Chùm thơ Lam Bình

15:01 16/10/2014

LTS: Những giọt thơ về Huế như một thoáng mưa bóng mây, tự nhiên rơi và đem lại cảm giác lạ lẫm. Huế hiện lên cũng là lạ, như cô gái bước ra từ đóa sen thiền. Sông Hương xin giới thiệu những bài thơ vừa mới gửi đến của Lam Bình (tên thật là Hoàng Thị Mỹ Bình), hiện ở Hà Nội.

LAM BÌNH

Huế muộn

Đại Nội nghiêng chiều
Sẫm cong mi cỏ
Thon biếc lưng Hương
Mây xõa Trường Tiền
Chầm chậm chuông tan
Lênh loang mắt gió
Giọt theo dòng xuôi trong an nhiên


Tay thơm chắp búp Thiền
Vấn vít khói nhang nhón gót sen thương
Khắc khoải mõ điểm nhặt
Hoàng hoa ủ trầm hương


Huế đắm dòng mơ chín giấc miên trường
Vàng son phủ bóng vai chiều muộn
Hồng trần tơ giăng bụi cuốn
Trễ tràng gió rước kiệu vàng


Thập thững mùa sang
Vén mây ngũ sắc tung tẩy vó câu
Ngang Phu Văn Lâu
Xuyên nhành liễu đỏ
Mắt hạ huyền trăng
Vẹt khuyết chân cầu


Nam cầm (*)
Lạc khúc về đâu
Ai người níu lại xưa sau
Mà tìm…


......................................................
(*) Nam cầm (đàn Nam), tương truyền là một nhạc khí dùng trong Nhã nhạc cung đình Huế, tồn tại chưa đầy một trăm năm đã bị thất lạc một cách bí ẩn cho đến tận ngày nay. Theo nhà nghiên cứu Hán học - cố GS. Nguyễn Phúc Bửu Cầm - thì người chế tác ra nhạc khí này là một vị hoàng thân nhà Nguyễn - chúa Nguyễn Phúc Dục (1765 - 1777).




Ái mộng
     (Viết cho một người Huế)

Đêm qua, có tiếng chuông ngân giữa thinh không gọi hồn gió trở
Đinh đinh đoong đoong
Phong linh
Buông
Thả
Lênh lênh loang loang
Giọt cầm trăng nhả


Đêm qua, giữa khôn cùng thắc mắc của cảm thức lúc 0h, người đàn bà ngửa mặt uống những giọt chuông của gió. Lọc những ghét ghen, sân si đời chữ. Lọc những cũ mèm, chát chua, ẩn dụ

Đêm qua, giữa khôn cùng hoài nghi của bản thể, người đàn bà xòe tay nâng niu những âm hình của gió. Hứng những trong veo, thanh khiết, huyền hoặc. Hứng những rưng rức, mỏng tang, hư không

Hình như mưa, không, là giọt nước mắt của trời
Rơi xuyên qua lớp váng thị phi ngẫu nhiên phủ xuống góc ao đời an nhiên thiếu phụ.
Lay giấc ngàn năm viên mãn nửa đời sen
Trong im lặng trổ búp mùa khai mở
Trong im lặng hé một đóa niêm hoa vi tiếu
Ru mầm sầu bi hoài thai từ nhân quả vẫn đợi chờ ngẫu duyên
Cái quả bé xinh, nõn nuột, còn đương thì tơ tuốt, ẩm ương, ngang ngạnh
Hong bằng heo may trái còn chưa chín
Ủ bằng nắng mật trái vẫn đong đưa
À, ơi! Đỏng đảnh trái mùa
Lỡ làng… nhỡ rụng sân chùa... một mai


Hình như sương, không, là khúc xạ của bảy sắc cầu vồng
Lấp lóa trên bức tranh trừu tượng viền khung bằng ảo ảnh, sớm mùa đông chim vỗ khúc thiên di
Gió bấc dỗ dành trái buồn vừa trổ cánh
Trễ tràng rồi
Sao chưa vội bay đi
Sao chưa vội bay đi, về phía ngược mùa
Sao còn quyến luyến những xám ngắt phác họa chì, toan tranh mòn, mục rã
Sao còn vương vấn những xước xác thước phim câm, khuôn hình rỗng, ngược sáng
Buốt tia nhìn ngược hướng


Hình như bụi, không, là bóng của lụa là
Như bình minh rất giống với hoàng hôn, thứ ánh sáng có hai màu vàng, đỏ
Một rạng rỡ bước sang ngày mới
Một u uẩn vào cõi đêm thâu
Sơn mài ơi, sang cả và kiêu sa, lộng lẫy, có mấy người tri kỷ để đau cùng nỗi đau của trình tự muôn đời sơn vàng, phết son rồi mài giũa cho mỏi mòn, tàn tạ
Vàng son
“Vàng son thạch thủy khí”
(*)
Vàng son rồi sẽ tới vàng phai
Úa một mảng tường, phong kín góc chờ bảo tàng chiều cố quận


Ừ! Thì thôi! Hồng trần dâu bể, “sáng như tơ mà chiều đã như sương”(**), ta vẫn biết, và người cũng biết
Nên vọng tưởng chi mà “khúc cầm nam” cứ hoài mơ dạo nên âm thiên trường địa cửu, tiếc nuối gì mà “hoàng hôn có khói trắng bay” lại thẹn thùng với tuế nguyệt phong vân?
Ừ! Thì thôi! Có gì là bất biến giữa vô thường
Tri ngộ mà vô duyên thì trí huệ chẳng thể nào nắm bắt được chân ái, dù gót son trần tục. Cứ lãng đãng như khói trong cõi không của vô tướng, gần thế... mà lễnh loãng, diệu vợi
Vô ảnh mà hữu tình thì nhã tâm cũng có thể chợt chạm vào xúc cảm, dẫu tóc xõa hư vô. Cứ bồng bềnh như mây giữa ấm lạnh của hai đầu cách trở, xa thế... mà quá đỗi nồng nàn
Nhớ thương, tặng nhau cũng chỉ một chữ “tùy” này thôi!


Đêm qua, có tiếng chuông vang giữa thinh không gọi hồn gió trở
Tỉnh giấc Nam Kha mới hay trăng chìm đáy nước. Huyễn mộng, thế thôi, gặp gỡ rồi cách xa
Thì xin em! Trái mùa cứ chín, no tròn viên mãn giấc tương tư, mặc kệ ngoài khơi xa cánh gió còn chơi vơi bể cả
Mây cuồn cuộn mây
Sóng trùng trùng sóng
Hời ru, ngoan nhé tình nương!
Và tôi
Tôi sẽ lại vì em mà vỗ giấc đợi phút sang ngày
Và mai kia nếu thực còn hạnh ngộ
Lặng lẽ tìm nhau
“Một đóa không”…


.....................................................
(*) Bài lấy cảm hứng và sử dụng một số tên truyện ngắn trong tập “Vàng son thạch thủy khí” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà
(**) “Sáng như tơ mà chiều đã như sương” (Tương tiến tửu - Lý Bạch)


(SH308/10-14)









 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • ĐẶNG BÁ TIẾN

  • LTS: Những nhịp đi cổ điển, những thi ảnh cũng như nhuốm màu cổ điển, nhưng gần như lại không bước ra từ cổ tích, mà từ cuộc sống bộn bề. Ba người đàn bà trong những bài thơ dưới đây, từ ba câu chuyện khác nhau, với những không gian khác nhau, nhưng họ chung một nỗi rất đàn bà: yêu, chờ đợi, và hy vọng trong cô đơn…

  • Vũ Dy - Nhất Lâm - Nguyễn Nhã Tiên - Trần Thị Tường Vy - Châu Thu Hà - Nguyễn Miên Thượng - Nguyễn Hàn Chung - Phan Lệ Dung - Vương Kiều

  • Anh Nguyễn Hữu Đống là bạn của nhiều lớp văn nghệ sĩ, nhất là ở Huế. Từ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc, Đặng Tiến, Trụ Vũ… đến nhiều người thuộc lứa sau như Nguyễn Chí Trí, Vĩnh Ba, Nguyễn Thượng Hải, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Huỳnh Lâm, Bạch Lê Quang, Phạm Tấn Hầu…

  • Tôi là Nguyễn Văn Phong. Sinh năm 1985. Quê quán: xã Hà Ninh, Hà Trung, Thanh Hóa. Hiện sống cùng thân sinh. Làm ruộng, lao động phổ thông. Không dùng điện thoại di động. Đây là một số bài thơ lần đầu tôi gửi đến Tạp chí Sông Hương.


  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

  • Mai Văn Phấn - Phạm Đức Mạnh - Hồng Vinh - Nguyên Ngọc - Tôn Nữ Minh Châu

  • LTS: Nhà thơ Nguyễn Xuân Sang quê quán ở An Hòa - Huế, anh đã xuất bản 04 tập thơ & 01 tập phóng sự, ghi chép; từng đạt một số giải thưởng các cuộc thi.

  • LGT: Machu Picchu của đế quốc Inca, núi thiêng Mỹ Sơn của vương quốc Chămpa có cùng số phận đỉnh cao một nghệ thuật kỳ vĩ bị chiến tranh và thời gian tàn phá.


  • Nguyễn Trọng Tạo - Phùng Tấn Đông - Đỗ Xuân Thu


  • NGUYỄN VIỆT CHIẾN

  • Nguyễn Đông Nhật - Từ Hoài Tấn - Trần Hoàng Phố - Phan Trung Thành - Phùng Sơn - Lê Hồ Ngạn

  • LTS: Trước những thử thách của nhiều trường phái thơ hiện đại, xem ra thơ lục bát Việt Nam vẫn sống khỏe. Nó thậm chí không nhất thiết phải phân biệt rạch ròi “hậu lục bát Truyện Kiều”, “hậu lục bát Lửa Thiêng” hay “hậu lục bát Bùi Giáng”. Tuy vậy để được ghi tên tác giả dưới những âm tiết quen thuộc, dễ nhớ đó… ắt tâm hồn người thi sĩ phải gạn đục khơi trong bao lần.