"Người đàn bà không hoá đá" - một cách hiện diện ở đời

16:13 23/04/2009
BÍCH THUHơn một thập niên trước đây, với hai truyện ngắn Hồi ức của một binh nhì và Vết thương lòng, Nguyễn Thế Tường đã đoạt giải cao trong cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức năm 1992 - 1994. Tôi còn nhớ một trong số các nhà phê bình đã thành danh của nhà số 4 Lý Nam Đế không kìm được cảm xúc của mình với chùm truyện dự thi của Nguyễn Thế Tường lúc ấy đã thốt lên: “Tôi thích truyện ngắn Nguyễn Thế Tường”. Từ đó đến nay, Nguyễn Thế Tường vẫn miệt mài viết và lặng lẽ ra sách. Người đàn bà không hoá đá là lần ra mắt thứ năm của anh.

Nguyễn Thế Tường sinh ra bên dòng Kiến Giang thuộc vùng chiêm trũng Lệ Thuỷ - Quảng Bình. Anh đã từng là sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp. Sau đó nhập ngũ, là lính tăng thiết giáp và đã tham chiến tại Quảng Trị vào năm 1973, thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng. Dễ nhận thấy cái lý lịch “trích ngang” ấy đã trở thành chất liệu thẩm mỹ, thẩm thấu trong từng trang viết của Nguyễn Thế Tường. Cũng như nhiều người viết ở lứa U 50, cái tôi tự sự của Nguyễn Thế Tường luôn ngoái lại những ngày đã qua, mải miết “lội” ngược dòng, âm thầm phục sinh trong không gian, thời gian của quá khứ, của hồi ức và kỷ niệm. Khi là “một hạt bụi nào đó trong đáy sâu bộ nhớ tôi chợt động cựa”, khi là “những dòng kỷ niệm khẽ khàng nhỏ từng giọt sánh như mật”. Cứ như thế thời gian quay ngược lại nhiều chục năm về trước. Dõi theo mạch tự sự đồng hành cùng quá khứ của Nguyễn Thế Tường, người đọc thấy thấp thoáng hình bóng của người viết, như tự thuật về mình, về thế hệ mình. Vì vậy trong từng trang của Người đàn bà không hoá đá, người đọc như cũng nhận thấy bóng dáng mình, bóng dáng của bạn bè và cả cái thời mình đã sống với những niềm yêu, nỗi nhớ cùng những hoài bão và ước vọng...

Hàng ngày, hàng giờ sống trong một hiện tại bị phong toả bởi cuộc mưu sinh với bao lo toan, bận rộn, các nhân vật của Nguyễn Thế Tường đã hơn một lần vượt thoát về quá khứ. Dường như với Nguyễn Thế Tường, cái quá khứ đẹp như huyền thoại, đầy mê hoặc không chỉ làm giàu có mà còn là sức mạnh nâng đỡ tinh thần con người trong đời sống hôm nay. Dòng ký ức của các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thế Tường có những trường đoạn thuần khiết, ngọt ngào với trò chơi “chấp me - che muống” của trẻ nhỏ, mang đậm bản sắc địa phương, ồn ào mà gợi cảm (Tiếng hú trên đồng). Là những cuộc lang thang đầy thú vị của đám trẻ nghèo trong làng, bất ngờ “khám phá” ra một không gian đầy ánh sáng và màu sắc: “vàng mơ hoa giêng giếng”. Loài hoa có cái tên là lạ với màu vàng rất riêng của nó mãi mãi ám gợi ký ức tuổi thơ của nhân vật tôi (Hoa giêng giếng). Là hình ảnh dịu dàng, với cái nhìn chia sẻ, khích lệ của cô giáo năm xưa đã xua tan mặc cảm thân phận của một cậu bé nghèo phải ở truồng đến lớp học vỡ lòng, mà ngay từ thời ấy, cậu bé chỉ mơ ước có cái quần để mặc đi học (Bài học đầu tiên).

Đọc truyện ngắn Nguyễn Thế Tường, người đọc có cảm giác anh là người không quên thời gian, luôn sống với thời gian hai chiều quá khứ và hiện tại. Và như thế trong văn xuôi Nguyễn Thế Tường, tiếng của ngày qua luôn đồng vọng với hôm nay. Người đọc cảm nhận được từng khoảng sống của người viết qua những kỷ niệm về thời sinh viên hoá thân trong nhân vật tôi hay nhân vật ở ngôi thứ ba nào đó, gắn với một thời gian khó trong những lớp học, những bữa cơm sinh viên nơi sơ tán. Là những cuộc đối thoại hoà trộn chất lính và chất sinh viên, đặc biệt là những giai thoại vui nhộn, hài hước của người lính vốn là cựu sinh viên văn khoa. Và cảm hứng sáng tác của Nguyễn Thế Tường như lãng mạn hơn khi viết về những thoáng cảm đầu đời, phảng phất hương vị tình đầu trong ngôn ngữ của ánh mắt, của hơi ấm bàn tay với người bạn gái thuở sinh viên. Những cảm giác ấy “như nỗi nhớ dây dưa” cứ đeo đuổi, bám riết nhân vật từ ngày tạm biệt giảng đường đại học cho đến những ngày là lính tăng thiết giáp trên một vùng đồi huấn luyện ở miền Bắc hay trước giờ tham chiến tại Quảng Trị và thậm chí ngay cả trong cuộc sống đời thường hôm nay (Trận đánh cuối cùng).

Trong thế giới truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường, người đọc như bị ám ảnh với những nhân vật là những con người bình thường, giản dị trong các truyện Thím Thao, Bà Kiểm điên, Người đàn bà không hóa đá, Người chưa gặp, Tìm em, Trận đánh cuối cùng. Những nhân vật của Nguyễn Thế Tường là những con người ta vẫn gặp thường ngày rồi nhanh chóng lướt qua. Nhưng Nguyễn Thế Tường đã không quên và luôn trăn trở về họ. Với một cái tôi mẫn cảm, giàu trắc ẩn, Nguyễn Thế Tường đã hướng ngòi bút vào những tình huống, cảnh ngộ, khiến ta không thể lãnh đạm, gợi cho ta phải nghĩ ngợi, phải nhìn lại sự vô cảm, hờ hững của chính mình. Trong các truyện nói trên, Nguyễn Thế Tường tạo dựng được những tình tiết bất ngờ, kích thích sự tò mò của người đọc nhưng anh không bị sự kiện và tình tiết lôi kéo mà quan tâm đến tính cách và thân phận con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Đó là phẩm chất trung thực, hết lòng vì công việc của một phụ nữ làm công tác kiểm ngân, cái phẩm chất ấy mãi theo bà như một “hội chứng” lúc về già (Bà Kiểm điên); là người công an âm thầm làm một công việc bình thường nhưng hữu ích, thậm chí phải đổ máu, hy sinh cho sự bình an của cuộc sống con người, bảo vệ đường hầm của tuyến đường sắt Bắc Nam (Người chưa gặp).

Người đàn bà không hoá đá là một truyện hay kể về một người đàn bà không chịu đầu hàng số phận, không chịu “hoá đá”, vượt lên định kiến của xã hội, tự tìm niềm vui, sự sống cho chính mình và cũng là cách thế hiện diện ở đời của những người đàn bà cùng cảnh ngộ như chị. Người đọc không khỏi rưng rưng cảm động về sự quên mình của chị Bùi, nhân vật trong truyện hơn một lần chờ đợi trong chiến tranh và trong cả thời bình, đã nuốt vào bên trong bao nhiêu giọt buồn, giọt nhớ, cuối đời nhọc nhằn sống và âm thầm cam chịu bên người chồng vô tri vô giác, đã từng là chiến sỹ ngoan cường trên đoàn tàu không số năm nào. Chỉ từng là lính xe tăng, Nguyễn Thế Tường mới hiểu được một sự thật luôn làm ta nhức buốt: “Trong chiến tranh, anh bộ binh chân bước trên đất, nằm xuống trong đất. Anh lính thuỷ hy sinh trên biển còn được sóng đánh vào bờ. Cả người phi công bay trên trời có mệnh hệ nào cũng được rơi xuống đất mẹ. Còn người lính xe tăng chết lại được hoả táng trong xe thành khói bay lên trời”. Điều đó giải thích vì sao nhân vật người chị trong truyện Tìm em đã đến tận nơi xảy ra trận đấu tăng lịch sử vào thời điểm nóng bỏng của cuộc chiến ở Cửa Việt để tìm hài cốt người em trai mà không thấy mộ, toàn thấy những cát là...cát và chỉ có thể bốc một nắm cát trắng đem về với nỗi đau không thể nói thành lời. Đằng sau dáng vẻ đời thường, bình dị đến khiêm nhường, các nhân vật của Nguyễn Thế Tường dường như tiềm ẩn sức mạnh khả dĩ chống đỡ với những hiểm nghèo, những rủi ro, những đau đớn giáng vào chính họ. Những con người bình thường mà cao khiết hiện diện trong văn xuôi của Nguyễn Thế Tường khiến tôi nhớ tới những câu thơ trong bài thơ Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời của Evtushenko, nhà thơ lớn của nước Nga: Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ / Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình / Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy / Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh” (Bằng Việt dịch - Thơ trữ tình thế kỷ XX.Nxb Văn học,2005).

Trong tập Người đàn bà không hoá đá, Nguyễn Thế Tường không chỉ tỏ ra sở trường và có nghề khi khai thác chất liệu cái tôi, vớái những gì gần gũi và thuộc hiểu như mảnh đất Quảng Bình quê anh, như đời sống của cánh lính tăng thiết giáp mà khi đến với những sáng tác ngoài mình như Đăm noi, anh cũng gây được ấn tượng về cuộc sống và con người Tây Nguyên. Cái cách lồng nhân vật của huyền thoại vào nhân vật của hiện tại, gắn không khí sử thi vào bối cảnh hôm nay buộc con người của hôm nay phải sống thật với chính mình, với quá khứ của chính mình là một minh chứng cho sự nỗ lực trong lao động nghệ thuật của người viết.

Trong truyện Nguyễn Thế Tường thường được kết cấu theo kiểu chuyện lồng trong chuyện, Với cốt truyện kép, tạo ra nhiều điểm nhìn trần thuật (Người đàn bà không hoá đá, Người chưa gặp, Bài học đầu tiên, Đăm Noi,...). Trong tập Người đàn bà không hoá đá, người đọc bắt gặp không ít những tình huống ly kỳ, hấp dẫn nhưng người viết không sa vào vụ việc mà đẩy con người lên phía trước với tất cả những gấp khúc của cuộc đời và thân phận, chính vì vậy mà câu chuyện vướng mắc trong tâm trí người đọc, dù trang sách đã khép lại. Đoạn kết trong truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường thường “mở”, buộc người đọc cùng nghĩ ngợi, liên tưởng và đồng sáng tạo.

Với Người đàn bà không hoá đá, một lần nữa Nguyễn Thế Tường chứng tỏ sức viết của một ngòi bút đã ổn định nhưng không dừng lại với những gì đã quen thuộc. Trong một chừng mực nào đó, tác giả của Người đàn bà không hoá đá đã có những bứt phá, đổi mới so với bốn tập truyện và ký trước đó của anh. Trên hành trình sáng tạo tiếp theo, người đọc mong muốn Nguyễn Thế Tường mở rộng hơn “vùng phủ sóng” đồng thời dứt khoát hơn trong lựa chọn thể loại, tránh được sự dùng dằng giữa truyện và ký (Những đứa con của cát, Hai người lính). Thời gian gần đây, ngòi bút Nguyễn Thế Tường “theo dòng lịch sử”, đã chạm đến những tầng vỉa của một quá khứ xa, là một phần không thể thiếu của lẽ sống hôm nay. Và những bài viết trở về nguồn đứng tên Nguyễn Thế Tường vẫn lần lượt được đăng tải hàng tuần trên Văn nghệ Trẻ.

B.T
(202/12-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN HIỆPTừ một nhà giáo, theo tiếng gọi “chống Mỹ , cứu nước”, Nguyễn Quang Hà lên đường ra trận, liên tục “bám trụ” chiến trường Thừa Thiên - Huế. Năm 1975 anh bị thương phải ra Bắc dưỡng bệnh và dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá. Sau đó anh trở lại Thừa Thiên - Huế chiến đấu và công tác cho đến bây giờ. Cũng vì thế, hầu như đa phần sáng tác của anh dù là thơ, ký hay truyện đều viết về vùng đất này.

  • HOÀNG THỊ THU THỦY1. “Ngày khai trường áo lụa gió thu bay” không chỉ có trong “Mối tình đầu” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, mà niềm háo hức, tươi xanh, mong đợi có cả trong bài thơ “Mỗi ngày” của thầy giáo Hoàng Ngọc Quý.

  • TRẦN ĐÌNH SỬHoàng Ngọc Hiến là nhà giáo, nhà phê bình văn học, nhà triết luận văn hoá, nhà dịch thuật. Người ta đã biết nhiều về ông với tư cách nhà phê bình văn học mà ít biết về ông như nhà triết luận văn hoá. Về mặt này ông thể hiện một niềm trăn trở khôn nguôi đối với các vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại.

  • LTS: Tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường đã lập “hattrick” nhận liền ba giải thưởng trong năm 2010 (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nguyễn Du, Tặng thưởng công trình Văn học nghệ thuật xuất sắc của Hội LHVHNT TT Huế). Để giải đáp phần nào thắc mắc từ phía bạn đọc về tính chất “tự truyện” cũng như chuyện bếp núc của cuốn tiểu thuyết “gia đình” này, Sông Hương xin giới thiệu bài viết của chính tác giả cầm tinh con Mèo - nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

  • PHẠM TẤN HẦUCó tập thơ chỉ là tập hợp những bài thơ. Nhưng Thi ca mùa ngái ngủ của Lê Huỳnh Lâm, dù là tập thơ đầu tay nhưng đã thể hiện một cái nhìn nhất quán về thế giới thi ca mình khám phá. Đó là thế giới được mở to trước những “cơn đau”, trước “nỗi kinh hoàng vây quanh trái đất”, “trong đền thờ quỷ ma” và trong ca “ngôi nhà không thần thánh”…

  • TRẦN VĂN SÁNG - NGUYỄN THỊ TỐ LOANKỷ niệm 100 năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011)

  • ĐỖ LAI THÚY      Thơ có tuổi và chiêm bao có tích                                  Hàn Mặc Tử

  • NGUYỄN HỒNG TRÂNNữ sĩ Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm sinh ngày 14/7/1900, nguyên quán ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và mất ngày 8/11/1973 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

  • TRƯỜNG KÝ(“Nụ cười Áp-xara”: Truyện ký của Hà Khánh Linh, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1983)

  • PHẠM PHÚ PHONGChính cái bìa tập truyện ngắn là Sứ giả Việt Hùng do hoạ sĩ Đinh Khắc Thịnh trình bày đã gợi ý tưởng cho tôi viết bài này, sau khi đọc đi đọc lại vài lần tập truyện ngắn gồm có chín truyện của Việt Hùng - chín truyện ngắn anh viết trong vòng hơn mười hai năm, kể từ khi tập truyện ngắn đầu tay Cô gái hoàng hôn (1997, cũng gồm có chín truyện ngắn), ra đời cho đến nay.

  • Ý THIỆNVào ngày 27, 28 tháng 7 năm 2001, tại chùa Từ Đàm - Huế đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Gia đình Phật Hoá Phổ - tổ chức tiền thân của Gia Đình Phật tử Việt Nam, với hơn 3000 đoàn sinh về tham dự. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân thành phố Huế cũng như phật tử khắp nơi trên đất nước.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGNguyễn Đức Tùng: Chào nhà thơ và cô giáo dạy văn Đinh Thị Như Thúy. Được biết chị đang sống và làm việc ở một huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc. Chị có tìm thấy cho mình một quê hương ở đó không?

  • ĐINH XUÂN LÂM - VÕ VĂN SẠCHTrong khi khai thác tư liệu về phong trào đấu tranh yêu nước chống xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX của nhân dân ta tại Cục lưu trữ Trung ương, chúng tôi có tìm được hai bài thơ nôm của vua Hàm Nghi ban cho các quân thứ Bắc kỳ.

  • HỒ THẾ HÀKỷ niệm 8 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (9-12-2002 - 9-12-2010)

  • NGUYỄN NHÃ TIÊNTừ buổi trình làng tập thơ “Bông hồng ngủ quên”, tiếp theo là tập “Nhặt mùi hương trầm đâu đây”, cho đến bây giờ thi phẩm thứ ba của Võ Kim Ngân “Viết lúc sang mùa” vừa mới được Nxb Văn học cấp phép ấn hành tháng 7-2010.

  • THANH THẢO(Đọc “Bán đảo” của Thái Bá Lợi)

  • TRẦN HUYỀN TRÂNNgày 10 - 10, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Công ty Văn hóa Phương Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường của nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà văn, nhà nghiên cứu và đông đảo sinh viên các trường đại học.

  • KIM QUYÊNSau tập thơ Ngày đầu tiên(*), nhà văn Trần Hữu Lục tiếp tục ra mắt bạn đọc tập Góc nhìn văn chương(**) và anh sẽ xuất bản tập truyện ngắn Trần Hữu Lục (tuyển chọn năm 2010). Thật là một mùa bội thu với nhà văn Trần Hữu Lục.

  • HỒNG DIỆU(Nhân đọc Trái tim sinh nở và Bài thơ không năm tháng *)

  • MAI VĂN HOANTôi cố hình dung những tháng ngày nhà văn Hồng Nhu trăn trở, băn khoăn lựa chọn việc trở về quê hay ở lại thành phố Vinh - nơi anh từng gắn bó đã hơn hai mươi năm với bao kỷ niệm vui buồn.