Trang thơ Hoàng Cầm

09:53 11/12/2014

LTS: Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tăng Việt. Sinh ngày 20 tháng 2 năm 1922 tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên (do đó mới có tên là Tăng Việt), Hà Bắc. Con một nhà nho không thành đạt, sống bằng nghề thầy thuốc. Hoàng Cầm (tên một vị thuốc rất đắng) là bút danh dùng từ năm 1939.

Có thơ đăng đầu tiên vào năm 14 tuổi, trên báo Bắc Hà. Trước Cách mạng Tháng 8, có những kịch thơ đáng chú ý như Kiều Loan, Lên Đường.
Tham gia cách mạng từ tháng 5 năm 1945, làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Song Hồ. Vào bộ đội năm 1947 và có những bài thơ rất được ưa thích như Bên kia Sông Đuống, Đêm liên hoan, Giữ lấy tuổi trẻ.
Là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập và là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa I cho đến năm 1958.
Sông Hương xin trân trọng giới thiệu mẩu đối thoại ngắn giữa nhà thơ với phóng viên Tạp chí trong lần gặp ở Hà Nội vừa rồi, và 3 bài trong tập thơ Kinh Bắc của ông, tập thơ được tác giả xem là tiếng nói tâm linh của thơ và là những bài thơ tác giả không thể quên được.
S.H



P.V: Xin anh cho biết qua về công việc sáng tác của anh?

H.C: Từ năm 1959 đến nay tôi vẫn sáng tác đều đặn; tập trường ca Men Đá Vàng, tập thơ Kinh Bắc (khoảng 50 bài) và một số ít bài thơ lẻ. Sau năm 1980 vì những lý do riêng tư, tôi hoàn toàn ngừng viết. Nay đang bắt đầu "thử ngòi bút" lại.

P.V: Có lẽ trong việc "thử lại ngòi bút" ấy, anh được công cuộc đổi mới đang diễn ra tiếp sức cho rất nhiều, nếu không nói là một cách quyết định?

H.C: Từ ngày đồng chí Nguyễn Văn Linh gặp các anh em văn nghệ sĩ, tôi thấy mở ra rất nhiều. Tôi ao ước và tôi tin vào công cuộc đổi mới. Với tôi, chuyện đã qua là đã qua, nói lại chuyện quá khứ, theo tôi, không ích gì. Tôi không trách ai hết. Điều quan trọng nhất, đáng lo lắng nhất là từ nay có làm được gì không, có góp sức cùng với mọi người được không để làm cái gì đó có ích cho đất nước. Sự trăn trở là nên dành cho hiện tại, vì hiện tại và xuất phát từ hiện tại. Tôi nghĩ các anh Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… vẫn còn có thể sáng tác nhiều. Tôi biết các anh ấy tiềm lực chưa cạn đâu.

P.V: Còn anh hẳn cũng đang ấp ủ viết một cái gì đấy chứ ạ?

H.C: Tôi dự định chuyển trường ca Men Đá Vàng thành kịch thơ. Đấy là một vở ca ngợi những gì tốt đẹp của ông cha để lại (Kịch thơ là thể loại tôi có phần sở trường, còn kịch xuôi tôi viết kém lắm). Ngoài ra tôi đang mong muốn viết một kịch thơ lấy đề tài chống chiến tranh. Về những bài thơ lẻ, tất nhiên không thể định trước được; thấy thôi thúc thì làm thôi.

P.V: Tình hình văn nghệ hiện nay theo anh như thế nào?

H.C: Vẫn đang còn ngổn ngang cái mới cái cũ. Tôi mong mỏi những anh em đang còn vướng trong nếp tư duy cũ sớm suy nghĩ lại, để nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc đổi mới. Mới như Maiakovski: "Tranh nhau vinh dự làm gì!".


HOÀNG CẦM

Lá Diêu Bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng 
Chị thẩn thơ đi tìm 
Đồng chiều 
Cuống rạ 

Chị bảo 
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông 
Từ nay ta gọi là chồng 

Hai ngày em tìm thấy lá 
Chị chau mày 
Đâu phải lá Diêu Bông 

Mùa đông sau em tìm thấy Lá 
Chị lắc đầu 
   trông nắng vãn bên sông 

Ngày cưới chị 
Em tìm thấy Lá 
Chị cười se chỉ ấm trôn kim 

Chị ba con 
Em tìm thấy Lá 
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn 

Từ thuở ấy 
Em cầm chiếc lá 
    đi đầu non cuối bể 
Gió quê vi vút gọi 
Diêu Bông hời... 
...ới Diêu Bông...!



Theo đuổi

Em ơi thử đếm mấy giêng hai
Đêm hội Lim về
đê quai rảo bước
Đuổi tà lụa nhạt
Ánh trăng đầm thấm đường sương

Ấy bởi thương em
vườn khô bỏ ngỏ
Gió vào ra bưởi trụi hồng thui
Ấy bởi thương em
mái nhà um cỏ
Chim vào ra vách đứng cột ngồi

Em về đồng chiêm đất rạn chân chim
Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè
Hồ nghe đêm hội ới a
Lại xót mắt em mi trường khép bóng
Lòng tay êm mát rừng tơ xa
Lại xót tay anh đêm trường ru võng
Rừng chân mây chưa động sấm quê nhà

Chân em dài đi không biết mỏi
Má em hồng lại nổi
đồng mùa nước lụt mênh mông
Lưng thon thon cắm sào em đợi
Đào giếng sâu rồi
Đừng lấp vội đầu xanh

Lý lý ơi khát khô cả giọng
Tình tình ơi chớ động mành thưa
Chìa vôi quệt gió hững hờ
Bờ ao sáo tắm bao giờ…
…hở em
.


Về với ta

Ta con bê lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín
Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô
gặm cỏ mưa phùn
Dóng giã gọi về đồng sương
Đôi ba người lận đận
Đêm nay mẹ chẳng về chuồng

Ta con chào mào khát nước
về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
Cây ổi giơ xương
chống đỡ mùa đông sập về đánh úp
Ô này tám đỏ ra hoa

Ta con chim cu về gù rặng tre
đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
đưa mây lành những phương trời lạ
về tụ nóc cây rơm

Ta ru em
lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa

Ta con phù du ao trời chật chội
đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao
Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ
Vừa rụng chiều nay
dềnh mặt nước hương sen

Ta soi
chỉ còn ta đạp lùi tinh tú

Ngủ say rồi đôi cá đòng đong.

                                         1960
(SH32/08-88)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • Nguyễn Đức Tùng - Nguyễn Tân Dân - Huyền Thư - Đông Hương - Nguyễn Bội Nhiên

  • Vũ Dy - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Văn Thanh - Triệu Nguyên Phong - Ngưng Thu - Nguyễn Duy Hới - Huỳnh Lê Nhật Tấn - Nguyễn Văn Học - Đặng Văn Sử - Từ Hoài Tấn - Ngô Bá Hòa - Trường Thắng - Khaly Chàm

  • Ngoài chùm thơ gửi đến, tác giả Lữ Thị Mai không ghi thêm thông tin gì. Tuy vậy khi đọc thơ xong mới hay có lẽ cũng không cần giới thiệu gì nhiều; ngần ấy cũng đủ cho chúng ta thấy đó đích thực là con đường thi ca của một tác giả trẻ đang đi theo vết dấu của thủy thần…
    S.H

     

  • Phan Lệ Dung - Châu Thu Hà - Nguyễn Thị Bích Phượng - Nguyên Hào - Mai Văn Hoan - Vương Kiều - Võ Công Liêm - Phan Đạo - Nguyễn Thiền Nghi

  • LTS: Những bài thơ ngắn, nhưng như chiếc kính hội tụ những cao vọi thanh sạch không gian, lắng lại trong ánh nhìn của chiếc lá sen. Và như trong tàn lá sen ấy, ứa ra những giọt lệ thiền. Dưới đây là chùm thơ của Trần Lê Khánh.

  • Như Quỳnh de Prelle, hiện tại đang sống và làm việc tại Brussels, vương quốc Bỉ. Chị từng là nhà sản xuất phim độc lập và viết kịch bản, làm truyền thông và viết báo tại Việt Nam. Thơ Như Quỳnh de Prelle đã xuất hiện trên các tạp chí chuyên về văn học và các trang văn online trong và ngoài nước. Đáng chú ý là bài thơ Nỗi buồn trên cây của chị được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn “Nỗi buồn trên cây” sau đổi thành Tôi 30 của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2014 và nhiều liên hoan phim khác.
    Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ mới của chị vừa gửi về từ Brussels.

  • LTS: Huyền Thư quê quán Đông Hưng, Thái Bình, hiện đang sinh sống tại Wellington, New Zealand; thơ chị được giới thiệu trên Sông Hương số 325 (3/2016).

  • Do sơ suất trong trình bày, Số đặc biệt Sông Hương 22, tháng 9/2016, trang 25, đã in nhầm tên tác giả bài thơ “Xác” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng thành tên tác giả Hoàng Thụy Anh.

  • Hoàng Vũ Thuật - Đỗ Văn Khoái - Đức Sơn - Nguyễn Đông Nhật - Nguyễn Ngọc Phú - Hường Thanh

  • Những truyền thuyết, huyền thoại là tuổi thơ của một xứ sở, một tộc người. Các câu chuyện tình mang tính chất như thế: Trương Chi - Mỵ Nương, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Giáng Kiều - Tú Uyên, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung,… đã được tấm gương thi ca phản chiếu vào tâm hồn chúng ta, tạo thêm niềm cảm hứng trong cuộc sống.

  • Những bài thơ được giới thiệu sau đây có cùng niềm cảm hứng về đời sống văn minh thôn dã. Một thế giới đầy vẻ thơ mộng của tự nhiên đang bị cuộc sống hiện đại xóa mờ dần dấu vết.

  • Đỗ Văn Khoái - Nguyễn Trọng Tạo - Nguyễn Kim Huy - Ý Nhi - Phạm Ngọc Cảnh - Nguyễn Nguyên Thanh - Nguyễn Huy Việt - Xuân Sách


  • Nguyễn An - Thạch Quỳ - Mạc Mạc - Phạm Bá Thịnh - Nguyễn Hoàng Thọ - Nhất Lâm

  • Bùi Nguyên - Ngô Công Tấn - Ngàn Thương - Nguyễn Hới Thọ - Lãng Hiển Xuân - Đặng Văn Sử