Lê Hào - Võ Ngột - Phan Bùi Bảo Thy - Nguyên Quân - Trần Văn Liêm - Triệu Nguyên Phong
Tác phẩm "Đường Mây" của HS Nguyễn Duy Linh
LÊ HÀO
Mảnh gốm từ Gò Tháp
Nhặt mảnh gốm Gò Tháp
bạc phếch, sần sùi
trơ vết tích sạm đen loang lổ
như vệt buồn ký ức
hằn sâu nỗi đau vương triều hoang phế
Tình yêu đượm màu
trên chất liệu đất nung cùng hoa văn chạm trổ
mang dấu tích Phù Nam
và tâm hồn thần Shiva độ lượng
có khát vọng phồn thực của Linga - Yoni
ẩn dụ muôn đời trong màu đất
Suối ngàn năm còn chảy mãi
qua phận người
hơi ấm ủ sâu vào dấu vết thăng trầm
trên mặt gốm
ngàn cuộc chiến chinh đi qua
nỗi đau như vết thương sậm màu
Lỗ chỗ
máu những anh hùng
và nước mắt bao người cô phụ
Có phải cuộc đời cô đơn góa bụa
của những người đàn bà phương Nam
cũng biến thành phế tích
hằn lên mảnh gốm này...?
VÕ NGỘT
Khúc hồi tưởng tháng tư
Lửa khói ngút trời
rừng Trường Sơn đạn bom cày xới
tôi liệm bạn mình bằng mảnh hoàng hôn
đặt bạn nghỉ dưới gốc cây trai cụt ngọn
Sau loạt B52
tiếng khóc trẻ thơ mắc kẹt dưới hầm sâu
cây quật đổ ngả nghiêng trơ trụi
im lặng đến rợn người
vầng trăng non cuối trời
neo vào nỗi nhớ…
Pháo cấp tập chuyển làn - cửa mở
vượt qua cầu giải phóng thành đô
cờ hoa rợp trời
một dải giang sơn giữ trọn lời thề
Người may mắn trở về
mẹ không cười mà ôm tôi rất chặt
hàng xóm nhận tin buồn
niềm vui sao trọn vẹn…
Tháng tư cùng đồng đội về chiến trường xưa
nhang khói đưa các anh về quê hương
ngôi mộ được đắp bằng nước mắt
bằng hương lúa hương sen
Tháng tư những người đàn bà quê tôi
ra sông gánh nước
ven đê cải đã ra ngồng
cải lỗi ngồng nhưng hoa vẫn đợi
nỗi niềm nhưng nhức một dòng trôi.
PHAN BÙI BẢO THY
Đêm cũng chẳng dài thêm
Anh lại thả ngút ngàn khói trắng về phía bờ Bắc dòng sông
Nơi có những dấu chân
Nơi có những nụ hôn
Nơi có trái tim một lần rung lên thánh thiện
Anh lại thả ưu phiền về phía biển
Những ngọn sóng giận hờn xé nát
Và máu rụng buồn kết trái một loài hoa
Anh lại thả những vòng tay
Những đêm trăng xế đỉnh đầu
Hai đường gân quấn vào nhau phập phồng lửa đốt
Anh lại thả nhớ thương cợt đùa vào xa khuất
Phố Triệu Việt Vương đêm nay ai sẽ đón em về?
Anh lại thả xuống chiều tất thảy đam mê
Tất thảy quay lưng giữa ngày nông nổi
Anh lại thả cả điều gian dối
Xuống vũng nước mắt mình
Đêm cũng chẳng dài thêm...
NGUYÊN QUÂN
Trong căn nhà cũ
cốc rượu đêm trong căn nhà cũ
treo đầy vách kỷ vật thời gian bám bụi từng giấc mơ trộn lẫn
chiếc bóng dài ngoằng trên mảng tường loam
gã đàn ông cô độc
trong căn nhà cũ
rất nhiều khi cười lơ ngơ
soong cá lòng tong kho khô từ tuần trước
còn ngái nồng mùi đầm phá mông mênh
ngửa lá bài đánh với tấm gương soi
năm ăn năm thua xác hồn bật khóc
trước hiên mưa những con thuyền khơi lộng
hắt hiu mắt cổ sử xa xăm
ngày tuôn từng dòng thời gian qua từng ô cửa
màu sơn son bạc thếch những phiến cửa khép hờ
chén rượu đêm không ngăn nén hương lụi tàn dần
trên chiếc bàn tù mù nhiều khuôn mặt tịch liêu
gã đàn ông nhiều khi cười lơ ngơ
khát khao trở thành manh lưới rách
đánh bắt tiếng gọi tình bầy mèo đen trên mái ngói
rờn rợn mắt xanh huyền sử liêu trai.
TRẦN VĂN LIÊM
Nhặt
Nhặt chiều được lọn mây khô
Phơi trên đỉnh núi tựa hồ áo tang
Nhặt đêm được ánh sao tàn
Rụng vào huyệt mộ mấy ngàn mảnh ta
Nhặt cười được khóc thiên ma
Nhặt yêu được ghét nhặt xa được gần
Nhặt hoa được lá thất thần
Nằm ủ mục với nợ nần trần gian
Nhặt tình nặng gánh đa đoan
Và ta bỗng thấy môi ngoan lười cười
Nhặt mơ mộng được lỗi thời
Thơ buồn vỡ mật khóc đời điêu linh
TRIỆU NGUYÊN PHONG
Ngày cuối đông
Ta ôm chiều vạt nắng
Từng giọt xuống bờ vai
Em thương ngày xa vắng
Đêm sương lạnh đông gầy
Hôm nay ta ở núi
Rừng níu gió ngàn bay
Tiếng cồng chiêng thả giọng
Cả một trời - đất say
Trăng khuya về neo đậu
Màu đất đỏ Buôn Mê
Gió Tây Nguyên rạo rực
Suối Đa Mê dạt dào
Ngậm ngùi dòng suối kể
Trăng lội ngược khe sâu
Mây cao xanh màu ngọc
Chìm nổi - một đời nhau
Ta thương ngày ở núi
Cây đứng một đời ngay
Gió như đang vượt cạn
Hóa mùa rơi nắng vàng.
(TCSH346/12-2017)
LÊ VI THỦY
LTS: Những nhịp đi cổ điển, những thi ảnh cũng như nhuốm màu cổ điển, nhưng gần như lại không bước ra từ cổ tích, mà từ cuộc sống bộn bề. Ba người đàn bà trong những bài thơ dưới đây, từ ba câu chuyện khác nhau, với những không gian khác nhau, nhưng họ chung một nỗi rất đàn bà: yêu, chờ đợi, và hy vọng trong cô đơn…
HOÀNG VŨ THUẬT
Vũ Dy - Nhất Lâm - Nguyễn Nhã Tiên - Trần Thị Tường Vy - Châu Thu Hà - Nguyễn Miên Thượng - Nguyễn Hàn Chung - Phan Lệ Dung - Vương Kiều
Anh Nguyễn Hữu Đống là bạn của nhiều lớp văn nghệ sĩ, nhất là ở Huế. Từ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc, Đặng Tiến, Trụ Vũ… đến nhiều người thuộc lứa sau như Nguyễn Chí Trí, Vĩnh Ba, Nguyễn Thượng Hải, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Huỳnh Lâm, Bạch Lê Quang, Phạm Tấn Hầu…
ĐÔNG TRIỀU
Tôi là Nguyễn Văn Phong. Sinh năm 1985. Quê quán: xã Hà Ninh, Hà Trung, Thanh Hóa. Hiện sống cùng thân sinh. Làm ruộng, lao động phổ thông. Không dùng điện thoại di động. Đây là một số bài thơ lần đầu tôi gửi đến Tạp chí Sông Hương.
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Mai Văn Phấn - Phạm Đức Mạnh - Hồng Vinh - Nguyên Ngọc - Tôn Nữ Minh Châu
LTS: Nhà thơ Nguyễn Xuân Sang quê quán ở An Hòa - Huế, anh đã xuất bản 04 tập thơ & 01 tập phóng sự, ghi chép; từng đạt một số giải thưởng các cuộc thi.
LGT: Machu Picchu của đế quốc Inca, núi thiêng Mỹ Sơn của vương quốc Chămpa có cùng số phận đỉnh cao một nghệ thuật kỳ vĩ bị chiến tranh và thời gian tàn phá.
Nguyễn Trọng Tạo - Phùng Tấn Đông - Đỗ Xuân Thu
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
TÔN PHONG
Nguyễn Đông Nhật - Từ Hoài Tấn - Trần Hoàng Phố - Phan Trung Thành - Phùng Sơn - Lê Hồ Ngạn
TRẦN TỊNH YÊN
ĐÀO DUY ANH
LTS: Trước những thử thách của nhiều trường phái thơ hiện đại, xem ra thơ lục bát Việt Nam vẫn sống khỏe. Nó thậm chí không nhất thiết phải phân biệt rạch ròi “hậu lục bát Truyện Kiều”, “hậu lục bát Lửa Thiêng” hay “hậu lục bát Bùi Giáng”. Tuy vậy để được ghi tên tác giả dưới những âm tiết quen thuộc, dễ nhớ đó… ắt tâm hồn người thi sĩ phải gạn đục khơi trong bao lần.
NGUYỄN DUY
Nhìn từ xa... Tổ Quốc!