em lớp lớp kén tình si


Có phải là em. Đóa mai vàng buổi tối
Đêm ba mươi vẫn sáng một chân trời
Cõi lòng anh ngập đầy mầu trăng mới
Đường yêu thương ta đi suốt cuộc đời


(SH311/01-15)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LTS: ...Với gần 30 công trình nghiên cứu, lý luận - phê bình văn chương có giá trị khoa học, GS. Hà Minh Đức đã trải qua một đời lao lực và giảng dạy để sống, yêu, say và viết... Và không chỉ có thế, GS.Hà Minh Đức còn là tác giả của 3 tập bút ký và 4 tập thơ giàu sự sống thật, giàu phẩm chất nhân văn và thi sĩ.Thơ Hà Minh Đức nồng ấm tình đời, tình người; nhưng với tình yêu, ẩn chứa bên trong buồn thương và đơn độc. Nỗi sầu xứ và những hoài niệm ngày xanh qua từng “giọt nghĩ trong đêm” của tác giả đã làm nên những dư âm buồn xa và những thao thức thơ chăng mắc lòng người.Sông Hương xin trân trọng giới thiệu chùm thơ mới của tác giả.

  • Ngọc Tuyết - Ngô Thiên Thu - Tuệ Nguyên - Phạm Trường Thi - Lưu Xông Pha

  • Lâm Thị Mỹ Dạ - Lê Khánh Mai - Thu Nguyệt - Phan Thị Thanh Nhàn  - Song Hảo - Nguyễn Thị Hồng - Trần Thị Trường - Phạm Thị Anh Nga - Thuý Nga - Châu Thu Hà - Phan Dịu Hiền - Dương Bích Hà - Lê Hoàng Anh - Ninh Giang Thu Cúc - Lê Minh Nguyệt - Nguyễn Đăng Chế

  • Sinh tại Ngọc Hà, Ba Đình, Hà NộiHội viên Hội Nhà văn Hà NộiCác tập thơ đã in:                + Gửi con lời ru                + Em đi ngang chiều gió                + Cỏ mặt trờiCác giải thưởng:                + Giải nhất cuộc thi thơ Trung tâm Văn hoá Q 3, TP.HCM                + Giải ba cuộc thi thơ lục bát Tuần báo Văn nghệ

  • Trần Hoàng Phố  - Vũ Thị Khương - Trần Hữu Lục - Lê Tấn Quỳnh - Bùi Đức Vinh - Nguyễn Công Bình - Ngô Cang - Văn Lợi - Hà Huy Hoàng - Nguyễn Ngọc Hạnh

  • Thần Đinh uy nghiêm kiêu dũngThanh tao tạc dáng bên trờiĐế vương ngầm ghen thế núiVung roi phạt BÁT NGHĨA SƠN...

  • Họ và tên đầy đủ: Nguyễn Công Nam - Sinh 1953Bút danh: Công NamQuê: Hùng Tiến - Nam Đàn - Nghệ AnLà hội viên HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HẢI PHÒNGTác phẩm đã xuất bản: - TIẾNG VỌNG ĐÊM MƯA -Thơ (NXB Hải Phòng). - Giải thưởng cuộc thi thơ 2001 - 2003 của TCSH.

  • Trên bầu trời, một vì sao đỏ chóiRót ánh sáng vào tháng ngày hấp hốiMáu sao rơiGiọt lịm lưng thềmCây nến tim tôi bùng cháy...

  • Nguyễn Sĩ Cứ - Võ Thị Hồng Tơ - Hoàng Cầm - Đào Duy Anh - Hoàng Ly Thạch Thảo - Võ Văn Luyến - Phạm Duy Tân

  • Tên khai sinh: Vương Oanh NhiSinh năm 1947 tại Hải Phòng.Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam .Học viên khoá IV Trường viết văn Nguyễn DuTác phẩm chính: + Lối nhỏ (1988)           + Bài mẫu giáo sáng thế(1993)

  • CHÂU NHONăm 1968 tại mặt trận biên giới Việt - Lào, trung đội chúng tôi sau 3 ngày quần nhau với địch, 3 đồng chí hy sinh và trung đội trưởng bị thương nặng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đêm đó trung đội trưởng đã “nói chuyện với người yêu” trong cơn mê sảng. Xúc động trước tình cảm đó, tôi đã chuyển lời của người liệt sĩ thành bài thơ gửi về cho người yêu của anh ở hậu phương là cô Lê Thị Ánh, giáo viên cấp I ở một bản thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An.

  • Hà Duyên - Nguyễn Thụy Kha - Nguyễn Thanh Văn - Nguyễn Văn Quang - Phạm Xuân Dũng - Lê Tuấn Lộc - Hồng Thị Vinh

  • Phạm Tấn Hầu - Lê Ngã Lễ - Lương Ngọc An - Lê Bá Thự - Phạm Thị Anh Nga - Đoàn Mạnh Phương - Trịnh Văn - Nhất Lâm - Hoàng Lê Ân.

  • NGUYỄN VĂN DINHCâu thơ BácThuở chăn đơn Bác đắp trong hangỐc suối, cơm ngô, nõn chuối ngànThơ Người vẫn viết cho ta đọc"Cuộc đời cách mạng thật là sang".

  • Nguyễn Trọng Tạo - Diệp Minh Luyện - Nguyễn Việt Tư - Lê Viết Xuân - Trần Lan Vinh - Mai Văn Phấn

  • Trương Đăng Dung - Văn Công Hùng - Nguyễn Thụy Kha - Văn Công Toàn - Vĩnh Nguyên - Phan Tường Hy

  • Vũ Thị Huyền - Công Nam - Nguyễn Cảnh Tuấn - Đặng Hiển - Trần Đôn - Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Thị Thái

  • LTS: Binh đoàn Hương Giang thành lập ngày 17.4.1974, mang tên dòng sông thơ mộng. Sau khi giải phóng Huế, Binh đoàn tham gia chiến dịch thống nhất Tổ quốc, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975. Sống lại những ngày tháng oai hùng đó, Nguyễn Trọng Bính, một sỹ quan của Binh đoàn đã viết trường ca “Nhật ký dòng sông” năm 2008. Tác phẩm này vừa được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xếp loại xuất sắc trong đợt sơ kết Cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca về đề tài Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân 2006 - 2008. Dưới đây, Sông Hương xin giới thiệu cùng bạn đọc một trong số 11 chương của trường ca này.

  • CAO XUÂN THÁISinh năm: 1948 - Tại Vương quốc Thái LanVề nước năm 1960Quê quán: Hoa Lư - Ninh BìnhHội viên Hội Nhà văn Việt NamPhó Chủ tịch Hội VHNT Hà Giang - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Giang.

  • Nguyễn Đông Nhật - Chử Văn Long - Lê Hoàng Anh - Trịnh Lữ - Đào Trung Việt - Nguyễn Trần Thái - Nguyễn Thị Anh Đào - Nguyễn Loan - Nguyễn Văn Quang