Sức sáng tạo mới, tầm vóc mới từ tặng thưởng tác phẩm, công trình VHNT xuất sắc năm 2010

09:41 27/01/2011
HỒ THẾ HÀHằng năm, sự kiện hân hoan và sôi động nhất của văn nghệ sĩ Huế là kết quả thẩm định và xét tặng thưởng công trình, tác phẩm VHNT xuất sắc của Liên hiệp Hội.

Thầy Hồ Thế Hà - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Đó là niềm vui sau bao lặng thầm, bền bỉ và hy vọng của những chủ thể sáng tạo không bao giờ biết mệt mỏi để thăng hoa thành những giá trị bất ngờ trong từng khoảnh khắc bừng ngộ của trực giác, của lý trí và tình cảm mà chỉ có nghệ thuật mới lưu giữ và thành chứng chỉ nghệ thuật không chỉ cho chính mình mà cao hơn là cho đất nước, cho Huế và cho nhân dân - chủ thể tiếp nhận nghệ thuật đang mong chờ và đón đợi.
 
Năm 2010, Hội đồng nghệ thuật đã bình chọn được 17 tác phẩm, công trình trên cơ sở kết quả bình chọn của tám Hội Chuyên ngành gồm Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian và Hội Nhiếp ảnh để trao tặng thưởng chính thức. Nhìn qua chất lượng và sự đa dạng của các thể loại, thể tài từ các công trình, tác phẩm đạt giải năm nay, chúng ta vui mừng nhận thấy rằng các văn nghệ sĩ tỉnh TT Huế đã có bước tổng hợp và khẳng định mới về chủ đề, đề tài và có sự tích hợp mới về tư duy nghệ thuật để thể hiện thành thế giới ngôn từ, hình tượng đặc trưng riêng do từng loại hình nghệ thuật qui định. Mười bốn tác phẩm đều tập trung thể hiện các bình diện đa dạng, phong phú của con người và hiện thực cả nước, trong đó, có Thừa Thiên Huế với cái nhìn nhân văn, triết lý sâu sắc, lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề nhân sinh trước mắt và có tính hằng cửu của cuộc sống và con người. Ở đây, vai trò và ý thức sáng tạo của từng chủ thể trong mối quan hệ với khách thể thẩm mỹ được cảm nhận và tư duy theo ý đồ riêng để thể hiện thành chỉnh thể nghệ thuật độc đáo, có cá tính và phong cách đặc sắc, làm cho quá khứ, hiện tại và tương lai có sự hội ngộ kỳ diệu từ những điểm nhấn và tâm thức của con người hiện đại. Điều đó chứng tỏ rằng VHNT Huế đã tiếp cận được tầm khám phá mới trong ý thức sáng tạo của từng văn nghệ sĩ.

Hội Âm nhạc năm nay có 2 tác phẩm đạt giải, đó là Hồn quê của Trương Pháp, thơ Nguyễn Đức Đát và Ông trời bật lửa của Văn Đình, thơ Đỗ Xuân Thanh. Cả hai ca khúc đều có phong cách riêng trong thể hiện ca từ và ngôn ngữ âm thanh. Tác phẩm của Trương Đạt theo thể loại rock tươi vui, thể hiện được vẻ đẹp của đồng quê ngày mùa lúa chín. Tưởng như đâu đây hương thơm, màu sắc và âm thanh cùng nhau tương hợp cùng những cánh cò trắng xóa trong ca dao, cổ tích hiện về hóa giải niềm vui hiện tại. Còn tác phẩm của Văn Đình với giai điệu tươi vui, nhí nhảnh cũng đã trữ tình hóa hiện thực thiên nhiên trước nỗi khát khao của đất qua cơn mưa mát lành, làm mọi vật và con người đều ngơ ngác, bừng thức. Một sự sống tươi vui lại bắt đầu từ phép màu của ông trời bật lửa.

 Hội Nghệ sĩ sân khấu năm nay góp mặt vào giải thưởng 4 Huy chương vàng với vẻ đẹp thanh sắc đặc biệt của nghệ sĩ Hồ Văn Long với vai diễn Trần Cao Vân và NSƯT Bạch Hạc với vai diễn bà Trần trong vở tuồng Chí sĩ Trần Cao Vân. Đây là vở tuồng hát bội theo phong cách Huế được dàn dựng công phu, kịch bản của Lê Duy Hạnh, đạo diễn Trương Tấn Hải, đạt Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật sân khấu Tuồng - Dân ca - Kịch chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng năm 2010. Có thể nói, với kinh nghiệm và khả năng ca diễn của mình, hai nghệ sĩ đã thể hiện rất thành công tính cách và hành động của các nhân vật, giúp người xem liên tưởng và nhận thức những vấn đề thuộc về nhân tình, thế thái và lịch sử, đặc biệt là nhân vật bi tráng Trần Cao Vân - người chí sĩ yêu nước có số phận thăng trầm, có nỗi niềm bi hận và có tâm hồn sáng trong như ngọc nhưng phải chịu nhiều hệ lụy, để trở thành nỗi nhức nhối không nguôi cho con người hậu thế.

NSƯT Kim Oanh xuất sắc với vai Hoàng Thị Loan trong vở ca kịch Huế Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ, kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Ngọc Bình. Đây là vở ca kịch gây tiếng vang sâu đậm nhất từ trước đến nay của Đoàn ca kịch Huế liên tục đạt 25 giải thưởng khác nhau trong năm 2010, trong đó, có Giải đặc biệt xuất sắc được tặng Huy chương vàng cũng tại Hội diễn nghệ thuật sân khấu Tuồng - Dân ca - Kịch chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng năm 2010. Sự phối hợp nghệ thuật đến độ chỉnh thể và tính chuyên nghiệp cao của đạo diễn và toàn thể diễn viên đã làm cho tác phẩm có tính tổng hợp nghệ thuật kỳ diệu của loại hình sân khấu ca kịch Huế, làm hiện lên chân dung một con người tuyệt đẹp Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quan hệ với lịch sử và nhân dân, với những người thân ruột thịt mà ở đó hình tượng nhân vật Hoàng Thị Loan - mẹ của Hồ Chí Minh, qua vai diễn của NSƯT Kim Oanh đã làm cho khán giả bồi hồi, xúc động.

Đặc biệt, năm nay Hội Nghệ sĩ sân khấu có sự góp mặt của nghệ sĩ Kim Vàng, một nghệ sĩ có giọng ca vàng, đóng góp nhiều tài năng và công sức cho nền ca kịch Huế để bây giờ chị đóng góp thành tựu mới bằng hai tác phẩm ca kịch Huế thu âm Khát vọng hòa bình Tuổi hồng. Hai tác phẩm đã thực sự đóng góp, lưu giữ hồn Huế, nghệ thuật Huế qua các làn điệu dân ca đặc sắc, đặc biệt là tác phẩm Khát vọng hòa bình với nội dung xúc động kể về hành trình đi tìm mộ đồng đội trên những nẻo đường mà cuộc chiến đã đi qua. Cả 4 diễn viên nói trên đều rất xứng đáng nhận Huy chương vàng vì tài nghệ xuất sắc của mình.

Năm nay, cũng lại Triều Nguyên - nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian tên tuổi liên tục đạt giải ở Trung ương và địa phương. Tặng thưởng lần này của anh là công trình chuyên khảo Tìm hiểu về câu đố người Việt. Qua chuyên luận này, Triều Nguyên đã thực sự là một nhà nghiên cứu tên tuổi trong cả nước. Với gần 500 trang sách, công trình được triển khai bài bản, khoa học qua các chương mục hợp lý, làm tỏ lộ nhãn quan khoa học và thao tác tư duy của tác giả. Các phương pháp được vận dụng để nghiên cứu là tối ưu, cách tiếp cận vấn để theo tầm đón nhận và đón đợi hiện nay của mỹ học tiếp nhận hiện đại. Phải nói, qua công trình, một lần nữa giúp chúng ta khẳng định thêm tài năng và tâm huyết của một người con của Huế suốt đời tự mang lấy nghiệp vào thân và sống chết vì nó.

Hội Mỹ thuật lần này với 2 tác phẩm giá trị vào giải. Đó là Lộ của Nguyễn Văn Hè và Con trai của Lê Việt Trung. Tranh lụa Con trai thể hiện sự bình yên tuổi thơ đang say giấc ngủ trong nôi với màu xanh của chăn nệm bao quanh như vương quốc của ước mơ và khát vọng tương lai. Một thế giới của hạnh phúc và hy vọng, không có hận thù và tội lỗi. Bằng ngôn ngữ hội họa, gam màu và đường nét phối hợp một cách nghệ thuật đã làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bức tranh, chứng tỏ Lê Việt Trung đã đi từ trực quan cấp một để ẩn dụ một thông điệp cấp hai của nghệ thuật hội họa. Còn Lộ - chùm 3 bức bằng chất liệu sơn dầu của Nguyễn Văn Hè thì khó nắm bắt tứ hơn, bởi vì lộ nên người đọc tranh phải ẩn núp để tìm cái bí mật bên sau. Ba thiếu nữ là một, là phiên bản tam trùng của vẻ đẹp và sức sống vĩnh cửu người mà hai trạng thái kín và hở đã tôn vẻ đẹp thiếu nữ lên thành nghệ thuật. Sự quyến rũ của hình thể và sự kín đáo lơ lửng của những bộ phận nữ tính đã làm cho thiên nhiên dường như cũng tương hợp trước thiên tính nữ vĩnh hằng. Phải chăng tình yêu và sự sống nào cũng từ máu của con tim dâng hiến? Ở đây, tôi muốn cảm nhận chủ quan về vẻ đẹp khác nữa của bức tranh - vẻ đẹp ảo giác, thể hiện sự dằn vặt nội tâm qua hình ảnh trái tim và máu đỏ, còn thân thể cũng chỉ là hình thức che chở mà thôi. Như vậy, ở đây lộ cái gì? Theo tôi, lộ trái tim đang dằn vặt trong sự đối lập hiện lên trên gương mặt thiếu nữ nỗi đau và niềm vui. Ảo và thật nằm ngay trong nhan sắc và thân thể. Lộ trong gương cũng là hành vi tự nhận thức, tự yêu và tự biết mình trước sự hiện sinh của chính mình. Tính triết lý của bức tranh đã thực sự hiển minh bằng cách đọc chủ quan của tôi như thế.

Năm nay, Hội Nhiếp ảnh được bình chọn 3 tác phẩm có giá trị. Phạm Bá Thịnh với tác phẩm ảnh màu Gập ghềnh đường đua - tác phẩm nằm trong bộ tranh Huy chương vàng Việt xuất bản năm 2010 dự triển lãm quốc tế Fiap tại Hà Nội tháng 7 - 2010. Ý nghĩa của tác phẩm là ở chỗ đường đua nào cũng phẳng, nhưng người đua thì lúc nào cũng nhấp nhô, gập ghềnh theo luân phiên nhịp bước. Ở đây, người đua là những người khuyết tật, thì những bước chân lại càng gập ghềnh. Chính điều đó đã tạo ra độ dồn nén, năng động - phản chiếu qua ánh sáng một chân nạng và một chân thật, tạo thành vết tích trên mặt đường, nó như những chứng tích thời gian trong mỗi khoảnh khắc, dù chúng ta không nhìn rõ gương mặt vui buồn của người đua.

Hồ Ngọc Sơn với tác phẩm Đánh bắt cá - Huy chương vàng Hoàng gia Anh. Đây là huy chương vàng lần đầu tiên Việt Nam đạt được. Khung cảnh quen thuộc đối với mọi ngư dân, nhưng tác giả đã biết nắm bắt trong khoảnh khắc thời gian và không gian bừng thức của trực giác nhiếp ảnh để bấm máy. Trục tọa độ cần thiết qua điểm nhìn và góc nhìn tối ưu đã làm cho buổi chiều dường như ngưng lặng trong niềm vui của hai ngư phủ đang tung vó lực lưỡng. Ánh sáng phản chiếu thành những vệt đậm nhạt như bức tranh thủy mạc đã hóa giải không gian, làm cho không gian trở nên ấm áp, tin yêu, còn những tia sáng phản chiếu dưới mặt nước dòng sông như những tia kim cương lung linh tận đáy.

Còn với Tuổi thơ 2 của Ngô Thanh Minh - một tác giả trẻ vừa được kết nạp thành Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam liền nhận được giải nhất do hãng Sony Tổ chức và được thế giới chọn 1 trong 2 người đi dự world cup Nam Phi do nghệ thuật độc đáo của bức ảnh này. Chủ đề của bức tranh là cảnh mênh mang đầm phá, những tấm lưới và bờ cỏ mỏng manh chung quanh, ở đó, các em trẻ con vạn chài hồn nhiên nô đùa, dõi nhìn vào quả bóng vàng bay trên không trung với những ước mơ bay bổng, diệu kỳ. Một bầu trời cũng mênh mông, không phân chia, xa cách, nó như không gian để tuổi thơ nối vòng tay ước mơ cho màu xanh và khát vọng hòa bình. Nò, sáo với màu sắc hài hòa càng làm tôn lên niềm vui và nụ cười thiên thần tuổi nhỏ. Giữa nước trời bao la, che chở, nổi lên hình ảnh quả bóng - tượng trưng khát vọng hòa bình nhân loại

Riêng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, hầu như năm nào cũng bình chọn được những tác phẩm xuất sắc. Đây là loại hình nghệ thuật đặc thù, lấy chất liệu ngôn từ để thể hiện cuộc sống và con người bằng thế giới hình tượng đa dạng, phong phú, vừa cụ thể vừa khái quát, vừa kế thừa vừa cách tân theo tầm đón nhận của người đọc đương đại. Nguyễn Thiền Nghi với tập thơ Giấc mơ chữ, một lần nữa khẳng định bút lực và thi cảm dồi dào của anh khi hướng ngòi bút của mình vào các đề tài tình yêu và cuộc sống đời tư - thế sự. Thơ anh trẻ lại và giàu hàm ngôn, triết lý. Đó là kiểu thi pháp vững chắc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hiện thực và lãng mạn, trữ tình và duy lý. Vì vậy, càng đọc càng hấp dẫn và nội cảm lây lan.

Tôi đặc biệt chú ý tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường của nhà văn Nguyễn Khắc Phê - tác phẩm gây tiếng vang lớn trong dư luận bạn đọc năm 2010. Đây là tiểu thuyết thể hiện bút lực tiểu thuyết lực lưỡng nhất và cũng hiện đại nhất của Nguyễn Khắc Phê. Sự tích hợp các phẩm chất nghệ thuật hiện đại thế giới đã in dấu ấn đậm nét nhưng có sáng tạo riêng của anh qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, xây dựng nhân vật, đan xen và đảo tuyến hình tượng thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật, có cả cảm thức hiện sinh, phân tâm học và đặc biệt là sử học, văn hóa học, làm thành tính liên văn bản đặc sắc, tạo thành liên chủ thể tiếp nhận đa dạng, phong phú. Tác phẩm vào chung khảo và theo tôi nó có “vướng” nên dẫu hay, nó cũng chỉ đạt giải C của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010.

Với những nhận định sơ lược và có phần chủ quan như trên, giải thưởng VHNT Thừa Thiên Huế 2010 chắc chắn là chưa nói hết những giá trị và nội hàm của từng tác phẩm, từng công trình nhưng cũng đủ để chúng ta tin yêu và hy vọng vào những gì cao hơn chất lượng đó.

H.T.H
(264/2-11)








Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THỊ TRƯỜNGBước chân vào cái ngõ 45 Phan Bội Châu gặp mùi bánh trứng nướng thơm phức bao trùm, ngỡ ngàng: “Ông Trần Đình Hiến còn là một chủ lò bánh?”. Nhưng: - Không phải đâu. Khu nhà này hầu hết là mấy anh em ruột chúng tôi sinh sống. Lò bánh này của một chú, còn các người khác mỗi người một nghề. Các em tôi đều chịu khó. Vâng, bây giờ ai chẳng lấy chịu khó làm đầu...

  • Chính Bùi Hiển dẫn lời bạn ông nói rằng văn ông đi từ hướng ngoại đến hướng nội, hàm ý chín dần, mỗi ngày mỗi gần hơn với cốt lõi văn chương. Tôi không thấy như vậy.

  • NGÔ MINHSau hai cuộc hành trình vất vả hơn 2600 cây số đi về Đại hội Nhà văn khu vực miền Trung ở Nha Trang giữa tháng 3, rồi Đại hội Nhà Văn Việt Nam VII, bắt đầu từ 22/4 đến 10 giờ rưỡi đêm 27/4 tôi mới về tới nhà mình ở Huế, ngồi trước máy vi tính viết những dòng  buồn vui lẫn lộn.

  • THANH THẢO                           6 năm nay, kể từ cái đêm thơ nhạc kỷ niệm 40 năm đường 559 do nhà thơ Phạm Tiến Duật dẫn chương trình, trong đêm ấy Tế Hanh vì quá xúc động khi nhớ lại chuyến đi qua Trường Sơn của mình đầu năm 1974, ông đã bị xuất huyết não. 6 năm ấy, không thể có một cuộc phỏng vấn hay “gặp gỡ” nào được thực hiện với Tế Hanh, đơn giản vì ông không nói được. Tôi nghĩ, 6 năm nay, Tế Hanh chỉ còn trò chuyện với dòng sông của mình, dòng sông của đời mình, trong im lặng. Vì thế, những cuộc trò chuyện tôi kể sau đây đều thuộc về thời gian trước khi Tế Hanh lâm trọng bệnh.

  • LTS: Kể từ khi xuất hiện với bạn đọc qua bài bút ký đầu tiên có tên là Gọi nắng và chùm thơ Đời chị trên tạp chí Sông Hương lúc tuổi đời mới hai mươi, gần 10 năm qua, Văn Cầm Hải là một “hiện tượng văn học” của nhiều cuộc tranh luận vì phong cách lập ngôn mới lạ của mình. Bước vào mùa xuân mới, đúng vào ngày sinh nhật 20/1/2005 của mình, Văn Cầm Hải đã chính thức trở thành một trong những nhà văn trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Vốn là người kín tiếng đến mức “lập dị” nhưng nhân dịp xuân vui này, nhà văn Văn Cầm Hải đã “bật mí” nhiều điều, từ A đến Z trong cuộc sống của anh  với Sông Hương.

  • Sáng ngày 24-2-2005 tại trụ sở 26 Lê Lợi - Huế, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Huy Cận. Nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh, thành phố Huế và anh chị em văn nghệ sĩ đã tới dự. Sông Hương trân trọng giới thiệu “điếu văn” do nhà thơ Võ Quê đọc trong lễ tưởng niệm.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ(Tưởng nhớ nhà thơ Lương An)Năm 1984, sau khi cùng anh chị em văn nghệ đón di hài nhà thơ Vĩnh Mai về Huế, nhà thơ Lương An - người đồng hương, người bạn thơ gần gũi với Vĩnh Mai đã viết bài "Đón anh về lại Huế thơ": Anh về lại Huế hôm nay / Huế đang mưa bỗng tạnh ngày nắng xuân...

  • HỒ SĨ HIỆPBa Kim, tên thật là Lý Nghiêu Đường, tự Thị Cam, sinh năm 1904, người Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ông viết văn rất sớm, nổi tiếng trên văn đàn từ thời "ngũ tứ vận động" (1919) và hoạt động văn học sôi nổi từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, tên tuổi ngang hàng với các nhà văn Mao Thuẫn, Tào Ngu và Lão Xá.

  • TRUNG SƠN(Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phùng Quán)I. Hơn mười năm trước - mùa hè 1992, một cuộc “khai quật” ở Huế đã làm chấn động dư luận. Trong lúc đào hố móng xây dựng một căn nhà tại trụ sở Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Thừa Thiên Huế, người ta đã phát hiện một ngôi mộ tập thể gồm 17 bộ hài cốt, một số vũ khí, đạn và 3 kỷ vật còn ghi rõ tên hiệu, đơn vị Vệ quốc đoàn hồi năm 1946.

  • XUÂN TÙNG          Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ          Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ          Bao giờ điếu lại reo êm ái          Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ...

  • TRẦN THỊ LINH CHIXuất thân gia đình quan lại, học giỏi nhưng lại không chịu theo đuổi đến nơi đến chốn để khoa bảng đề tên, tiến bước công danh hầu nối nghiệp nhà, cha tôi bỏ dở chương trình tú tài sau khi đậu thành chung, làm một công chức kiếm sống qua ngày, dành hết cuộc đời cho văn học. Năng khiếu phê bình của ông đã biểu hiện ngay từ thời còn đi học.

  • PHAN TRUNG THÀNHTháng giêng năm 2003, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu lần thứ I, theo sáng kiến thành lập “Ngày thơ Việt Nam” của Hội Nhà văn Việt Nam.

  • BẢO CƯỜNGLTS: Trên 40 năm ngâm thơ và đệm sáo cho thơ từ ra Bắc, từ trong nước ra nước ngoài, Bảo Cường hiện là một nghệ sỹ lão luyện trong nghề. Bài viết dưới đây, như chính tác giả nói: “Với lòng thiết tha mong mỏi bộ môn ngâm thơ và đệm sáo cho thơ ngày một phát triển, để mọi người và nhất là giới trẻ yêu thơ có cơ hội tìm hiểu đào sâu về hai bộ môn này.”

  • TRẦN NINH HỒLTS: Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ. Lính Đông Bộ 1971 - 1976, 1977 - Trưởng ban Văn thơ báo Văn Nghệ. Nguyên chủ nhiệm Bảo tàng Văn học Việt …Bình quân cứ độ dăm năm, nhà thơ Trần Ninh Hồ lại có một "đợt" xuất bản thơ. Anh là cây bút sung sức trong suốt mấy thập niên vừa qua của nền thơ hiện đại Việt Nam, từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cho suốt đến những ngày hôm nay...Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Trần Ninh Hồ trong một cách nhìn riêng biệt.

  • INRASARACác hội thảo bàn về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học đã lôi kéo không ít nhà văn tham gia bàn cãi sôi nổi. Là tín hiệu đáng mừng: văn học Việt đang tự ý thức, tự phản tỉnh (self consciousness).

  • TRẦN ĐÌNH SỬThực tế nghèo nàn về thành tựu khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta có thể tìm thấy nguyên nhân trong lối tư duy độc tôn một thời ở lĩnh vực học thuật. Cội nguồn sâu xa của lối tư duy ấy đang nằm trong di chứng của thời kì chiến tranh kéo dài ba mươi năm và cuộc đấu tranh ý thức hệ tàn khốc.

  • NGUYỄN THANH MỪNGKhái niệm nhà văn làm báo chắc không phải là chuyện lạ, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Cánh cửa mở ra cho nhà văn tung hoành trên “sân cỏ” báo chí không đơn thuần là chuyện “cơm áo không đùa...” mà vì nơi đây, nhà văn thể hiện mình ở nhiều góc độ khác nhau, hiểu từ hai phía, nhu cầu biểu lộ tâm trạng của họ và nhu cầu của đời sống đất nước và nhân dân đòi hỏi ở họ.

  • TRƯỜNG NHÂNLTS: Cũng như cuộc đời, văn nghệ có biết bao buồn vui. Nhà văn cũng là người, cho nên có lúc cũng dở khóc dở cười bởi những chuyện ngoài văn chương. “Vạch túi cho người xem... bia” là câu chuyện hậu kì để bạn đọc chia sẻ với chuyện bếp núc làng văn.

  • NGUYÊN ANMột nhà văn đồng hương cao niên hỏi tôi:- Sao bây giờ ta mới quen nhau nhỉ?Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp:- Thôi, từ nay nhé!

  • THANH THẢOLTS: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về Huế. Có thể nói đấy là một sự kiện - một sự kiện trang nghiêm lặng lẽ.Là người có căn lành, cuộc trở về của ông dường như mãn vẹn. Ông đã trở về với nơi xuất phát, trở về với “ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, trở về với tư cách một công dân thi sĩ.Sông Hương có nhã ý “cập nhật” ông từ đầu nhưng qua dò ướm, biết ông chưa muốn, Sông Hương đành để các báo bạn “post” trước.Mặc dầu “truy cập” sau nhưng Sông Hương với ông, với người Tổng Biên tập đầu tiên - Tổng Biên tập sáng lập hẳn còn nhiều duyên nợ, dài dài...