PHẠM HỮU THU
Nhân loại kính nể không chỉ vì đất nước Nhật Bản bình tĩnh ứng phó thiên tai mà còn gây thiện cảm qua hành vi ứng xử của họ.
Hình nàng KaguyaHime in trên bao bì ở quầy hàng lưu niệm Phú Sĩ
Như mới đây, khi xem World Cup 2018 diễn ra tại Nga - nơi có đội tuyển bóng đá Nhật Bản thi đấu, điều làm nhiều người ngạc nhiên và thú vị là tan trận, dù đội nhà thắng hay bại, cổ động viên của họ thường nán lại để thu dọn rác, thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm bản thân: rác mình xả, tự mình thu dọn, không làm phiền người khác! Hành vi này trở thành căn cốt văn hóa của con người ở xứ sở Phù Tang.
Đến bất cứ thành phố nào ở Nhật Bản cảm nhận đầu tiên của du khách là quốc gia này quá sạch sẽ. Sạch từ siêu thị, nhà hàng, ga tàu điện hay từng con phố. Ở những nơi tôi đã qua, dù cố tìm nhưng thú thật tôi chưa hề gặp, dù chỉ một người quét rác. Còn thùng rác, thỉnh thoảng mới có.
Như ở nhà ga Shizuoka. Trong khi chờ tàu cao tốc Shinkasen để xuôi về Cố đô Kyoto, tôi thấy một người đàn ông sau khi rời tàu đã mang vỏ chai nước đến bỏ vào thùng rác nằm cuối sân ga. Tò mò, tôi lần theo và ngạc nhiên khi thấy ở đó có đến 4 thùng đựng rác và trên mỗi nắp thùng được ghi rất rỏ thùng dành để chứa: Báo - Tạp chí (Newspaperis - Magazines); Chai - Lon (Bottes - Cans); Các thứ khác (Others) hay Chai nhựa (Plastic bottes). Miệng thùng tùy tính chất mà trổ kích cở dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau.
Theo HDV Vietravel Nguyễn Mạnh Ngọc, không chỉ nơi công cộng mà mỗi gia đình của người Nhật đều có những thùng rác tương tự. Việc phân loại rác từ nguồn và đặt thùng rác đúng nơi quy định (vi phạm bị phạt rất nặng) đã trở thành trách nhiệm của mỗi công dân, do được nhà trường ở Nhật chú trọng giáo dục từ nhỏ. Dẫn về trường hợp các con của mình, Ngọc cho chúng tôi biết, ngay từ khi vào Tiểu học, các cháu đều được nhà trường dạy cho kỹ năng lao động để sống tự lập và giữ gìn vệ sinh chung. Nhờ vậy mà khi học ở trường hay về nhà, việc các cháu tham gia cọ rửa toilet hay dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh trường lớp… vào lớp, vào nhà luôn cởi giày hoặc mang bao giày đã trở thành việc làm tự nhiên, không hề bị mặc cảm và dần dần trở thành bổn phận công dân nơi mình sinh sống. Ngoài chỉ dẫn ở trường, các cháu còn được phát tài liệu hướng dẫn mang về nhà.
Để góp phần cải thiện môi trường sống, mỗi học sinh Tiểu học phải tự trồng một cây và có bổn phận chăm sóc, bảo vệ. Hè về, phụ huynh phải giúp các cháu đưa cây về nhà. Cứ thế cho đến khi chuyển cấp. Ngọc còn cho biết thêm, học sinh ở Nhật thường đi bộ đến trường, không có cảnh phụ huynh hằng ngày đưa đón như ở Việt Nam (một phần do cha mẹ tất bật kiếm sống, mặt khác góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng tính tự lập cho trẻ).
Để giúp các cháu khỏi bị thất lạc, phụ huynh vẽ bản đồ. Căn cứ vào đó (nơi ở), nhà trường phân 4 màu: đỏ, xanh, vàng, tím. Khi bị thất lạc, người lớn chỉ dẫn cho. Riêng học sinh lớp 1, cặp đeo có bìa màu vàng để mọi người, nhất là Tình nguyện viên chú ý giúp đỡ.
Khi thấy không có cảnh vứt rác bừa bãi, tôi hỏi Ngọc, được anh giải thích: “Đó là do người Nhật thích hướng nội”. Có phải do vậy mà xe cộ lưu thông trên phố phần lớn sạch sẽ?
Như chiếc Bus chở đoàn du khách chúng tôi chẳng hạn. Đến mỗi điểm dừng, sau khi tắt máy (vừa tiết kiệm vừa giảm ô nhiễm môi trường) TakeShisa (tên người lái) đều lấy khăn lau xe hay nhặt rác. Trong xe, ngay lối lên, xuống có móc một túi nylon khá to để hành khách tiện bỏ vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo… vào đó. Không chỉ xe cộ mà tàu cao tốc cũng sạch bóng như mới dù đầu máy và toa xe đã trải qua nhiều năm sử dụng. Nhờ rác được phân loại từ nguồn và đặt đúng nơi quy định nên việc thu gom, xử lý rác ở Nhật Bản không khổ ải như ở nước ta.
Nhớ 15 năm về trước, khi thực hiện bộ phim tài liệu “Seraphin - sự hóa thân của rác” tôi có dịp được đi nhiều nơi và thấu hiểu nỗi ám ảnh của người dân sống gần các bãi rác lưu cữu. Mùa hạ, ruồi, muỗi, chuột bọ nồng nặc mùi hôi. Mùa mưa ngập ngụa nước rỉ rác, bẩn thỉu và đen ngòm. Trước vấn nạn này, nhiều địa phương, dù nhập (hay nhận viện trợ) các dây chuyền xử lý nhưng do rác không được phân loại từ nguồn nên thiết bị dù có tiên tiến đến mấy nhưng sau khi lắp ráp đều “đắp chiếu” hoặc “bó tay” trước vấn nạn mang tên “Rác”!
Rác ở nước ta chỉ gói gọn một từ là mớ hỗn độn. Hữu cơ, vô cơ đều lộn tùng phèo. Muốn chế biến thành phân Compost phải tách, lọc (phân loại). Từ thời điểm ấy đã có vài doanh nhân Việt dùng vốn và tâm sức của mình quyết thực hiện cho bằng được mô hình “người Việt Nam xử lý rác Việt Nam” nhưng trên thực tế hiệu quả mang lại chưa nhiều.
Ở Nhật Bản, sạch sẽ không chỉ thể hiện trên từng con phố mà còn biểu hiện qua cách ứng xử cụ thể.
Như hôm ở Kyoto, thay bằng thăm đền Vàng - Golden Pavilion, vì trời mưa nên chúng tôi đề nghị đưa đi mua sắm ở một siêu thị gần đó. Vừa bước xuống xe, đã thấy trên sảnh có vài nữ nhân viên đợi sẵn. Cứ ngỡ họ mời mọc hay giới thiệu món hàng nào đó. Nhưng không, họ tươi cười và phát cho chúng tôi (người mang dù) chiếc túi nylon dài như mấy chị bán bánh mỳ quanh siêu thị Big C Huế. Lúng túng chưa biết để làm gì thì đã nghe hướng dẫn viên của đoàn yêu cầu chúng tôi dùng nó để bọc vào từng chiếc dù còn sũng nước. Có lẽ vì biết chúng tôi là du khách mới đến xứ sở này nên họ làm vậy, bởi ngay chiếc bàn gần đó, trong một hộp thùng giấy, siêu thị đã để sẵn túi nylon, khách trước khi vào đến đó mà nhận. Chính sự chu đáo ấy đã làm cho siêu thị giữ được sự khô ráo dù bên ngoài trời vẫn tầm tã mưa.
Nói đến sạch sẽ không thể không nhắc đến nhà vệ sinh. Tôi chưa vào nhà ở của người Nhật nên không biết “mặt mũi” nó thế nào nhưng ở những nơi mà mình trải qua: khách sạn, đền chùa, thắng cảnh, nhà hàng, siêu thị, bảo tàng, bến xe, bến tàu, trạm dừng… không chỉ tôi mà các thành viên trong đoàn đều khen ngợi và thừa nhận đó là nơi muốn vào nhất.
Cũng như trên các đường phố, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Nhật ít thấy có người túc trực lau chùi (có thể họ làm thường xuyên nhưng tôi chưa gặp). Trong phòng vệ sinh cũng không hề thấy các câu nhắc nhở, đại loại đề nghị tiểu đúng chỗ. Đi cầu xong nhớ dội nước… nhưng nhà vệ sinh vẫn sạch sẽ nhờ ý thức sử dụng của từng con người: mình muốn sạch thì người khác cũng vậy.
Hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Nhật Bản có đặc điểm chung là rộng rãi. Toilet phần lớn được lắp đặt bằng bồn cầu thông minh và bồn tiểu cảm ứng tự động xả nước, kèm theo đó là giấy và xà phòng, dĩ nhiên là có máy sấy cảm ứng mà tôi thường thấy ở những khách sạn 4 sao. Điều khác biệt là ở những nơi này luôn có bồn cầu và bồn tiểu dành riêng cho người khuyết tật.
Như hôm từ Osaka về Kobe, xe chạy chừng trên 100 cây số thì rẽ vào trạm dừng. Trạm dừng này trên thực tế không khác mấy các trạm dừng ở Australia hay Singapore… Hành khách ai muốn giải khát, ghé quầy. Có rác mang đến thùng. Hút thuốc lá thì tìm đến khu vực dành riêng; còn toilet thì theo biển chỉ dẫn, nơi đó có chỗ dành cho người khuyết tật. Hỏi trạm dừng này ai quản lý mới hay là do công ty cầu đường đầu tư tuyến đường này đảm nhận, được thể hiện khi xe qua trạm thu phí tự động, không dừng.
Trên nhiều tuyến quốc lộ hiện nay ở nước ta đã xuất hiện nhiều Trạm thu phí Bot. Chỉ buồn là các Trạm ấy chỉ chăm chăm lo thu phí chứ chưa quan tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi của tài xế và hành khách, khi lưu thông trên quãng đường dài. Người ta nói với tôi, người Nhật làm vậy là vì đó là cách mà chủ nhân của nó thể hiện sự tri ân và tôn trọng khách hàng.
Ngoài toilet dành cho người khuyết tật, có chi tiết buộc tôi phải tìm hiểu. Như hôm vừa đặt chân xuống Tokyo. Trên đường đến chùa Asakusa Kannon còn có tên khác là chùa Sensoji, tôi thấy trên vỉa hè mấy tình nguyện viên người Nhật hướng dẫn và đề nghị đoàn du khách Trung Quốc đi vào đúng phần lề quy định.
Lề đường ở Tokyo không rộng, ước chừng năm mét hoặc hơn. Lề được phân làm hai, phía giáp đường dành cho người đi bộ, phía bên trong dành cho người khuyết tật. Còn ở giữa là lối dành cho người khiếm thị. Trên lối đi này, người ta lát gạch màu vàng, hình chữ nhật có 4 gờ nổi chạy theo chiều dài. Người khiếm thị ra đường cứ bám theo gờ nổi mà đi. Khi chân chạm phải những tấm gạch có ô nổi hình tròn, theo quy ước thì mới dừng lại, bởi trước mặt sẽ là ngả ba hoặc ngã tư. Muốn vượt qua phải đợi tiếng “Pip Pip”, xuất hiện cùng lúc với đèn đỏ của tín hiệu giao thông. Từ những viên gạch màu vàng được lát trên các vỉa hè đến tín hiệu âm thanh ở các ngã tư cho thấy Nhật Bản xây dựng xã hội nhân văn vì con người và phục vụ con người. Không chỉ ở Tokyo mà khi đến Kyoto, Osaka hay Kobe tôi đều thấy như vậy.
Nhật Bản là quốc gia đi đầu trên nhiều lĩnh vực nhưng với tôi, họ vĩ đại vì đã chú trọng đến những người thua thiệt nên đã tìm cách khuyến khích, nâng đỡ họ hội nhập, nói như ngôn ngữ thời thượng là không để ai tụt lại phía sau. Nét đẹp nhân văn ấy đã và đang lan tỏa.
Trong những ngày ở Nhật Bản có hai chi tiết làm cho tôi ấm lòng. Đó là trường hợp chị Ánh ở Đà Nẵng. Sau khi có Visa, chị bất ngờ bị ngã. Bàn chân bị bong gân nên dù phải chống nạng nhưng chị vẫn cố gắng cùng con theo đoàn. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của chị hôm ghé thăm Bảo tàng động đất Kobe. Để thể hiện sự tôn trọng trước nỗi đau của người Nhật Bản, khi xem phim “Cú sốc lúc 5:46” người bình thường như chúng tôi phải đứng. Và khi thấy chị Ánh, thành viên trong đoàn chống gậy tìm chỗ, cô nhân viên Bảo tàng đã lẳng lặng mang đến một chiếc ghế và mời chị ngồi.
Hay hôm đoàn chúng tôi rời Nhật Bản. Tại sân bay Kansai, trên đường đến khu vực chờ, tôi được một nhân viên của sân bay chạy theo chỉ để trả lại chiếc gối kê cổ bị quên do vội vàng trong lúc làm thủ tục check-in.
Có phải vì đã trù liệu mà các khách sạn ở Nhật Bản, trước khi nhận phòng đều không yêu cầu du khách nộp Passport (vì trước đó hướng dẫn viên đã chuyển danh sách đoàn, số thẻ Pasport từng thành viên cho lễ tân).
Một đất nước đối xử với du khách như thế, thử hỏi ai mà không muốn trở lại?
Mùa Hè, 2018
P.H.T
(SHSDB30/09-2018)
Kho tài liệu lưu trữ của tiểu thuyết gia nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Văn học Gabriel Garcia Marquez đã vừa được một trung tâm của trường Đại học Texas mua lại. Điều này đồng nghĩa với việc các các bài viết phê phán về chính sách đối ngoại Mỹ của Marquez sẽ được bảo tồn tại đất nước mà không phải lúc nào ông cũng có cảm tình.
Theo báo chí Italy, ngôi nhà mà họa sỹ/nhà sáng chế vĩ đại thời Phục hưng Leonardo da Vinci đã ở trong thời gian vẽ bức "Tiệc ly" bất hủ đang được chủ nhà rao bán.
TRẦN HUYỀN SÂM
Việc trao giải Nobel cho Patrick Modiano - nhà văn Pháp, đã gây sự ngạc nhiên đối với công chúng mến mộ tiểu thuyết gia Murakami.
LÊ ĐỖ HUY
Cựu học trò thời bao cấp hẳn đều sốc bởi cách trình bày của Malthus (1766 - 1834): dân số quả đất tăng theo cấp số nhân, trong khi sản lượng thực phẩm cung cấp tăng theo cấp số cộng…
Vivre, c'est s'obstiner à achever un souvenir/ Sống là cố gắng ngoan cố để hoàn tất một kỷ niệm.
RENÉ CHAR
Một trong những đoàn thám hiểm đầu tiên đặt chân tới Nam Cực đã phải gánh chịu một kết cục bi thảm khi cả đoàn 5 người ra đi, không ai sống sót trở về. Mới đây, cuốn nhật ký hành trình của chuyến đi thảm kịch đó đã được tìm thấy trong băng đá.
CƠM HẾN
Đã gần bốn năm nay tôi gắn bó với Boston, và mỗi ngày tôi lại thấy yêu vùng đất này hơn một chút. Boston là thành phố văn hóa, giáo dục lâu đời, là “linh hồn nước Mỹ”, cái nôi của cuộc cách mạng giành độc lập từ nước Anh mẫu quốc. Boston là nơi hội tụ các anh tài không chỉ từ khắp nơi trên nước Mỹ mà còn từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Boston duyên dáng, hào hoa, sang trọng, cổ kính…
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga về các vấn đề nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền, ông Konstantin Dolgov ngày 15/10 kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vở nhạc kịch "Tsukurs Herbert Cukurs" đang được dàn dựng ở Latvia.
Thật khó có thể tin rằng một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng lại có thể tác động đến lịch sử khoa học. Nhưng cách Niels Bohr từng dự cảm về thế giới không thể nhìn thấy được của các hạt electron đã cho thấy: khoa học cần nghệ thuật.
Nhà thơ Nga vĩ đại Mikhail Lermontov được coi là “người kế tục” của “mặt trời thi ca Nga” Aleksandr Pushkin. Ông sinh ngày 15/10 /1814 tại Moskva và mất ngày 15/7/1841 trong một cuộc đấu súng với bạn đồng môn Nikolai Martynov.
Bốn ngày sau khi Nobel Văn học năm 2014 gọi tên Patrick Modiano, nhà văn Pháp vẫn coi đây là giải thưởng kỳ lạ dành cho mình.
CAROL MUSKE DUKES
Thơ có quan trọng gì không? là một câu hỏi không có câu trả lời, nhưng điều này vẫn không ngăn được các nhà thơ (và hầu như cả mọi người) thử tìm một giải đáp.
Trong những năm tháng tồn tại, Liên Xô đã có không ít bí mật, trong đó, có những bí mật có khả năng ảnh hưởng đến uy tín và an ninh quốc gia; vì thế, được che chắn, bảo vệ một cách hết sức cẩn trọng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Trước các đồng sự của mình tại tòa Bạch ốc, Tổng thống Barack Obama bất ngờ mang tấm bích chương. Ông trịnh trọng bước ra trong im lặng và sau đó, Ông nở nụ cười thật tươi, những bàn tay của các nhân viên của Ông vỗ đều. Một cử chỉ thật đẹp, một nhân cách “thuyết pháp vô ngôn” của vị Tổng thống nước Mỹ.
Auguste Rodin, nhà điêu khắc vĩ đại đã tạc nên “Người suy tưởng” và “Nụ hôn”, từng yêu say đắm rồi rũ bỏ người học trò và cũng là nàng thơ quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông, Camille Claudel.
Tolstoy từng ấp ủ thực hiện một cuốn sách “đem lại cho người đọc sức mạnh nội tâm, sự bình thản, hạnh phúc, giúp họ giao tiếp được với những nhà tư tưởng vĩ đại…” nhưng cho đến hôm nay, ít người còn nhớ tới cuốn sách này của ông.
LTS: Yann Martel sinh ngày 25 tháng 6 năm 1963 tại Salamanca, Tây Ban Nha và hiện đang sinh sống tại Montréal, Canada. Ngoài việc nổi tiếng với Cuộc đời của Pi, Martel được coi là một người táo bạo khi nảy ra sáng kiến cứ nửa tháng lại gửi sách cho Thủ tướng Canada Stephen Harper và đề nghị Harper nên đọc. Dưới đây là một trong những lá thư đó của ông, qua bản dịch của Nguyễn Đức Tùng.
Nghệ sĩ piano chuyên nghiệp tài năng Igor Lovchinsky, người hiện đang theo học Tiến sĩ chuyên ngành vật lý học tại Đại học Harvard, trò chuyện với mục Sự nghiệp trên tạp chí Science, cho biết anh đã “bị” nghiện khoa học như thế nào và những trải nghiệm âm nhạc giúp ích gì cho anh khi làm khoa học.
"Kính gửi đồng chí Mikhail Sergeyevich Gorbachov, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô...
Cuốn tự truyện lần đầu được xuất bản của nữ nhà văn Laura Ingalls Wilder - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” - sẽ cho độc giả được biết những điều không như mơ đằng sau cuộc sống được “tô vẽ” trong cuốn tiểu thuyết…