LTS: Những giọt thơ về Huế như một thoáng mưa bóng mây, tự nhiên rơi và đem lại cảm giác lạ lẫm. Huế hiện lên cũng là lạ, như cô gái bước ra từ đóa sen thiền. Sông Hương xin giới thiệu những bài thơ vừa mới gửi đến của Lam Bình (tên thật là Hoàng Thị Mỹ Bình), hiện ở Hà Nội.
LAM BÌNH
Huế muộn
Đại Nội nghiêng chiều
Sẫm cong mi cỏ
Thon biếc lưng Hương
Mây xõa Trường Tiền
Chầm chậm chuông tan
Lênh loang mắt gió
Giọt theo dòng xuôi trong an nhiên
Tay thơm chắp búp Thiền
Vấn vít khói nhang nhón gót sen thương
Khắc khoải mõ điểm nhặt
Hoàng hoa ủ trầm hương
Huế đắm dòng mơ chín giấc miên trường
Vàng son phủ bóng vai chiều muộn
Hồng trần tơ giăng bụi cuốn
Trễ tràng gió rước kiệu vàng
Thập thững mùa sang
Vén mây ngũ sắc tung tẩy vó câu
Ngang Phu Văn Lâu
Xuyên nhành liễu đỏ
Mắt hạ huyền trăng
Vẹt khuyết chân cầu
Nam cầm (*)
Lạc khúc về đâu
Ai người níu lại xưa sau
Mà tìm…
......................................................
(*) Nam cầm (đàn Nam), tương truyền là một nhạc khí dùng trong Nhã nhạc cung đình Huế, tồn tại chưa đầy một trăm năm đã bị thất lạc một cách bí ẩn cho đến tận ngày nay. Theo nhà nghiên cứu Hán học - cố GS. Nguyễn Phúc Bửu Cầm - thì người chế tác ra nhạc khí này là một vị hoàng thân nhà Nguyễn - chúa Nguyễn Phúc Dục (1765 - 1777).
Ái mộng
(Viết cho một người Huế)
Đêm qua, có tiếng chuông ngân giữa thinh không gọi hồn gió trở
Đinh đinh đoong đoong
Phong linh
Buông
Thả
Lênh lênh loang loang
Giọt cầm trăng nhả
Đêm qua, giữa khôn cùng thắc mắc của cảm thức lúc 0h, người đàn bà ngửa mặt uống những giọt chuông của gió. Lọc những ghét ghen, sân si đời chữ. Lọc những cũ mèm, chát chua, ẩn dụ
Đêm qua, giữa khôn cùng hoài nghi của bản thể, người đàn bà xòe tay nâng niu những âm hình của gió. Hứng những trong veo, thanh khiết, huyền hoặc. Hứng những rưng rức, mỏng tang, hư không
Hình như mưa, không, là giọt nước mắt của trời
Rơi xuyên qua lớp váng thị phi ngẫu nhiên phủ xuống góc ao đời an nhiên thiếu phụ.
Lay giấc ngàn năm viên mãn nửa đời sen
Trong im lặng trổ búp mùa khai mở
Trong im lặng hé một đóa niêm hoa vi tiếu
Ru mầm sầu bi hoài thai từ nhân quả vẫn đợi chờ ngẫu duyên
Cái quả bé xinh, nõn nuột, còn đương thì tơ tuốt, ẩm ương, ngang ngạnh
Hong bằng heo may trái còn chưa chín
Ủ bằng nắng mật trái vẫn đong đưa
À, ơi! Đỏng đảnh trái mùa
Lỡ làng… nhỡ rụng sân chùa... một mai
Hình như sương, không, là khúc xạ của bảy sắc cầu vồng
Lấp lóa trên bức tranh trừu tượng viền khung bằng ảo ảnh, sớm mùa đông chim vỗ khúc thiên di
Gió bấc dỗ dành trái buồn vừa trổ cánh
Trễ tràng rồi
Sao chưa vội bay đi
Sao chưa vội bay đi, về phía ngược mùa
Sao còn quyến luyến những xám ngắt phác họa chì, toan tranh mòn, mục rã
Sao còn vương vấn những xước xác thước phim câm, khuôn hình rỗng, ngược sáng
Buốt tia nhìn ngược hướng
Hình như bụi, không, là bóng của lụa là
Như bình minh rất giống với hoàng hôn, thứ ánh sáng có hai màu vàng, đỏ
Một rạng rỡ bước sang ngày mới
Một u uẩn vào cõi đêm thâu
Sơn mài ơi, sang cả và kiêu sa, lộng lẫy, có mấy người tri kỷ để đau cùng nỗi đau của trình tự muôn đời sơn vàng, phết son rồi mài giũa cho mỏi mòn, tàn tạ
Vàng son
“Vàng son thạch thủy khí” (*)
Vàng son rồi sẽ tới vàng phai
Úa một mảng tường, phong kín góc chờ bảo tàng chiều cố quận
Ừ! Thì thôi! Hồng trần dâu bể, “sáng như tơ mà chiều đã như sương”(**), ta vẫn biết, và người cũng biết
Nên vọng tưởng chi mà “khúc cầm nam” cứ hoài mơ dạo nên âm thiên trường địa cửu, tiếc nuối gì mà “hoàng hôn có khói trắng bay” lại thẹn thùng với tuế nguyệt phong vân?
Ừ! Thì thôi! Có gì là bất biến giữa vô thường
Tri ngộ mà vô duyên thì trí huệ chẳng thể nào nắm bắt được chân ái, dù gót son trần tục. Cứ lãng đãng như khói trong cõi không của vô tướng, gần thế... mà lễnh loãng, diệu vợi
Vô ảnh mà hữu tình thì nhã tâm cũng có thể chợt chạm vào xúc cảm, dẫu tóc xõa hư vô. Cứ bồng bềnh như mây giữa ấm lạnh của hai đầu cách trở, xa thế... mà quá đỗi nồng nàn
Nhớ thương, tặng nhau cũng chỉ một chữ “tùy” này thôi!
Đêm qua, có tiếng chuông vang giữa thinh không gọi hồn gió trở
Tỉnh giấc Nam Kha mới hay trăng chìm đáy nước. Huyễn mộng, thế thôi, gặp gỡ rồi cách xa
Thì xin em! Trái mùa cứ chín, no tròn viên mãn giấc tương tư, mặc kệ ngoài khơi xa cánh gió còn chơi vơi bể cả
Mây cuồn cuộn mây
Sóng trùng trùng sóng
Hời ru, ngoan nhé tình nương!
Và tôi
Tôi sẽ lại vì em mà vỗ giấc đợi phút sang ngày
Và mai kia nếu thực còn hạnh ngộ
Lặng lẽ tìm nhau
“Một đóa không”…
.....................................................
(*) Bài lấy cảm hứng và sử dụng một số tên truyện ngắn trong tập “Vàng son thạch thủy khí” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà
(**) “Sáng như tơ mà chiều đã như sương” (Tương tiến tửu - Lý Bạch)
(SH308/10-14)
LGT: Khác với những cây bút trẻ cùng thời, Hoàng Thúy đi thẳng vào mạch cảm xúc không qua bước khởi động. Thơ như trạng thái tâm hồn dồn nén, đến thời thì xuất hiện. Điều này hiếm thấy ở một tác giả trẻ. Thơ Hoàng Thúy biểu hiện của vẻ đẹp tự nhiên sâu kín, không phải trau chuốt. Trong trường hợp này thơ chính là hiện tượng linh ứng của con người trước thế giới thiên nhiên và xã hội.
Hoàng Vũ Thuật (gt)
PHAN HOÀNG PHƯƠNG
Nhớ Phùng Quán
NGUYỄN THANH MỪNG
Ngô Minh - Hải Kỳ - Phan Bá Linh - Thế Hùng - Mùi Tịnh Tâm - Nguyễn Văn Phương
HOÀNG VŨ THUẬT
Nguyễn Lãm Thắng - Khaly Chàm - Nguyễn Loan - Huỳnh Minh Tâm - Kai Hoàng
Phạm Quyên Chi là một tác giả trẻ đang sống tại thành phố Quy Nhơn, mới đến lần đầu với Tạp chí Sông Hương. Trong những sáng tác đầu tay, Phạm Quyên Chi từng bộc bạch: “Tôi là một đứa con gái thích tưởng tượng. Dường như những tứ thơ của tôi đã hình thành nên trong những “khoảnh khắc của tưởng tượng” như thế. Tôi cũng không hiểu được chính mình, chỉ có thơ là hiểu tôi…”.
ĐẶNG BÁ TIẾN
NGUYỄN MINH KHIÊM
Nguyễn Thanh Lâm - Từ Quốc Hoài - Hoàng Ngọc Giang
LTS: Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên-Huế. Học sinh Quốc Học - Huế năm 1959 - 1962. Là nhóm bạn với Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Shiphani, Lê Văn Ngăn, Võ Chân Cửu...
ĐINH CƯỜNG
Như tiếng thì thầm vĩnh biệt
Khi hay tin Lê Văn Ngăn mất
(SHO) BẠN VỀ BÊN PHỐ XƯA MƯỜI BỐN NĂM RỒI SAO SƠN.
CHIỀU NAY TÔI ĐI TRÊN PHỐ XƯA GEORGETOWN MÀ NHỚ BẠN
Nguyễn Thị Anh Đào - Lê Vi Thủy - Trần Tịnh Yên - Ngô Hà Phương - Trần Quốc Toàn - Bạch Diệp - Đinh Thị Như Thúy - Hạnh Ngộ - Hạc Thành Hoa
LÊ MINH CHÁNH
VŨ THIÊN KIỀU
VIỆT PHƯƠNG
Nguyễn Đông Nhật - Nhất Lâm - Nguyễn Văn Quang - Trần Hữu Dũng - Đỗ Hàn - Hồ Đắc Thiếu Anh - Mai Văn Hoan - Nguyễn Man Kim - Nguyễn Thị Ngọc Hà - Lưu Ly - Vĩnh Nguyên - Cao Quảng Văn - Ngàn Thương - Nguyễn Đạt - Phan Đạo - Phương Việt - Châu Thu Hà - Nguyễn Hoàng Thọ - Lê Hồ Ngạn
Đông Hà - Phạm Trường Thi - Nguyễn Hoa - Đoàn Mạnh Phương - Văn Công Hùng - Trần Thị Ngọc Mai - Duy Mong - Xuân Thảo - Hồng Vinh - P.N. Thường Đoan - Hoàng Ngọc Châu - Triệu Nguyên Phong - Ngô Thái Dương
PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO
Yếm Đào