Thơ Sông Hương 08-16

08:53 31/08/2016


Nguyễn An - Thạch Quỳ - Mạc Mạc - Phạm Bá Thịnh - Nguyễn Hoàng Thọ - Nhất Lâm

Ảnh: internet (Minh họa: Nhím)

NGUYỄN AN

Tiếng chim

Thức dậy trước bình minh
Đàn chim luyện giọng bằng những giọt sương tinh khiết.
Bật tia nắng thức tỉnh mặt trời.


Trong những vòm cây, trên vạt cỏ
và giữa những nóc nhà rêu phong đổ vỡ
rộn rã tiếng chim!


Có phải bản hùng ca ngày mới
trước hành trình gió bụi nắng mưa...
và cả những bẫy dính, mũi tên, họng súng...
trước khi bay xuyên tỏa phương trời?


Tôi nghiêng mình trước những cánh chim ngậm mồi về tổ.
Tôi cũng nghiêng mình trước những cánh chim không thể trở về!


Rồi cũng đến lúc đàn chim xen cánh nhau chia lời từ biệt.
Kéo tấm chăn màu xám, ru ngủ mặt trời.


Chỉ còn lại những ngôi sao thao thức.
Bầu trời đêm
ủ nắng
đợi bình minh.




THẠCH QUỲ

Cơn bão ngoài xa

Ngủ đi! Ngủ đi hai mắt
Đêm đang rầm rì
Cơn bão ngoài xa


Chiến tranh qua lâu rồi
Cây xanh bên đường
Hoa nở bên hiên


Ngủ đi! Ngủ đi!
Mỗi người một số phận
Cái nhớ thì đã nhớ
Cái quên thì đã quên…


Đêm nay
Cơn bão ngoài xa
Tiếp tục rì rầm trong đêm
Tiếp tục nhức nhối trong cơ bắp
Nơi mảnh đạn còn găm trong thịt da


Ngủ đi! Ngủ đi!
Cắn chặt vành môi chịu đựng cơn đau
Những người thương binh
Không ngủ
Tiếp tục thôi, mình tự dặn mình…


Đêm bình yên, người người đã ngủ
Cơn bão ngoài xa tiếp tục rì rầm
Nửa thế kỷ đi qua
Những mảnh đạn tiếp tục cắn xé
Như cơn bão trong đêm tiếp tục quay cuồng trong thân thể các anh…




MẠC MẠC

Mận gai xanh

Trên luống cày đã cũ
Con chuồn chuồn vắt lại lời yêu
Câu thơ thêu trên sợi chỉ
Có một ngày chỉ lợt màu… em sẽ đứt
giống như tôi


Trên trời mọc thêm vì sao Đôi
Mọc từ khi bông hồng vàng vườn tôi
bị trộm mất
Mọc từ khi hai con mắt hoắm khô
dòng sự thật
Bao đường băng chính phụ song hành


Trên trời mọc thêm bụi mận gai xanh
Giọng hót hồi sinh khi tôi lao mình vào đó
Chuồn chuồn sao hiểu được chiếc gai
nơi vòm ngực đỏ
Ôi! Kiếp côn trùng đêm mê
trong mình có máu
ước một lần lên màu cho bức tranh yêu




PHẠM BÁ THỊNH

Đò sông Hương

Thương con đò
Ngày mở cõi
Chở điệu buồn
Câu hát Lý Hoài Nam.


Nhớ con đò
Cuối năm làng cổ
Chở sắc Xuân về

Lấp lóa đáy sông xanh.

Yêu con đò
Sớm chiều sang lớp
Em qua về
Thừa Phủ trắng lòng sông


Con đò về mô
Tóc dài ngơ ngác
Chấp chới bờ
Nón lá giận nghiêng xô


Con đò về mô
Nhớ hoài rời rã
Sông Hương buồn
Lặng lẽ bóng mây xa...




NGUYỄN HOÀNG THỌ

Tiễn em
          Gửi theo H….

Thế là
gió đẩy cuộc hành trình về phía khác
yến tiệc trần gian khép lại buổi chiều tàn
số phận vẽ lại chân dung
em vẫy tay chào hữu hạn


Em bắt đầu cuộc viễn du mới
không hát cuồng ca vỗ mặt đời
không mang theo hành trang
kể cả xác thân phù phiếm


Nơi em đến
không có mưa mai, nắng chiều, lửa và nước…
không có họa, cần chi mơ cõi phúc
nghe hư vô thánh thiện đến vô cùng


Người tiễn em quay về chốn tạm
gửi theo gió tiếng chim chiều biền biệt
gửi ngàn mây năm tháng phù du
gửi theo NGƯỜI giọt nước mắt thiên thu


Em đi
ta làm thân cô lẻ
gió bên này
buốt lạnh phía bên kia




NHẤT LÂM

Mộ cá

Dân biển đi chôn cá
Trên cát trắng mênh mang
Nỗi buồn biển gặp nạn
Nước mắt đau cát làng


Nào cá mẹ cá con
Cá ông cùng cá cháu
Cá vợ chết cá chồng
Chung mộ cát trắng lòng


Biển đời đau cùng tận
Làng ơi buồn mênh mông
Dân ngồi nhìn lưới cụ
Tàu nằm nhớ biển đông


Có cụ già trước biển
Nước mắt rơi trong chiều
Râu tóc nhuốm vị mặn
Sóng vỗ bờ hoang liêu

            Cửa Việt, 5/2016


(TCSH330/08-2016)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • HOÀNG NGỌC QUÝ


  • NGÔ ĐÌNH HẢI

  • Đinh Thu - Nguyễn Văn Thanh - P.n.thường Đoan - Trần Nhuận Minh - Trọng Hướng - Lâm Anh - Đoàn Mạnh Phương - Đỗ Hàn - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Loan - Triệu Nguyên Phong - Kiều Trung Phương - Nguyễn Thiền Nghi - Hồ Đắc Thiếu Anh - Vạn Lộc - Nguyễn Đạt - Trường Thắng - Lê Nguyễn - Trịnh Bửu Hoài

  • LTS: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 có ý nghĩa lớn là làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến.

  • Nguyễn Tùng Linh - Lê Thị Mây - Phạm Sông Hồng - Y Phương  - Thuận Vi - Nguyễn Khắc Thạch - Đặng Thị Vân Khanh


  • NGUYỄN THỤY KHA

  • Hoàng Anh Tuấn - Ngọc Tuyết - Nguyễn Thánh Ngã - Khaly Chàm - Mai Văn Hoan - Võ Văn Luyến - Vũ Kim Liên - Lê Vy Thủy

  • LGT: Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap - làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc… Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm. Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.


  • NGUYỄN MINH KHIÊM

  • Vĩnh Nguyên - Phan Hoàng - Lê Hưng Tiến - Miên Di - Phan Thành Minh - Viên Chính - Kinh Thượng - Trần Thị Phương Lài - Văn Nhân

  • Nguyễn Tất Hanh, sinh ngày 17/2/1954; Quê quán: Thủy Đường, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Với anh “Nghệ thuật là khó khăn, đòi hỏi người sáng tạo phải tốn nhiều công sức. Nó không phải cuộc dạo chơi mà là sự kiếm tìm, có thể hôm nay bội thu ngày mai lại mất mùa nhưng với tôi - sự hướng tới cái đẹp thì không bao giờ ngừng”.


  • NGUYỄN NGỌC PHÚ


  • NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

  • Nguyễn Văn Thanh - Nhất Lâm - Nguyễn Thường Kham - Phan Văn Chương - Chu Lê - Trần Vạn Giã - Nguyễn Hoàng Thu - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Tất Độ - Lưu Xông Pha