Thơ Sông Hương 4-2011

15:48 23/05/2011
Lê Văn Ngăn - Nguyễn Xuân Thâm - Phan Lệ Dung - Bành Thanh Bần - Đào Duy Anh

Ảnh: internet


LÊ VĂN NGĂN


Rồi sẽ đến ngày ấy


Rồi sẽ đến ngày ấy Đà Lạt à
ngày mặt đất che kín đôi mắt tôi thường nhìn thấy người
và bấy giờ, người vẫn còn sống
vẫn bước đi bên cạnh người khác
vẫn nụ cười của hoa anh đào nở trên quãng đường dốc
vẫn soi khuôn mặt đẫm sương vào chiếc gương soi làm bằng hồ nước
vẫn hát những khúc tình ca qua lời gió hàng thông reo
vẫn thường choàng lên vai chiếc áo trắng một màu mưa trắng xóa
vẫn êm đềm ngã mình giữa thảo nguyên, những ngôi nhà yên tĩnh
vẫn mái tóc rối những triền đồi hoa hướng dương vàng hực nở

rồi tôi sẽ gởi lại nơi người
những gì người đã mang tới
chẳng hạn, chuyến xe đầu ngày rời ngoại ô
ngôi sao mai nền trời nhạt
những người cùng thời ngồi kề bên nhau
tiếng động cơ thì thầm như muốn hỏi: anh sẽ làm gì,
nếu thời gian cho anh sống thêm một đời nữa

chẳng có gì đẹp hơn được tiếp tục
đi vào lòng người
đi vào những điều bình thường nhất để nhận ra điều khác thường

đi vào những điều bình thường nhất đi đến gần khung kính cửa xe
những sợi mưa lăn dài những buổi chiều quang đãng
những cuộc hôn phối những phiên tòa ly thân
những năm chiến tranh những ngày hòa bình
những kẻ giết mướn những người lương thiện
những tu sĩ, những ngọn đèn đẫm nước mắt và một thiên đường ảo ảnh
những tiếng rơi của sắt thép của xích xiềng dưới chân vực thẳm
những khuôn mặt đã ngẩng nhìn lên rặng cây xác xơ sau cơn bão
những vẻ đẹp đã hồng lên trong bóng ngọn cờ.

đi vào những điều bình thường nhất để nhận ra điều khác thường
đi vào cánh đồng để biết lá non cũng đủ sức kháng cự với bão tuyết muốn dập vùi
đi vào những vỉa hè lát gạch đi vào dấu vết của quá khứ
đi bên cạnh những bàn chân to những bàn chân mảnh dẻ
đi vào hiệu sách đi vào những dòng chữ những tiếng nói của im lặng
đi vào quán cà phê đi vào niềm vui bằng chất đắng lẫn chất ngọt
đi vào cửa hàng bánh nướng để nhìn bàn tay người đã tạo nên hơi ấm
đi vào cửa hàng bán son tô môi đi trong ánh mắt của một người
đàn bà mới gặp vài lần từ mười năm trước
đi vào thầm nhủ: ôi tình yêu,
 tôi vẫn yêu người trong thời gian và nghịch cảnh
                                                                Quy Nhơn 1984
 

NGUYỄN XUÂN THÂM


Con tàu ngày ấy nhả nhiều khói qua


Buổi sáng quá chừng yên
chúng tôi ba người Huế
nhìn nhau
Lặng im
Mùa hạ đang ngoài kia
Ném lửa hàng long não
Dòng sông đang ngoài kia
xanh trong ảo

Chiến tranh mới đi qua
Lần đầu, chẳng ngờ lần duy nhất
gặp Trịnh Công Sơn
Khánh Ly hát
Thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ

Bữa ấy
Tôi kịp nói trong tiếng còi tàu
Nhạc Trịnh
Nhạc của thiên đàng
Lời Trịnh
Lời của trần gian.

Một mình tôi lên con tàu chợ
chưa quên
Con tàu ngày ấy nhả nhiều khói quá.



PHAN LỆ DUNG


Trời đang mưa trong núi


Trời mới tạnh
mấy ngày qua mưa không ngớt
đường làng trơn ướt
Buổi sáng
cây cối còn đọng nước trên lá
Em theo chị đi bứt củi trong núi
qua mấy con đường có nhiều hoa hổ ngươi nở tím
em mang đôi dép của chị
mấy ngón chân thọt ra đằng trước
Chị nhìn em cười
Hai giọt nước mắt chảy trên má
đi qua mấy đám ruộng nước ngập lên đầu gối
qua chiếc cầu tre lắc lư
gió thổi tung áo chị
tới ngã ba ông Rồng
người đứng đông như kiến
bu quanh mấy xác chết máu me la liệt
không có tiếng người khóc
chỉ có tiếng gió thổi mắc trên cành cây không thoát ra được
chị dặn em
nhắm mắt đi qua kẻo tối về nằm chộ
người dưới chợ lên nói
đêm qua súng nổ ở xóm mười
có năm người chết
chị buồn nhìn ra sông
con châu chấu nằm trong vạt cỏ
một cánh bị đứt còn vướng trong bụi cỏ lùng
chị nói đường còn xa lắm
thôi em về đi kẻo trời sắp mưa
nhớ đừng để lạc đường
chiều về chị hái sim cho
chị còn ở lại nhà thêm một ngày nữa
mai về bên nớ
Em nhìn chị
gió thổi lào rào ngoài sông
hai con chim chỉa cá liệng vòng
để rớt mấy cái lông trên mặt nước

Con đường dốc gai góc bụi bờ
Chị đi một mình
Em nhìn theo
Trời đang mưa trong núi.



BÀNH THANH BẦN


Ngoài này Hà Nội vẫn mưa


Ngoài này Hà Nội vẫn mưa
Trong em - Huế
bão tạnh chưa, hay còn?

Đường trần có lấm gót son
Áo em
thả tím hoàng hôn phương nào?

Nón bài thơ gió nghiêng chao
Môi hồng
đã giọt mưa nào đặt lên?

Tóc mây buông xõa vai mềm
Lá thu
vàng rắc bên thềm xôn xao?

Sông Hương thuyền vẫn gác sào
Tình anh
Em vẫn neo vào lưng ong?

Trường Tiền cong nét mi cong
Nhớ anh đừng chớp
kẻo giông bão về!



ĐÀO DUY ANH


Nói với bình minh


Từng rót vào những bình minh
lên dây cót ngân rung nhịp con người trong nghi thức hành hương hiến tế
tôi - em thở gấp khẩn cầu ngây dại
những lạ lẫm vượt qua dốc thở… đứt quãng… dốc thở…!
đòi quyền tái sinh
nơi khuôn ngực em tôi sơ sinh, đồng thời đánh mất linh hồn dưới địa ngục em.
hân hoan đoạ!

Thời gian… thời gian và sự lặng im
thành khẩn với nỗi buồn để quan thiết với đời sống
giấc mơ cũng trở nên xa xỉ
từng cọng tóc kích động chua chát không biết cơn đau chưa kịp mượt đã gãy vụn
vòm họng đánh mất cuống lưỡi lối thoát cho bài hát thì thầm tất thảy những bình minh
những ý nghĩ leo thang thách thức
hụt bước sóng tưới nắng lên vòng đời ám bụi
Em!
dội lên tôi những đám mây đen
kết rốn vào mặt đất
chiều kích tư duy cấu thành bi thiết
sự tồn vong dằng dặc những thời gian phi lý và vô vị trôi qua
tình di trú vào ngôn ngữ vừa lai hồi vừa soi chiếu
thốn đau trong tiếng rên cảm xúc
em thành người khác
đánh tráo khái niệm ban đầu

Tư duy lạnh nuốt rác ngôn ngữ
ngôn ngữ cô đơn được rút ra từ kinh nghiệm trợn trạo nước bọt tình yêu đắng trong giấc mơ

Sẽ nói câu gì cho những bình minh
không chắc
nhưng ý nghĩ
đỏ hơn ban mai khối lửa mặt trời
lạc ý nghĩ người diễn ngôn
Em hay Tôi…?!

(266/4-11)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Bãi cát nhàu muối mặnHoang dại một loài hoaAi đặt tên Cúc biểnMàu tím đỏ mượt mà

  • Em về với chị, quê xưaQuê em quê chị, bây giờ quê ai?Cách xa hút tháng năm dàiSao ngày trở lại lạnh gai cả người.

  • (Nhân lời kể của một người chơi chim)

  • Chị tôiphận gáiheo may về lơ lửng sáo diều ngânSông Bồ mười hai bếnbến nào nước đụcbến nào trong...

  • ...Không hề có chia ly, không cả lời giã từ, chỉ phương ấy trongvô vọng của em, chợt giây khắc này bừng chói...

  • Gương mặt thánh thiệnSáng và buồn

  • Sinh 1962 ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học hàng hải tại Liên Xô (1986) và đã từng là thuyền trưởng Hải quân. Ngô Tự Lập đã xuất bản hơn chục đầu sách bao gồm thơ, truyện, tiểu luận và dịch thuật.Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt .

  • Sinh năm 1949  tại Bình Lục - Hà . Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.Tác phẩm đã xuất bản:  Dấu lặng - (Thơ)  NXB Văn học 1976;  Đêm thiếu nữ - (Thơ) NXB Văn học 1978. Ngoài ra Trần Lan Vinh còn có thơ in trong các tuyển tập khác.

  • Sinh 1946 tại Liên Minh, Vụ Bản, Nam ĐịnhCử nhân nghệ thuật - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội - Hội viên Hội Mỹ Thuật Hà Nội.Tác phẩm: Trại Muộn (thơ) NXB Văn học 1995;  Mảnh trời qua ô cửa - (thơ) NXB Văn học 1997.

  • Một tiếng thôi mà bao hàm cả cộng đồng dân tộc, cả xứ sở thân yêu với đồng lúa cánh cò, với núi non điệp trùng và rừng vàng biển bạc, những người vợ thương chồng tạo vóc dáng vọng phu.

  • (Gửi nhà thơ L.M.T)Em tìm trong lá một vầng trăng xaEm tìm trong cỏ bóng chiều vừa qua.

  • Đợi tắt mặt trờiĐêm không trăng ta lầm lũi bước sóng đôi với biểnXa khơi thăm thẳm màn đen

  • Tôi vấp ngã vào ban mai trong trẻoNước sông Hương xanh rười rượi tháng tưMưa đầu hạ, sấm chớp chừng vội vãCơn gió hoang lạ lẫm bước tôi về

  • LTS: Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh 12 - 3 - 1946 tại Mộ Đức Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội 1969, vào bộ đội, làm báo ở Đài tiếng nói VN, đi chiến trường bộ cuối năm 1970. Là phóng viên chiến trường, ở Ban binh vận R. Sau giải phóng về trại sáng tác Quân khu 5, sau đó giải ngũ, về Hội Văn nghệ Nghĩa Bình và Hội Văn nghệ Quảng Ngãi. Hội viên Hội nhà văn, ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt . Đã in hơn 10 tập thơ và trường ca. Hai lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt cho hai tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” và trường ca “Những ngọn sóng mặt  trời”. Giờ vẫn làm thơ chơi và viết báo kiếm sống.

  • LTS: Trần Chấn Uy sinh năm 1957, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt . Anh là một nhà thơ trẻ đã có 5 tập thơ ra mắt bạn đọc. Trần Chấn Uy đi khắp nơi, say mê với cái mình đã chọn, diễn đạt nó với nhiều cung bậc. Tìm kiếm chân lý và cái đẹp để đưa vào thơ, với tấm lòng bao dung, nhân hậu, dưới góc độ nào, giọng thơ Trần Chấn Uy cũng chân chất, mộc mạc, nồng ấm. Nhà thơ Trần Chấn Uy hiện nay công tác ở Đài Truyền hình Khánh Hoà.

  • LTS: Dạy toán nhưng rất yêu thơ đó là điểm đặc biệt của con người Lê Quốc Hán. Lê Quốc Hán viết thơ nhiều. Thơ anh đã in hầu hết các báo ổ địa phương và trong nước. Thấm đẫm mồ hôi của người lao động, anh luôn nhìn cuộc đời với đôi mắt yêu thương, đầy trân trọng. Hồn hậu, mộc mạc, chân chất mà vẫn nói được cái mình gửi gắm không chút sáo cũ, âu đó cũng là điểm mạnh trong thơ Lê Quốc Hán.Lê Quốc Hán hiện nay là Tiến sĩ trường Đại học Sư phạm Vinh.

  • LTS: Sinh năm 1969 đã có 2 tập thơ riêng. Là một cây bút trẻ luôn có ý thức làm mới thơ. Tập thơ đầu tay “Dòng sông cháy” của chị vừa ra mắt bạn đọc đã nhận được giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 1997.Táo bạo, trăn trở cho cái mới. Khắt khe, đòi hỏi cao chính mình trong lao động nghệ thuật; Nguyễn Bảo Chân đã chọn cho mình một cách đi riêng trên con đường thơ ca. Với ngôn ngữ thơ hiện đại, với hình tượng thơ kỳ lạ - qua cảm xúc tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm, Nguyễn Bảo Chân đã mang đến cho bạn đọc những bài thơ hay. Hiện nay Nguyễn Bảo Chân công tác ở Đài Truyền hình Việt - phụ trách chương trình “Tác phẩm và dư luận” trên sóng VTV3.

  • LTS: Sinh năm 1943 ở Hà Nội. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một cây bút nữ nổi tiếng. Với chất thơ dịu dàng, đằm thắm, chị đã đem đến cho thơ Việt một giọng riêng. Chị không tìm kiếm những tứ thơ lạ, mà làm lạ những tứ thơ tưởng như đã cũ. Với 6 tập thơ và 2 tập truyện thiếu nhi, Phan Thị Thanh Nhàn đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hiện nay là UVBCH Hội Nhà Văn Hà Nội và là chủ nhiệm câu lạc bộ nhà văn nữ Việt .

  • Giọng nói chỉ còn thoang thoảngđồng cỏ hoa vàng

  • Thiên niên kỷ mới vẫy ta sangkhốn nỗi quà xuân chưa sẵn sàng