Sự dịu dàng nữ tính nhìn từ góc độ văn hoá của tập truyện ngắn “Giao thừa”

15:19 10/04/2009
ĐÔNG HÀVăn hoá và văn học bao giờ cũng có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể thấy rằng văn học là một bộ phận của văn hoá, nó chịu sự ảnh hưởng của văn hoá. Khi soi vào một thời kì văn học, người đọc có thể thấy được những khía cạnh về phương diện đời sống văn hoá tinh thần của một thời đại, một giai đoạn của xã hội loài người.

Văn hoá có thể được phản ánh trong tác phẩm văn học. Mặt khác, cũng chính văn hoá đã chi phối quan điểm tư tưởng của người viết, dù ý thức hay vô thức. Thậm chí, để khẳng định được tài năng văn bút của mỗi nhà văn, tính văn hoá trong mỗi tác phẩm văn học là yếu tố không thể bỏ qua. Đặc biệt, văn hoá người Việt Nam mang những nét đặc trưng riêng biệt khó trộn lẫn nên khi đi vào văn chương nó đậm đà hồn sắc dân tộc Việt.

Ở đây, chúng tôi muốn bàn đến tập truyện ngắn “Giao thừa” của một tác giả nữ rất trẻ, đó là Nguyễn Ngọc Tư. Đến với văn chương mới một vài năm gần đây, nhưng ngay từ khi mới xuất hiện, Nguyễn Ngọc Tư đã gây một tiếng vang đối với bạn đọc và một “cú sốc” cho những người trong giới phê bình lẫn sáng tác. Bởi họ không tin rằng một “cô bé”, lúc ấy Nguyễn Ngọc Tư dường như mới hơn hai mươi tuổi, chưa trải qua trường lớp đào tạo văn chương bài bản nào, lại viết “có hồn” đến như vậy. Nhưng dù nghi hoặc, cuối cùng Nguyễn Ngọc Tư cũng đã thuyết phục mọi người không phải bằng những giải thưởng đâu đó mà bằng chính những sáng tác ngày càng “nặng ký” của mình. Vậy điều gì đã khiến cô thành công trong những trang viết? Là tài năng thiên bẩm? Là sự thông minh sáng tạo? Là sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật? Tất cả. Nhưng ngoài ra, để có được sự thành công, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những điều đó còn có một vốn văn hoá mà Nguyễn Ngọc Tư đã tinh tế và cần mẫn bồi đắp trong tâm hồn mình. Nên dù trẻ tuổi, văn của chị vẫn ngồn ngộn chất sống, đủ sức đứng được trong lòng người đọc.

Tập tuyện ngắn “Giao thừa” gồm 17 truyện. Có thể dễ dàng nhận thấy đây là những câu chuyện bé, nhỏ, gọn ghẽ như những nhát cắt của mỗi số phận ai đó mà tác giả vô tình biết được. Nhưng nhát cắt nào cũng sắc. Vì vậy dễ gây cảm giác đau. Đau cho nhân vật. Làm đau cả người đọc. Bởi Nguyễn Ngọc Tư viết bằng một tâm hồn văn hoá Việt. Và người đọc cũng mang một tâm hồn như vậy mà làm kẻ tri âm.

Bằng một lối văn trầm, rù rì, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư hầu như đều nói về nhân vật nữ. Như một mẫu số chung, nhân vật nữ của chị lúc nào cũng toát lên sự dịu dàng - một sự dịu dàng rất nữ tính. Có thể thấy được điều này qua các nhan đề truyện, nó cũng đã gợi lên cho người đọc cái gì đó mang mang, khó tả: Bởi yêu thương, Cái nhìn khắc khoải, Cuối mùa nhan sắc, Làm má đâu có dễ, Làm mẹ... Trong văn hoá Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng: “Gắn liền với cuộc sống nông nghiệp và nguyên lý âm dương là khuynh hướng đề cao nữ tính với hàng loạt nữ thần: Bà Mẹ Đất, Bà Mẹ phủ, Tứ phủ, 12 Bà Mụ... Nho giáo và chế độ phụ quyền cũng không tiêu diệt được vai trò của phụ nữ Việt Nam: Phong trào thờ Mẫu Liễu bùng lên chính vào lúc nho giáo đang hưng thịnh nhất. Ở Việt Nam, người phụ nữ cũng có thể đứng trước bàn thờ tổ tiên thay chồng con”. (Trần Ngọc Thêm - Cơ sở văn hoá Việt Nam). Trong giáo trinh “Cơ sở Văn hoá Việt Nam” do Nguyễn San - Phan Đăng chủ biên cũng cho rằng văn hoá Việt Nam” đề cao nữ tính, âm mạnh hơn dương”. Như vậy, yếu tố “tính nữ” trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, đứng ở góc độ văn hoá, đó chính là bản sắc văn hoá dân tộc Việt được kế thừa.

Như rất nhiều cây bút nữ khác, ngay cả những cây bút nam đôi khi cũng vậy, yếu tố tính nữ trong văn Nguyễn Ngọc Tư là một điều rất đỗi bình thường. Dường như sự dịu dàng nữ tính, như một nhà nghiên cứu văn học đã gọi “Thiên tính nữ”, đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, nên dẫu không là nhà văn, con người ta cũng đã mang yếu tố tính nữ trong mình. Và nhà văn, anh là những người khai thác tâm tính này như một nét tự nhiên trong đời sống. Người viết - người đọc gặp gỡ nhau, âu cũng bởi từ tâm thức văn hoá Việt mà ra cả.

Từ những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư, thế giới nhân vật của cô sao mà đoan nặng trĩu, là thân phận nữ giới, xưa nay, ai cũng nhận rằng khổ, rằng bất hạnh. Nhưng cái khổ, cái bất hạnh kia phải từ một nguyên nhân nào đó mà theo quan niệm người đời là phải “xác đáng” kia, thì ở đây, những nhân vật nữ ấy lại buồn, đa đoan bởi do chính cái sự nữ tính của phái yếu mà ra. Nguyễn Ngọc Tư viết: “Bởi yêu thương...”, lẽ ra, yêu thương phải đem đến (và nhận được) hạnh phúc chứ? Thì ở đây, “Bởi yêu thương” mà khổ. Như nhân vật Điệp trong “Bởi yêu thương” là một cô đào hát quá thì, bệnh tật, hết nợ duyên sân khấu, hết luôn cả những tràng hoa tay vỗ. Sáu Tâm yêu thương cô, cũng là một người phụ kéo màn trong đoàn hát ngày xưa, giờ cụt hai chân sau một tai nạn. Âu thế cũng là hạnh phúc. Nhưng San, một cô bé tiếp viên nhà hàng, mê tiếng hát của cô đào Điệp năm xưa, lại là học trò của Sáu Tâm bây giờ, cũng thầm yêu trộm nhớ Sáu Tâm. Lúc này, “thiên tính nữ” trong nhân vật Điệp được bộc lộ rõ nét khi tâm sự cùng San: “Chị em mình còn một chuyện giống nhau nữa, đố San biết, tụi mình cùng thương anh Sáu, thương lắm, phải không?”. Nghe như Thúy Kiều - Thuý Vân vậy. Rồi nữa: “Nếu không chê Tâm tàn tật thì bao giờ chị đi cho chị gửi lại. Em làm lại cuộc đời đi, Tâm rộng lòng lắm, không chấp nhứt chuyện này nọ đâu. Tâm dễ tánh. Mặc gì cũng được, ăn gì cũng xong. Con người đàng hoàng, nghệ sỹ mà đàng hoàng, không phù phiếm, buông thả. Kiếm người tin được không phải dễ đâu, San”. Những câu nói đó chứa chan một sự chịu đựng, chịu đựng đến khủng khiếp, Nguyễn Ngọc Tư viết: “đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu”. Ai đó nói rằng: phụ nữ giỏi chịu đựng hơn đàn ông?

Ở những trang khác, Nguyễn Ngọc Tư luôn để cho nhân vật mình sống bằng nữ tính quá mạnh. Hay chính cái tính nữ ấy đã trỗi dậy trong cây bút của cô? Một đào Hồng khắc khoải trong “Cuối mùa nhan sắc”. Một cô Đậm quê quê quá lứa lỡ thì tồi tội. Hay chị Hảo nấp mặt vô mé quán ngó người mình yêu tha thiết với tình cũ của anh... Dù buồn, dù đau, dù xa xót bao nhiêu đi chăng nữa thì những nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư cũng không phá cách, không quẫy đạp vẫy vùng như rất nhiều nhân vật nữ của các nhà văn nữ hiện nay. Họ vẫn dịu dàng, có một cái gì đó dường như nhẫn nại, cam chịu đến tận cùng. Nên các nhân vật ấy xuất hiện trước mắt người đọc không từ trang sách, mà như từ bậu cửa bước ra, từ con xuồng chống xuống, từ những nỗi chát chua đời họ. Phải chăng đó là từ cội nguồn văn hoá dòng Việt xưa, người phụ nữ Việt Nam giỏi nhẫn nhục và cam chịu?

Văn hoá của dân tộc Việt rất trân trọng người Mẹ. Rất nhiều đền thờ Mẹ Tổ hiện nay còn lưu lại điều đó. Và Văn Nguyễn Ngọc Tư cũng không thoát ra khỏi tư tưởng văn hoá cội nguồn này. Tập “Giao thừa” của chị có rất nhiều truyện viết về nhân vật Mẹ, tiêu biểu có thể thấy: “Làm má đâu có dễ”, “Làm mẹ”... Một đằng có con bỏ đi, đến lúc gặp lại, theo thói quen, đứa con chỉ gọi là “chế”, là chị, dưng dưng, bình thản. Một đằng không có con, phải mướn người ta đẻ giùm. Đều là mẹ, đều phải cảm nhận nỗi đau của một người mẹ. Dù thế nào đi chăng nữa thì “những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau”. Không bỏ được nhau nên cứ ám ảnh về một nỗi đau thân phận. Với văn Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật người mẹ day đi day lại thành một hình tượng khó mờ. Phải chăng từ tâm thức cô, Văn - Hoá - Mẹ như một dòng chảy không thể thiếu trong ngòi bút của mình?!

Không thể tách đời sống ra khỏi văn hoá. Đặc biệt, đối với văn học, là một bộ phận của văn hoá thì sự gắn bó tác động qua lại là điều không thể phủ nhận. Mỗi nhà văn khi sáng tác, bên cạnh vô vàn những điều cần và dù để hình thành nên một phong cách, để cho ra đời một tác phẩm, thì vốn văn hoá là một điều rất quan trọng. Nguyễn Ngọc Tư đã có được điều đó, nên tập “Giao thừa” của cô đã được nhiều người đón nhận. Tất nhiên, vốn văn hoá của một người cầm bút phong phú và đa dạng vô cùng. Nhưng ở trong giới hạn một khía cạnh rất nhỏ của tập truyện này, chúng tôi muốn nói đến một nét văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là khuynh hướng đề cao nữ tính, một khuynh hướng xuất phát từ sự gắn liền với cuộc sống nông nghiệp và nguyên lý âm dương của dân tộc Việt.

Đ.
H
(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN HIỆPTừ một nhà giáo, theo tiếng gọi “chống Mỹ , cứu nước”, Nguyễn Quang Hà lên đường ra trận, liên tục “bám trụ” chiến trường Thừa Thiên - Huế. Năm 1975 anh bị thương phải ra Bắc dưỡng bệnh và dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá. Sau đó anh trở lại Thừa Thiên - Huế chiến đấu và công tác cho đến bây giờ. Cũng vì thế, hầu như đa phần sáng tác của anh dù là thơ, ký hay truyện đều viết về vùng đất này.

  • HOÀNG THỊ THU THỦY1. “Ngày khai trường áo lụa gió thu bay” không chỉ có trong “Mối tình đầu” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, mà niềm háo hức, tươi xanh, mong đợi có cả trong bài thơ “Mỗi ngày” của thầy giáo Hoàng Ngọc Quý.

  • TRẦN ĐÌNH SỬHoàng Ngọc Hiến là nhà giáo, nhà phê bình văn học, nhà triết luận văn hoá, nhà dịch thuật. Người ta đã biết nhiều về ông với tư cách nhà phê bình văn học mà ít biết về ông như nhà triết luận văn hoá. Về mặt này ông thể hiện một niềm trăn trở khôn nguôi đối với các vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại.

  • LTS: Tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường đã lập “hattrick” nhận liền ba giải thưởng trong năm 2010 (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nguyễn Du, Tặng thưởng công trình Văn học nghệ thuật xuất sắc của Hội LHVHNT TT Huế). Để giải đáp phần nào thắc mắc từ phía bạn đọc về tính chất “tự truyện” cũng như chuyện bếp núc của cuốn tiểu thuyết “gia đình” này, Sông Hương xin giới thiệu bài viết của chính tác giả cầm tinh con Mèo - nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

  • PHẠM TẤN HẦUCó tập thơ chỉ là tập hợp những bài thơ. Nhưng Thi ca mùa ngái ngủ của Lê Huỳnh Lâm, dù là tập thơ đầu tay nhưng đã thể hiện một cái nhìn nhất quán về thế giới thi ca mình khám phá. Đó là thế giới được mở to trước những “cơn đau”, trước “nỗi kinh hoàng vây quanh trái đất”, “trong đền thờ quỷ ma” và trong ca “ngôi nhà không thần thánh”…

  • TRẦN VĂN SÁNG - NGUYỄN THỊ TỐ LOANKỷ niệm 100 năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011)

  • ĐỖ LAI THÚY      Thơ có tuổi và chiêm bao có tích                                  Hàn Mặc Tử

  • NGUYỄN HỒNG TRÂNNữ sĩ Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm sinh ngày 14/7/1900, nguyên quán ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và mất ngày 8/11/1973 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

  • TRƯỜNG KÝ(“Nụ cười Áp-xara”: Truyện ký của Hà Khánh Linh, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1983)

  • PHẠM PHÚ PHONGChính cái bìa tập truyện ngắn là Sứ giả Việt Hùng do hoạ sĩ Đinh Khắc Thịnh trình bày đã gợi ý tưởng cho tôi viết bài này, sau khi đọc đi đọc lại vài lần tập truyện ngắn gồm có chín truyện của Việt Hùng - chín truyện ngắn anh viết trong vòng hơn mười hai năm, kể từ khi tập truyện ngắn đầu tay Cô gái hoàng hôn (1997, cũng gồm có chín truyện ngắn), ra đời cho đến nay.

  • Ý THIỆNVào ngày 27, 28 tháng 7 năm 2001, tại chùa Từ Đàm - Huế đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Gia đình Phật Hoá Phổ - tổ chức tiền thân của Gia Đình Phật tử Việt Nam, với hơn 3000 đoàn sinh về tham dự. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân thành phố Huế cũng như phật tử khắp nơi trên đất nước.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGNguyễn Đức Tùng: Chào nhà thơ và cô giáo dạy văn Đinh Thị Như Thúy. Được biết chị đang sống và làm việc ở một huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc. Chị có tìm thấy cho mình một quê hương ở đó không?

  • ĐINH XUÂN LÂM - VÕ VĂN SẠCHTrong khi khai thác tư liệu về phong trào đấu tranh yêu nước chống xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX của nhân dân ta tại Cục lưu trữ Trung ương, chúng tôi có tìm được hai bài thơ nôm của vua Hàm Nghi ban cho các quân thứ Bắc kỳ.

  • HỒ THẾ HÀKỷ niệm 8 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (9-12-2002 - 9-12-2010)

  • NGUYỄN NHÃ TIÊNTừ buổi trình làng tập thơ “Bông hồng ngủ quên”, tiếp theo là tập “Nhặt mùi hương trầm đâu đây”, cho đến bây giờ thi phẩm thứ ba của Võ Kim Ngân “Viết lúc sang mùa” vừa mới được Nxb Văn học cấp phép ấn hành tháng 7-2010.

  • THANH THẢO(Đọc “Bán đảo” của Thái Bá Lợi)

  • TRẦN HUYỀN TRÂNNgày 10 - 10, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Công ty Văn hóa Phương Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường của nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà văn, nhà nghiên cứu và đông đảo sinh viên các trường đại học.

  • KIM QUYÊNSau tập thơ Ngày đầu tiên(*), nhà văn Trần Hữu Lục tiếp tục ra mắt bạn đọc tập Góc nhìn văn chương(**) và anh sẽ xuất bản tập truyện ngắn Trần Hữu Lục (tuyển chọn năm 2010). Thật là một mùa bội thu với nhà văn Trần Hữu Lục.

  • HỒNG DIỆU(Nhân đọc Trái tim sinh nở và Bài thơ không năm tháng *)

  • MAI VĂN HOANTôi cố hình dung những tháng ngày nhà văn Hồng Nhu trăn trở, băn khoăn lựa chọn việc trở về quê hay ở lại thành phố Vinh - nơi anh từng gắn bó đã hơn hai mươi năm với bao kỷ niệm vui buồn.