Lòng tin và sự nghi ngờ

15:31 16/04/2008
1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

Đây cũng là ý nghĩ của một số nhân vật mà tác giả cuốn sách đã gặp gỡ phỏng vấn. Thực ra, cách nói này không phải là sự nghi ngờ mà để nhấn mạnh tính chất khác thường của PXÂ. Cũng vì một số nếp nghĩ cứng nhắc và máy móc khi sự phân chia “địch - ta” ôm trùm, che lấp hết mọi khía cạnh tinh vi, phong phú và phức tạp của CON NGƯỜI. Bên “ta” thì “không thể tin” một điệp viên cộng sản - “nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước tôi” (Lời của ông Mai Chí Thọ, trang 143) người đã có những chiến công đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước lại không e ngại ca ngợi nhân dân Mỹ, nền giáo dục Mỹ và như nhà báo Jolynne D'Ornano đã viết cho PXÂ: “…Ông có hai lòng trung thành - một đối với đất nước của ông, và một đối với tình yêu nước Mỹ và những người Mỹ mà ông đã kết bạn…” Bên “địch” thì “không thể tin” một điệp viên cộng sản lại có thể sống chân thật như thế, nhân hậu như thế (thậm chí, vào phút chót cuộc tháo chạy 30/4/1975, chính ông đã ra tay cứu giúp, chỉ đường cho bác sĩ Trần Kim Tuyến - nhân vật chống cộng sản rất quyết liệt, tay chân thân tín của Ngô Đình Diệm - di tản) và ông cũng được chính nhiều người Mỹ yêu mến và tin cậy!
Riêng tôi, sau khi đọc cuốn sách, tôi tin “hai mặt” của cuộc đời PXÂ đều chân thật và đều đáng kính trọng. Đã đành, nếu chỉ nhìn theo góc độ “con người - chính trị” thì “địch - ta” phải rạch ròi, nhưng nhà văn thì có lẽ phải miêu tả con người (dù là “bên địch” hay “bên ta”) một cách toàn diện, khi đó mới tạo nên được nhân vật sinh động.  Đã qua cái thời ấu trĩ mà Việt Phương đã viết trong tập thơ “Cửa đã mở” vừa xuất bản: “
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ.” Chúng ta cũng chưa ai quên một người lính Mỹ đã từng gìn giữ “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” suốt mấy chục năm như một báu vật. Và hôm nay, cuốn sách viết về người anh hùng PXÂ gợi cho người cầm bút - và không chỉ với người cầm bút - những suy nghĩ bổ ích…
2. Chiến công của người anh hùng - tình báo PXÂ đã có nhiều sách báo nói đến. Những gì gọi là kinh nghiệm hay “bài học” của anh để lại có lẽ cũng khó có ai và khó có điều kiện để áp dụng vì kẻ địch hiện nay (nếu có) đã khác xa ngày trước. Tuy vậy, có một phẩm chất của PXÂ rất đáng để mọi người noi theo: đó là sự trung thực. Có lẽ không ít người nghĩ rằng đã làm tình báo hoạt động trong lòng địch thì phải lắm mưu mẹo, phải biết lừa dối đối phương mới che giấu được vai trò thật của mình. Nhưng với PXÂ, chính là phẩm chất trung thực, tính chân thật đã giúp anh lập nên chiến công hiển hách. (Như tôi hiểu, chỉ có hai điều ông không nói thật với đối phương: đó là vai trò điệp viên của mình và những lần ông đi gặp đồng đội nhận chỉ thị hay truyền tin về cho cách mạng). Còn nữa, ông luôn là người trung thực trong cả hai vai trò. Với tư cách là phóng viên của Tạp chí
Time (Mỹ), nhờ không tránh né sự thật, nói rõ sự thật, ông sống thật như một phóng viên Mỹ nên mới được đồng nghiệp tin cậy. Chính nhờ thế mà ông không bị lộ, mới có điều kiện tiếp cận những tin tức quan trọng đối với cách mạng. Với bộ chỉ huy của mình, ông cũng trung thực nói tất cả những gì ông hiểu biết về đối phương, kể cả khi ý kiến đó trái với nhận định của cấp này cấp khác. Đã có chiến thắng quan trọng nhờ nhận định trung thực như thế của ông.
Chợt nghĩ: nếu như trong cuộc chiến chống tham nhũng hôm nay, chúng ta có những “tình báo” tài giỏi và trung thực như PXÂ thâm nhập vào các dự án lớn thì khó gì việc lôi ra trước công lý những “con chuột” đang đóng đủ vai vế ngày đêm đục khoét tài sản của nhân dân.

3. Một anh bạn, ngay sau khi đọc xong cuốn sách gọi điện cho tôi với giọng điệu bức xúc và xót xa: “Ghê quá! Một người như PXÂ mà vẫn bị nghi ngờ, theo dõi, cấm đi ra nước ngoài suốt gần chục năm! Muốn gặp một nhà báo nước ngoài cũng phải xin phép!...”.
Vâng! Quả thật là xót xa! Đó cũng là sự hy sinh lớn lao mà có lẽ những người hoạt động lâu năm trong lòng địch - dù lập được chiến công to lớn đến mấy - đều phải gánh chịu khi trở về đội ngũ của mình, một sự hy sinh còn ít được nói đến. Hẳn là vì an ninh của quốc gia và để bảo đảm an toàn cho chính người trong cuộc (và có lẽ đã từng có điệp viên bị kẻ địch mua chuộc) nên các cơ quan “chức năng” buộc phải có những động thái phòng bị, bảo vệ loại người đã “lỡ” nắm quá nhiều những bí mật! Xin không bàn đến khía cạnh “nghiệp vụ” của vấn đề; nhưng nếu như để viết về một nhân vật hoạt động tình báo thì không thể bỏ qua những năm tháng phải đau đớn, dằn vặt khi bị chính đồng đội của mình nghi ngờ như PXÂ đã trải qua.

Với một nhân vật có quá nhiều bí ẩn như PXÂ, lại là người “ngoại đạo”, tôi không dám bàn sâu hơn, nhưng với tinh thần “phản biện” mà Đảng luôn yêu cầu các tổ chức xã hội thực hiện để tiếp cận chân lý và tránh bớt lầm lẫn, xin thử dẫn ra một sự cố trong lịch sử và đặt nó bên cạnh trường hợp PXÂ:
Trên Tạp chí “Xưa và nay” số 267, tháng 9/2006, trong một bài viết về ông Phạm Quỳnh, tác giả Phạm Tôn đã nhắc lại một tư liệu như sau: “Sau khi ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra gặp Cụ Hồ và báo: “Phạm Quỳnh đã bị xử mất rồi!”, thì Cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói:
“Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được gì?...”.
Với PXÂ, liệu có thể đặt một câu hỏi: “Nghi ngờ, theo dõi một người như PXÂ thì nhân dân được gì? Cách mạng được gì?...”.
Có thể nêu vấn đề như thế, vì ông nắm bí mật của địch truyền về cho ta là chủ yếu; bí mật của ta mà ông biết được nhiều lắm là các “đường dây” thì khi còn ở trong lòng địch, nếu muốn, ông đã thừa sức cung cấp cho chúng, đâu đợi đến ngày đất nước toàn thắng mới lo “móc nối” để tiết lộ cho đối phương?
Cũng như Cụ Hồ, đặt câu hỏi như thế là tỏ ý tiếc. Phải! Thật tiếc, nếu như PXÂ được tin tưởng và trao cho ông làm đại diện (hay đại sứ) của Việt Nam tại Mỹ ngay sau khi chiến tranh kết thúc thì có lẽ nhiều sự ngộ nhận và chậm trễ đã được hạn chế…

Theo lời PXÂ do tác giả cuốn sách ghi lại thì việc PXÂ chỉ đường cho Trần Kim Tuyến chạy thoát ngày 30/4/1975 là căn cứ quan trọng khiến các cơ quan “chức năng” đặt nhiều nghi vấn và buộc ông phải tường trình nhiều lần. Không ai dám nói chắc tận đáy lòng PXÂ đã nghĩ gì, nhưng qua nhiều chi tiết trong cuốn sách, chúng ta có thể đoán rằng: với ông, ngày 30/4/1975, trách nhiệm của ông trước Tổ quốc đã hoàn thành, đất nước đã được độc lập tự do, chẳng có ích gì việc bắt bỏ tù hoặc giết một kẻ cùng đường như Trần Kim Tuyến, nhất là ông ta - dù là vô tình - đã từng là nguồn cung cấp nhiều tài liệu mật để PXÂ báo về bộ chỉ huy cách mạng. Liệu chúng ta có thể đặt vấn đề: Bắt hoặc giết một kẻ như Trần Kim Tuyến thì
nhân dân được gì? Cách mạng được gì? Trong khi cách xử trí của PXÂ thì đã khiến đối phương hiểu ra rằng một điệp viên cộng sản chiến đấu quên mình vì Tổ quốc vẫn có thể là một con người nhân ái và chung thuỷ.
Có lẽ cũng nên nói thêm một điều: Yếu tố quan trọng giúp PXÂ lập nên chiến công vĩ đại chính là LÒNG TIN! Ông tin vào chính nghĩa, tin vào sự toàn thắng cuối cùng của dân tộc mình và tin vào cả sự hướng thiện của nhân dân Mỹ. Vì có lòng tin như thế, ông mới muốn cho con trai Phạm Xuân Hoàng Ân của ông sang học ở Mỹ. Ân đã học thành tài và trở về góp phần làm chiếc cầu nối giữa hai dân tộc Việt Nam và Mỹ - làm người phiên dịch cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Mỹ trong chuyến ông ta sang thăm Việt Nam. Ân đã nói với tác giả cuốn sách:
“Cháu ước gì ba cháu có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này. Giọng của cháu đôi lúc đã nghẹn lại trong quá trình phiên dịch cho Tổng thống và Chủ tịch Nước, cháu đã cố kiềm chế những giọt nước mắt của mình vì quá xúc động…”.
Chúng ta có cảm tưởng như đọc một đoạn kết có hậu trong các chuyện cổ tích Việt .
                                                                  Trường An - Huế, tháng 3/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(nguồn TCSH số 230 - 04- 2008)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LGT: Phong trào đô thị là một mũi giáp công chiến lược không thể tách rời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược do Đảng lãnh đạo bắt đầu từ Hiệp định Genève ký kết (20 - 7 - 1954). Sẽ không có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 nếu không có một công trình nghiên cứu nghiêm túc về phong trào đấu tranh chống Mỹ tại các đô thị miền Nam nói chung, tại Huế – miền Trung nói riêng.

  • INRASARA

    1. Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, từ hai thập kỉ qua. Một hiện thực lồ lộ trước mắt ta, bên cạnh ta, ngay trong nhà và ở chính bản thân ta, dù ta là công dân ở đất nước tiên tiến hay dù ta chỉ là một thành phần thuộc sắc dân thiểu số cư trú vùng sâu vùng xa trong một đất nước đang phát triển chưa qua giai đoạn hiện đại hóa.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Sau này lúc về già, Nguyễn Trãi đã có lần nhắc lại hoài bão lập chí thời trẻ của mình bằng một hình tượng đẹp lạ lùng, "nhìn ánh sáng, muốn học chim phượng ca hát mặt trời lên" (Lãm huy nghi học minh dương phượng).

  • VIỄN PHƯƠNGKhi văn chương tham dự vào những mê lộ mới, mê lộ của nhận thức luận phức hợp hôm nay, khi nhà văn không còn hứng thú trong việc lục lọc, săm soi lại các bảng giá trị trong truyền thống thì tất yếu văn chương sẽ bước vào những cuộc chơi mới.

  • TRẦN THIỆN ĐẠO Trước khi bàn tới nội dung và hình thức thiên truyện L’Art français de la guerre (Binh pháp của nước Pháp - Nxb Gallimard) của Alexis Jenni vừa trúng giải Goncourt 2011, cũng nên nhắc qua mấy điều nổi bật chẳng dính dáng gì với chất lượng tự tại của tác phẩm. Mà chỉ đơn thuần với tựa đề cuốn sách và tác giả của nó.

  • LGT: Anders Cullhed (sinh 1951) là giáo sư Văn học So sánh ở Đại học Stockholm, Thuỵ Điển. Ông viết luận án Tiden sòker sin ròst (Thời đại đang tìm kiếm tiếng nói) 1982 về nhà văn hiện đại Thuỵ Điển Erik Lindegren với tập thơ thời chiến Mannem utan vàg (Con người không lối đi) với một mối quan tâm đặc thù về sự tương quan của tập thơ này với chủ nghĩa hiện đại Pháp và Anh, với truyền thống văn học và với sự sụp đổ hệ thống tư tưởng đương đại gây ra do thế chiến thứ 2.

  • NGÔ MINH Xa Hà Nội (Nxb Văn học 2011), cuốn tiểu thuyết thứ 3 và tập văn xuôi thứ 7 của nhà văn Nhất Lâm vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 9-2011. Tôi đọc một mạch hết 334 trang sách. Cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề thú vị về cuộc sống và thời cuộc rất đáng suy nghĩ, chiêm nghiệm.

  • NGUYỄN QUANG HUY Hình thù của văn học không thể đến từ cuộc sống; nó chỉ đến từ truyền thống văn học; và vì thế cơ bản là đến từ thần thoại.                                                  N. Frye

  • LGT: Tiểu thuyết Vùng lõm của nhà văn Nguyễn Quang Hà được giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam 2006 - 2010. Ngày 24 - 10 - 2011 Hội đã tổ chức tọa đàm tiểu thuyết Vùng lõm, Sông Hương xin giới thiệu bài tham luận của nhà văn Đỗ Ngọc Yên.

  • ĐẶNG TIẾN Thanh Tịnh là nhà văn có sự nghiệp dài hơn nửa thế kỷ, với số lượng trước tác dồi dào, đa dạng. Nhưng kỷ niệm bền chặt nhất mà ông để lại trong lòng người đọc là tập truyện đầu tay Quê Mẹ, 1941, với hình ảnh thơ mộng của làng Mỹ Lý và buổi tựu trường trong truyện Tôi đi học.

  • THÁI BÁ VÂN ĐỜI SỐNG VẬT THỂ VÀ ĐỜI SỐNG HÌNH TƯỢNG

  • THANH MẪN Tôi khóc những chân trời không có người bay Lại khóc những người bay không có chân trời.                                 (Trần Dần)

  • NGUYỄN VĂN HẠNH Văn chương là một hiện tượng không ngừng vận động, không ngừng đổi mới, từ môi trường xã hội văn hóa này sang môi trường xã hội văn hóa khác, từ nhà văn này sang nhà văn khác.

  • L.T.S: Soutchat Sawatsri nhà thơ và viết truyện ngắn chủ bút báo "Thế giới sách vở" vừa là một nhà phê bình có uy tín ở Thái Lan. Trong bài "Thời đại và con người" đăng trên báo Pháp "Thế giới ngoại giao" năm 1983 Soutchat Sawatsri đã giới thiệu tóm tắt đầy đầy đủ các bước phát triển của văn học Thái Lan hiện đại.

  • NGUYỄN HỮU ĐÍNH Phan Huy Chú, tác giả «Lịch triều hiến chương loại chí», ở mục «Lễ táng sơn lăng», «Lễ nghi chí», viết «Ngọ Phong họ Ngô (1) nói: đời xưa thiên tử chết, bảy tháng mới chôn, chỗ đất chôn gọi là sơn lăng - Lăng đều có tên».

  • TRẦN HUYỀN SÂMGiản dị, nhưng lay động và ám gợi một cách siêu hình, nhà thơ sống ẩn dật Tomas Transtromer đã được Hội đồng Hàn lâm Thụy Điển vinh danh giải Nobel văn học 2011.> Những nét gạch xóa của lửa

  • NGUYỄN DƯ Mời các bạn đi… xem hát. Đúng hơn là xem chữ hát (h)… của tiếng Pháp. Lại chuyện Ăn cơm nhà vác ngà voi! Ngà voi còn nhẹ chán. Ngà mammouth cũng đành phải xông vào mà vác. Vác giùm cho… lịch sử, địa lí Việt Nam. Ủa! Trời đất! Đùa hay thật vậy?

  • TRẦN THỊ MỸ HIỀN Ngô Kha là một trong số ít những nhà thơ có số phận khá đặc biệt trên thi đàn Việt Nam. Sinh năm 1935 ở Thế Lại Thượng (thuộc thành phố Huế ngày nay), ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư Phạm Huế (1958 - 1959), tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa (1962), sau đó dạy văn và giáo dục công dân ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo ở Huế từ 1960 cho đến khi bị thủ tiêu vào 1973.

  • KHÁNH PHƯƠNG Với “Đội gạo lên chùa”, cuốn tiểu thuyết mới (NXB Phụ nữ, 6/2011), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tái ngộ độc giả bằng dòng văn chương ấm áp và cuốn hút, hứa hẹn những miêu tả, xét đoán tinh tế về tâm thức con người cũng như những bí ẩn thẳm sâu trong tiềm thức và văn hóa của một cộng đồng dân tộc.