Thơ Sông Hương 08-2020

14:36 31/08/2020


Quỳnh Nga - Phạm Hiền Mây - Np Phan - Lưu Xông Pha - Phan Duy

Tác phẩm "AN" (màu nước - 2020) của HS Đỗ Hiền

QUỲNH NGA

Hương đồng bằng

Nhặt mùi hương tháng giêng
Ướp xanh trên nhành cỏ
Hôm con sông quên trôi
Đi vòng qua cánh đồng gió biếc
Nghe những hạt sương rơi từ vòm mắt ướt


Nghe mùa thu vừa thức giấc gọi tên
Nghe tuổi nào trên vạt áo lam cánh chuồn chuồn kim
Những lọn sóng đồng tâm cứ đuổi nhau về xanh ký ức
Những đóa sen trong gió cứ vọng về ung dung nở thực
Nở bềnh bồng trên đầm lầy ngát hương
Mặc mùi bùn xưa ngái ngủ


Con ếch xanh trốn vào gốc hoài niệm tôi
Mơ thành hoàng tử
Gọi giấc trăng lên từ một huyền thoại em về
Con sông nào cứ chảy cồn cào như mắc phải bùa mê
Hôm em gieo nụ nhớ gieo chùm thương từ đầu nguồn sợi tóc


Hương mạ non và mùi ngãi trầm của một đêm lại mọc
Từ khoảnh khắc tôi nghe câu kinh trổ hoa
Lạ lẫm những đóa dạ đề
Đêm tôi mơ
Những giấc mơ phát quang kỳ ảo
Đêm. Một tôi và loài dạ thảo
Lắng nghe lời tiên tri của gió
Phía đồng bằng em
Mùa tháng giêng nồng nàn xanh.




PHẠM HIỀN MÂY

Trắng tay trời khói bay

chốn đi về đã hắt ngời
quái ngày nắng bóng rã rời sông trôi
sóng qua bọt vỡ tàn phôi
vất vơ nước ngọn buồn đôi lá chìm


mạn đông cổ độ im lìm
lối tây thiên lý dấu tìm nổi nênh
dốc mây chiều xuống chênh vênh
nẻo trăm năm gió sầu mênh mông đời


nỗi muôn nghìn mảnh cõi vời
với ôm vào trắng tay trời khói bay…



Chốn về...

đã nghe gió nỗi ngổn ngang
trải cô đơn lá chiều đang đất trời
đã cơn bụi cát thênh ngời
trắng nghi ngút lối mây vời gót qua


yêu đi hạnh phúc rồi xa
thương đi mộng thoắt rời ta sớm ngày
cho nhau chút nữa môi này
thêm nhau chút nữa mắt bày khói lan


chốn về bước nhẹ trần gian
tiễn trăm năm khép buồn mang kiếp người…




NP PHAN

Biến khúc thời gian

sẽ có một lúc nào đó
chúng ta sẽ phải tìm về con đường đã từng qua
ở đó có dấu chân thời gian
cơn gió màu xanh lá
thổi qua nửa chừng xuân
bỗng hốt hoảng ngoái nhìn
bầu trời phía sau lưng
đã rực lên một màu hoang dã


bằng cách nào đó
có thể em sẽ nhặt được
tiếng ca đã từng rơi trên thảm cỏ hồng
bình minh thì rất vội
dòng sông đã bỏ đi rất xa
chỉ còn lại cây cầu
chơ vơ cùng tháng năm rời rã


dù thế nào
em cũng sẽ nhận ra
trong dòng âm thanh bất tận kia
có tiếng thầm thì của bông hoa đã úa tàn
nói với em những điều em chưa từng nghĩ đến
dội vào tâm thức
những sớm mai phù vân


thời gian sẽ song hành với chúng ta
để nâng niu những mảnh vỡ ký ức
ánh trăng xanh vô tình
rơi xuống vạt áo em
gợi mở một mùa thu huyền hoặc
những giấc mơ rối bời
lấp lửng sầu đông




LƯU XÔNG PHA

Người dưng

Người dửng dưng chỗ tạm dừng
Tay đưa tóc với ngập ngừng môi thơm
Cháy vèo giấc mộng lôm côm
Khói đâu cay mắt mà ôm tro tàn


Vò tơ rối cọng tơ vàng
Từ khi chung lối, bàng hoàng từ khi
Cổng nhà rao bán vu quy
Người dưng bỏ nước lã đi giang hồ


Đêm trường mài một câu thơ
Ảo vồ dập trước, thực ngờ nghệch sau
Ước gì bán được chiêm bao
Mua người dưng lại cùng nhau mơ hồ




PHAN DUY

Trong một chiều mưa

1.
mưa thịnh soạn buổi chiều mỏng dính
gió lay
một khúc sông
trắng ngần
2.
con muỗi chần chừ không chích
lập lờ chiều để ngứa
trên tay
góc bếp gọi lần gạo nở
tiếng sôi
phỏng rộp cây mưa giòn
3.
em có về lau tạm vết son
chùi mắt khói mà thương lời củi cháy
đã đi qua mấy lần như vậy
có nghe dột lòng mình
một tiếng
mưa
4.
đơn giản chiều đơn giản nhớ nhung treo
lọ bám tay em có giật mình
xấu hổ
cũng là mưa
một chiều mưa rất phố
có chợt thèm
nghe tiếng cơm sôi
5.
để củi ướt bếp về mịt mịt khói
soạn lại
lòng ta
vừa dột bấy mong chờ.


(TCSH378/08-2020)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Vương Kiều - Lê Đình Ty - Huệ Nguyên - Từ Nguyễn - Từ Dạ Linh - Hoàng Xuân Thảo - Đoàn Mạnh Phương

  • Tôn Phong - Nguyễn Thất Hanh - Bùi Tấn Xương - Trần Thị Ngọc Mai - Nguyễn Tuất

  • Trần Xuân An - Lý Hoài Xuân - Mai Nguyên - Trần Thị Huyền Trang - Trần Bá Đại Dương - Nguyễn Loan - Trần Thị Hiền - Đỗ Văn Khoái - Phùng Tấn Đông - Hồ Huệ - Tôn Lệ Thu Châu - Nguyễn Hữu Quý - Nguyễn Phi Trinh - Việt Trác

  • Tế Hanh - Hoàng Vũ Thuật - Nguyễn Khắc Mai - Tuyết Nga - Thái Ngọc San - Đặng Thị Kim Liên - Trần Vạn Giả - Huỳnh Duy

  • Lê Văn Ngăn - Nguyễn Xuân Thâm - Phan Lệ Dung - Bành Thanh Bần - Đào Duy Anh

  • HỒNG NHUChiếc tàu cau                        (Trích)

  • Minh Huệ - Xuân Quỳnh - Phương Thúy - Trần Thị Hiền - Trần Hải Sâm - Trần Khắc Tám - Hà Linh Chi - Mai Văn Hoan - Văn Tăng - Thiệp Đáng - Nguyễn Thành Phong - Hà Nhật

  • LTS: “Đi về sao chửa về đi” có lẽ là câu nhắn nhủ nhiều ý nghĩa nhất của Đào Tiềm vào cuối cuộc nhân sinh. Mười năm trước, ở tuổi bảy mươi, sau hơn 50 năm gắn bó với thơ ca, nhà thơ Tường Linh đã viết bài “Khúc ca quy ẩn” như lời từ giã đời thơ.

  • LTS: Đỗ Hoàng, sinh ngày 11-10-1949 tại Lệ Ninh, Quảng Bình, có thơ in từ năm 1970 ở các sách báo Trung ương và địa phương. Các tập thơ đã được xuất bản: Mùa lên xanh (in chung) - NXB Tác phẩm Mới 1978; Những miền đất nhớ (in chung) - NXB Lao động năm 1983; Những cánh rừng (in chung) - NXB Thanh niên năm 1984…

  • Đông Hà - Từ Nguyễn - Đông Triều - Quách Thành - Nguyễn Nhã Tiên - Nguyễn Trọng Văn - Quang Huy - Lê Văn Doãn - Trần Nhuận Minh.

  • L.T.S: Lý Hoài Xuân: Tên thật là Nguyễn Quốc Duẩn, sinh ngày 26-12-1954 tại Lệ Ninh, Quảng Bình. Tốt nghiệp đại học Luật. In thơ từ năm 1973. Là một chiến sĩ quân đội có mặt trong chiến trường Trị Thiên trong những năm ác liệt nhất. Có nhiều bài thơ và truyện ngắn in trên các báo, tạp chí Văn nghệ, Văn nghệ quân đội , Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Độc lập, Đất Quảng… và sách của NXB Thuận Hóa , Công an nhân dân.

  • Thêm một biệt thơ hòa vào xu trào cách tân của Thơ Việt; Phan Quỳnh Dao với bút năng khỏe, cách lập ngôn ngoài khuôn cũ, thơ dòng nào cũng đầy ắp nỗi niềm trong tầng tầng suy tư... Chị vừa xuất bản tập thơ “Khuyết” cuối năm 2010 vừa rồi. Xin trân trọng giới thiệu.Đàn An Nguyên (gt)

  • Nguyễn Văn Dinh sinh ngày 5-3-1932 tại Quảng Trạch, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có thơ in từ năm 1952. Các tập thơ đã xuất bản: “Hát về ngọn lửa” (in chung), “Cánh buồn quê hương” (in chung), “Hoa trăm miền” (in chung). Giải thưởng về đề tài chống Pháp 1953 của Bộ tư lệnh quân khu 4. Giải thưởng cuộc thi về đề tài lâm nghiệp của Bộ Lâm nghiệp 1969-1971. Giải thưởng văn học Bình Trị Thiên 7 năm 1976-1982.

  • ĐINH CƯỜNGMười năm rồi Sơn ơi