Lối trong rừng

09:07 17/09/2015

ĐỨC BAN

Giáo sư Lê Văn đến công tác tại tỉnh H. Ở đó ông được nghe một câu chuyện về vị vua Hàm Nghi thời nhà Nguyễn, trước khi bị giặc Pháp bắt đưa đi an trí bên châu Phi xa xôi, đã để lại cho dân làng Gia Ninh heo hút trong rừng sâu ba con voi vàng và một bộ long bào.

Minh họa: Nhím

Dân làng gọi chúng là báu vật và suốt hơn một trăm năm, đời này sang đời khác họ thờ phụng, cất giữ chúng không mất mát, suy suyển cho dù đói khát, lũ lụt, giặc giã. Ông đề đạt ý muốn với lãnh đạo Bảo tàng tỉnh được đến Gia Ninh để xem báu vật của vua. Người ta bảo rằng, không dễ thấy được báu vật, bởi lẽ với người dân Gia Ninh báu vật là vật thiêng, nơi cất giữ báu vật là chốn thiêng, họ tự đặt ra nhiều quy tắc ngặt nghèo đối với những ai đặt chân vào làng. Rằng, đường lên Gia Ninh xa và nhiều lối rẽ ngang, rẽ dọc phải có người dẫn.

Vị Giáo sư không nản lòng, thậm chí những lời can ngăn của họ càng làm ông thêm tò mò, báu vật đâu đấy càng trở nên hấp dẫn. Giám đốc Bảo tàng đành phân công một anh nhân viên phòng hành chính dẫn đường cho vị Giáo sư. Ông ta nói, cậu ấy người làng Gia Ninh thông thuộc đường sá còn là con trai Cố Đạo, rất am hiểu thủ tục xin xăm, bói quẻ. Rồi như sợ vị Giáo sư không hiểu ông giải thích thêm, Cố Đạo ở đây là danh vị người coi giữ hiện vật của vua, do người cao tuổi trong làng bầu lên, không như Cố Đạo bên Thiên chúa giáo.

Đầu chiều hôm ấy, người dẫn đường tìm đến phòng nghỉ của Giáo sư. Anh ta khoảng ba mươi tuổi, đầu cạo trọc, nét mặt phong trần, bộ áo quần vải bông thô bó sát tấm thân to cao như một đô vật.

- Tôi sẽ đưa ông đi. - Người thanh niên nói.

- Tốt quá, tốt quá. Tôi đã được nghe giới thiệu về anh.

- Thế à? - Anh thanh niên nói, dửng dưng. Lát sau nói tiếp - Việc riêng, cơ quan không bố trí ô tô, chúng ta phải theo xe khách.

- Cần những thứ gì cho chuyến đi? - Giáo sư hỏi, sờ tay vào túi áo theo phản xạ.

Người thanh niên nhếch môi như cười và nói:

- Khỏi. Dọc đường có trục trặc thì tôi giúp ông, ông giúp tôi. Cơ chế thị trường sòng phẳng.

Bấy giờ họ ngồi bên cái bàn rộng trong phòng khách. Trên bàn là bộ ấm chén pha chè sạch bóng và một cuốn sách không có bìa.

Anh ta có đáng tin cậy không, - Giáo sư chăm chăm nhìn người thanh niên - Sao mới gặp đã nói tới sự sòng phẳng thị trường?

Người thanh niên vừa lắc đầu vừa rót nước sôi trong phích ra ấm trà. Anh nghĩ tới những người đã lặn lội lên Gia Ninh tận trong rừng chỉ để được nhìn ngó và sờ tay lên mấy con voi vàng nhỏ xíu như cái đốt ngón tay trỏ trẻ con và bỗng thấy buồn.

- Ông lên Gia Ninh cũng chỉ để nhìn mấy con voi vàng ư? Người thanh niên bỗng hỏi.

- Phải rồi. Có chuyện gì à? - Giáo sư băn khoăn.

- Không có gì. Chỉ là tôi thấy nhiều người giống nhau - Người thanh niên nói và lại lắc đầu.

- Giống nhau về cái gì?

Người thanh niên không đáp.

Chẳng quan trọng gì chuyện người này giống người kia, Giáo sư thầm nghĩ. Rồi ông kéo cuốn sách không có bìa về phía mình. Đấy là cuốn “Tục thờ Đức Mẫu Liễu - Đức Thánh Trần”. Người thanh niên nhìn lướt qua đầu người khách ra một nơi nào đó ngoài trời, lúc này nắng đang hừng lên và có tiếng gió thổi lào xào nơi nào đấy.

Giáo sư bỗng hỏi:

- Anh đã thấy báu vật lần nào chưa?

- Nhiều rồi. Nhiều quá, quen nhờn ra - Người thanh niên thủng thẳng - Ba đời: cố nội, ông nội và nay là cha tôi làm Cố Đạo coi giữ báu vật.

- Thuận quá rồi - Giáo sư giơ cả hai tay lên, giọng vui vẻ.

- Chẳng có gì gọi là thuận ở đây - Người thanh niên có vẻ bực bội.

Giáo sư im lặng.

Người thanh niên bỗng thở dài. Không khí trĩu xuống, se lạnh.

Giáo sư nghe tiếng thở dài kia. Ông hỏi:

- Anh có vẻ buồn? Vì sao vậy?

Người thanh niên không trả lời mà nói:

- Cha tôi già lắm rồi.

Giáo sư ngẩng nhìn người thanh niên, hỏi:

- Anh có nghĩ một lúc nào đấy, anh thay cha làm Cố Đạo không?

Như chợt hiểu ra điều gì đấy, người thanh niên giật mình, mở tròn mắt:

- Không bao giờ, không bao giờ - Anh ta khoát tay, nói nhanh.

Im lặng một lúc.

Người thanh niên nói:

- Rồi ông sẽ thấy ra tôi có lý.

Giáo sư hỏi:

- Có lý về cái gì?

- Về cái tôi không muốn thành Cố Đạo ấy.

- Ra thế.

- Tôi tin là ông hiểu.

Giáo sư bắt gặp ánh mắt của người thanh niên và có cảm giác như mình và anh ta đang cùng đồng lõa trong một âm mưu nào đấy.  

Chiều ấy, trời âm iu, Giáo sư và người thanh niên theo chiếc xe khách cũ kỹ, ì ạch mãi chập tối mới đến thị trấn Trà Sơn. Từ đó, họ phải đi bộ vào làng Gia Ninh. Bao nhiêu cây số nữa thì đến được nơi ấy, Giáo sư không biết. Con đường trước mặt ngoằn ngoèo, uốn lên, lượn xuống giữa những ngọn đồi lô xô, không quán hàng, không cột số, không xe cộ và không cả người qua lại. Trời sâm sẫm. Rồi gió hun hút từ trong rừng ra. Và bóng tối nhanh chóng dìm ngập những ngọn đồi, những bụi cây và con đường. Mọi vật hòa vào bóng tối, thành bóng tối. Giáo sư thập thững bước theo người dẫn đường, không biết đâu là trên đâu là dưới, đâu là phải đâu là trái chỉ lờ mờ trong tâm tưởng một lối dốc lên chỗ nào đấy đang chập chờn hai hay ba đốm lửa lúc xa lúc gần như trêu ngươi. Mấy lần Giáo sư dướn người vượt lên nhưng không thể theo kịp người thanh niên. Những đốm lửa thì vẫn chập chờn phía trước. Mãi khoảng cách đến những đốm lửa kia như không thay đổi; thậm chí có vẻ xa hơn. Bóng tối có loãng ra nhưng vẫn không nhìn thấy nơi phát ra ánh lửa và như chẳng có không gian, chẳng có mặt đất và bầu trời.

Không còn tiếng sỏi lạo xạo dưới đế dày nữa. Cảm giác bàn chân đang đặt lên mặt đất bằng phẳng, ẩm ướt rất rõ. Giáo sư vươn người vặn thân mình mỏi nhừ.

- Gần chưa? - Giáo sư hỏi.

- Gần rồi. Người thanh niên nói, giọng nhỏ.

Cuối cùng họ đi trên một con đường trắng lờ nhờ nhờ những vệt sáng đèn dầu từ trong những ngôi nhà thấp dưới tán là cây thẫm đen dọi ra. Người thanh niên đi trước, giáo sư theo sau, họ vào một ngôi nhà lặng lẽ đâu như ở cuối làng.

Người thanh niên bước lên thềm, rồi quay lại đỡ khủy tay Giáo sư. Giáo sư vin tay vào vai anh thanh niên bước lên. Đúng lúc ấy cửa mở và hai người đàn ông to lớn từ trong nhà bước ra.

- Chào ông. Cả hai nói cùng lúc như đã tập dượt từ trước.

- Bảo vệ à? - Giáo sư hỏi.

- Dân làng đấy. Tối nào cũng có người đến nói chuyện với cha tôi - Người thanh niên nói. Không ai dám động đến báu vật của vua. Trăm năm nay đã vậy. Thế nên cần gì người bảo vệ.

Giáo sư như nghe tiếng cười của người thanh niên.

- Phải rồi. - Giáo sư nói mà chính ông cũng chẳng biết phải rồi cái gì.

- Mời vào. - Người thanh niên nói và mở rộng thêm cánh cửa.

Gian nhà hẹp. Một ngọn đèn dầu treo chỗ nào đó dọi sáng cái bàn gỗ, trên đó bày biện giá nến, bát hương và dăm bảy thứ khán thờ, hộp sắc, mâm chè, ấn kiếm… làm bằng gỗ, đường nét thô nhưng lại được sơn son, thếp vàng lòe loẹt.

Trên bàn thờ treo bức ảnh một người đàn ông chừng 50 tuổi, có khuôn mặt khả ái. Giáo sư đoán đấy là vua Hàm Nghi. Cuối năm 1885, triều đình Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được Thượng thư Tôn Thất Thuyết và một số cận thần, lính tráng phò tá trốn chạy về làng Gia Ninh. Lúc ấy Hàm Nghi mới hơn 13 tuổi. Ở Gia Ninh chưa tròn ba tháng ông bị Pháp bắt và đày sang châu Phi. Không hiểu bức chân dung kia từ đâu ra.

Thấy vị Giáo sư chăm chú nhìn bức ảnh, người thanh niên nói:

- Bức ảnh kia dân làng thuê người vẽ đấy. Nhiều người bảo, giống y như thật. Mời vào đây.

Giáo sư theo anh ta vòng qua một cái két sắt thường thấy ở phòng Thủ quỹ các công sở và các gia đình giàu có cất giữ tiền, vàng bạc châu báu. Họ vào phía sau bàn thờ. Ánh sáng ngọn đèn ở phòng ngoài dọi vào cái giường gỗ đen nhức. Trên đó một người đàn ông nằm gối đầu lên cái gối gỗ màu vàng nhạt.

- Cha ơi. Có khách. - Người thanh niên nói.

- Mời vào. - Người trên giường ngồi dậy, xòe hai bàn tay vuốt mặt, rồi thả hai chân xuống đất bước đến bên cái bàn kê sát vách đất. Ông ta khom người, ngước nhìn khách.

- Ông ngồi - Chủ nhà nói, giọng khàn khàn - Huyện cho người tới báo là Giáo sư sẽ đến. Tôi chờ từ chiều đến giờ.

- Phiền bác quá.

- Không sao, không sao.

Họ ngồi xuống bên bàn, đối diện nhau. Chủ nhà rót nước trong cái ấm sứ để trong cái giỏ tre ra mấy cái chén đất nung màu nâu sỉn.

- Giáo sư uống nước. - Chủ nhà nói và nheo nheo mắt nhìn. - Giáo sư còn trẻ thế này à?

- Cũng tri thiên mệnh rồi ạ.

- Ra thế.

Cả hai im lặng.

- Tôi chờ Giáo sư từ chiều - Chủ nhà nhắc lại.

- Phiền bác quá. Khách cũng nhắc lại.

- Không sao. Giáo sư lặn lội lên đây chắc là có chuyện quan trọng. - Chủ nhà nói, ánh mắt thăm dò dán vào khuôn mặt người khách.

- Không có gì quan trọng đâu. Chỉ là tôi muốn được xem mấy con voi vàng…

Chủ nhà so vai, những ngón tay bóp chặt cái chén đất nung.

- Xem báu vật. Đấy là điều quan trọng nhất chứ còn gì hơn nữa - Mặt chủ nhà sầm xuống. Một khoảng lặng dài trôi qua, rồi chủ nhà nói tiếp - Chỉ vì tò mò, hiếu kỳ mà đến với báu vật thì nhìn nhưng không thấy gì đâu. Mà chỉ nhìn thì hôm nay cũng không được. Hôm nay Sao Phi ma sát theo ngày Tam nương, kỵ…

Giáo sư ngớ ra. Điều chủ nhà nói không chỉ đơn thuần là từ chối mà cả trách cứ Giáo sư đã động tới sự thành kính sâu sa bí ẩn nào đấy trong lòng ông ta.

- Hôm nay thì không được - Chủ nhà lại nói.

Giáo sư nhìn cái bóng chủ nhà méo mó in trên vách đất một lúc, rồi lên tiếng:

- Nghe bảo ông là Cố Đạo. Mà Cố Đạo thì có toàn quyền quyết định.

Chủ nhà đảo mắt nhìn người con trai đang đứng sau tấm ảnh vua Hàm Nghi, rồi nhìn ông Giáo sư. Có một cái gì đó nơi người khách này khiến chủ nhà phải suy nghĩ và cảm thấy cần phải thận trọng đối với ông ta.

- Toàn quyền ư? Làm sao người trần mắt thịt có được cái toàn quyền với báu vật thiêng liêng - Cố Đạo nói.

- Nhưng mà ông giữ nó, chìa khóa trong tay ông. - Giáo sư dai dẳng.

Cố Đạo há hốc miệng và nói:

- Thì là thế. Ba đời rồi. Xửa xưa voi vàng, áo long bào được cất tại Miếu Trầm Lâm trong rừng. Thời ấy không ai thấy báu vật. Báu vật nằm chỗ nào chỉ mỗi ông Thủ từ biết. Lễ tiết dân chúng kéo đến đền vái lạy báu vật. Gặp hoạn nạn, ốm đau bệnh tật, dân chúng cầu xin báu vật. Ứng hết. Đến thời Đền Trầm Lâm bị mối xông, tường vỡ, mái sập. Những người thất thập trở lên trong làng tụ họp, quyết định bầu người thay Thủ từ và xin cho rước báu vật về ngự tại nhà. Người ấy được gọi là Cố Đạo. Hồi ấy, cố nội tôi nổi tiếng hàng tổng về đức độ được bầu làm Cố Đạo. Cố tôi già đến lượt ông tôi có uy tín thành Cố Đạo rồi ông tôi chết, tôi có uy tín lại thành Cố Đạo.

- Cha truyền con nối - Giáo sư buông giọng.

- Là thế nhưng không phải thế. Cố Đạo nói, vẻ phật lòng - Người không tử tế, gia đình không nề nếp thì không trúng Cố Đạo đâu. Dân bầu nhưng có sự dẫn dắt bí ẩn ở cõi thiêng…

- Tôi hiểu rồi - Giáo sư nói, chạm bàn tay mình vào tay ông Cố Đạo. Bàn tay Cố Đạo lành lạnh.

- Tuổi già, mùa nào ra bệnh mùa ấy… - Cố Đạo nói.

Giáo sư nhận ra trong giọng nói yếu ớt của ông mơ hồ một nỗi tiếc nuối nào đấy.

- Ông vẫn còn khỏe đấy chứ? - Giáo sư nói, cốt làm an lòng ông Cố Đạo.

Cố Đạo thở dài, nói:

- Ừ có lẽ anh nói đúng. Tôi có già rồi, xương cốt nó rệu rạo, nhưng chưa đến nỗi yếu ớt, đầu óc thì đang minh mẫn. Anh biết tôi sợ nhất điều gì không. Sợ nhất sự lú lẫn. Rồi phạm vào vật thiêng, cõi thiêng thì… - Cố Đạo im bặt.

Giáo sư bắt gặp vẻ băn khoăn đến day dứt trong ánh mắt người Cố Đạo. Lạ là Giáo sư không xúc động; thậm chí ông cảm thấy chán nản. Ông nói:

- Thì chuyển giao chức Cố Đạo cho người khác, trẻ hơn. Xã hội gọi là chuyển giao thế hệ ấy. Từ chức hoặc xin nghỉ hưu…

- Ấy là cõi trần. Cõi thiêng nó khác - Mắt ông Cố Đạo bỗng lóe sáng. Giọng ông trở nên âm u - Cõi thiêng nó khác. Báu vật ở trong Đền Trầm Lâm giữa làng tôi hơn một trăm năm. Từ khi về trong nhà ông tôi, cha tôi rồi đến tôi tính ra ngót bảy chục năm, báu vật vẫn toàn vẹn cho dù đã có bao nhiêu sự thăng, trầm xẩy ra. Kẻ tham lam, ngu đần, ác độc mà loại ấy thời nào cũng có, không chạm được vào báu vật. Kẻ nào lấy trộm báu vật thì ba, hoặc bảy ngày sau là phải đem trả lại. Ngài khai minh cho họ. Kẻ nào được khai minh mà vẫn đi trong tăm tối thì ngài bắt chịu nhất, nhì, tam …của bát khổ…

- Sinh, lão, bệnh, tử, ngũ thủ uẩn: khổ, biệt ly: khổ, oán tăng hội: khổ… Giáo sư lẩm bẩm một mình.

- Tàn tật, đột tử, bị đẩy xuống cõi ngạ quỷ nữa đấy. Ngài có quyền lực vô biên.

Giáo sư thấy ngụm nước đắng nghét trong họng.

- Nhẫn - Giáo sư kêu lên.

Cố Đạo phẩy tay.

- Không phải đâu.

- Tôi không tin chuyện tàn tật, đột tử với cõi ngạ quỷ nào đấy - Giáo sư nói - Tôi cũng không tin Ngài nào có quyền năng ấy. Nếu có sao Đền Trầm Lâm bị mối xông, làng Gia Ninh giữ báu vật nó nghèo nàn thế này. Đến con đường vào nơi ngự báu vật cũng tăm tối, gập ghềnh…

- Anh ăn nói cho chừng mực - Cố Đạo bực bội ngắt lời Giáo sư, giọng lộ vẻ trách móc.

Giáo sư nói:

- Chẳng phải đúng thế sao?

Cố Đạo lúng túng.

- Đời này nó phức tạp như lối trong rừng, con người thì đủ thói hư tật xấu, Ngài làm sao mà thông tỏ hết mọi sự.

Giáo sư nhìn ra ngoài trời đêm. Hình như nhà Cố Đạo ở gần rừng, nghe tiếng rừng âm âm, u u và tiếng nước suối chảy róc rách trên ghềnh đá.

- Rốt cuộc là tại con người chúng ta - Giáo sư thì thào như nói với riêng mình.

- Ông là Giáo sư nhưng cạn nghĩ lắm. - Cố đạo vừa nói vừa khoát tay -Ba đời nhà tôi phụng thờ báu vật, chỉ có mỗi lòng thành và hưởng cái ân, cái đức của bề trên, nhận sự trọng nể của dân chúng.

- Nhận vậy là nhiều lắm, là quá lắm. - Giáo sư nói.

- Ông nói nhỏ thôi - Cố Đạo ngắt lời Giáo sư và đưa mắt nhìn quanh - Ngoài tôi và ông còn có người khác. Tôi đã già nhưng người khác còn trẻ. Đừng làm họ lây nhiễm… - Ông bỏ dở chừng câu nói, đứng dậy đi ra phòng ngoài.

Giáo sư nghe thoang thoảng mùi hương. Chắc ông ta đang khấn vái trước bàn thờ, Giáo sư nghĩ. Lúc sau Cố Đạo quay trở vào.

- Ngài phán dạy gì vậy? - Giáo sư hỏi.

Cố Đạo lặng im với một vẻ tức giận lóe lên trong đôi mắt sâu.

- Tôi mệt rồi. Ông đến để được chúng tôi cho xem báu vật nhưng ông lại ăn nói hàm hồ với đấng bề trên. Ngẫm cùng là ông xúc phạm cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của cụ Phan Đình Nguyên. Cụ Phan và nghĩa quân nghe theo chiếu Cần Vương của vua đã tụ hội trong rừng chiến đấu chống giặc ngoại xâm hơn mười năm trời.

Giáo sư thấy nóng mặt.

- Chuyện chiến đấu của cụ Phan và nghĩa quân dính gì đến mấy con voi vàng và cái áo long bào của vua - Giáo sư cãi - Báu vật của vua Hàm Nghi phải là cái bản gốc chiếu Cần Vương cơ. Nhưng không có cái bản gốc ấy. Hàng trăm năm không ai tìm kiếm để giữ gìn nó. Rồi còn xương cốt tướng lĩnh, nghĩa quân trong rừng nay có còn? - Giáo sư bỗng nổi cáu.

- Sao ông lại hỏi tôi, lại nổi giận với tôi, hử? - Cố Đạo thở hổn hển.

- Tôi không hỏi ông thì hỏi ai ở đây. Mấy đời ông chăm sóc coi giữ báu vật…

Giáo sư ngừng lời.

Cố Đạo ngoảnh mặt tránh cái nhìn của khách. Chẳng còn gì để nói thêm với con người kia. Cố Đạo nhấp nhổm trên ghế, rồi chống hai tay vào gờ bàn đứng dậy.

- Thôi thôi. Khuya rồi. - Cố Đạo gần như kêu lên.

Mình nói sai chăng? Giáo sư nghĩ. Người ta tin vào một cái gì đấy, dù cái ấy chỉ là thứ khói sương lờ mờ váng vất trong tiềm thức, có tốt hơn người không có cái gì để tin?

Người thanh niên xuất hiện, ra hiệu cho Giáo sư đi theo anh ta. Họ vào căn phòng kề cạnh.

Phòng sáng lờ mờ; lờ mờ một cái giường trải đệm, chăn gối đủ cả và một cái tủ gỗ đổ nghiêng vào bức tường đầy hình vẽ khó hiểu.

Người thanh niên nói:

- Giáo sư ngủ ở đây. Đừng mở cửa, sương mù chảy vào phòng dễ cảm lạnh.

Giáo sư nói vươn người, thở sâu, rồi mắt không rời khuôn mặt bình thản của người thanh niên và hỏi:

- Nãy giờ tôi nói có chỗ nào sai không?

- Ông nói hay đấy. Còn sai, đúng là việc của các cụ với nhau.

- Sao lại như thế?

Người thanh niên không trả lời mà nói:

- Sáng mai về sớm để khỏi lỡ xe.

- Còn phải xem báu vật nữa cơ mà.

- Khó đấy, khó đấy... - Người thanh niên tưng tửng và quay ngoắt bước ra khỏi phòng, Giáo sư không kịp hỏi vì sao anh ta nói vậy.

Cuối tháng chạp, về đêm sương mù đùng đục và se lạnh. Ngôi nhà Cố Đạo lặng lẽ, thỉnh thoảng mới vang lên một tiếng động khẽ trong mấy căn phòng tối. Khoảng canh ba Giáo sư bỗng nghe tiếng người rì rầm trong phòng Cố Đạo, liền đó có tiếng bước chân thậm thịch ngoài thềm, lướt qua trước cửa phòng. Ông nhổm dậy nhìn qua khe cửa và thấy một bóng đen lướt ra sân, mờ dần rồi mất hút về phía rừng. Một cảm giác bất an dòa lên trong lòng, Giáo sư bật đèn điện và ngồi bó gối trên giường chờ trời sáng. Trời sáng, ông đi ra ngõ. Lá cây rơi lả tả trên mặt đường. Một vài người dân cắm cúi đi bộ trong sương mù. Đâu ở cuối con đường, gần lắm, rừng Trường Sơn chập chùng, xanh mờ mịt.

Giáo sư lửng thững quay trở về. Trên thềm nhà, ông ngạc nhiên thấy Cố Đạo mặc áo đỏ, quần đỏ, khăn đóng màu đen trên đầu đang đứng lặng yên trước cánh cửa mở vào bàn thờ vua Hàm Nghi. Trên tay ông một bó hương nghi ngút khỏi tỏa. Hai người đàn ông Giáo sư gặp tối qua, một bà già và mấy đứa trẻ con xếp hàng đứng hai bên. Không thấy người thanh niên đâu.

Ai đấy rỉ tai giáo sư:

- Vô nhà, sắp đến giờ xin keo.

Cố Đạo bảo Giáo sư quỳ xuống cạnh ông. Người đàn bà trao vào tay Giáo sư ba nén hương. Cố Đạo nói:

- Ngày Tam nương, kỵ nhưng nể ông từ xa đến, tôi xin Ngài cho ông thấy báu vật. Được hay không lại nằm ở cái tâm tính, cái niềm tin của ông.

Giáo sư quỳ xuống, sỏi cấn dười đầu gối.

- Tam vái - Giọng thoảng như một hơi gió thổi.

Giáo sư vái xong, Cố Đạo quỳ xuống, một tay cầm cái đĩa sứ, một tay nâng hai chữ tiền đồng lên ngang đầu. Không khí lặng phắt. Cố Đạo thì thào, giọng nhẹ tênh tênh, quẩn quanh như sương mù:

- Âm âm, dương dương, nhất âm, nhất dương… Liền đó một tiếng “keng” đơn độc vang lên. Hai chữ tiền rơi vào lòng đĩa.

- Ngài đã thuận - Cố Đạo nói xong đến bên két sắt, cúi xuống với một dáng điệu trịnh trọng. Những ngón tay của ông run run xoay cái vòng số dày những hình tròn, những đường kẻ ngang, kẻ dọc màu trắng lấp lánh.

Giáo sư thấy tim đập thình thịch trong lồng ngực. Ta hồi hộp, ông nghĩ, cảm giác lâu nay không gặp.

Một khoảnh khắc, sau khi cánh cửa két sắt rít ken két mở ra một khoảng trống sâm sẫm, hun hút là những tiếng lào xào chồng lên nhau có vẻ hoảng loạn. Rồi im bặt. Một sự im lặng thăm thẳm đủ để mỗi người thật sự hiểu ra cái két sắt rỗng ruột, tức báu vật không còn. Tự nhiên biến mất? Bị đánh cắp. Tại đây. Trong nhà Cố Đạo. Điều này sẽ đem tai ương theo sương mù nhấn chìm dân làng Gia Ninh. Đám đông nhìn người khách lạ với ánh mắt nghi ngờ. Kẻ ăn trộm vô đạo là ai?

Giáo sư ngờ ngạc nhìn Cố Đạo. Ông ta vẫn ngồi lặng im trên mặt đất sau những làn khói hương nghi ngút.

Một lúc sau, ông đứng dậy nhìn Giáo sư và Giáo sư đọc thấy sự thách đố trong ánh mắt ông già. Ông ta nói nhỏ vừa đủ để Giáo sư nghe:

- Đủ rồi. Hết nhẽ rồi. Giờ thì ông đi đi. Ra khỏi làng, khỏi rừng khi còn có lối đi.

- Ông khỏi lo. Có đất là có lối.

- Tôi sẽ cầu xin Ngài tha thứ...

- Không cần đâu. - Giáo sư nói, giọng run run.

- Ngài biết hết... - Cố Đạo nói, đảo mắt qua nơi khác.

Bất giác Giáo sư ngước nhìn lên bàn thờ. Trên khuôn mặt vua Hàm Nghi thấy rõ nét bình thản. Dường như Ngài không mấy để tâm đến sự việc đang xẩy ra trước mắt.

Đ.B  
(SH319/09-15)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

  • LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.

  • PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.

  • MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.

  • MAI NINH- Rối, Rối ơi! Dậy đi nào. - Nằm mãi đây cũng đừng hòng có ai lượm xác đem chôn. - Dậy đi! Rối ơi.

  • ANH DƯƠNGCòn sống đến nay, ông tôi phải hơn trăm tuổi. Trước ngày chết, ông kể cho tôi câu chuyện thương tâm này.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG1. Từ Huệ nằm thiêm thiếp bên cạnh án thư. Tóc râu chàng bạc trắng. Đêm qua, ngoài trời mưa gió to quá. Chàng không làm sao ngủ được. Từ Huệ sợ mưa, sợ phải nghe thấy những âm thanh cuồng nộ của trời đất. Điệu luân vũ ấy là nỗi ám ảnh khi chàng còn là một anh khóa vô danh.

  • PHAN TUẤN ANHLớp Lý trong một chiều nhốn nháo. Vài đứa con gái ngồi sụt sùi cho nhân vật nữ trong phim trên ti vi chết sớm và nguyền rủa đạo diễn như một tay giết người. Những đứa con trai thì tiếc rẻ cho một vài pha bóng hụt tối qua, để lại hậu quả là mất hẳn một "tháng lương" mà nhẽ ra đã có thể lĩnh sáng nay tại... chủ quán.

  • NGUYỄN VIỆT HOÀLGT: Khi ánh sáng phản chiếu từ mặt trái đồng tiền ùa vào cánh cửa làng mở rộng, “sức nóng” của nó gần như thiêu rụi mọi nền tảng đạo đức một bộ phận không nhỏ đám thượng lưu gồm cả quan viên hương lý. Căn bệnh mà tác giả Nguyễn Việt Hoà mổ xẻ trong truyện ngắn dưới đây, dẫu chưa cao tay để diệt bằng hết những vi-rút-làng, song việc ngăn chặn một đại dịch bắt đầu là có thể...S.H

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Người đàn ông đang huơ rìu. Liên tục những bi củi tươi bị xé phanh, toang toác. Gió lạnh một buổi tàn đông, sắp Tết nhưng trên khuôn ngực mồ hôi loang lổ như mưa. Xóm lò heo. Buổi sáng chưa mở mắt đã hỗn độn, mù trời hơi nước. Cái thế giới được khoanh vùng bằng tiếng kêu bi thiết các con vật thảm tử. Mùi phân chuồng phát tán, nghẹt thở. Tiếng người lê la trả giá, mặc cả. Tiếng cười rộ lên đắc ý trộn lẫn tiếng chửi thề tục tằn đe doạ. Đâu đó, mơ hồ giọng trẻ con khóc và tiếng ru hò ngái ngủ xa xôi…

  • NGUYỄN NGỌC LỢITôi diện bộ "téc gan" quân nhu, dắt súng vào người, dặn dò cậu lái xe rồi hoà vào dòng người đi ra sân bay. Được giao nhiệm vụ về nước sắm hàng, gặp một sự kiện quan trọng, tôi không muốn bỏ lỡ dịp được chứng kiến. Thị xã Lộc Ninh năm 1973 đã trở thành thủ đô của chính phủ cách mạng.

  • THÁI BÁ TÂN…Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông giành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xoè hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng…

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNMọi người đến Huế với những lí do khác nhau. Riêng các văn nghệ sĩ thì thường đến để tìm cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên ý tưởng của mỗi người thì mỗi khác, chẳng ai giống ai. Họa sĩ Vĩnh Trung và nghệ sĩ Hải Lý là một trong những trường hợp như vậy.

  • XUÂN ĐÀIChuyện thằng Thanh con cô Ngoan ở làng Đông cuối tháng này tổ chức đám cưới với con Thuý con cô Lâm ở làng Nổi, dân xã Vĩnh Sơn ai cũng tỏ tường. Cái đận cô Lâm có chửa, điều tiếng khắp làng, người ta đoán già đoán non về cha của đứa bé. Đoán vụng đoán trộm, thì thầm nhỏ to sau lưng, chứ thấy bóng cô đi ngang qua là họ im bặt. Nó mà nghe được nó tế cho! Nó vén mồm, vén váy, réo tên cúng cơm ba đời nhà mình ra mà chửi.

  • PHẠM THỊ XUÂNChị Xoan trở mình nhè nhẹ, sợ làm đứa cháu giật mình thức giấc. Chị quay mặt  vào tường như cố tránh cái ánh sáng xanh dịu phát ra từ ngọn đèn ngủ. Chị nhắm kín mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Đầu óc chị rối bời bao ý nghĩ. Có một cái gì day dứt, một cái gì tiếc nuối, một cái gì hẫng hụt vừa đi vào cuộc đời chị. Chị bỗng thấy lòng mình trống trải đến vô vị...

  • PHẠM THỊ XUÂNLGT: Ấn tượng của một nữ tác giả mới lần đầu tiên gửi tác phẩm đến cho TCSH thật khá đậm đà. Ấy là Phạm Thị Xuân, một phụ nữ ở độ tuổi đã qua thời thanh xuân, đang công tác tại một đơn vị y tế huyện Quảng Điền.

  • QUÝ THỂCó ai đến nhà chơi, bà cụ Tuần chỉ mép tấm phản gỗ mời ngồi, bà nói:- Giang sơn của "bầy choa" (chúng tôi) chỉ có chừng ni. Không ghế bàn, xa lông, sập gụ tủ chè chi cả, chịu khó ngồi đỡ, ông bà mô áo quần trắng trẻo sạch sẽ sợ dơ, thì ngồi lên đây. Bà cụ xoè cái quạt giấy cũ đã rách, lộ ra mấy cái nan tre lót cho khách ngồi. Nhưng không ai nỡ ngồi lên cái quạt giấy của cụ.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO...Sáng hôm ấy bà con xóm đạo đi lễ rất đông. Người ta nhìn thấy một vệt sao băng vào lúc trời tảng sáng. Họ cho rằng Chúa thấu hiểu được nỗi đau đang dày xéo trên thân thể Xoan. Nhưng cũng chính vì thế mà bố cô lại quay về làm chính con người liêm khiết hồi xưa. Thiên đường cũng có những con đường riêng để người ta sám hối.

  • XUÂN ĐÀI 1. Mỗi lần từ quê trở về Sài Gòn, sống bên chồng và hai đứa con, tôi không nguôi nhớ đến chị. Năm nay chị đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, lủi thủi ra vào trong ngôi nhà một gian hai chái. Ngôi nhà vừa được xây dựng cách đây gần ba năm bằng số tiền chị tằn tiện, chắt bóp mười mấy năm và tiền vợ chồng tôi phụ giúp chút đỉnh. Vài ba năm, vợ chồng con cái chúng tôi mới về thăm chị một lần. Chị mừng, chị vui, trò chuyện với các cháu suốt ngày. Chị quấn quýt lũ trẻ, lũ trẻ cũng quấn quýt chị.