Bài thơ nhớ Trịnh Công Sơn của Đinh Cường

09:33 01/04/2015

(SHO) BẠN VỀ BÊN PHỐ XƯA MƯỜI BỐN NĂM RỒI SAO SƠN.

CHIỀU NAY TÔI ĐI TRÊN PHỐ XƯA GEORGETOWN MÀ NHỚ BẠN

Chân dung nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do Đinh Cường vẽ

Tôi biết bạn không thể nào quên

những người bạn của thời chưa đầy

hai mươi tuổi. thời của ướt mi, thương

một người với Hà Thanh con chim sơn ca

Thanh Hải guitare, Đặng Nho clarinette

thời của những tiếng hát tiếng đàn

sao mà say đắm quyến rũ trên

đài phát thanh Huế. thời cứ chiều

chiều đi lên đi xuống hai con đường

chính Ngã Giữa - Trần Hưng Đạo

có lúc cùng nhau qua ngồi cà phê Lạc Sơn, 

bên kia đường. nhớ lửa mồi là sợi giây [1]

dừa cháy thường trực, thò đầu ra khỏi

miệng lon dùng cho khách mồi thuốc...
 

tôi biết bạn không thể nào quên

về trên phố cao nguyên ngồi

tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

ôi những trưa B'lao vắng vẻ, nơi căn nhà

có phòng bạn trọ, chim vào làm tổ

vỏ bao thuốc chất đống đêm về ra chơi

billard ngoài con đường lộ. tiệm có ngọn đèn

manchon chao, hay những đêm Dran âm u

hai người bạn nằm trên hai chiếc

giường gỗ ván thông, ngọn nến trắng

thức khuya viết thư miên man

gởi Hướng Dương, tên hồn nhiên

bạn gọi Dao Ánh, thời của Còn tuổi nào

cho em: tuổi nào lang thang thành phố

tóc mây cài  thời của Tuổi đá buồn…
 

và thời của Sài Gòn. đêm khuya bạn hay gọi

Lữ Quỳnh. Sâm Thương đến dù giữa khuya.

ba bốn giờ sáng bạn đi băng qua con hẻm

nhỏ Hiền Vương. đập cửa cái studio nhỏ bé

của tôi trong xóm, ngồi chơi và chờ người

thiếu nữ xinh đẹp ra bán hàng ngoài phố sớm

thời bạn vẽ bao nhiêu là chân dung đẹp

nay những nụ môi hồng, ánh mắt ấy bay về đâu...


thời của chiều chiều ra khách sạn Bông Sen

do anh Muộn làm giám đốc. có để riêng cho

Nguyễn Quang Sáng và bạn một phòng ngồi uống rượu

trên lầu cao. nhìn những mái ngói nâu. trời chiều

Sài Gòn. nhìn đàn chim én lượn vòng này qua vòng khác

thời của: Chiều trên quê hương tôi .

Nắng phơi trên màu ngói non tươi Gió mang tin một mùa sẽ tới

Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài 
 

cơn nắng dài từ những ngày thay đổi ấy

và làm sao quên một mùa tuyết phủ

chúng ta cùng lang thang trên những góc phố Montréal

những ngày bạn qua thăm gia đình các em

đêm vào nghe blues jazz. nhớ mãi tiếng đại hồ cầm
 

chiều nay đọc tin sẽ ra cuốn sách viết về Mẹ

trong dịp tưởng niệm mười bốn năm ngày bạn mất

tôi lại nhớ đến cái tượng nhỏ Mẹ Con bằng đất nung

của Trương Đình Quế đổi tôi lấy bức tranh nhỏ [2]

khi đi không mang theo vì nặng. tôi để lại tặng bạn

bạn đã cho gắn trên bục cao để ở mộ bác gái thật đúng và đẹp

bạn quá hạnh phúc khi nằm cạnh mộ mẹ ở Gò Dưa
 

mười bốn năm rồi sao Sơn. làm sao kể hết những kỷ niệm

tôi vẫn luôn giữ tận cùng trong lòng tôi một tình bạn

từ thời hai mươi tuổi. nhớ bạn đi đâu về cũng hỏi người làm

bà có nhà không. bạn thương yêu mẹ hết mực.

thương yêu các em hết mực. như vậy là bạn đã yên tâm nằm xuống.
 

và tôi vẫn biết. chúng ta cùng thích phố phường. những tháng cuối cùng

tôi về thăm bạn. mùa hè. chiều cùng nhau ra ngồi Givral

khi trở lại Virgina. mùa xuân bạn mất. đúng mùa hoa anh đào nở

năm nay trời băng giá nhiều. mùa hoa anh đào nở chậm Sơn ơi...

 

Để nhớ 14 năm ngày TCS mất (1 tháng 4 năm 2001 – 1 tháng 4 năm 2015)

Virginia, March 27, 2015

Đinh Cường

------------------

[1] Hoàng Xuân Sơn -  Cũng Cần Có Nhau -  Phóng bút

 Nhân Ảnh xuất bản 2013. trang 16

[2] Trương Đình Quế sinh năm 1939 tại Đà Nẵng. Hiện sống tại Sài Gòn 

Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định năm 1961

trước đó có theo học 2 năm điêu khắc tại Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế

với thầy Trương Đình Ý, còn lưu lại tượng Cánh Chim bên sân trường

là một nhà điêu khắc tài hoa cùng thời Mai Chửng và Lê Thành Nhơn 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • Nguyễn Đức Tùng - Nguyễn Tân Dân - Huyền Thư - Đông Hương - Nguyễn Bội Nhiên

  • Vũ Dy - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Văn Thanh - Triệu Nguyên Phong - Ngưng Thu - Nguyễn Duy Hới - Huỳnh Lê Nhật Tấn - Nguyễn Văn Học - Đặng Văn Sử - Từ Hoài Tấn - Ngô Bá Hòa - Trường Thắng - Khaly Chàm

  • Ngoài chùm thơ gửi đến, tác giả Lữ Thị Mai không ghi thêm thông tin gì. Tuy vậy khi đọc thơ xong mới hay có lẽ cũng không cần giới thiệu gì nhiều; ngần ấy cũng đủ cho chúng ta thấy đó đích thực là con đường thi ca của một tác giả trẻ đang đi theo vết dấu của thủy thần…
    S.H

     

  • Phan Lệ Dung - Châu Thu Hà - Nguyễn Thị Bích Phượng - Nguyên Hào - Mai Văn Hoan - Vương Kiều - Võ Công Liêm - Phan Đạo - Nguyễn Thiền Nghi

  • LTS: Những bài thơ ngắn, nhưng như chiếc kính hội tụ những cao vọi thanh sạch không gian, lắng lại trong ánh nhìn của chiếc lá sen. Và như trong tàn lá sen ấy, ứa ra những giọt lệ thiền. Dưới đây là chùm thơ của Trần Lê Khánh.

  • Như Quỳnh de Prelle, hiện tại đang sống và làm việc tại Brussels, vương quốc Bỉ. Chị từng là nhà sản xuất phim độc lập và viết kịch bản, làm truyền thông và viết báo tại Việt Nam. Thơ Như Quỳnh de Prelle đã xuất hiện trên các tạp chí chuyên về văn học và các trang văn online trong và ngoài nước. Đáng chú ý là bài thơ Nỗi buồn trên cây của chị được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn “Nỗi buồn trên cây” sau đổi thành Tôi 30 của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2014 và nhiều liên hoan phim khác.
    Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ mới của chị vừa gửi về từ Brussels.

  • LTS: Huyền Thư quê quán Đông Hưng, Thái Bình, hiện đang sinh sống tại Wellington, New Zealand; thơ chị được giới thiệu trên Sông Hương số 325 (3/2016).

  • Do sơ suất trong trình bày, Số đặc biệt Sông Hương 22, tháng 9/2016, trang 25, đã in nhầm tên tác giả bài thơ “Xác” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng thành tên tác giả Hoàng Thụy Anh.

  • Hoàng Vũ Thuật - Đỗ Văn Khoái - Đức Sơn - Nguyễn Đông Nhật - Nguyễn Ngọc Phú - Hường Thanh

  • Những truyền thuyết, huyền thoại là tuổi thơ của một xứ sở, một tộc người. Các câu chuyện tình mang tính chất như thế: Trương Chi - Mỵ Nương, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Giáng Kiều - Tú Uyên, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung,… đã được tấm gương thi ca phản chiếu vào tâm hồn chúng ta, tạo thêm niềm cảm hứng trong cuộc sống.

  • Những bài thơ được giới thiệu sau đây có cùng niềm cảm hứng về đời sống văn minh thôn dã. Một thế giới đầy vẻ thơ mộng của tự nhiên đang bị cuộc sống hiện đại xóa mờ dần dấu vết.

  • Đỗ Văn Khoái - Nguyễn Trọng Tạo - Nguyễn Kim Huy - Ý Nhi - Phạm Ngọc Cảnh - Nguyễn Nguyên Thanh - Nguyễn Huy Việt - Xuân Sách


  • Nguyễn An - Thạch Quỳ - Mạc Mạc - Phạm Bá Thịnh - Nguyễn Hoàng Thọ - Nhất Lâm

  • Bùi Nguyên - Ngô Công Tấn - Ngàn Thương - Nguyễn Hới Thọ - Lãng Hiển Xuân - Đặng Văn Sử