Ảnh: TL
[if gte mso 9]>
Lòng đập rộng chưa đầy thước nổi lên giữa cánh đồng tối mịt. Tiếng ếch nhái từ hai bờ mương cùng ngọn gió rì rào trên đọt lúa, tấu lên khúc nhạc muôn thuở của đồng quê. Dù cắm mắt xuống đường, thỉnh thoảng tôi vẫn bị vấp phải hay trượt chân suýt ngã vì những thớ đất mấp mô, nhẵn thín chân người. Mỗi lần như thế, mấy chiếc sào lại đánh vào nhau lộp cộp, khiến chị Mảnh quay đầu động viên tôi vài tiếng, rồi cái bóng lực lưỡng của chị cùng máng xe dài thượt, tiếp tục thọc sâu vào đêm tối.
Tôi nhìn quanh, bốn bề mông quạnh. Ếch nhái đã bớt lời than vãn, nhưng dưới lòng mương chốc chốc lại nổi lên tiếng lõm bõm như đất sụt. Bầu trời cao hơn, và những vì sao dày đặc lấp lánh. Cảm giác lo sợ bắt đầu lén vào người làm tôi thấy lành lạnh. Tôi đưa tay đập muỗi, rồi co rúm người thả ống quần đã xắn cẩn thận từ nhà phủ xuống chân, và thấy nội mở mắt thao láo nhìn vầng trăng như muốn thu cả cái đĩa trái xoài sáng rực ấy vào người. Chưa bao giờ tôi bắt gặp cái nhìn đầy bức xúc này của nội. - Đúng vào cái đêm hai mươi tháng năm như đêm nay - giọng nói rành rọt của nội có phần bùi ngùi thương cảm, nhưng trong vòm mắt hun hút lại ánh lên tia lửa hờn oán - vào lúc bóng trăng đỏ tía ló lên chừng một cây sào, nội cùng đạp nước với một người bạn gái, thì gã Chiêu tới. Gã báo tin em của người bạn ấy bị bỏng nặng, khiến cô ta hoảng hốt chạy biến vào làng. Ít phút sau, biết bị lừa, và chuyện gì sẽ tới, nội cũng vùng bỏ chạy. Gã như con trâu cui sút dây mũi, hùng hục đuổi theo. Đường vắng, làng xa, tiếng kêu tuyệt vọng của nội chốc lát bị tay gã túm lại. Gã vật nội xuống mé đập… Bất giác, nội vỗ tay lên vai tôi, hỏi một câu chẳng ăn nhập vào đâu: - Cháu có tin con người ai cũng có lương tâm không? - Có. Tôi trả lời không chút suy nghĩ. - Đúng đấy cháu ạ. Phải tin như thế mới sống được. Ngay cả khi làm xong cái việc nhơ nhuốc ấy, gã chìa cả hai tay về phía nội. Chắc cháu khó hình dung gã cầm vật gì. Chính nội cũng sửng sốt khi trước mắt mình cùng lúc là một gói tiền lớn và một con dao quắm sáng ngời ánh thép. Gã đe: nếu giữ kín việc này sẽ lấy chồng ổn thỏa, bằng không, làm lớn chuyện, con dao nhọn hoắt đã vấy máu nhiều người, nay đến lượt cô! Lúc gã bày bộ mặt gạ gẫm, phỉnh nịnh quen thuộc ra nội chợt nhớ cái dáng đi lủi thủi của ông trên đồi, với gánh cỏ lặc lè trên vai. Máu giận ứ lên mặt, nội chụp gói tiền ném xuống mương, vung mạnh tay nện lên mặt gã, rồi vắt chân lên cổ mà chạy. Được một đoạn, hết cơn hoảng mới phát hiện ra không có ai đuổi theo. Dừng lại, nhìn chỗ cũ thấy gã Chiêu vẫn đứng sững dưới trăng, tựa con nộm rơm ai đem cắm nổi giữa đồng. Gã không trả thù nội, dù gã thừa sức để làm việc ấy khi nội đi trình hết với các chức sắc trong làng, ngay chính đêm hôm đó. Chuyện vỡ ra, thôn trên xóm dưới đều biết. Gã Chiêu bị nhốt ở đình. Nhờ đồng tiền, gã được mở trói. Còn chuyện ăn hỏi của nội, gia đình ông Cự Đệ xin hoãn lại, để không bao giờ nhắc tới nữa. Sau đó gã Chiêu bị họ hàng buộc phải lấy vợ ngay, và người đàn bà ấy đã thắng cương con ngựa hoang dã trong người gã. Gã trở thành một người tử tế. Nhưng với nội, nội vẫn ghê tởm gã, vì vết thương do gã gây nên đã để lại trong bụng một giọt máu… mà trớ trêu là nội không muốn tẩy đi! Nội tôi thở dài, tháo một đầu khăn đang chít ngang trán đưa lên chậm mắt, nói tiếp: - Khi cái bụng đã nhô lên, theo lệ làng, hàng xóm buộc gã Chiêu cưới nội làm lẽ. Nội cương quyết không chịu. Rồi ông cháu trở về. Hiểu rõ sự tình, và vì thương nội, ông nhận cái thai trong bụng là con của mình. - Mọi người cũng đồng tình hả nội? Tôi hỏi nhanh. - Còn muốn tống nội đi cho khuất mắt nữa là khác! Nói có vầng trăng chứng giám, cái thai ấy sau này thành bác của cháu. Đến cha cháu ra đời cách đó ba năm mới thật là con đẻ của ông. - Tôi hết sức ngạc nhiên trước tiết lộ này của nội. Lớn lên giữa xóm làng đồng ruộng, mọi hang cùng ngõ hẻm ở quê, tôi đều khăng khít, gần gũi, nhưng chưa hề nghe ai bảo bác và cha tôi là con một mẹ khác cha. Vì cả hai anh em đều mất sớm, nên chuyện cũ gác lại chăng? Theo lời mẹ tôi kể thì bác là một chiến sĩ du kích hy sinh trong chống Pháp, để lại người vợ trẻ và đứa con còn đỏ hỏn là chị Mảnh bây giờ. Sau đó, bác gái cũng đi lấy chồng nhưng gặp nơi chẳng ra gì, lại không có con nên bỏ về thủ phận làm ăn. Còn cha tôi chỉ giỏi việc đồng áng, lại chẳng may mắc bệnh mất khi tôi mới đi tập tễnh. Mẹ tôi không cải giá, cùng bác gái xúm lại quanh bà nội, chung lưng đấu cật mà sống. Ngay cả nhận ruộng khoán hiện nay, hai nhà cũng xin được chia chung một vạt. - Ai như con Mảnh ra đó rồi kìa - nội tôi vội vã tụt xuống đập, lần tay vào túi yếm tìm miếng trầu khác. Chị Mảnh đến nơi, mở bi đông rót nước vào ca, đưa nội: - Cháu phải hâm lại nên có lâu một chút. Nội đợi lát rồi cùng về luôn thể. - Thôi nội về ngay, chờ khuya lạnh chết. Uống xong ngụm nước, nội bỏ về. Biết tính nội một khi đã quyết chuyện gì, khó ai cản được, chị Mảnh giục tôi lên giá xe. Khi ánh trăng chuyển sang màu vàng, và chùm sao Đại Hùng đã xoay ngang chiếc ghế trên đầu, tôi đem chuyện nội kể nói với chị Mảnh. Cũng như tôi, chị lặng đi hồi lâu vì kinh ngạc. Anh Chung, chồng chị làm thợ ở xa, chị phải bồng bế hai đứa con dại sang nương nhờ nhà mẹ. Tôi quý chị. Đi đâu hay làm việc gì bên cạnh chị, tôi rất yên tâm, vì được chị chăm sóc che chở không kém mẹ tôi. Giờ đây, giữa đêm khuya thanh vắng, nhìn khuôn mặt vuông vức sạm nắng của chị cau lại ra chiều tư lự, nỗi thương cảm dâng lên trong lòng, khiến tôi cũng buồn rười rượi. - Ngày anh Chung và chị mới yêu nhau - chị Mảnh nói khẽ - người nhiệt tình vun quén tình yêu ấy cho đến hôm nay là nội. Thuyết biết đó, anh Chung là cháu nhà Cự Đệ. Nội muốn đáp chút nghĩa bẽ bàng của nhà ấy chăng? Còn con cháu ông Chiêu, nay là những người tử tế cả. Mới sau tết này, con bé ốm, nhà chú Dĩnh gọi chị lại cho mượn ba vuông lúa, bảo cứ lo thuốc thang cho cháu lành, bao giờ trả cũng được. Gặp buổi giáp hạt, lúa tháng giêng tiền tháng chạp mà, chú ấy cũng khó như mình, nhưng lại nhường phần để giúp mới quý. Tôi nghĩ, hay chú Dĩnh - con ông Chiêu - cũng biết chị Mảnh là cháu mình, nhưng ngại nội, chẳng dám nói ra? Tôi ân hận đã đem chuyện nội kể nói với chị Mảnh, dù sao không có chuyện ấy vẫn hơn. Cung bậc tình cảm quen thuộc của con người thường không muốn ai xáo trộn, dù chỉ một nấc nhỏ. chị Mảnh hết nhìn xuống ruộng, lại ngước đôi mắt đầy nước lên vầng trăng. Im lặng một lát, chị quay sang tôi: - Phải hỏi lại nội xem hư thực ra sao đã, Thuyết à. Từ đó đến khi dỡ xe vác về, chị Mảnh lặng lẽ không nói gì thêm với tôi nữa. *** Hai chị em do dự mãi không biết nên bắt đầu câu chuyện ra sao để hỏi, thì nội tôi lâm bệnh. Sau trận ốm đột ngột này, nội yếu đi rất nhanh và trở nên lú lẫn. Một đêm, bác gái và mẹ tôi bận đi họp, nội ra ngồi nhai trầu trên chiếc giường tre đặt ở mé hiên. Tôi cùng chị Mảnh qua vườn hái khế rồi đến ngồi cạnh nội. Lúc ấy bóng trăng hạ tuần cùng vừa ló ra rực rỡ sau lũy tre. Một dịp hiếm có để gợi chuyện cũ với nội. Tôi ghé miệng sát tai nội, nhắc lại rạch ròi những chi tiết trong chuyện riêng nội kể. Nói mấy lần, đều vô hiệu, nội lắc đầu quầy quậy, bảo không nhớ. Đến khi tôi cố gọi lớn những cái tên người trong chuyện, nội tôi tỏ vẻ xúc động, đưa bàn tay run rẩy ra ngăn lại, miệng mấp máy: - Phải rồi! Nội đã nhớ ra những con người ấy, họ sống trong một câu chuyện ngày xưa, lâu lắm rồi, bây giờ không còn ai biết đến họ nữa. Ngay cả nội cũng không đồng thời với họ, vậy các cháu ích gì mà hỏi kia chứ? Chị Mảnh thất vọng nhìn tôi, nhưng ngay sau đó đôi mắt chị lại ánh lên niềm vui của người vừa trút xong gánh nặng. Nội muốn xóa đi chuyện cũ mà trong một thời điểm gợi cảm, đã buột miệng kể ra. Khuôn mặt già nua của nội rực lên dưới trăng như chính từ ánh sáng huyền ảo ấy - Khuôn mặt hiện ra… Rồi ánh trăng sẽ mang câu chuyện của nội trả lại cho cỏ cây, đồng ruộng. Chị Mảnh và tôi ngồi nhìn những tia chớp cuối trời, ngầm đoán cơn mưa sẽ kéo về vỗ tươi đọt lúa. Bóng trăng đẽo lên cành tre, tạo nên những bông hoa xinh xắn xếp đầy trên chiếu, còn những vì sao thì rơi xuống đậu vào đĩa thành những lát khế ngọt ngào. T.N. (17/2-86) |
PHẠM DUY NGHĨA
1.
Nhà tôi ở trong thung lũng. Nhiều năm trước, khi tôi còn là một cô gái nhỏ, vùng tôi ở được chứng kiến một sự lạ thường.
VĨNH NGUYÊN
Cho đến bây giờ, người dân hai làng Vĩnh Tuy, Trung Trinh đều không biết hai ông Kẻ Khoán họ gì, tên gì? Chỉ biết rằng họ rất “nổi tiếng”. Nhân một mâu thuẫn về đất ruộng, hai ông cãi nhau, đánh nhau đến kiệt sức rồi chết cùng một lúc ngoài đồng. Họ thành nấm mộ chung, còn gọi Mả Ngài!
TRẦN THÙY MAI
Bây giờ, Ng. cũng không nhớ tại sao hai người lại chọn cái thị trấn xơ xác ấy làm nơi gặp gỡ. Mười năm trước họ không biết gì về nó, ngoài địa danh bất chợt nhặt ra từ trí nhớ mông lung, địa danh mơ hồ, gợi lên một vùng đất xa xôi ven biển.
NHỤY NGUYÊN
Sao tôi không dừng lại. Tại sao tôi vẫn bước trong lúc nàng phía sau. Lùi xa hun hút. Sao tôi không lội ngược ký ức vớt nàng lên dưới những tiềm thức vọng động. Sao nàng lại ẩn dưới bề sâu tâm thức tôi.
PHẠM THỊ THÚY QUỲNH
Bệnh viện tựa chú voi trắng rầu rĩ, rệu rã vì tật bệnh và mùi thuốc bứ đặc. Ngoài nhà chờ, la liệt người nằm trên những chiếc ghế gỗ dài đã mục ruỗng, vài người nhà bệnh nhân ủ rũ tựa vào thành ghế chờ đợi tới lượt làm các xét nghiệm cần thiết để thân nhân kịp tiến hành thủ thuật hòng duy trì mạng sống.
NGUYÊN QUÂN
Cô gái dân tộc Pshi, cúi thấp xuống, ánh đèn neon màu nhợt nhạt không khỏa lấp nước da ngăm đen và đôi mắt tròn láy.
TRẦN BĂNG KHUÊ
Tôi đã nghĩ đến hắn, rất nhiều.
Mọi khoảnh khắc tôi có, hoặc ở những nơi tôi đến, chốn nào tôi biết hắn sẽ đi qua.
ĐINH PHƯƠNG
Nếu tôi trượt tay buông mình ra khỏi cơn mưa. Cơn mưa sẽ không còn là tôi nữa. Tôi hoặc cơn mưa lẫn vào nhau bay trong nền trời xám. Sự đứt đoạn nằm rất rõ ở giữa tôi và cơn mưa nhưng trên phố chẳng ai nhận ra…
HỒ TRUNG LIÊN
Mặt anh hầm hầm, chẳng đi làm, cũng không gọi điện xin phép. Ăn sáng xong anh ngồi vào bàn bật máy tính. Hình nền con mèo xuất hiện. Nó nhìn anh rất lạ, đôi mắt tinh anh ngờ vực người đối diện mình, có lẽ muốn nhảy.
DƯƠNG THÀNH VŨ
Tôi vốn mê văn chương, lòng say mê ấy không giúp tôi viết được một câu thơ đoạn văn nào cho ra hồn nhưng lại khiến tôi trở thành kẻ bán sách cũ ở vỉa hè.
TRU SA
Wol viết những dòng dài và đăng Facebook. Ảnh, video, tin nhắn và các mối quan hệ là những gì chúng ta có được. Trang cá nhân là khu tự trị của riêng Wol.
HẠO NGUYÊN
1.
Năm đầu đại học, tôi tình cờ quen chị trên một chuyến tàu từ Đà Nẵng ra Huế. Mới nhìn đã biết chị lớn tuổi hơn tôi, dù có thể vẫn đang là sinh viên.
TRIỆU BÔN
Có khá nhiều giai thoại về ông già Nhậm ở xóm Giếng. Một trong những giai thoại được truyền tụng lâu nhất là chuyện ông rèn thanh gươm báu, từ hồi Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
LÊ MINH PHONG
* Như một thứ linh dược từ trời
gửi tới Chocolateyram
ĐOÀN LÊ
Cây lá héo rũ. Hơi nóng bốc rung rinh trên một mỏm lá xám. Cả hoang đảo say nắng ngất ngư tới tận khi mặt trời đỏ nẫu sắp rụng xuống gốc biển.
NGUYỄN HIỆP
Hé mắt lúc lâu mọi vật mới dần hết mờ nhòe, một không gian lạ hoắc với những vật dụng bằng gỗ cũ kỹ như trong thế giới cổ tích nào đó hiện trước mắt Sa.
LAM PHƯƠNG
Làng Ngát có dòng sông Ngát quanh năm nước tràn trề, đầy ứ, nhưng mùa nào nước cũng đùng đục, cáu đỏ như thể nước lũ.
DƯƠNG THÀNH VŨ
Đội khai thác vật liệu và chuẩn bị mặt bằng xây dựng thị trấn đến huyện lỵ vào một sớm mùa đông núi rừng còn giấu mình trong màn sương và trên cao là ánh sáng trắng toát.
HẠO NGUYÊN
1.
Không hiểu vì sao dạo ấy Huế có nhiều giếng đến thế. Đi ra đường, gặp giếng. Lên giảng đường, gặp giếng. Vào café, gặp giếng. Đến quán rượu, gặp giếng. Về nhà trọ, gặp giếng. Trong giấc ngủ cũng gặp giếng.
NGUYỄN THẾ QUANG
Gió bấc thổi dài suốt mấy ngày nay, bầu trời Xứ Nghệ xám đục như đang hạ thấp xuống dãy Thiên Nhận. Trên ngọn Bùi Phong, trong Vọng Vân đình, hai ông già búi tóc củ hành đang ngồi đánh cờ. Thỉnh thoảng, một vài dải mây trắng từ đỉnh non lại lãng đãng trên hai mái đầu bạc.