Có một liệt sĩ xứng danh Anh Hùng viết hoa

09:40 30/06/2025
Trước hết, xin có vài dòng “bên lề”. Dạo này, do tuổi sắp chạm “cửu tuần”, mắt thì kèm nhèm (một mắt “cống hiến” cho các con đường từ hơn 60 năm trước, mắt còn lại, thị lực chỉ 3/10), nên ít đọc sách báo. Nhưng với tác phẩm mới của Nguyễn Quang Lập, tôi “đọc thử” hai chương rồi thấy khó buông sách vì liên tiếp bị… bất ngờ.

Nói vậy, vì tôi có “duyên” quen biết và dõi theo sáng tác của nhà văn đa tài này từ khi chàng còn là sinh viên. Đó là năm 1975, ngay sau ngày đất nước thống nhất, tôi vừa nhập “làng” văn nghệ, ra Hà Nội, đến Đại học Bách Khoa tìm sinh viên Nguyễn Quang Lập trao giải thưởng thơ của Hội Văn nghệ Quảng Bình. Sau đó, tôi luôn được đọc những trang văn “đặc biệt” của Nguyễn Quang Lập, bắt đầu là những truyện ngắn đặc sắc đăng trên Tạp  chí Sông Hương. Hai năm liền, Nguyễn Quang Lập được Tạp chí Sông Hương trao giải thưởng: “Người lính hay nói trạng” (Sông Hương số 9 năm 1984) và “Tiếng lục lạc” (Sông Hương số 12 năm 1985). Chính vì thế mà trong Sông Hương số 32 (tháng 7/1988), Kỷ niệm 5 năm Sông Hương ra số đầu tiên, do lúc đó Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ đang ở Liên Xô, tôi và Thư ký Tòa soạn Thái Ngọc San quyết định chọn trích tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” của Lập cùng với bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” của Trần Vàng Sao một thời có “tai tiếng” nhưng nhờ Đổi mới, lại trở thành bài thơ nổi tiếng, năm 2020 được chọn làm nhan đề tập thơ đạt Giải thưởng sách Quốc gia. Chuyện xảy ra thời Bình Trị Thiên còn sum họp một nhà, Sông Hương là tiếng nói của phong trào văn nghệ ba vùng đất “hội tụ” tại Huế. 37 năm đã qua rồi, nhiều người đã biết, nhưng vẫn muốn nhắc lại, nhất là vào lúc “làng” báo chí đang sôi nổi Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng như sự kiện sáp nhập tỉnh và xã. Ôi! Làm sao quên được Lễ kỷ niệm 5 năm Sông Hương ra số đầu tiên, ngoài những tên tuổi văn nghệ Bình Trị Thiên, lãnh đạo văn nghệ tỉnh bạn và Trung ương, còn có khách từ nước Byelorussia, Hội Người yêu Huế tại Paris.

Tôi nhắc lại sự kiện này còn vì năm đó, lần đầu tôi bình luận về tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Quang Lập khi viết trang giới thiệu “Những mảnh đời đen trắng” trên Sông Hương số 32. Trong bài viết có câu: “…Tôi cứ băn khoăn: Chẳng lẽ anh chỉ theo đuổi các số phận dị thường? Đến lúc cần dựng một nhân vật dung dị, liệu truyện còn sức hấp dẫn không?...”.

Mấy chục năm qua, tôi không viết một bài nào về Lập nữa vì chàng sinh viên Bách khoa 50 năm trước ngày càng nổi tiếng cả với phim ảnh, tạp văn và cả với vai trò nhà báo, khi Lập được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mời ra xây dựng Tạp chí Cửa Việt, rồi ra Hà Nội làm báo Văn Nghệ Trẻ, tôi có viết gì thêm cũng bằng thừa. Nhưng nay, khi Lập đã sắp lên lão bảy mươi, chân đi cà nhắc sau một lần đột quỵ, chẳng còn bay nhảy ham hố chi nữa, tôi lại hăng hái “vào cuộc” vì… bất ngờ với tác phẩm mới của Lập. A! Cái lão nhà văn tưởng là chỉ theo đuổi các số phận dị thường, nay lại viết truyện anh hùng liệt sĩ cho nhà Kim Đồng! Đọc xong tác phẩm, tôi “ngộ” ra một điều: một nhà văn vốn có một giọng điệu riêng như Nguyễn Quang Lập, đã phải trải qua cả nửa thế kỷ học hỏi, trau dồi nghề nghiệp mới viết được một tác phẩm mà tôi tin sẽ có sức sống lâu bền như “Làng ta có một anh hùng”.

Bất ngờ nữa là trong danh sách những người mà tác giả cảm ơn đã cung cấp tư liệu cho Lập viết cuốn sách này có tên người “chỉ huy tầm xa” của tôi là vị tướng lừng danh trên đường Trường Sơn huyền thoại Đồng Sĩ Nguyên (1923 - 2019) và một thủ trưởng trực tiếp của tôi trong năm 1966 - ông Lại Văn Ly (1929 - 2015) - người đã tạo điều kiện cho tôi viết xong tập ký sự đầu tay về cuộc chiến đấu trên đoạn đường chiến lược dưới chân đèo Mụ Giạ: “Vì sự sống con đường” (Nxb. Thanh niên, 1968; Nxb. Thuận Hóa tái bản có bổ sung 2011). Vậy mà đến nay tôi mới biết ông Ly từ năm 1947 - 1948, cũng như liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn - nhân vật chính của cuốn sách, từng là thành viên nhóm điệp báo do tướng Trần Quý Hai tổ chức, đã tham gia trận tấn công vào đồn Hoàn Lão những mong giải cứu cho Nhẫn, sau khi anh bị địch bắt. Chính “người kể chuyện” cho tác giả viết nên tác phẩm này cũng bị… bất ngờ. Chương 7 cuốn sách có đoạn: “…Còn nhiều bất ngờ thú vị lắm. Chú Thành làm nghề bốc vác ở bến chợ ga tàu, hiền lành nhu mì, suốt ngày không nói một tiếng, hóa ra là lãnh đạo Việt Minh đầu huyện đầu tỉnh. Chú Vũ bán dao, kéo, rựa ở chợ, vừa bán vừa ngủ, ngáy vang cả đình chợ, hóa ra là chỉ huy bộ đội chủ lực của huyện…” Cả hai đều là cấp trên trực tiếp của anh Nhẫn. Mà bạn có biết không, “Chú Thành”, tức là ông Cổ Kim Thành (1918 - 2005), cũng như ông Lại Văn Ly, sau này là lãnh đạo chủ chốt của Quảng Bình và tỉnh Bình Trị Thiên khi hợp nhất; còn “chú Vũ” tức là tướng Đồng Sĩ Nguyên nổi tiếng.

Cuốn sách còn nhiều bất ngờ nữa, xin nói sau vì chuyện “bên lề” có tính riêng tư mà dài quá rồi. Tuy chỉ là một bài báo, nhưng cái nghiệp văn đã quen đưa “cái riêng” vào trang viết. Mà hình như văn chương, đều thường bắt nguồn từ “cái riêng”, mới dễ chạm đến trái tim người đọc. Thì tác phẩm này của Nguyễn Quang Lập cũng vậy. Bạn đọc phần tiếp sau sẽ rõ. Người liệt sĩ - nhân vật chính của tiểu thuyết được miêu tả chủ yếu từ một góc nhìn riêng tư.

*

Người liệt sĩ ấy có tên thật là Nguyễn Tiến Nhẫn (1929 - 1948), quê làng Phan Long, thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình). Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã có nhiều anh hùng được Nhà nước phong tặng, đồng thời có rất nhiều người từng lập được những chiến công xuất sắc, nhưng không chính danh là anh hùng, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người lập chiến công nổi tiếng được cả tướng Pháp kính nể là “Hùm xám” Đặng Văn Việt, khi là sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế đã kéo lá cờ cách mạng đầu tiên lên Kỳ đài Huế trước ngày khởi nghĩa, đến cuối đời chỉ là trung tá! Cũng có khi chỉ do điều kiện không kịp lập hồ sơ, hoặc một đơn vị - trong thời đoạn nào đó, chỉ có thể chọn một anh hùng. Vậy nên chàng thanh niên Ba Đồn hy sinh lúc 19 tuổi, là điệp báo viên khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bắt đầu - một công việc thầm lặng, bí mật, thành tích không phải ai cũng biết, chưa (hoặc không) được phong tặng danh hiệu anh hùng là điều dễ hiểu.

Vì thế, từ “anh hùng”, đúng ra phải đặt trong ngoặc kép do đây là anh hùng mới được nhà văn Nguyễn Quang Lập phong tặng khi in cuốn sách này. Tuy vậy, đọc xong tác phẩm, tôi xin được tôn vinh người liệt sĩ trẻ tuổi xứng danh là một Anh Hùng viết hoa. Thành tích của anh xứng đáng như thế, chứ không phải do nhà văn tô vẽ, thổi phồng. Chỉ riêng tài trí, công phu trong thời gian anh luồn sâu vào hang ổ địch lấy được kế hoạch 2 đợt càn quét lớn nhằm xóa sổ làng chiến đấu Cảnh Dương anh hùng khiến chúng thảm bại đã là một chiến công đặc biệt xuất sắc. Trận đánh nổi tiếng đã được ghi vào sử sách; tôi đã thử “kiểm tra”, gõ từ “làng Cảnh Dương” thấy ngay bài báo “Làng chiến đấu Cảnh Dương” trên báo “Quân đội nhân dân” ngày 13/12/2006 có đoạn viết:

“…Biết bao lần kẻ thù hung hãn mưu toan “san phẳng” Cảnh Dương nhưng đều thất bại thảm hại. Nổi bật nhất là trận chống càn của quân và dân Cảnh Dương ngày 12/7/1948. Hôm đó, địch tấn công ra Cảnh Dương bằng 3 cánh quân với lực lượng hơn 1.000 tên, 31 xe cơ giới, 12 máy bay và 8 tàu chiến, ca-nô. Cánh thứ nhất từ Ba Đồn theo Quốc lộ 1A đánh vào phía Nam. Cánh thứ hai bằng không quân chở lính dù đổ bộ xuống vùng Tây Bắc. Cánh thứ ba địch sử dụng tàu chiến, ca-nô tấn công bằng đường biển. Sau khi dùng hỏa lực từ biển cấp tập bắn vào làng để uy hiếp, các cánh quân Pháp tiến vào, tạo thành gọng kìm hòng xóa sổ làng Cảnh Dương bất khuất…”.

Nguyễn Quang Lập không hề bịa ra trận đánh lịch sử này; chỉ khác, anh miêu tả với cây bút của một nhà văn có tài, trong đó có công lao của điệp báo viên Nguyễn Tiến Nhẫn. Mặt khác, nhờ công phu sưu tầm tư liệu, qua lời kể của “bà cụ Lê” - một nhân chứng thời đó, tác giả còn cho biết làng Cảnh Dương bị kẻ địch tấn công nhiều lần vì đó là “Cảng Việt Minh”. “Rồi đây sử sách sẽ ghi chép. Chỉ riêng một ngôi làng nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã vận chuyển 674 tấn hàng, đã viết nên một cuốn sử lớn… Thời kháng Pháp đó là con số dễ sợ, nể lắm. Cảnh Dương có Binh trạm 11, có Đội vận tải biển 139…”. Bà cụ Lê đã nói như thế ở trang mở đầu trận càn quét dữ dội nhất vào làng Cảnh Dương. Như thế, từ câu chuyện một liệt sĩ, những trang sử anh hùng của một vùng đất nổi tiếng thời Bình Trị Thiên khói lửa vẫn là một kho báu vô tận cho nhà văn sáng tạo. Đó là chưa nói, thời chống Mỹ, những tay chèo kỳ cựu và dũng cảm ở Cảnh Dương là một trong số đội quân mở đường “Đường Hồ Chí Minh trên biển” tiếp vận cho chiến trường Trị Thiên ruột thịt. Sự tích này tôi được biết chính trong thời gian bắt đầu về làm việc dưới “trướng” ông Lại Văn Ly.  

Cho dù vậy, như tôi hiểu, tác giả viết tác phẩm này không nhằm “bổ sung”, làm sáng tỏ thành tích, công lao của người liệt sĩ đã hy sinh từ hơn 70 năm trước. Đúng như Nxb. Kim Đồng giới thiệu, “Câu chuyện về chàng trai ở ngôi làng Phan Long nhỏ bé ven bờ sông Gianh sớm có lòng yêu nước rồi trở thành một tình báo viên trẻ tuổi đã được nhà văn Nguyễn Quang Lập kể lại theo cách đặc biệt của mình…”. “Cách đặc biệt” đó chính là thủ pháp, giọng điệu riêng của nhà văn. Dù vậy, tôi vẫn bất ngờ với tác phẩm mới của Lập. Tôi tin là nhiều người cũng… bất ngờ, nhất là vì tên sách dễ làm bạn đọc tưởng đây là truyện anh hùng mà chúng ta từng quen. Trong “Lời nói đầu”, tác giả viết: “Đây là một sáng tác, một tiểu thuyết được viết với thủ pháp trộn lẫn giữa hư cấu và phi hư cấu…”. Thủ pháp này, nhiều tác giả viết tiểu thuyết lấy nguyên mẫu là những con người có thật. Cái “đặc biệt” - cái tài của Lập là đã tạo ra một không gian nghệ thuật đầy chất lãng mạn, tươi trẻ mà vẫn chân thật, chuyển tải được các thành tích, phẩm chất cốt yếu của người anh hùng.

Nói theo danh từ của học giả Phan Ngọc, cái “mẹo” cao cường của tác giả trong cuốn tiểu thuyết này là mượn đôi mắt trẻ thơ của cô láng giềng Mai Thị Lê, ngày đêm nhìn ngắm chàng Nguyễn Tiến Nhẫn qua khung cửa sổ luôn có cánh bướm vàng bay lượn suốt 19 năm ròng, rồi kể lại cho chúng ta nghe mọi hoạt động của chàng. Rất nhiều câu chuyện vui đùa dí dỏm, nhiều trò nghịch ngợm của nhóm trẻ làng Phan Long: Bộ ba Nhẫn, Lê và Trinh - con nhà tư sản Thuận Đức yêu nước. Nhiều tiểu thuyết đã dựng những mối tình “tay ba” hấp dẫn; nhưng ít có mối tình “tay ba” thơ trẻ cảm động và đẹp như bộ ba Nhẫn-Lê-Trinh. Những trang miêu tả tình yêu của bộ ba này, khi thực khi mơ, lúc thầm kín rụt rè nhưng cũng có phút bồng bột, nồng ấm và thật lãng mạn, nhất là sau những ngày Nhẫn “biệt tích”, hoặc nghe đồn anh bị bắt, nhưng rồi bất ngờ hiện về. Trong chương nhắc lại chiến công của Nhẫn khi làm liên lạc cho “chú Vũ” (tên thật của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên) từ năm 12 tuổi, anh đã khôn khéo lợi dụng các cây trâm bầu rỗng ruột để làm chỗ ẩn nấp tránh địch, “bà cụ Lê” cho biết: “lâu lâu anh “mất tích” một tuần, rồi bất ngờ xuất hiện trước cửa sổ nhà em. Một tuần vắng anh với em là bảy thế kỷ. Bảy thế kỷ, em ngồi tưởng tượng anh đi về những đâu …”. Trong một lần Nhẫn bất ngờ trở về, “bà cụ” nhớ lại:

“Em sợ anh biến mất, vội vàng kéo tay anh qua cửa sổ hôn lấy hôn để, áp hai tay lên má em.

C’ est lui pour moi, moi pour lui dans la vie…

Anh hát rồi em hát, chúng mình cùng thì thầm hát…”.

Nhẫn đậu Primaire, nói tiếng Pháp cực siêu, nên ông Trần Quý Hai (1913 - 1985; nguyên là Tư lệnh chiến trường Bình Trị Thiên, về sau là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) mới chủ trương “cài” anh vào hàng ngũ địch. Anh ghét thằng Tây xâm lược, nhưng rất thích hát tiếng Pháp rồi dạy cho cô bé láng giềng cùng hát. Thích nhất là bài “La vie en rose” (Đời màu hồng) mà cô giáo Angelie dạy Trường Phủ tập cho cả lớp, trong đó có câu “Anh thuộc về em, em thuộc về anh suốt cuộc đời này”.

Lời kể của “bà cụ Lê”, khi là tiếng nói “người trong cuộc” - đó là những cảnh, những tình tiết “cụ” trực tiếp tham gia lúc còn trẻ; nhưng nhiều khi là sự việc thuật lại theo lời kể của người cùng hoạt động với anh Nhẫn. Cách thể hiện lời kể của bà cụ cũng rất “đặc biệt”, uyển chuyển, khi hư khi thực, lúc lại là giấc mơ… Bạn đọc có thể nghĩ “bà cụ” kể lại chuyện đời xưa cho tác giả nghe, nhưng thật ra, chủ yếu là giọng điệu của “bà cụ” trò chuyện với vong linh người yêu đã hy sinh! Hình ảnh con bướm vàng luôn xuất hiện, khi thực, khi mơ hẳn là biểu tượng sự hiện hữu của tâm linh con người, cả lúc thể xác đã về với cát bụi.

Với một lối viết như thế, tác phẩm trở nên phong phú, sinh động nhờ tính đa chiều, đa thanh.

“Mẹo” tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập còn thể hiện ở kết cấu tác phẩm. Tác giả đã công phu tạo dựng một kết cấu xen kẽ thực - hư trong cả 16 chương sách. Mở đầu mỗi chương là cuộc đối thoại ở thời điểm hiện tại giữa tác giả và bà cụ Lê 91 tuổi - người yêu của liệt sĩ, đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh (một trong hai nhân chứng còn sống đã cung cấp tư liệu cho tác giả và có thể là “nguyên mẫu” của nhân vật này). Đoạn đối thoại này in chữ nghiêng. Ví như mở đầu Chương 7, tác giả hỏi bà cụ Lê:

- Năm 1945, thím 12 tuổi? 

- Tuổi “mụ” là mười ba. Ngày đó con gái tuổi mười ba là đến tuổi cặp kê rồi […]. Tui nói với anh Lập rồi mà, tui yêu anh Nhẫn khi còn trong bụng mẹ…

Sau đó là câu chuyện kể của bà với nhiều góc nhìn khác nhau; mặc dù có phần “hư cấu” như tác giả đã “tự thú” trong “Lời nói đầu”; nhưng đoạn đối thoại mở đầu với tính chân thật 100% đã tạo niềm tin cho độc giả suốt cả tác phẩm, trong đó, nhiều sự kiện lịch sử đã được tái hiện một cách sống động như nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu - 1945 hay cảnh dân chúng đón phái đoàn Gô Đa khi Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm quyền (1936 - 1939), rồi cảnh Nhật đảo chính và những ngày vui sau Cách mạng Tháng Tám. Và chính là khi đọc những trang văn thuật lại những sự kiện nhiều người đã biết với góc nhìn “riêng tư” của các nhân vật, tôi lại bị… bất ngờ do được gặp lại một người quen - anh Hồ Văn Danh (1924 - 2012). Thật không ngờ ông anh thân thiết cùng sống gần 8 năm trời trong những căn “nhà hầm” thời phản lực Mỹ gầm rú suốt ngày đêm tại Trại Cau (nơi sơ tán của Sở Giao thông Quảng Bình), sau tháng 8/1945 là thành viên Ủy ban Cách mạng lâm thời khu vực Phan Long - Ba Đồn, nên được cử phụ trách “Tuần Hội sách báo” trong chuỗi hoạt động sôi nổi Tuần lễ vàng, xóa mù chữ, chống giặc đói ngay khi chính quyền Việt Minh được thành lập. Trong Chương 9 của tác phẩm, “bà cụ Lê” đã nhớ lại:

“Anh và anh Trinh đứng gian báo chí. Nghe anh giới thiệu với bà con, biết anh đã đọc hết các báo Cờ Giải phóng, Tiếng Dân, Phong hóa, Ngày nay… Có lẽ anh đã đọc từ tuổi lên mười. Em được đứng gian sách văn, những Bỉ vỏ, Số đỏ, Tắt đèn, Bước đường cùng… toàn những tiểu thuyết lần đầu em mới thấy […]. Chúa thương em. Cách mạng cũng thương em nốt. Ơn Chúa, ơn Cách mạng, “cô bé da trắng tóc dài” được nhiều người biết đến. Em đi đâu cũng có những cái nhìn theo. Chúa còn thương em khi em được chọn cùng anh, “chàng Phan Long đẹp trai”, nâng ảnh Cụ Hồ ở hội chợ…”.  

Đó là lời “bà cụ Lê” kể lại với góc nhìn khi còn là cô bé 12 tuổi. Ôi chao! Chỉ định dẫn một chi tiết “riêng tư” được gặp lại anh Danh trong sách; thế mà lại trích dẫn dài dòng. Cũng bởi… bị lối viết của chàng Lập thu hút, nhưng quan trọng hơn là câu chuyện của cô bé Lê kể lại làm tôi ngộ ra một điều không hề riêng tư và nhỏ bé. Thì ra cái vùng đất Ba Đồn lâu nay “thiên hạ” tưởng chỉ là nơi hội tụ dân buôn bán nổi tiếng với chợ Bò, té ra lại rất văn hóa - văn hóa theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Có mấy nơi tổ chức được “Tuần Hội sách báo” ngay sau nạn đói kinh hoàng và dân chúng nhiều người còn mù chữ. Trong sự kiện nhỏ mà đặc sắc này có một chi tiết không nên bỏ qua: Nhà thuốc Thông Dư của ông Lưu Trọng Dư, em trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, là người tài trợ cho Hội sách. Vậy nên vùng quê này mới sản sinh ra khá nhiều người “có chữ”, trong đó chàng liệt sĩ tuổi 19 và cô bé Lê hơn mười tuổi không theo Đạo Ki-tô nhưng lại tin có Chúa, đều biết nói tiếng Tây, thích hát cả “La Marseillaise” Quốc ca Pháp, mà lại hăng hái chống quân xâm lược! 

Có lẽ cũng cần nói thêm công phu về mặt ngôn ngữ của tác giả trong tác phẩm này. Như tôi được biết, Nguyễn Quang Lập hình như chỉ học tiếng Nga; riêng việc in nguyên văn các bài hát tiếng Pháp cùng vô số tên vũ khí, đơn vị lính tráng bằng tiếng Pháp có chú thích rất chi tiết đã phải tốn không ít thời gian và tâm sức. Tác giả còn thận trọng trong việc dùng từ địa phương khi đối thoại, hay gọi tên các cây cỏ, trò chơi, địa danh… vừa đủ tạo nên “không khí” truyện, vừa không “làm khó” cho bạn đọc rộng rãi, đồng thời có chú thích kỹ lưỡng… Đó không chỉ là công phu mà còn thể hiện tình yêu của tác giả đối với quê hương và trách nhiệm của nhà văn đối với bạn đọc.

*

Nếu tôi không nhầm, có rất nhiều anh hùng thành tích lẫy lừng, luôn được đề cao trong những dịp kỷ niệm trang trọng, nhưng không (hoặc chưa) trở thành nhân vật tiểu thuyết như Nguyễn Tiến Nhẫn. Sau khi bị địch xử bắn ngày 16/8/1948, người thanh niên 19 tuổi này chỉ là một liệt sĩ như ngàn vạn người con đất Việt đã hy sinh vì Độc lập và Tự do của Tổ quốc; đến nay, nhờ tài năng của nhà văn, chàng trai chưa mấy ai biết tên ở ven bờ sông Gianh, đã thành một Anh Hùng viết hoa trong lòng độc giả. Nói cách khác, văn học nghệ thuật có giá trị đích thực là sự tôn vinh lớp người đã hy sinh xương máu cho dân tộc một cách đẹp nhất, lâu bền nhất.

Có thể nói: nhà văn Nguyễn Quang Lập đã may mắn tìm được một nguyên mẫu để dựng một liệt sĩ có thật trở thành nhân vật tiểu thuyết sinh động; và ngược lại, liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn đã có “duyên” được nhà văn quê hương chọn làm nhân vật tiểu thuyết để có hạnh phúc sống “mãi mãi tuổi hai mươi” trong lòng độc giả nhiều thế hệ như nhà văn Đức Anna Seghers đã viết trong tiểu thuyết “Những người chết còn trẻ mãi”.

Từ nhân vật trung tâm là một liệt sĩ, tác giả đã dựng nên bối cảnh cuộc chiến đấu và đời sống muôn vẻ của cả một vùng đất khá đặc biệt ở phía bắc Sông Gianh một thời “Bình Trị Thiên khói lửa”. Bên cạnh các “thủ trưởng” của Nguyễn Tiến Nhẫn - về sau trở nên những tên tuổi nổi tiếng như tướng Đồng Sĩ Nguyên, Trần Quý Hai…, tác giả đã miêu tả nhiều hoạt động thể hiện lòng yêu nước của rất nhiều lớp dân cư một vùng đất 90% theo Việt Minh, trong đó có nhiều trí thức, các nhà buôn, con cháu của quan phủ Quảng Trạch.

Còn nhiều điều đáng viết về cuốn sách này. Để các bạn còn tìm sách đọc, tôi đã “bỏ qua” không nói đến nhiều đoạn miêu tả trò chơi thuở ấu thơ rất thú vị, cũng như những hoạt động tình báo khá hồi hộp, rồi chuyện Nhẫn đã lọt được vào hang ổ địch bằng cách nào, cũng như vì sao anh bị bắt… Chỉ “tiết lộ” thêm lý do cuộc tấn công vào Hoàn Lão để giải thoát anh Nhẫn do chính “chú Vũ” lập kế hoạch đã thất bại vì không ngờ địch đã chuyển anh vào nhà lao Đồng Hới ngày trước! Và thế là chúng dẫn anh ra Ba Đồn xử bắn trước hàng vạn người dân quanh vùng, trong đó có “em Lê”. Trong trang cuối sách, người yêu của Nhẫn đã nhớ lại:

“…Bỗng anh ngẩng phắt lên nhìn về phía em, cái nhìn như đẫm máu rực sáng lửa tình. Cái nhìn cuối cùng anh dành cho em trước khi về trời. […] Ba phát trúng anh… Có hai phát bắn trượt. Nhưng cả năm phát đạn đều trúng tim em!”

Đó là đoạn cuối Chương 16. Không phải ngẫu nhiên tác giả kết cấu tác phẩm với 16 chương. Anh Nhẫn hy sinh vào lúc người yêu của anh lên tuổi 16 trăng tròn!

Vậy đó! Tôi đã định gọi cuốn tiểu thuyết này là một bản tình ca. Không chỉ vì mối tình Nhẫn - Lê đẹp mà đau đớn như một huyền thoại mà còn vì tình yêu vô bờ của tác giả đối với mỗi tên xóm, mỗi căn nhà, mỗi gốc cây, mỗi phiên chợ, mỗi món ăn… của quê hương. Và chính là trong hai cuộc trường chinh kháng chiến của đất nước ta, kẻ xâm lược giàu súng đạn, rốt cuộc đã thất bại trước một dân tộc đã chiến đấu với tình yêu cao đẹp đó.

N.K.P
(TCSH436/06-2025)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Tin nổi bật
  • NGÔ MINHKhông thể đếm là tập thơ đầu tay của cây bút nữ Nguyễn Thị Thái người Huế, sống ở thành phố Buôn Ma Thuột vừa được NXB Thuận Hóa ấn hành. Tôi đã đọc một mạch hết tập thơ với tâm trạng phấn khích. Tập thơ có nhiều bài thơ hay, có nhiều câu thơ và thi ảnh lạ làm phấn chấn người đọc.

  • MINH KHÔICuối tháng bảy vừa qua, giáo sư ngôn ngữ và văn chương Wayne S.Karlin và nữ phóng viên Valerie, công tác ở một Đài phát thanh thuộc bang Maryland, Mỹ đã đến Huế tìm thăm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, để chuyển cho chị bản hợp đồng in ấn và phát hành tập thơ Green Rice (Cốm Non) do cơ quan xuất bản gửi từ Mỹ sang.

  • FRED MARCHANTCó những vết thương chẳng thể nào lành lặn và có những nỗi đau chẳng bao giờ mất đi. Kinh nghiệm nhân loại khuyên ta không nên “chấp nhận” hay “bỏ đi” hay “vượt lên” chúng. Với một con người mà tâm hồn thương tổn vì đã làm cho người khác khổ đau hay chứng kiến nhiều nỗi đau khổ thì những câu nói như thế hoàn toàn vô nghĩa.

  • BÍCH THU          (Đọc thơ Dòng sông mùa hạ của Hoàng Kim Dung. NXB Hội Nhà văn, 2004)Nhìn vào tác phẩm đã xuất bản của Hoàng Kim Dung, tôi nhận thấy ở người phụ nữ này có sự đan xen giữa công việc nghiên cứu khoa học với sáng tạo thi ca. Ngoài bốn tập thơ và bốn cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật đã in, với tập thơ thứ năm có tựa đề Dòng sông mùa hạ mới ra mắt bạn đọc, đã làm cán cân nghiêng về phía thơ ca.

  • ĐÔNG HÀVăn hoá và văn học bao giờ cũng có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể thấy rằng văn học là một bộ phận của văn hoá, nó chịu sự ảnh hưởng của văn hoá. Khi soi vào một thời kì văn học, người đọc có thể thấy được những khía cạnh về phương diện đời sống văn hoá tinh thần của một thời đại, một giai đoạn của xã hội loài người.

  • HÀ KHÁNH LINHViết được một câu thơ hay có khi phải chiêm nghiệm cả một đời người, hoàn thành một tập truyện, một tập thơ là sự chắt chiu miệt mài suốt cả quá trình, sau Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII Lê Khánh Mai liên tiếp trình làng tập thơ "Đẹp buồn và trong suốt như gương" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) và "Nết" tập truyện ngắn (Nhà xuất bản Đà Nẵng).

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOCó người làm thơ dễ dàng như suối nguồn tuôn chảy không bao giờ vơi cạn. Có người làm thơ khó khăn như đàn bà vượt cạn trong cơn đau sinh nở. Có người không đầy cảm xúc cũng làm được ra thơ. Có người cảm xúc dâng tràn mà trước thơ ngồi cắn bút. Thơ hay, thơ dở, thơ dở dở ương ương tràn ngập chợ thơ như trên trời dưới đất chỉ có thơ. Thơ nhiều đến ngạt thở chứ thơ chẳng còn tự nhiên như hơi thở mà ta vẫn hoài vọng một thời.

  • THẠCH QUỲSuốt đời cần mẫn với công việc, luôn mang tấm lòng canh cánh với thơ, vì thế, ngoài tập “Giọng Nghệ” in riêng và bao lần in chung, nay Ngô Đức Tiến lại cho ra tập thơ này.

  • Trong đội ngũ những người hoạt động văn nghệ tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh các Hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc…) có một tổ chức gọi là “Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế”(CHNV).

  • Hà Khánh Linh xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Huế. Tên khai sinh của chị là Nguyễn Khoa Như Ý. Năm 20 tuổi, đang học dở dự bị đại học Khoa Học Sài Gòn thì chị quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu chị đã từng đi dạy, làm phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên, làm biên tập, Thư ký Tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Chị quen biết và giao tiếp khá rộng từ các vị quan chức đến các vị đại đức, linh mục, trí thức... cùng những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, những chuyến đi thực tế ở Căm pu chia... đã giúp chị có một vốn sống hết sức phong phú.

  • Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng. Nhưng tuổi thơ của chị chứa đầy buồn đau và nước mắt: Mẹ không có cửa nhà/  Em đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa? Nỗi tuyệt vọng cứ ám ảnh suốt cả tuổi thơ của chị. Trong một bài thơ đầu tay chị viết: Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng/ Hắt máu xuống dòng sông đen.

  • Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi chị đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng (1975). Tốt nghiệp vào loại xuất sắc, chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường đại học Sư phạm Huế. Dạy ở trường đại học Sư phạm Huế được một vài năm, chị chuyển sang làm công tác biên tập ở nhà xuất bản Thuận Hóa. Đây là một quyết định khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.

  • LÊ HUỲNH LÂM                 (Đọc Viết bên Hộ Thành hào - thơ Nguyên Quân -, Nxb Thuận Hoá, 2009)Giữa những đổ nát hoang tàn quá khứ và hiện tại, khi mà thang giá trị bị đảo lộn, những mảnh vỡ đang vung vãi mọi nơi, tác giả lại tìm đến Hộ Thành hào để nhìn ngắm cõi lòng đang hỗn hênh mọi thứ và như chợt nhận ra niềm hy vọng mỏng mảnh, anh đã Viết bên Hộ Thành hào.

  • HOÀNG DIỆP LẠCBất chợt giữa một ngày mưa gió, nhìn những hạt nước toé lên từ mặt đất như những đoá hoa mưa. Một loài hoa của ảo giác. Có thể trong tâm trạng như vậy, Lê Tấn Quỳnh chợt hỏi:Hoa vông vangCó hay không

  • ĐINH NAM KHƯƠNG(Thơ Tuyết Nga - NXB Hội Nhà văn 2002)

  • NGUYỄN VĂN HOA1. Cuối thế kỷ 20, tôi làm cuốn sách “Tuyển tập thơ văn xuôi Việt Nam và thế giới” cùng tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thiện (Viện Văn học Việt Nam), trong tập sách này gồm phần học thuật và phần tuyển thơ Việt Nam và Thế giới. Phần thơ Việt có nhiều tác giả sinh sống ở Huế, ngẫu nhiên-tình cờ có hai nhà thơ có thơ trong tập này, đó là Hải Bằng và Hải Trung.

  • NGA LINH NGA1. Xuất bản mười hai tập thơ, mười hai tập văn xuôi, một tập nhạc; viết mười hai kịch bản phim chân dung, hai mươi lời bình cho các phim khác, biên soạn hai mươi tập nhạc... điều thật khó tin ở một người nổi tiếng rong chơi, thích cao đàm khái luận, thường không mấy khi vắng mặt nơi những cuộc rượu của đám văn nghệ Hà Thành như Nguyễn Thụy Kha.

  • L.T.S: Trong vài năm lại đây, ở Huế, chưa có tập sách nào ra đời lại gây được “hiệu ứng ngạc nhiên” cho bạn đọc như một hiện tượng ngoài tập Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa ấn hành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Huế và Đà Nẵng vừa qua. Ngoài các bài viết giới thiệu, phê bình in trên nhiều tờ báo trung ương và địa phương, Sông Hương vẫn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến cảm thụ về tập thơ này.Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG           (Đọc tập thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)

  • YÊN CHÂU          (Đọc Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)Giống như những cây xanh bói muộn bất ngờ cho một mùa hoa trái, thơ Nguyễn Xuân Hoa xuất hiện đột ngột như vậy. Anh không cho in rải rác đâu đó, cũng không đọc thơ ở những cuộc gặp gỡ bạn bè. Im lặng, đùng một cái cho ra hẳn một tập thơ. Thơ Trà My của nguyễn Xuân Hoa đã đến với bạn bè như vậy.