Ngôi mộ có hai hài cốt

10:16 10/09/2008
XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…

Khi đất nước thu về một mối, các ông sĩ quan cộng hòa đi học tập cải tạo ở các trại ngoài Bắc. Các ông sĩ quan giải phóng, ít lâu sau người về hưu, người phục viên. Các ông sĩ quan Việt cộng hòa dần dần được ra trại, phần lớn ra nước ngoài định cư, người ở lại quê làm ăn không nhiều. Làng Tân Mỹ Đông chỉ có hai dòng họ, họ Huỳnh và họ Phan. Tình làng nước, tình họ hàng, gắn bó với nhau đã hơn ba trăm năm nay, việc phải cầm súng đánh nhau đó là chuyện của một thời, chuyện của quá khứ dù quá khứ chưa xa. Hòa bình rồi, chính quyền địa phương, lúc này lúc nọ có phân biệt đối xử, còn nhân dân thì không, cư xử với nhau, bao bọc, che chở, thương mến bằng tình làng nước, tình họ hàng. Núi Tịnh Hồng cách làng không xa đã từng là chiến địa khốc liệt…
Một hôm hai thằng nhỏ, một là Cu Dứa, một là Cu Teng, vác hai khẩu súng đã mục nát từ sườn núi về nộp cho ủy ban xã, chúng cho biết nhặt được hai khẩu súng khi vỡ đất khai hoang. Mấy ông cựu sĩ quan trong làng, liếc qua là phân biệt được liền, một khẩu là R16, một là AK47. Đây là súng của lính ở hai chiến tuyến khác nhau. Sao lạ vậy cà? Dân làng bàn tán xôn xao. Anh Ba Râu trước là trung sĩ Việt cộng hòa, tợp một ly rượu rồi phán:
- Chuyện này tôi rành sáu câu.
Những người lớn tuổi trong làng không ai lạ gì tiểu đoàn 7 dù của Ba Râu đã từng quần đảo với quân giải phóng ở trên các cao điểm núi Tịnh Hồng. Ngay ngày hôm đó, hai thằng nhỏ đi cùng mấy anh xã đội và Ba Râu đến chỗ nhặt được hai khẩu súng. Hai đứa cho biết chúng lượm súng khi đào xới dưới độ sâu hơn nửa mét. Ba Râu nhận định, vậy thì quanh đây sẽ có hai hài cốt của hai người lính ở hai phía.
Anh xã đội trưởng gật gù, thấy Ba Râu nói có lý.
Chính quyền xã liền huy động dân quân ra hiện trường đào xới, nơi nhặt được hai khẩu súng. Dân làng nhiều người mang theo cuốc, xẻng, phụ giúp với đám trẻ. Đào xới toát mồ hôi hột chẳng tìm thấy gì ngoài những hòn đá nhỏ, hòn đá to. Nhiều người đã nản lòng, nghi ngờ nhận định của Ba Râu. Không chịu thua, Ba Râu lý giải: Đây là lưng chừng núi - Ba Râu ngước mắt lên đỉnh núi nói tiếp - trên đó Việt Nam cộng hòa đặt là cao điểm 115, còn phía giải phóng gọi là gì tôi không rành. Ông lão Huỳnh Đệ, hai hàm răng đã đi sơ tán hết, cười móm mém, nói đùa: giải phóng đặt là
Đồi xương tan.
Ở làng Tân Mỹ Đông, ngoài Ba Râu còn có Bảy Bùi là thượng sĩ quân giải phóng, từng tham chiến các trận đánh ở núi Tịnh Hồng. Thời niên thiếu hai anh cùng giăng câu bắt cá, mò cua bắt ốc với nhau, lớn lên cầm súng ở hai phía, trở thành kẻ thù của nhau. Bây giờ lại là bạn thân mở lò làm bánh tráng. Theo Bảy Bùi và Ba Râu, câu chuyện về hai khẩu súng có thể kể gọn lại thế này. Cao điểm 115 trước đây lính Việt Nam cộng hòa chiếm giữ để bảo vệ chi khu Nước Trong và khống chế hoạt động của du kích làng Tân Mỹ Đông và những làng kế cận. Năm bảy hai, quân giải phóng tập kích đánh chiếm được cao điểm. Một tiểu đoàn quân giải phóng, súng ống đầy đủ, quyết giữ cho được điểm cao có tầm chiến lược này. Mỹ và quân lực Việt cộng hòa uất ức, quyết giành lại ngọn đồi bị mất. Chuyện đó xảy ra, chỉ sau mười ngày quân giải phóng chiếm giữ. Máy bay phản lực Mỹ, hết tốp này đến tốp khác, dội bom cao điểm. Quân giải phóng tổn thất khá nặng. Tiểu đoàn trưởng hy sinh. Chính trị viên và tiểu đoàn phó hội ý chớp nhoáng, lệnh cho các chiến sĩ rút xuống lưng chừng núi, sẵn sàng chặn đánh bộ binh của đối phương. Đối phương từ chân núi hò reo tiến lên. Khi quân lính của họ chỉ còn cách chưa đầy mười mét, quân giải phóng núp sau các hốc đá, gốc cây, bắt đầu nổ súng. Và đối phương bắn trả quyết liệt. Trận đánh giáp lá cà xảy ra ngay tức khắc…
Hai khẩu súng của quân đội hai bên vừa tìm thấy là sao đây? Bảy Bùi và Ba Râu đều có chung một nhận định, hai người lính, hết đạn, quẳng súng và đánh nhau bằng tay không. Chính quyền và nhân dân tin vào nhận định này nên đã đào xới xung quanh hai khẩu súng, nhất là phía dưới chân núi. Bảy Bùi phán một câu nghe có lý: hai anh lính này “chơi” nhau bằng tay, cả bằng răng nữa, không phân thắng bại, rồi ôm ghì lấy nhau cùng lăn xuống. Đá tai mèo nhọn hoắt, gốc cây bị bom đạn phạt ngang nhọn như chông thì thân xác nào chịu cho thấu. Hai thi thể của hai người lính còn nằm lẩn khuất đâu đây trong một cái hố, có thể là hố bom… Do bão lụt trong nhiều năm đã lấp vùi họ.
Ba Râu lạnh lùng nói thêm:
- Hai đứa chết mà không buông nhau ra, tôi tin là như vậy.
Nhắm theo đường thẳng của hai khẩu súng vừa tìm được, dân làng đào xới ở nơi thấp nhất thì tìm được xương cốt nằm ngổn ngang trong một đống, nguyên vẹn hai hộp sọ, xương sườn, xương ống tám chi của hai người. Bất ngờ nhất là nhặt được một lọ péniciline đóng nút thật chặt. Trong lọ có mảnh giấy ghi họ tên, năm sinh và số nhà ở Hà Nội. Bảy Bùi reo lên, đây là thằng lính giải phóng nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Trong lúc lau chùi bùn đất ở các chi, bà con lại phát hiện ra một cái lắc bằng nhôm khắc tên họ, số lính và lại có địa chỉ ở một đường phố Sài Gòn.
Bảy Bùi cười cười nói với Ba Râu: Thằng này là chiến hữu của mày đó cha nội. Ông xã đội trưởng nghiêm mặt: Thôi đi Bảy Bùi, đừng đùa cợt vô duyên trước linh hồn người đã khuất.
Hai người lính khi trở về với đất có thể đều ở tuổi hai mươi, sinh cách nhau mấy ngày, nói chính xác, anh lính Sài Gòn hơn anh lính Hà Nội tám ngày và cả hai có một đức tính giống nhau, cẩn thận, linh cảm mình có thể chết bất cứ lúc nào nên mới để lại địa chỉ rõ ràng như vậy. Bà con làng Tân Mỹ Đông, không ai nói ra, song đều thầm cám ơn hai người lính trẻ đã để lại địa chỉ cho họ tìm kiếm hai gia đình đến nhận hài cốt con mình…
Hài cốt hai anh được đưa về làng, dùng rượu đế Gò đen rửa sạch từ hộp sọ cho đến từng đốt xương. Nhiều người ngồi quanh hài cốt khóc xụt xịt. Má Tám Gừng nức lên, nghẹn ngào như khóc hai thằng con trai, một giải phóng, một cộng hòa đều tử trận năm Mậu Thân, 1968, đến bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Má lau nước mắt, hỏi: tụi bây tính sao để phân biệt xương cốt mà tách hai thằng ra hai bộ.
- Việc này dễ ợt - Anh Phó Chủ tịch xã nói - đưa ra Hà Nội thử ADN là phân biệt được liền, có điều hơi tốn kém.
Khác với mọi lần, Ba Râu nói nhẹ nhàng:
- Việc liên hệ với hai gia đình ở Hà Nội và Sài Gòn để tui và thằng Bảy Bùi lo. Cứ nhắc điện thoại lên hỏi bưu điện là tìm được số phôn của thân nhân cả hai.
Mọi người lại bàn tán xôn xao. Người thì bảo nên thử ADN để phân biệt hài cốt nào là của anh lính giải phóng Hà Nội để đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, hài cốt nào là của anh lính cộng hòa Sài Gòn để báo cho thân nhân họ đến nhận thi hài con mình về chôn cất. Ý kiến của má Tám Gừng là hai đứa đã ôm nhau, ngủ vùi hơn 30 năm nay, đã trở thành anh em, bạn bè không còn thù hận nhau nữa, nói cho ngay lúc sống sẵn khẩu súng trong tay thì cứ bắn đại, chứ thực lòng chúng nó chẳng thù hận nhau. Theo tui là cứ để vậy chôn chung vào một mồ, vườn nhà tui rộng, cho hai đứa về nằm đó, hàng ngày tui lo nhang khói, hoa kiểng và cây trái về cúng hai đứa, cầu mong tụi nó phù hộ cho bà con xã mình, bà con cả nước làm ăn thịnh vượng.
Dân làng Tân Mỹ Đông đứng vòng quanh hai thanh niên vắn số, lặng đi một lúc trước ý kiến đột ngột, không ai ngờ tới của má Tám Gừng. Một lúc sau, anh Phó Chủ tịch xã, phụ trách văn xã, giọng trầm trầm nói vừa đủ cho mọi người nghe.
Đem thử ADN, tốn kém bao nhiêu đi nữa, dân làng mình cũng thừa sức đóng góp, chuyện nhỏ mà, nhưng tôi thấy việc sắp đặt của má Tám Gừng vừa có lý, vừa nhân ái, hợp lòng dân, cứ vậy mà làm, ai không đồng ý ý kiến má Tám thì giơ tay. Chỉ có nước mắt chảy ròng trên những khuôn mặt già nua, trên những khuôn mặt bầu bĩnh của các cô gái, trên những khuôn mặt thanh tú của các chàng trai, tuyệt nhiên không có ai giơ tay phản đối đề nghị của má Tám cả. Anh Phó Chủ tịch kết luận, vậy là chúng ta đều đồng lòng chôn chung hai người vào một mộ và mai táng tạm thời ở vườn nhà Ba Râu, nhà Bảy Bùi, hoặc nhà má Tám Gừng, việc đó tính sau. Mai mốt hai gia đình Hà Nội và Sài Gòn đến nhận hài cốt hai con mình, nếu họ không bằng lòng chôn chung thì chúng ta sẽ làm theo ý họ.

Nhờ sự kiên nhẫn của Bảy Bùi và Ba Râu, bưu điện Hà Nội đã cho biết số điện thoại của gia đình anh lính Hà Nội, Nguyễn Văn Thà. Theo Bảy Bùi, bà mẹ anh Thà đã gần 80 tuổi vừa trò chuyện, vừa khóc nức nở trong điện thoại, do vậy, Bảy Bùi phải gọi nhiều lần, ráp nối lại mới hiểu được ý của bà già anh Thà. Mẹ anh Thà đã báo cho các anh chị của Thà và bà con trong dòng họ, ai cũng mừng mừng tủi tủi và cho biết gia đình sẽ kéo một đoàn về quê chúng ta vào một ngày gần đây, dân làng mình chuẩn bị đón tiếp ngay từ bây giờ là vừa. Còn Ba Râu được “phân công” liên lạc qua bưu điện Sài Gòn để tìm thân nhân anh lính cộng hòa Phan Nhật Thanh, thì không suôn sẻ lắm. Gọi tới nhà anh Thanh, chủ nhà nói giọng thân tình, vui vẻ, nhưng lại cho biết ông là chủ ngôi nhà này nhưng mới mua lại chủ cũ hơn một năm nay. Chủ cũ là một ông cán bộ cấp cao của Trung ương đã nghỉ hưu, bán lại cho ông với giá hơn tám nghìn lượng vàng. Còn chủ thật sự của ngôi nhà sinh sống trước năm bảy lăm, hiện ở đâu ông không rõ, nhưng theo bà con khu phố thì gia đình này đã vượt biên từ sau giải phóng ít lâu. Tôi phải gọi điện thoại nhiều lần, lúc gặp người này, lúc gặp người nọ trong gia đình. Anh con trai nói chuyện với tui nhiều lần, phần lớn là anh chủ động gọi, anh cười cười bảo để cho tui đỡ tốn tiền. Sao lại có người tốt bụng vậy! Qua cách nói chuyện của ông chủ nhà, của anh con trai và những thành viên trong gia đình, tui nhận ra họ là dân sinh sống ở Sài Gòn lâu năm. Họ cho biết, sẽ tìm thân nhân gia đình anh Phan Nhật Thanh qua phương pháp lên mạng internet, họ bảo sẽ vào các oep, oep, lóc, lóc(1) với gì đó, tui đâu có rành. Anh con trai, lớn tuổi hơn tui là cái chắc, còn nói sẽ tìm qua các báo tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp… trên toàn thế giới. Cách tìm tin tức người thân trên báo, họ không nói rõ mà dù có nói, Ba Râu tui cũng không hình dung nổi. Cả gia đình khi nói điện thoại với tui đều nhấn mạnh một điều, chắc như đinh đóng cột: nhất định sẽ tìm được thân nhân Phan Nhật Thanh. Và tui cũng xin thưa với bà con là gia đình trong Sài Gòn vô cùng cảm động trước tấm lòng của nhân dân xã mình, và họ khen quyết định chôn chung hai người vào một mộ ở vườn má Tám Gừng là quyết định đúng đắn, rất hợp với đạo lý người Việt Nam.
Nam Bộ đã vào mùa mưa, ông trời cứ sụt sịt suốt ngày, chắc động lòng thương cảm hai người lính chết lúc còn quá trẻ trong cuộc chiến tranh đã lùi xa. Dân làng Tân Mỹ Đông ngày ngày trông ngóng thân nhân gia đình Nguyễn Văn Thà ngoài Hà Nội vào. Và ngày ngày trông ngóng tin tức của gia đình xa lạ ở Sài Gòn cho biết kết quả việc tìm kiếm gia đình Phan Nhật Thanh đang sống ở phương trời xa ngái nào đó.

Câu chuyện tạm dừng ở đây vì không có gì để nói thêm. Tôi sẽ kể tiếp khi có tin tức của hai gia đình Hà Nội và Sài Gòn, họ có đồng ý chôn chung như cách làm của dân làng Tân Mỹ Đông hay sẽ thử ADN để tách riêng ra, con ai nhà ấy mang về thờ phụng. Không hiểu sao, linh tính mách bảo tôi, dân làng Tân Mỹ Đông nhất định tìm được thân nhân của Phan Nhật Thanh, dù họ có ở xa nửa vòng trái đất. Trời phật sẽ phù hộ những người có tấm lòng. Xin bạn đọc vui lòng chờ đợi một thời gian. Và tôi, tác giả truyện ngắn này xin giữ lời hứa sẽ viết tiếp nếu như dự cảm không phản bội tôi.
Sài Gòn mùa mưa 2007
                          X.Đ

(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

 

 



----------------
(1)
Ý Ba Râu muốn nói Website và Blog

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • SƠN “Em có nhớ anh không?”“Em nhớ cả ngôi nhà nữa!”“Em sẽ trở về chứ?”“Em!… em!…”“Anh sẽ chờ.”***

  • LTS: Trong năm 2009, rải đều trong các số Sông Hương đã có khá nhiều truyện ngắn đạt chất lượng như: Lấm lem thanh xuân, Đêm của bướm, Làng thời mở cửa, Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa, Duỗi thẳng chân ở thiên đường, Hoa gạo đỏ, Một bước sau quận công, Cái chết của Rối, Bến vạc, Một lát cắt... Nếu đứng chung, những tác phẩm kể trên sẽ là một tập truyện ngắn đầy ấn tượng với nhiều phong cách truyền thống có, huyền ảo có, triết luận có... “Mở hàng” cho năm mới, xin giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn Tiếng vọng làng Thòi, hy vọng sẽ có thêm một năm thành công ở thể loại truyện ngắn trên Sông Hương.S.H

  • DƯƠNG DUY NGỮỞ làng chúng tôi có lệ vào ngày ông Táo chầu trời, tức hăm ba tháng chạp hàng năm, con cháu các dòng họ ở xa, ở gần nô nức về làng đi tảo mộ.

  • NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG Tối rằm trăng sáng tịnh không một gợn mây. Hương ngọc lan dậy thơm một góc vườn. Theo chiều gió hương thơm lan tỏa khắp khoảng sân bày la liệt chậu cảnh tỉa uốn đủ hình dạng.

  • HỒNG HOANGBữa ăn sáng ở phòng chờ xuất viện đã đến hồi kết, mọi người dự cuộc vẫn lưu luyến.Trước khi vào điều trị ở bệnh viện tâm thần này họ đều là những thành viên tốt của xã hội.

  • ĐẶNG THIỀU QUANGĐó là một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử, trong suốt nhiều năm trở về trước, cho đến tận sau này, bây giờ, khi cô đã trở thành một bà già ốm yếu, đó vẫn là một mùa đông lạnh giá nhất mà cô từng trải qua. Cô nhớ lại khi đó, nhiệt độ xuống đến không độ, máu đông lại trong huyết quản, đôi chân nặng như chì, còn những đầu ngón tay cô như thể đang bị hàng ngàn mũi kim đâm vào, xuyên qua đôi găng tay len, buốt giá.

  • VŨ ĐẢMChiếc xe trâu chở cát ì ạch đi trên con đường làng, con đường bị xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi khi mưa xuống có nhiều đoạn lầy lội đến mắt cá chân. Ngồi trên xe, anh Chấn hò hét mãi mà con trâu sứt vẫn không vượt qua được đám sình lầy.

  • HOÀNG THÁI SƠN        Đời bắt nguồn từ những hoàn cảnh không ngờ tới (LOUIS ARAGON)Từ bên này con lạch, Sung bước chậm rãi, thỉnh thoảng anh lại đưa mắt ngó qua bên kia. Nhiều lúc anh bước quá chậm, hay dừng hẳn lại khiến An phải kêu lên.

  • NGUYỄN PHƯỚC THỊ LIÊNKhông ai ngờ trước kia nơi đây chỉ là bến đậu tự phát của mấy tên thương hồ tứ xứ tới lui mua bán, ngủ nghỉ trong những căn lều che chắn tạm bợ. Và quán cóc. Nay đã thành một công viên sông, có con đường lát gạch khá rộng chạy ra tới biển mà bên dưới là bờ kè bảo vệ, bên trên là thành lan can inox chắn giữ.

  • DẠ NGÂNLúc ấy đã gần trưa. Những thời khắc cam go nhất của một ngày đang sắp qua đi. Một ngày ở đây bắt đầu từ rất sớm với những phập phồng quen thuộc.

  • BẠCH NHẬT PHƯƠNGNgày ấy, vào năm 1981!Rời phiên tòa ra về, thiếu phụ cảm thấy quãng đời còn lại như một cuộc thách đố. Nàng không buồn phiền nhiều mà cảm thấy bực bội và vô cùng lo lắng. Nàng bực vì thái độ nhỏ nhen của người đàn ông mà nàng đã từng là vợ trong suốt 13 năm qua. Nàng lo lắng vì 3 đứa con của nàng từ nay trông cậy vào chỉ một mình nàng!

  • NHẤT LÂMTrời về tối lúc tạnh lúc mưa, lại có gió nên càng mịt mờ như khuya khoắt, nhà nào cũng ăn cơm lúc chập choạng, bởi mưa gió chẳng biết làm gì. Tháng mười chưa cười đã tối. Mùa mưa miền Trung vốn tự cổ xưa đã não nề, những năm chiến tranh càng buồn hơn.

  • HOÀNG QUỐC HẢI              Truyện ngắn lịch sửNăm Nhâm Thân (1392) mùa hạ, thượng hoàng Trần Nghệ Tông xuống chiếu “CẦU LỜI NÓI THẲNG”Thường trong nước mỗi khi có đại sự, nhà vua ban chiếu cầu hiền. Mục đích tìm người tài cho nước.

  • KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.

  • CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.

  • HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…

  • PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.

  • MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.

  • NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!

  • LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…