Thơ Sông Hương 04-2003

09:13 15/05/2009
Trương Đăng Dung - Văn Công Hùng - Nguyễn Thụy Kha - Văn Công Toàn - Vĩnh Nguyên - Phan Tường Hy


TRƯƠNG ĐĂNG DUNG


Chân trời

Thấy không em đường chân trời trước mặt?
Anh đã từng đến đó trong mơ.
Có khi như Jesu đi trên mặt nước
Lòng anh cao thượng, sáng trong,
Có khi như một tên tội phạm
Anh bước đi uất hận trong lòng,
Có khi như một đứa trẻ
Anh hân hoan, ngơ ngác, chờ mong...

Anh đã thấy những người dị dạng
Dang tay đòi hái mặt trời,
Những bóng ma thọt chân, lang thang
Đòi trở về quê cũ.
Và những đội quân không mũ
Tay súng, tay đao chân bước thụt lùi,
Những nhà thơ chống gậy đứng cười
Trước những con trâu mông dính đầy mạng nhện...

Anh đã đứng trong màn đêm
Khắc khoải chờ em đến
Cùng đi về phía chân trời.

Anh đã khóc những đêm chờ đợi
Khao khát một thứ gì nồng cháy như mặt trời
Ngọt ngào như quả chín.

Em đã đến
Đẹp như ánh trăng
Cô đơn như ngọn gió,
Chúng ta nằm trên cỏ
Sợ hãi trước chân trời.
                                1994

VĂN CÔNG HÙNG

Ký ức của mùa thu

Đành thế, mùa thu còn đâu đó
chưa kịp về kết nắng với lá non
ta se lạnh một mình rêu phố cũ
chiều lên xanh ngăn ngắt mặt hồ

Sen chưa vội tàn hạ đã ngẩn ngơ
ve thắp phố râm ran ký ức
cánh buồm trắng tuổi thơ không hái được
ta đành về ru những giấc mơ đêm

Những hàng xoan đã tím tự thuở nào
hoa ngâu trắng đến không còn sắc trắng
cỏ gà xước triền đê thuở ấy
bỗng bắt đầu nhơ nhớ một người dưng

Có tiếng dế vụng về như giấc thức
gió trễ tràng xa vắng tiếng chuông
nghe hổn hển vệt bùn non mười tám
gót nõn nà xa xót bước mùa xanh

Em gửi sóng vào cánh buồm mỏng mảnh
ngả nghiêng nhau cát mịn đến không ngờ
một chớp mắt, mùa thu đà trước cửa
vàng con đường hoa cúc dẫn người đi...
                                                6/10/02

NGUYỄN THỤY KHA

Cứ một giờ anh lại gọi cầm tay

Chia tay xa em ra ga trưa mưa
tàu tốc hành muốn xoá nhanh bịn rịn
nhưng càng xoá thì hình em càng hiện
cứ một giờ anh lại gọi cầm tay

cứ một giờ anh lại gọi lên mây
hình như em vừa qua ga Nam Định
dù tiếng tàu nhiễu giọng em thương mến
anh vẫn nghe trong trẻo ngất ngây

cứ một giờ anh lại thả sóng bay
sóng có lúc nghẹt vùng không phủ sóng
em đã tới đâu cách chia sao thực mộng
cứ như còn cứ như mất đâu đây

cứ một giờ anh lại gọi cầm tay
để lại lắng hồn nghe em thở gấp
để được gần như không gần hơn được
để vẫy vùng hoang dại đắm say

cứ một giờ anh lại gọi cầm tay...

VĂN CÔNG TOÀN

Tứ tuyệt

Dáng tiên em tắm bụi trần
Để ta đứng lặng tần ngần bên hoa
Ví như chẳng có quê nhà
Với em một kiếp cũng là cố hương!

VĨNH NGUYÊN

Nhớ Trịnh

Ngày anh mất, tôi từ Huế ra quê xây mộ tổ
Chẳng đột ngột gì đâu - anh yếu mệt đã lâu rồi
Anh chọn "chốn địa đàng" khi Văn Cao giã biệt
"Xin ngủ dưới vòm cây" anh hát trước bao người!

Ca từ anh tuyệt vời ấy là điều quý nhất
Sóng hồn người hoà đập với đất đai

Anh đã hát giờ bao người hát tiếp
"Hạt bụi nào" nơi quán cóc quê tôi...

Hỡi trời thẳm! Tôi dâng ly tiễn biệt
Nhớ anh Sơn chiếc răng khểnh đang cười
Với ly rượu lung linh trên tay khi sáng tác
"Một cõi đi về"... Tôi oà vỡ Sơn ơi!

Ánh sáng ngày mùa

Như không tắt nắng bao giờ
Lúa chín làm đêm không xuống nữa

Mặt trời ở trong hạt lúa
Lặng lẽ thiêng liêng
Mặt trời ở trong lòng đất
Sinh sôi đồng mùa đồng chiêm

Cánh đồng trăng lên rộng rênh
Câu hò dài thêm nỗi nhớ
Đôi vai em tròn hạt lúa
Trên đường hối hả xe đi

Anh đang đắp đập xây kè
Có nghe tiếng em tiếng lúa?
Lòng anh theo mương nước về
Sắc nắng gặp trong bể chứa...

Em ơi phải chi nói nữa
Ta đi - vầng sáng ngời ngời!

PHAN TƯỜNG HY

Sau lụt

Sau lụt đồng làng tôi chẳng còn gì
Cây mía cong theo đường cơn bão đi
Bông lúa đỏ đuôi thì chìm
Hòn đá trắng mặt đường lại nổi
Bông lúa chìm vào bụng con cá chuối
Con cá chuối thơm bếp nhà giàu

Hòn đá làm người gánh bộ chân đau
Những sân đất ngô bầu đặt trên bùn rác
Học phí con mẹ đợi gà cục tác
Vót đũa vót tăm cha đợi phiên chợ Cuồi
Mong sao quả trứng gà, que tăm kết thành
                                                 điểm 10
Trên trang giấy trẻ nghèo không cam dốt nát
Vun chặt dây khoai đông vững chân qua
                                                 giáp hạt
Dân làng tôi không bao giờ chửi trời
Xe con ai bốc nhà về phố chật ních người
Họ giữ của bằng nhà tầng nhà gác
Dân làng tôi ở lại cùng hợp tác
Giữ cây lúa nuôi người bằng đất đắp đê cao.
                                               
1996

(170/04-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Hoàng Vân - Nguyễn Đạt - Vĩnh Nguyên - Ngàn Thương

  • Thanh Thảo - Phạm Ngọc Cảnh - Nguyễn Thị Hồng - Tạ Hữu Yên - Bảo Định Giang

  • Vương Kiều - Lê Đình Ty - Huệ Nguyên - Từ Nguyễn - Từ Dạ Linh - Hoàng Xuân Thảo - Đoàn Mạnh Phương

  • Tôn Phong - Nguyễn Thất Hanh - Bùi Tấn Xương - Trần Thị Ngọc Mai - Nguyễn Tuất

  • Trần Xuân An - Lý Hoài Xuân - Mai Nguyên - Trần Thị Huyền Trang - Trần Bá Đại Dương - Nguyễn Loan - Trần Thị Hiền - Đỗ Văn Khoái - Phùng Tấn Đông - Hồ Huệ - Tôn Lệ Thu Châu - Nguyễn Hữu Quý - Nguyễn Phi Trinh - Việt Trác

  • Tế Hanh - Hoàng Vũ Thuật - Nguyễn Khắc Mai - Tuyết Nga - Thái Ngọc San - Đặng Thị Kim Liên - Trần Vạn Giả - Huỳnh Duy

  • Lê Văn Ngăn - Nguyễn Xuân Thâm - Phan Lệ Dung - Bành Thanh Bần - Đào Duy Anh

  • HỒNG NHUChiếc tàu cau                        (Trích)

  • Minh Huệ - Xuân Quỳnh - Phương Thúy - Trần Thị Hiền - Trần Hải Sâm - Trần Khắc Tám - Hà Linh Chi - Mai Văn Hoan - Văn Tăng - Thiệp Đáng - Nguyễn Thành Phong - Hà Nhật

  • LTS: “Đi về sao chửa về đi” có lẽ là câu nhắn nhủ nhiều ý nghĩa nhất của Đào Tiềm vào cuối cuộc nhân sinh. Mười năm trước, ở tuổi bảy mươi, sau hơn 50 năm gắn bó với thơ ca, nhà thơ Tường Linh đã viết bài “Khúc ca quy ẩn” như lời từ giã đời thơ.

  • LTS: Đỗ Hoàng, sinh ngày 11-10-1949 tại Lệ Ninh, Quảng Bình, có thơ in từ năm 1970 ở các sách báo Trung ương và địa phương. Các tập thơ đã được xuất bản: Mùa lên xanh (in chung) - NXB Tác phẩm Mới 1978; Những miền đất nhớ (in chung) - NXB Lao động năm 1983; Những cánh rừng (in chung) - NXB Thanh niên năm 1984…

  • Đông Hà - Từ Nguyễn - Đông Triều - Quách Thành - Nguyễn Nhã Tiên - Nguyễn Trọng Văn - Quang Huy - Lê Văn Doãn - Trần Nhuận Minh.

  • L.T.S: Lý Hoài Xuân: Tên thật là Nguyễn Quốc Duẩn, sinh ngày 26-12-1954 tại Lệ Ninh, Quảng Bình. Tốt nghiệp đại học Luật. In thơ từ năm 1973. Là một chiến sĩ quân đội có mặt trong chiến trường Trị Thiên trong những năm ác liệt nhất. Có nhiều bài thơ và truyện ngắn in trên các báo, tạp chí Văn nghệ, Văn nghệ quân đội , Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Độc lập, Đất Quảng… và sách của NXB Thuận Hóa , Công an nhân dân.

  • Thêm một biệt thơ hòa vào xu trào cách tân của Thơ Việt; Phan Quỳnh Dao với bút năng khỏe, cách lập ngôn ngoài khuôn cũ, thơ dòng nào cũng đầy ắp nỗi niềm trong tầng tầng suy tư... Chị vừa xuất bản tập thơ “Khuyết” cuối năm 2010 vừa rồi. Xin trân trọng giới thiệu.Đàn An Nguyên (gt)