Thơ Sông Hương 06-16

08:50 30/06/2016

Phạm Ánh - Nguyễn Văn Thanh - Trần Thị Tường Vy - Trần Nhuận Minh - Nguyễn Văn Quang - Phan Lệ Dung - Trần Tịnh Yên - Phan Hoàng

PHẠM ÁNH

Mẹ Cát Hanh

Sông La Tinh như chiếc khăn nhỏ buông mềm
Vắt bên vai mẹ Cát Hanh ruột thịt
Tôi là con lớn lên từ đất
Hạt gạo lát mì… như dòng sữa thời gian


Thương mẹ một thời khói lửa chiến tranh
Đạn xới bom cày thân đầy thương tích
Hăm mấy năm qua liền da thắm thịt
Mẹ lặng thầm thay áo mới soi gương


Dừa Phù Ly như cái phểu siêng năng
Lọc chua chát dâng cho đời vị ngọt
Đội nắng đội sương vươn minh bám đất
Theo dấu chân trâu bóng mát ra đồng


Lúa Khánh Lộc trở mình thơm hương mới
Lối đi về thẳng cánh chim câu
Mương chở nước mỗi ngày đưa tiễn nắng
Tiếng nhạc chiều bên xóm vọng xa ngân


Cát Hòa Hội bóng đào che bớt nắng
Đi chợ về em bớt ngại khúc đường quanh
Gió nghỉ mệt gió dừng trên đọt mía
Tiếng chim gù hòa tấu tiếng xe qua


Mẹ có tuổi mẹ già theo tuổi tác
Đã bao đời nắng xối mưa chang
Con lam lũ cày mưa cuốc nắng
Đất nặng tình người nên đất hóa mẹ tôi.




NGUYỄN VĂN THANH

Thăm chùa Chân Tiên

Bay về đâu các nàng tiên nữ?
Người về đâu để lại chùa Tiên
(1)
Gót ngọc vẫn còn in trên đá
Ngựa Người đi dấu mãi lưu truyền


Suối xưa vẫn nguyên dòng suối Ngọc
Giếng Tiên xưa chẳng cạn bao giờ
Thạch Kim Quy lặng yên chờ đợi
Dưới Bầu Tiên ai xuống chơi cờ


Thông vẫn reo như ngàn năm cũ
Lá mãi xanh rời rợi trưa hè
Vơi cõi tục thơm hương cửa Phật
Gột sạch lòng xa lánh bến mê


Bay về đâu các nàng Tiên nữ?
Chùa Chân Tiên vẫn mãi còn đây
Thông vẫn reo như ngàn năm cũ
Cao vút tầng không mây trắng bay


--------------
(1) Chùa Chân Tiên nằm trên đỉnh Am Tiên xã Thịnh lộc - Lộc Hà -Hà Tĩnh.




TRẦN THỊ TƯỜNG VY

Có một sự nhởn nhơ

Bóng tối đương nhởn nhơ chung quanh chúng mình
Bóng tối của bạo hành và cái ác
Tôi mở mắt thật lớn
tìm ánh sáng trong tối đen
thắp ngọn lửa hồng thương yêu bằng trái tim mình
tặng cho con cháu và mọi người quanh tôi
những dấu hiệu của tin yêu và hi vọng
chẳng phải đâu
đây là đạo đức như người ta thường bảo
ở đây toàn cỏ xanh
ở đây toàn trái ngọt
vẫn là những thứ quen thuộc
của mỗi chúng ta hằng ngày vẫn hít thở
vô ý để quên cho qua không chú ý
quả thật bóng tối đương nhảy múa nhởn nhơ
chung quanh đời sống chúng mình.




TRẦN NHUẬN MINH

Bỗng thấy…

Một sáng, bỗng thấy mình thừa ra ở thế gian này
Người lửng lơ như trôi trong mây
Xung quanh nhàn nhạt màu vô cảm
Không thấy cái gì dở, chẳng thấy cái gì hay…

Một chiều, bỗng thấy cõi đời này như thực lại như hư
Gió vào lòng mình rồi ra như qua gian nhà trống
À ra đây là tiền, kia là cái xe con, còn đó là chiếc cổng
Biệt thự với túp lều gianh, phân biệt để làm gì…

Một đêm, bỗng thấy mình thực là vô tích sự
Lúc nào cũng lo nghĩ về văn chương, liệu có cần cho ai
Tất cả đã lập trình trong máy tính
Mình chỉ mỉm cười, bắt tay… vu vơ ở bên ngoài…




NGUYỄN VĂN QUANG

Em giấu tên mình vào nỗi đau

Em giấu tên em bởi em là Tích An
Em giấu sau lưng nụ cười, nỗi đau của chiếc răng
Em giấu làn tóc mây bồng bềnh, sau hoang hoải sáng
Em giấu chiều thu cho nỗi úa vàng
Em giấu mùa đông qua những ngày xuân...
Em giấu nỗi đau rồi bảo chia tay anh buổi đông tàn
Em giấu tình anh qua năm tháng vì anh lận đận
Em giấu nước mắt năm canh khóc vì anh
Em giấu thiên hạ mượn bờ vai ảo ảnh
Em giấu tình anh.... ai thấu nỗi lòng trời xanh?


Em giấu nước mắt sau lưng nụ cười mỹ mãn
Em giấu rồi... lại xé tình anh trong chiếc khăn tang
Em giấu trong em thiếu phụ lỡ làng
Em giấu trong lòng quanh năm cô quạnh
Em giấu đời em nước mắt chảy ngược trong lòng sông vắng...


Nếu một ngày hết đường bay thì xin em cứ về ngôi nhà ấm
chìa khóa anh vẫn để trên bàn…

                     Huế, đêm 9/3/2016



PHAN LỆ DUNG

Nắng vàng về đâu

cây nghiêng ngả
phố liêu xiêu
anh ở đâu chiều xế bóng
đàn chim cúi mặt bay về núi
để rơi tiếng kêu buồn như mước mặt hồ


nắng vàng về đâu?
ngày cô độc
con gà nâu bé nhỏ
rải bước chân mệt nhoài
mơ mùa mưa tới nhẹ nhàng
châu chấu bỏ phố về làng đêm qua
bụi phấn còn bay giữa trời lơ lửng
chiều ngắn lại
câu thề đã bay
biết rằng mai sẽ mất


hình bóng mơ mòng ngày ấy
tiếng còi tàu hun hủi đuổi theo
gió thu qua ngần ngại
người đàn ông bay bay sợi tóc
thuở nắng về bên sông


có lẽ tôi đang mơ.



TRẦN TỊNH YÊN

Nhà ven sông

Giữ giùm em
một chỗ về trong mùa đông
Giữa ẩm mốc kỳ diệu
của những lá sớm mai rộn rã ven đường
có tiếng gọi ẩn mật của chiếc bóng đang vỡ canh
trên cánh đồng thủy tinh
và gió ngọc lan lênh đênh trong hồn quán xá
tan ra
những ngôi nhà ven sông
đang hát ru khung cửa
từ một mùa hư vô


Tháo rời giấc mơ ra khỏi ký ức
Tạm biệt vũng lầy
và hoa rụng về đêm
Con cá mù đứng buồn trong xác nước
chờ câu kinh đẩy cửa bước ra
trên môi sớm mai
Bên kia lập đông
những mầm sương phiêu bạt
cùng bầy gió chiều
dắt nhau về đưa tang cơn mưa
Từ một phiên rạ cũ
Lũ chuột khuya lặng lẽ tẩy trần
nghe tiếng rắn gọi tình
về khóc trên cỏ gai...




PHAN HOÀNG

Tắm biển cực Đông

Biển như tấm lụa vĩ đại
mềm mại xanh theo từng nhịp sáng hoàng hôn
bàn tay kỳ diệu mẹ Tổ quốc dệt ở cực Đông
đón những cánh chim nặng trĩu ước mơ đất liền
vể khỏa lòng tắm gội trên sóng


Đàn chim lãng mạn chao liệng hát ca
bơi trong nụ cười tinh khôi người lính đảo
bơi trong tia chớp kỳ bí hoa bàng vuông
bơi trong màu xanh hiên ngang cây phong ba
bơi trong hơi thở sinh tồn ngọn hải đăng
bơi trong tình yêu cội nguồn lẫm liệt


Chở che đàn chim lãng mạn đất liền
tấm lụa biển khổng lồ
ấm nóng vòng tay rắn rỏi mẹ hiền
như chưa hề ôm trong lòng mình
muôn vàn cuồng phong bão tố.




(TCSH328/06-2016)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • HOÀNG NGỌC QUÝ


  • NGÔ ĐÌNH HẢI

  • Đinh Thu - Nguyễn Văn Thanh - P.n.thường Đoan - Trần Nhuận Minh - Trọng Hướng - Lâm Anh - Đoàn Mạnh Phương - Đỗ Hàn - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Loan - Triệu Nguyên Phong - Kiều Trung Phương - Nguyễn Thiền Nghi - Hồ Đắc Thiếu Anh - Vạn Lộc - Nguyễn Đạt - Trường Thắng - Lê Nguyễn - Trịnh Bửu Hoài

  • LTS: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 có ý nghĩa lớn là làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến.

  • Nguyễn Tùng Linh - Lê Thị Mây - Phạm Sông Hồng - Y Phương  - Thuận Vi - Nguyễn Khắc Thạch - Đặng Thị Vân Khanh


  • NGUYỄN THỤY KHA

  • Hoàng Anh Tuấn - Ngọc Tuyết - Nguyễn Thánh Ngã - Khaly Chàm - Mai Văn Hoan - Võ Văn Luyến - Vũ Kim Liên - Lê Vy Thủy

  • LGT: Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap - làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc… Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm. Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.


  • NGUYỄN MINH KHIÊM

  • Vĩnh Nguyên - Phan Hoàng - Lê Hưng Tiến - Miên Di - Phan Thành Minh - Viên Chính - Kinh Thượng - Trần Thị Phương Lài - Văn Nhân

  • Nguyễn Tất Hanh, sinh ngày 17/2/1954; Quê quán: Thủy Đường, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Với anh “Nghệ thuật là khó khăn, đòi hỏi người sáng tạo phải tốn nhiều công sức. Nó không phải cuộc dạo chơi mà là sự kiếm tìm, có thể hôm nay bội thu ngày mai lại mất mùa nhưng với tôi - sự hướng tới cái đẹp thì không bao giờ ngừng”.


  • NGUYỄN NGỌC PHÚ


  • NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

  • Nguyễn Văn Thanh - Nhất Lâm - Nguyễn Thường Kham - Phan Văn Chương - Chu Lê - Trần Vạn Giã - Nguyễn Hoàng Thu - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Tất Độ - Lưu Xông Pha