Thơ Sông Hương 05-2009

17:08 15/06/2009
Ngọc Tuyết - Ngô Thiên Thu - Tuệ Nguyên - Phạm Trường Thi - Lưu Xông Pha









NGỌC TUYẾT

Tôi thổi tôi qua tôi...

tôi thổi tôi qua phố
chút ngậm ngùi nắng rơi
gió - mây - trời buông lơi
áo choàng vừa khoác lỡ

tôi thổi tôi qua đồi
tiếng dương cầm bỏ dở
chiều ru chân bỡ ngỡ
buồn quá Đà Lạt ơi!

tôi thổi tôi qua gió
gió xác xơ ưu phiền
gõ vào xe thổ mộ
hoa quỳ vàng ngả nghiêng

tôi thổi tôi qua nắng
nắng đa tình - hay quên
bụm ngày không xa vắng
đổ vào thung lũng riêng

tôi thổi tôi qua mưa
mưa ngân xa kinh nguyện
mưa yêu thương chết điếng
trong hầm mộ núi xưa

tôi thổi tôi qua sương
những mặt đường như khói
ngấm vào nhau đau nhói
phố núi nhòa yêu thương

Tôi thổi tôi qua tôi...


NGÔ THIÊN THU

Tôi và cơn giông bão

I.
Tôi lặng nhìn cơn bão
trong tiếng gió rít
em đến lạnh một đoá môi hồng
cúi xuống hôn tôi. Nụ hôn hoá kiếp đêm đen
tôi bật khóc
làm cháy ngọn đèn khuya.
II.
Tôi hét to giữa cánh đồng sấm sét
giữa bao la  thăm thẳm
khản giọng gọi tên em
tuyệt vọng.
III.
Thế là từ đây lỡ cuộc trầu cau
Cánh cò bay vút khung trời đau
tôi thầm đếm những dòng mưa đắng
rười rượi nỗi lòng xin trao nhau
bão giông.
                                    15.10.2006


TUỆ NGUYÊN

Con đường và, tôi: kẻ đi

Trên con đường tôi đi và trang điểm
trò ngụy trang đánh lừa cả cuộc diễn cuộc chơi và cuộc đời mình
đối mặt với từng hành trang cần thiết
tôi trở nên uể oải

Nỗi xao xuyến về thân phận mọc lên tựa nấm mồ
óc não thè lưỡi liếm quả tim hấp hối
tôi bị chứa đựng trong vỏ bọc lề lối và trở nên nghẹt thở
dù là vậy tôi vẫn tiếp trò đào xới xếp đặt

Một hi vọng trong cuộc hành trình
trật tự và yên bình
loài người tự vẽ ảo tưởng tự do trên nghĩa trang đời mình

cuối con đường

Từ gốc gác cho đến phận mình
tôi thấy mọi người đều sống cho đến chết
cơ thể tôi run rẩy
hơi thở phập phồng lạc nhịp trú tôi vào vũng tối

tôi lắng nghe tiếng gọi thống thiết của muôn vàn hệ lụy

ở khúc rẽ ngoặt trong tôi bốc cháy

                       
Sài Gòn, 6 - 2008


PHẠM TRƯỜNG THI

Ở Huế nhớ Nguyễn Bính

Xưa nơi này ông đến
Còn bây giờ là tôi
Thèm mưa, mưa chẳng thấy
Rừng rực nắng đỏ trời.

Thì ra Huế cũng rộng
Cuốc bộ toát mồ hôi
Đêm tìm về quán trọ
Nhớ ông lòng khôn nguôi.

Đầu thềm cũ ngày mưa
Nôn nao đàn kiến đói
Xóm Ngự Viên chỗ nào
Có ai quen mà hỏi?

Kinh thành mờ sương khói
Em thấp thoáng qua cầu
Gió lật thân áo mỏng
Mỹ nhân ơi về đâu?

Phải em người năm ấy
Bóng in cốc rượu sầu
Để thi nhân uống cạn
Say nghiêng ngả vì nhau

Đã mang thân lữ khách
Nào ai giữ được lâu
Câu thơ tình gửi lại
Cho đời nay, đời sau.


LƯU XÔNG PHA

Bài thơ đi lạc

Thời gian nói
Khoảnh khắc có khi thành vĩnh cửu
Ngàn năm lắm lúc phù du
Nếu không tự đốt cháy

Cảm xúc phụ đề
Cô đơn núi quạnh hiu rừng lênh loang sông dài biển rộng
Chỉ là tổng thể liêu xiêu
Tồn tại nhờ bản sắc

Một chuyến đi
Xác nhận điều thường trú trong tâm thức
Thực tế rêu
Giao hưởng đền đài
Bước vô vọng hôm nay thất thểu tìm người thuở trước

Có gã bồng bềnh phương nam
Dốc ngược đầu trên cổ tích
Chở đồng xanh qua cầu
Bội thu mùa rêu ngọc

Học cách mây xuống dòng tắm mát
Lại thênh thang tới cõi vô cùng
Cuộc sống tuôn trào từ trái tim khao khát
Khoảnh khắc cháy bùng rạng rỡ trăm năm
                                   
Huế 28-3-2008

(243/05-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • HOÀNG NGỌC QUÝ


  • NGÔ ĐÌNH HẢI

  • Đinh Thu - Nguyễn Văn Thanh - P.n.thường Đoan - Trần Nhuận Minh - Trọng Hướng - Lâm Anh - Đoàn Mạnh Phương - Đỗ Hàn - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Loan - Triệu Nguyên Phong - Kiều Trung Phương - Nguyễn Thiền Nghi - Hồ Đắc Thiếu Anh - Vạn Lộc - Nguyễn Đạt - Trường Thắng - Lê Nguyễn - Trịnh Bửu Hoài

  • LTS: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 có ý nghĩa lớn là làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến.

  • Nguyễn Tùng Linh - Lê Thị Mây - Phạm Sông Hồng - Y Phương  - Thuận Vi - Nguyễn Khắc Thạch - Đặng Thị Vân Khanh


  • NGUYỄN THỤY KHA

  • Hoàng Anh Tuấn - Ngọc Tuyết - Nguyễn Thánh Ngã - Khaly Chàm - Mai Văn Hoan - Võ Văn Luyến - Vũ Kim Liên - Lê Vy Thủy

  • LGT: Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap - làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc… Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm. Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.


  • NGUYỄN MINH KHIÊM

  • Vĩnh Nguyên - Phan Hoàng - Lê Hưng Tiến - Miên Di - Phan Thành Minh - Viên Chính - Kinh Thượng - Trần Thị Phương Lài - Văn Nhân

  • Nguyễn Tất Hanh, sinh ngày 17/2/1954; Quê quán: Thủy Đường, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Với anh “Nghệ thuật là khó khăn, đòi hỏi người sáng tạo phải tốn nhiều công sức. Nó không phải cuộc dạo chơi mà là sự kiếm tìm, có thể hôm nay bội thu ngày mai lại mất mùa nhưng với tôi - sự hướng tới cái đẹp thì không bao giờ ngừng”.


  • NGUYỄN NGỌC PHÚ


  • NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN