Những ngôi nhà Tạ trong kiến trúc cung đình Nguyễn

08:49 20/03/2015

Trong kiến trúc cung đình Nguyễn tại Huế, hình thức nhà tạ có mặt ở khắp nơi: Hoàng cung, Hành cung, Biệt cung và ở cả các lăng tẩm đế vương.

Hai ngôi nhà tạ ven bờ hồ Lưu Khiêm

Trong lịch sử kiến trúc truyền thống Việt, hình thức kiến trúc nhà tạ có lẽ xuất hiện từ khá sớm và tương tự như ở Trung Hoa, nó cũng sớm được cung đình hoá rồi gần như trở thành một hình thức kiến trúc độc quyền của vua chúa. Theo các nguồn sử liệu, dưới tất cả các triều đại vua chúa Việt Nam, hình thức nhà tạ xuất hiện khá phổ biến tại những chốn phục vụ nhu cầu ăn chơi của tầng lớp thống trị, như hành cung, ly cung, biệt cung...Chúng là những kiến trúc tương đối đơn giản, được dựng bên bờ mặt nước như hồ, ao, sông, suối (nguyên chữ tạ có nghĩa là ngôi nhà dựng trên mặt nước-vì thế mà còn gọi là thuỷ tạ) với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng phải đến thời Nguyễn, hình thức kiến trúc nhà tạ mới trở nên thật sự phong phú về số lượng và hình thức.

Trong kiến trúc cung đình Nguyễn tại Huế, hình thức nhà tạ có mặt ở khắp nơi: Hoàng cung, Hành cung, Biệt cung và ở cả các lăng tẩm đế vương. Theo thống kê của chúng tôi, vào thời hoàng kim, riêng trong khu vực Kinh thành đã có hàng chục ngôi nhà tạ của vua Nguyễn; các Hành cung, Biệt cung thì hầu như cung nào cũng có. Căn cứ vào sự mô tả của các nguồn sử liệu, nhất là các bức tranh mộc bản, tranh gương của triều Nguyễn, nhà tạ thời Nguyễn rất phong phú về quy mô và hình thức kết cấu. Đáng tiếc là trải qua thời gian cùng sự tàn phá của chiến tranh, đến nay, trong quần thể kiến trúc cung đình chỉ còn vẻn vẹn lại 4 ngôi nhà tạ. Tuy nhiên, thật may mắn vì chúng cũng là bốn ngôi nhà khá tiêu biểu về hình thức kết cấu và vai trò trong tổ hợp kiến trúc. Đó là Trường Du Tạ ở cung Diên Thọ(Hoàng Thành); Nghênh Lương Tạ(hay Nghênh Lương Đình) ở trước mặt Kinh Thành; Dũ Khiêm Tạ và Xung Khiêm Tạ ở lăng Tự Đức. Dưới đây chúng tôi xin được giới thiệu về bốn ngôi nhà khá đặc biệt này.

1.Trường Du Tạ

Trường Du Tạ

Đây là ngôi nhà tạ nằm trong tổ hợp kiến trúc cung Diên Thọ, khu vực dành riêng cho các bà Thái hậu triều Nguyễn, rộng gần 1.8 ha, nằm ở phía tây trong Hoàng Thành. Trường Du Tạ được dựng năm 1849 để chuẩn bị cho lễ Ngũ tuần đại khánh tiết của bà Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Tạ dựng trên một chiếc hồ hình vuông xinh xắn, rộng 530 m2, ở phía đông toà điện chính, mặt hướng về phía nam. Kết cấu tạ kiểu nhà Rường truyền thống Huế với thức vuông (phương đình), một gian bốn chái, 16 cột trụ, mái lợp ngói ống tráng men xanh. Cả ba mặt đông, tây và nam của Trường Du Tạ đều có hành lang bao bọc. Về sau hành lang này bị dỡ bỏ, phần phía nam thì cải tạo thành một ngôi nhà vỏ cua với tên gọi Lương Phong Đình.

Tuy kết cấu theo kiểu nhà Rường với hệ thống cột khá dày đặc nhưng không gian kiến trúc của nhà tạ này vẫn rất thoáng bởi hệ thống cửa ở 4 mặt đều rất rộng, hệ thống vách ván lại được thay thế bằng kính sáng nên đứng ngay trong nhà người ta vẫn có thể quan sát rõ cảnh quan bên ngoài. Một số đố bản và vách ngăn trong nhà lại được trang trí rất tỉ mỉ bằng các bức chạm lộng, chạm thủng cực kỳ công phu nên càng tăng tính hiệu quả về mặt mỹ thuật.

Nhìn chung, cả về quy mô và hình thức kết cấu, Trường Du Tạ chỉ là một công trình kiến trúc tương đối nhỏ và đơn giản, nhưng bù lại, do đặt trong một không gian hợp lý Trường Du Tạ lại tạo được vẻ đẹp rất hài hoà và giàu chất thơ, xứng đáng dành làm nơi “thưởng tiết ưu du” cho các bà Mẫu hậu tại Tây cung.

2. Nghênh Lương Tạ

Nằm soi bóng trên bến Văn Lâu (tức bến Phu Văn Lâu), Nghênh Lương Tạ là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng

Nghênh Lương Tạ

nhất của Huế dù đây chỉ là một ngôi nhà tạ có quy mô vừa phải. Ca dao xứ Huế có câu: “ Chiều chiều trước bến Văn Lâu, Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm, Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông..” chính là chỉ vị trí thơ mộng này.

Nghênh Lương Tạ (thời Khải Định về sau gọi là Nghênh Lương Đình) là tòa nhà dành cho vua nghỉ ngơi hóng mát mỗi khi đến tiết hạ nóng nực (chữ Nghênh Lương Tạ có nghĩa là nhà Thủy Tạ để hóng mát). Nguyên xưa Nghênh Lương Tạ là một phần của hành cung Hương Giang dựng từ năm Tự Đức 5 (1852) ở bờ bắc sông Hương, trước mặt toà Phu Văn Lâu. Ngoài hành cung này, tại khu vực Huế, các vua Nguyễn còn có nhiều hành cung khác như hành cung Thần Phù, hành cung Thuận Trực, hành cung Thuận An, hành cung Thúy Vân...Tất cả các hành cung này đều có dựng nhà tạ để phục vụ nhà vua, tuy nhiên, đến nay duy chỉ có Nghênh Lương Tạ của hành cung Hương Giang là còn tồn tại. Vì vậy di tích này càng trở nên quí hiếm.

Nghênh Lương Tạ có kết cấu kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái, gần giống như Trường Du Tạ. Nhưng phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài ra. Bộ khung gỗ ở phần trên, nhất là các vì vỏ cua cùng hệ thống liên ba được chạm trổ công phu. Mái nhà chính lợp ngói ống lưu li vàng, hai nhà vỏ cua lợp ngói liệt men vàng. Nền Nghênh Lương Tạ cao 90cm, bó vỉa bằng gạch vồ và đá Thanh. Phía bờ sông có 13 bậc cấp dẫn xuống một hành lang xây sát mặt nước sông Hương. Cảnh quan xung quanh nhà tạ thoáng đãng và rất trữ tình. Xét về cấu trúc không gian ở trục trước mặt Kinh thành, Nghênh Lương Tạ là điểm nối kết tuyệt vời giữa Kỳ Đài (cột cờ) - Phu Văn Lâu - Hương Giang - Ngự Bình. Và đây cũng là vị trí tuyệt vời để người ta ngắm nhìn, cảm nhận hết vẻ đẹp lãng mạn của sông Hương, nhất là vào lúc bình minh, khi hoàng hôn hay trong đêm trăng sáng: “Hương giang nhất phiến nguyệt, Kim cổ hứa đa sầu” (Một mảnh trăng dòng Hương, Xưa nay sầu vấn vương - thơ Nguyễn Du).

3. Dũ Khiêm Tạ

Dũ Khiêm Tạ

Ngôi nhà tạ bé nhỏ này cũng rất nổi tiếng bởi nó vốn là một bộ phận không thể thiếu được của quần thể kiến trúc lăng Tự Đức. Dũ Khiêm Tạ được dựng vào năm 1864, cùng với nhiều công trình khác của Khiêm Cung (sau khi vua băng và được táng vào đây mới gọi là Khiêm Lăng). Tự Đức là một ông vua thi sĩ và Khiêm Cung, một biệt cung kiêm lăng mộ của ông phản ánh rất rõ điều này. Gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ được bố trí hài hòa trong một không gian thiên nhiên, rộng trên 150.000m2. Nổi bật trong số đó bởi vẻ đẹp trữ tình, giàu chất thơ là hai ngôi nhà tạ ven bờ hồ Lưu Khiêm: Dũ Khiêm Tạ và Xung Khiêm Tạ.

Dũ Khiêm Tạ có kết cấu khá đặc biệt, bộ khung công trình chỉ là sự liên kết khá đơn giản gữa 3 bộ vì cùng kiểu giao nguyên -trụ đội, đặt từ cao xuống thấp, chia công trình thành 3 phần. Hai phần dưới đặt ngay trên mặt nước. Toàn bộ phần thân nhà để thoáng, chỉ có một hàng lan can con tiện thấp chạy bao quanh hai bên và mặt trước. Một chiếc thang gỗ đơn giản nhưng chắc chắn nối từ mặt sàn thấp nhất xuống hồ nước làm chỗ nhà vua bước xuống thuyền. Cấu trúc đơn giản, trang trí không cầu kỳ nhưng hiệu quả nghệ thuật do công trình đưa lại lại rất cao do sự hài hoà tuyệt vời với cảnh trí xung quanh.

4. Xung Khiêm Tạ

Xung Khiêm Tạ

Khác với Dũ Khiêm Tạ ở phía bờ hồ đối diện vốn là một bến thuyền của nhà vua, Xung Khiêm Tạ là toà nhà dành làm nơi ông câu cá, ngắm trăng, làm thơ..Quy mô công trình này lớn hơn Dũ Khiêm Tạ nhiều. Đây là một toà nhà kép theo lối “ trùng thiềm điệp ốc” rất phổ biến trong kiến trúc cung đình Nguyễn. Nhà chính (chính đường) cấu trúc như một ngôi nhà Rường lớn, nối trực tiếp với nhà trước (tiền đường) chỉ bé như một nhà vỏ cua thông qua một cột trụ chung. Phần phía trên của cột trụ này đặt một máng xối mà hai đầu đều được trang trí bằng hình cá gáy (cá chép) đang há miệng nhả nước rất độc đáo. Phần thân của nhà chính có vách ván che cả ba mặt (mặt sau và hai bên) nhưng toàn bộ nhà trước lại để trống tương tự như ở Dũ Khiêm Tạ.

Nhìn chung, tuy cấu trúc đơn giản, quy mô cũng không lớn nhưng do khéo chọn vị trí nên cả hai ngôi nhà tạ ở lăng Tự Đức đều tạo nên được vẻ đẹp rất hài hoà và thu hút du khách. Có lẽ đây cũng là ưu thế chung của tất cả các ngôi nhà tạ ở Huế. Mỗi khi vào hạ, đứng ở nhà tạ Xung Khiêm hay Dũ Khiêm lúc hoàng hôn, ngập tràn trong mùi hương sen đang nở rộ trên mặt hồ Lưu Khiêm, trong tiếng thông reo đùa với gió, người ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp tuyệt vời của lăng Tự Đức. Có lẽ khi ấy người ta mới tin rằng, câu thơ: “Tứ bề núi phủ mây phong, Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên” là chỉ dành riêng để mô tả chốn này.

Với tất cả những ưu thế và nét độc đáo đó, thật khó hình dung rằng, trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế lại thiếu vắng những ngôi nhà tạ.

 
Theo TS. Phan Thanh Hải (hueworldheritage.org.vn)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Chiều ngày 31/7, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị phối hợp với Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển lãm mỹ thuật “Sắc Thu”. Đây là lần thứ hai triển lãm “ Sắc thu” được tổ chức nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957 - 2018).

     

  • Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2018), Sông Hương giới thiệu bài viết “Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Thừa Thiên Huế và miền Trung”; tờ báo công khai khổ lớn đầu tiên ở Huế và của Xứ ủy Đảng cộng sản Đông Dương Trung Kỳ. Sau 80 năm nhìn lại, với tầm vóc trí tuệ và bản lĩnh cách mạng cấp tiến, những người cầm chịch đã đưa tờ báo vượt qua những quy định hà khắc của chế độ thực dân cũng như áp lực kiểm duyệt của Chính phủ Nam Triều, đã cho in nhiều bài viết thiết thực, động viên, giác ngộ cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong phong trào chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, góp phần đoàn kết đấu tranh vận động dân chủ 1936 - 1939, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

  • Sáng ngày 13/7, Ủy ban nhân dân Thành phố Huế đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “ Định hướng các loại hình dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố Huế.

  • Chiều ngày 10/7, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi tọa đàm “Về bản di chúc của vua Tự Đức và về một tấm bản đồ của quân đội triều Nguyễn” do nhà nghiên cứu, diễn giả Trần Viết Ngạ trình bày, diễn ra tại Tòa soạn Tạp chí, số 9 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế. 

  • Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Báo Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Đông Dương Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên tại Huế (6/7/1938-6/7/2018), Hội Nhà báo tỉnh phối hợp cùng với Báo Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học: “Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng” tại Hội trường khách sạn Hương Giang (51 Lê Lợi, Huế).

     

  • Tháng 7, những dòng văn viết về ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 như nghẹn lại, nhói lòng người đọc bằng những “câu thơ đắp cho linh hồn ngang dọc”. Tháng 7 nhớ về các chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn, hay Trường Sa với những ngôi mộ gió quanh các bãi bờ. Những người bị vùi tuổi xuân nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, và hôm nay lớp con cháu cầm ký ức của cha ông nơi đã trở thành chứng tích cho lòng quả cảm anh hùng, để cảm nhận những người tù chính trị ngày trước vẫn như còn ấm từng dấu nằm và lời thì thầm trao truyền niềm tin vào một ngày mai ánh bình minh xuyên vào hốc tối đau thương.

  • Vào lúc 15h30 ngày 28/06, nằm trong Chương trình Phát triển Không gian Văn hóa và Chương trình Tình Sông Hương, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi lễ khai mạc phòng triển lãm tranh “Ngày mới 2018” của bốn họa sĩ khuyết tật đến từ Yên Bái, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế với sự hỗ trợ cũng như kết nối của kỹ sư Nguyễn Quỳnh Hoa đến từ Hà Nội tại hội trường tạp chí. 

     

  • Chiều ngày 22/6, tại Bảo tàng Văn hóa Huế đã diễn ra lễ khai mạc chuyên đề “Hương sắc bánh Huế”. Đây là hoạt động chào mừng ngày gia đình Việt Nam. 

  • Chiều ngày 19/6, Ban Tổ chức giải báo chí - Hội Nhà báo tỉnh tổ chức kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao giải báo chí tỉnh Thừa Thiên- Huế lần thứ XI-2018. 

  • Tối 18/6, tại Hội trường trường Đại Học Y Dược Huế đã diễn ra đêm nhạc Flamenco, guitar cổ điển của cha con nghệ sĩ Michel Grizard và Helena Cueto.

  • Triển lãm Ký họa Huế 2018- Một thoáng Cố đô vừa được khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (17 Lê Lợi). Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động ký họa của Urban Sketchers Viet Nam - Hội Ký họa Đô thị Việt Nam.

  • Sáng ngày 8/6, Tạp chí Sông Hương đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên (6/1983 - 6/2018), diễn ra tại hội trường Đồng Khánh, 86 Nguyễn Sinh Cung, thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế.

  • Chiều ngày 7/6,  Các Hội Văn học Nghệ thuật thuộc 5 vùng Kinh đô xưa và nay, các Tạp chí văn nghệ thuộc 6 tỉnh Bắc Miền Trung phối hợp tổ chức Hội thảo “Sáng tác, nghiên cứu VHNT về chủ đề con người và văn hóa vùng đất địa phương” .

  • Nhằm hưởng ứng lễ Kỷ niệm 35 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên (6/1983 - 6/2018), vào lúc 8h30 ngày 7/6, tạp chí Sông Hương đã tổ chức lễ khai mạc phòng tranh “Về với Sông Hương.” Đến dự buổi khai mạc có đông đảo quý vị khách mời, các văn nghệ sĩ đến từ các tạp chí vùng Bắc Trung Bộ cùng các đoàn Liên hiệp các Hội VHNT vùng kinh đô xưa.

     

  • Chiều ngày 28/5 (tức 14/4 Âm lịch) đã diễn ra Lễ Mộc dục tại lễ đài chùa Diệu Đế (đường Bạch Đằng, TP Huế) và Lễ rước Phật cầu nguyện quốc thái dân an từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

  • 35 năm, tờ tạp chí như dòng sông có lúc qua thác ghềnh gầm thét, có lúc thản nhiên một dòng trôi giữa thảo nguyên xanh thẳm; dù phiêu lãng nhiều cung bậc qua thời gian, sông vẫn tiếp nối dòng phù sa cho những cánh đồng mùa màng… Thuở ban đầu, Sông Hương đã “phấn đấu là tiếng nói văn nghệ, văn hóa chính thức của một vùng đất, với những dấu hiệu riêng của nó, trong khi không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước”.

  • Chiều ngày 22/5 (tức 08/4 Mậu Tuất), Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế phối hợp tổ chức triển lãm Di sản tượng thờ Phật giáo trong tiếp biến văn hóa ở miền Trung.

  • Chiều 18/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Mỹ thuật và Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phát động cuộc thi sáng tác mỹ thuật “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình Huế”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018), hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5.

  • Sáng ngày 18/05, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố Đô Huế đã tổ chức chương trình “ Chắp cánh ước mơ” tại bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhằm chào mừng ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2018. 

  • Chiều ngày 17/5, Hội thơ Hương Giang phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ dâng hương và chương trình thơ “Tháng năm nhớ Bác” nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018).