Linh miêu nhảy vào hố thẳm

15:03 25/07/2016

HỒ TRUNG LIÊN

Mặt anh hầm hầm, chẳng đi làm, cũng không gọi điện xin phép. Ăn sáng xong anh ngồi vào bàn bật máy tính. Hình nền con mèo xuất hiện. Nó nhìn anh rất lạ, đôi mắt tinh anh ngờ vực người đối diện mình, có lẽ muốn nhảy.

Minh họa: Nhím

Nhớ lại khung cảnh lúc chụp xong pô ảnh này, anh nhẹ nhàng đưa tay đến gần nó, gần thêm kiểu như muốn vuốt ve thân thiện, rồi đột nhiên cầm đuôi nhấc bổng, con mèo kêu eo éo, cong mình vươn móng quào tay anh nhưng không tới. Anh cười. Vợ thấy liền nhăn mặt. Chơi ác vậy! Con mèo vọt đi, không bén mảng đến gần anh nữa; lúc anh trộn cơm, đói, nó mới tạm quên chuyện cũ. Bây giờ ngồi trên màn hình vi tính con mèo nhớ lại, đôi tròng mắt căng lên theo dõi từng biến thái trên mặt anh. Anh nhếch mép, để màn hình vi tính vậy, cúi gục. Mèo ơi, mi tiêu rồi mà.

Vậy là còn hai mèo con. Em thở dài. Cứ nhớ, thương mẹ chúng. Anh quát, mèo mạ tiêu rồi biết vậy là đủ, nhớ nhung chi phiền não. Nói vậy nhưng anh là kẻ mủi lòng. Thương mèo mẹ thể hiện qua việc thương hai mèo con. Thiếu sữa còi cọc, lon xon từ nhà bếp lên nhà ngang, có lúc vấy bẩn cả dưới giường. Anh kêu chúng về, hỏi trong hai đứa bây ai ỉa bậy?; chưa con nào kịp phản ứng anh đã chụp đồ liệng. Hai mèo nhảy vống lên và biến.

Vợ quắc mắt:

- Ác! Mèo mà biết phân biệt chỗ đi vệ sinh gì.

- Bởi không biết mới phải dạy. Hễ thấy vô nhà đập liền.

Anh ghét cái cách thể hiện tình cảm của con mèo vàng, cứ loay xoay cà vào người. Mỗi lần vợ chồng ngồi gần cửa ăn cơm, nó cứ cà mình vào chân. Bẩn. Anh quát. Cậy được bảo vệ nó vẫn điệu bộ cũ.

- Mấy đêm nay chúng kêu hoang rồi, xem chừng phải tiêm ngừa thai kẻo đẻ con lại nuôi không nổi.

Vợ im lặng. Lấy nhau đã ba năm, vợ chồng vẫn hiếm muộn. Cầu một đứa con khát khô; còn lũ chó mèo thì đẻ xòn xòn. Năm ngoái chưa kịp tiêm, một ngày bỗng thấy bụng chó ưỡn ra. Anh chỉ mặt, đồ chó, mi quan hệ với ai, để con mi rồi có mẹ không cha buồn tủi. Thấy cái mặt nó khinh khỉnh, anh quay nạt vợ: Mỗi việc canh chừng chó cũng không xong. Đã bảo không hơi sức mua đồ về nấu nướng cho chúng.

- Thì em mua em nấu em cho ăn, anh có phải đụng tay mà lo.

Anh đảo mắt, lệnh:

- Tiêm phòng mèo ngay!

Vợ gọi bác sĩ. Anh cầm chiếc đũa gõ keng keng vào chiếc bát i nox, lập tức có tiếng động, rồi tiếng móng vuốt cà trên mái tôn lúc hai con mèo trượt xuống, ngoeo ngoeo. Từ hôm anh liệng cái dép, hai con mèo vụt lên mái nhà trốn, ngủ luôn trên đó. Cứ nghe tiếng gõ bát liền lao xuống. Có hôm mới nửa buổi, anh đá nhẹ vào chiếc bát, chúng lao xuống chưng hửng. Vợ ngưng rửa chén, đứng rảy tay: “Lừa chúng chạy xuống. Ác!” Hai con mèo trương mắt nhìn anh kêu réo. Anh quắc mắt: “Ăn uống giờ này à, mới mấy giờ mà ăn với uống.”. Anh nhìn mèo. Chúng vẫn kêu. Anh chỉ tay quát lớn: “Im đi”. Vẫn kêu. “Im!” Hai con dạt ra. Nhưng lần này không trốn nữa. Một lúc, con mèo vàng nhảy lên cái tủ đứng ở góc hiên bếp ngoan ngoản nằm, con xám trở lại ngồi nghiêm ngắn trước chiếc dĩa nhựa. Anh buột miệng, ờ, ngồi như vậy mà tưởng tượng đi, mi cứ tưởng tượng trong cái dĩa ấy đầy vặp cơm trộn cá rán bốc khói, là no thôi.

Vợ anh liếc xéo, đồ ác; nghe điện thoại này, thú y chưa tới được.

Anh cầm máy xin tư vấn. Bác sĩ bảo xem phía sau đít con nào có hai hòn là đực, không có hòn là cái.

Anh bắt từng con mèo xem xét. Vậy là mèo vàng đực, mèo xám cái.

- Mà mấy tháng rồi? - Thú y hỏi. Anh không nhớ. Hỏi lại: Như thế nào để biết mèo chịu đực?

- Lúc nó biết soi gương.

Nhớ lại có lần đi làm về, thấy con mèo xám từ trong phòng lao ra; nó vào soi gương chăng? Hay nhỉ. Mèo lúc vớ vẩn yêu đương thì soi gương à.

- Phải canh chừng, phải nhốt, phải giam con mèo xám lại.

- Làm gì tội vậy.

- Tội à, bằng nó chửa hoang không. Để đó, tối ni mà bước khỏi nhà tau cho què cẳng.

Con mèo cái chợt nhìn anh vẻ mặt suy tư, như cảm nhận được điều thật sự bất ổn.

Nói vậy rồi anh cũng quên. Mọi việc bình thường. Đêm lún sâu. Anh giật mình, tiếng mèo, y trẻ con đói sữa, ngại hơn ở âm điệu chờn chờn rờn rợn nghe như điềm báo của hoạn nạn.

- Rồi, kéo tình nhân về bậy bạ rồi đây.

Anh mở chốt cửa. Dưới ánh điện quả ớt mỏng tang, một bộ lông màu đen nơi góc, rồi hai đôi mắt rực lửa dội ngược về phía anh. Bụp, quả bóng tennis trúng đâu đó, hai con mèo vọt ra. Anh chặn, nó bí đường, liều lao về phía anh mở cửa tử. Anh thẳng cẳng tung cước. “Cút!” Con mèo đen nhà ai bốc lên, ngã dụi đầu nhưng lập tức vùng dậy vút vào bóng đêm.

Cú đá hơi mạnh, anh ân hận. Tức thì. Nhớ đến con mèo mẹ chết oan… Quay tìm con mèo xám, thấy nó anh sẽ cho một đá cho cân bằng. Vì nó con mèo hoang đen kia mới bị anh đá cú suýt toi mạng.

Vợ anh hé cửa, không thấy được hành động của anh, vẫn cằn nhằn:

- Đuổi chi tội. Đuổi thì chúng hẹn chỗ khác, không chừng qua bên lùm cây dại mắc bẫy thành nồi nước xáo của mấy thằng bên kia.

- Kệ, chưa tiêm ngừa thai phải giữ trinh tiết. Để coi mai có dám đến nữa.

Anh bước ra cửa nhìn vùng tối, nơi con mèo đen hòa vào, rồi hướng mắt về ngôi nhà của thằng thanh niên thường rủ bạn về nhậu, mồi mả thường là chim chuột gà mèo chúng ngang nhiên đặt bẫy ở lùm cây dại gần đó và cả chồn nữa. Anh cũng sợ hai con mèo nhà lỡ ra đó…

Giấc ngủ đến nhanh, anh không cảm nhận được giai đoạn chuyển tiếp. Nhanh đến mức giấc mơ ập đến, anh vẫn nghĩ là thật, khi anh đứng trước cửa nhìn qua bên kia như xác định vị trí con mèo đen biến mất. Anh dạo quanh một lượt, thử ngó vào cánh cửa sổ, chẳng thấy gì. Trong đó tối. Xác định là ban ngày dẫu không có gì làm chứng, tức anh không hề biết mình đang đứng giữa ánh sáng hay bóng đêm, chỉ không gian trong ngôi nhà tối om. Toan quay đi, chợt nghe tiếng ngoeo yếu nhèo. Nguy rồi. Con mèo xám của anh. Từ lúc trưa đã không thấy xuống, hồi nãy đi làm về vắng nó anh đã nghi hoặc; mơ hồ nghe tiếng kêu từ ngôi nhà này, rồi con mèo vàng có đứng nhìn qua. Anh chưa nói với vợ. Hồi nãy vợ có hỏi hai con mèo ăn hết không?, anh chuyển hướng câu trả lời, rằng con mèo xám ăn xong tót lên mái rồi, còn con vàng ăn đó. Mở cánh cửa sổ, vẫn không thấy gì, sực nhớ điện thoại, anh bấm đèn. Ánh sáng xòa ra, nơi góc nhà thấy rõ con mèo, đang dùng chân trước gắng cởi sợi dây thít chặt… Có tiếng động nhẹ làm anh tỉnh lại. Chẳng kịp cứu mèo nữa. Anh gắng nhớ khung cảnh vừa rồi, xác định vị trí, chuẩn bị chồm người dậy để qua cứu con mèo. Nhưng cơn buồn ngủ trì lại. Cố rướn người, và chừng như anh đã thấy mình dậy bước một đoạn, lại bị bàn tay vô hình níu kéo, rồi giấc ngủ bao trùm.

Tiếng mèo ngằn ngặt trong đêm. Lần đầu tiên nghe mèo kêu hoang, anh cầm chổi phóng mạnh cốt cho chúng sợ mà biến mất. Nhưng rồi đêm sau vẫn với tiếng kêu thảm thương bi đát, rờn rợn như một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. Bây giờ anh nằm yên để nghe tiếng mèo xé màn đêm, đau thương ngút trời. Vợ chưa hề chối tai. Anh hiểu hơn hết. Cả hai khao khát đứa con bao năm rồi. Khát tiếng trẻ. Những lần ngang qua hàng xóm nghe tiếng trẻ khóc, anh liên tưởng đến tiếng mèo kêu trên mái nhà, như giông gió, như rủi ro sắp đổ xuống. Lại chập chờn mộng mị, anh đang lao qua ngôi nhà bên kia đạp cửa giải thoát cho con mèo. Chân toác máu, anh liền quay về chấm bông băng bó. Ngả lưng, anh tính nghỉ chút xíu, lại ngủ quên mất. Vẫn tiếng mèo hoang chờn chợn, “mẹ ơi, mẹ ơi!”. Anh gồng mình tung thêm cú đạp mạnh nữa, cánh cửa sập đánh rầm. Tỉnh hẳn. Té ra con mèo vàng nhảy từ trên mái xuống tấm tồn ở hồi bếp. Đã quá giờ công sở, anh lắc đầu chưa hết mê. Điều đầu tiên xuất hiện trong trí não là hình ảnh con mèo bị dây xiết cổ. Anh tròng thêm chiếc quần lửng, bước nhanh qua nhà hàng xóm, may ra nó còn thở. Cửa chính khóa, cánh cửa sổ còn y như trong giấc mơ anh thấy mình mở rọi đèn di động vào. Ngày hắt sáng vào ngôi nhà, không có con mèo ở đó. Anh hình dung lại khung cảnh hồi đêm, thế nằm vật vã của con mèo. Không. Hoàn toàn không có dấu vết, kể cả sợi dây buộc nó vào cột nhà. 

Đang lừng khừng, bỗng từ đâu, con mèo lao vút qua song cửa sổ, suýt đâm vào mặt anh. Như ảo giác. Nếu dùng ngôn ngữ biểu đạt, anh chỉ có thể nói điều không ai tin: một linh hồn vừa bay ra. Lại chợt thấy nó chập chờn ẩn hiện nơi ngõ nhà. Anh đuổi theo, nó đã thấp thoáng chồm hổm ở cửa phòng, anh lao tới, nó phốc vào phòng. Đúng lúc vợ anh chồm dậy. Nó, (linh hồn mèo) phi vào vợ anh, tan biến. Vợ nhìn anh đang thở dốc, sắc mặt tái thần, hốt hoảng không kém. Anh định chỉ tay, bảo con mèo vừa nhảy vào chỗ ấy chỗ kia, chợt trấn tĩnh. Ai tin. Làm sao anh nói với vợ về con mèo vừa tan loãng vào chỗ ấy chỗ kia. Làm sao anh nói về một dạng linh hồn mà chính anh cũng chưa hề được thấy trước đây bao giờ.

Không đợi vợ hỏi thêm, anh lên bàn vi tính. Màn hình đang chế độ ngủ đông, anh nhấn phím liên tục, kích chuột vào google. Linh hồn đầu thai được đóng ngoặc kép nhấn enter, kết quả cho ra những dòng: Người chết thành vật, vật chết thành người luân hồi muôn kiếp. Gã google lý giải thân người thân vật như điện thoại, còn mọi dữ liệu trong kiếp sống từ hành động cho đến ý nghĩ đều được save trong thẻ nhớ, thuật ngữ là “thần thức”, dân gian gọi linh hồn. Một khi thân điện thoại hư hoại, thẻ nhớ (thần thức) sẽ tùy vào đức dày hay nghiệp mỏng đầu thai vào gia cảnh tương ứng… Đầu anh bấn loạn, mắt hoa cả lên. Có phải linh hồn con mèo đã đầu thai vào vợ anh theo cách riêng của nó? Vợ anh sẽ đậu thai. A ha. Gia đình sẽ có một đứa bé như bao lâu mỏi mòn trông đợi. Nỗi khao khát trôi dần vào tuyệt vọng đã sống lại.

Anh không thể kéo mình vào giấc ngủ nữa, cứ như đang giữa vũng lầy. Tiếng mấy con mèo ngoao lên mẹ ơi mẹ ơi thảm thiết. Anh thấy một anh khác trở dậy nhẹ nhàng, vẫn cầm cái chổi như trước đây. Nhưng khi rọi đèn trúng lũ mèo, anh không nỡ phóng cán chổi. Hai con mèo một đực một cái một xám một vàng nhà anh đang âu yếm. Loạn rồi. Loạn luân rồi. Anh sững người nhìn chúng. Tay lên gân, cây chổi sắp được phóng đi, bất giác vợ trở mình ôm lấy anh, khiến anh không thể… phóng cây chổi được.

Anh gỡ nhẹ bàn tay thon, bảo “dậy. Dậy anh kể cho giấc mơ này, quan trọng lắm”.

Vợ anh hỏi: giấc mơ nào. Chẳng phải chúng mình đang nằm mơ sao?

- Đâu có. - Mặt anh vếch lên ngờ nghệch: Mơ sao mình biết nằm mơ?

Nhưng anh cũng phân vân. Mơ hay tỉnh nhỉ? Làm sao biết mình không ở trong giấc mơ?

Anh bóp trán. Sực nhớ cặp mèo... Cơn ấm ức còn nóng hổi huyết quản. Anh vớ thanh gỗ ở góc nhà nhào ra. Hai con mèo vốn là anh em ruột còn mê man hoan lạc không biết trời đất luân chuyển. Đồ bệnh hoạn. Anh vung thanh gỗ. Đứ đừ. Con mèo cái. Con đực thì chỏng cẳng. Lập tức hai linh hồn mèo phọt khỏi thân xác lao thẳng vào đôi tròng mắt anh. Anh thấy... cái thấy lạ lùng chưa từng, như đang lật lại hồ sơ của chính mình. Ai đã quay lại toàn bộ hành trình sống của anh, kể cả trong căn phòng kín mít lúc anh với vợ hợp nhất thực hiện hành vi rất vật. Rồi, chợt lại thấy rơi vào một trạng thái rất kỳ, tiếc nuối một điều vừa mất chưa thể nhớ nổi. Rồi anh thấy hai linh hồn mèo vất vả đi kiếm chỗ đầu thai. Chúng đều được làm người, một trai một gái. Do nhân duyên tiền kiếp, lớn lên nghiệp lực ấy hút nhau thành vợ chồng.

Anh vùng dậy. Lần này là thật sự, không phải trong mơ nữa. Chắc chắn. Anh đinh ninh. Chắc chắn. Anh thấy rõ sân vườn, nắng âm âm vương úa lá cành; và từ đâu đó tiếng vợ kêu meo meo. Kêu mãi. Một lúc anh lại nghe vợ gọi: “Anh dậy đi tìm mèo kìa. Không khéo sập bẫy cả rồi. Tội nghiệp”.


H.T.L  
(SHSDB21/06-2016)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • QUÝ THỂCó ai đến nhà chơi, bà cụ Tuần chỉ mép tấm phản gỗ mời ngồi, bà nói:- Giang sơn của "bầy choa" (chúng tôi) chỉ có chừng ni. Không ghế bàn, xa lông, sập gụ tủ chè chi cả, chịu khó ngồi đỡ, ông bà mô áo quần trắng trẻo sạch sẽ sợ dơ, thì ngồi lên đây. Bà cụ xoè cái quạt giấy cũ đã rách, lộ ra mấy cái nan tre lót cho khách ngồi. Nhưng không ai nỡ ngồi lên cái quạt giấy của cụ.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO...Sáng hôm ấy bà con xóm đạo đi lễ rất đông. Người ta nhìn thấy một vệt sao băng vào lúc trời tảng sáng. Họ cho rằng Chúa thấu hiểu được nỗi đau đang dày xéo trên thân thể Xoan. Nhưng cũng chính vì thế mà bố cô lại quay về làm chính con người liêm khiết hồi xưa. Thiên đường cũng có những con đường riêng để người ta sám hối.

  • XUÂN ĐÀI 1. Mỗi lần từ quê trở về Sài Gòn, sống bên chồng và hai đứa con, tôi không nguôi nhớ đến chị. Năm nay chị đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, lủi thủi ra vào trong ngôi nhà một gian hai chái. Ngôi nhà vừa được xây dựng cách đây gần ba năm bằng số tiền chị tằn tiện, chắt bóp mười mấy năm và tiền vợ chồng tôi phụ giúp chút đỉnh. Vài ba năm, vợ chồng con cái chúng tôi mới về thăm chị một lần. Chị mừng, chị vui, trò chuyện với các cháu suốt ngày. Chị quấn quýt lũ trẻ, lũ trẻ cũng quấn quýt chị.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNGNgày trăng tròn lẻ. Tháng Trung Thu năm Đại Bảo thứ 3.Người hai lưỡi bảo là ngày Sao Thổ phạm vào Thái Âm.Người ngắn lưỡi nói Sao Chổi mọc ở phương Tây.Người dài lưỡi bảo có tinh vượn đen ăn mặt trời, ngày Nhật thực, nếu không yểm kỹ sông Nhị đang nảy vàng ròng sẽ ngừng.Động đất.

  • VIỆT HÙNGTrước đây, anh là người lừng danh, một tay "cua - rơ khét tiếng" trên xa lộ. Đã một thời anh chỉ biết chiến thắng. Người ta từng mệnh danh, anh là người sinh ra để đua xe đạp, anh không hề có đối thủ. Anh xem thường sự chiến thắng của mình, cho nó là điều hiển nhiên. Anh coi ánh hào quang của vòng nguyệt quế chỉ có tác dụng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của mình mà thôi. Bởi, không có nó, anh vẫn là một thần tượng chẳng gì "khuất phục nổi".

  • NGUYỄN THÁNH NGÃĐêm nay trăng nhão, không biết là đêm trăng gì. Ở xa nhìn về đồi Kà Mạ vẫn một khối đen sì. Nếu có ai nhướn mắt nhìn thật kỹ sẽ thấy cái khối đen sì ấy nhô lên như một cái đầu người đôi mắt lấp láy đom đóm. Thỉnh thoảng gió hất cái đầu tóc rối bù xù bay về phía ruộng. Tiếng chim cú kêu mỗi lúc một thê lương, ớn lạnh từng đốt xương sống...

  • THÁI BÁ TÂNTháng trước, ở phường B. thị trấn Đức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này.

  • PHẠM THỊ ANH NGA                  Truyện ngắn...trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào biết được...

  • PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"

  • KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.

  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.