Kawabata Yasunari - “người lữ khách ưu sầu” đi tìm cái đẹp

15:21 04/06/2008
1. Kawabata Yasunari (1899 -1972) là một trong những nhà văn làm nên diện mạo của văn học hiện đại Nhật Bản. Ông được trao tặng giải Nobel năm 1968 (ba tác phẩm của Kawabata được giới thiệu với Viện Hoàng gia Thụy Điển để xét tặng giải thưởng là Xứ Tuyết, Ngàn cách hạc và Cố đô).

Kawabata là người đề xướng trường phái Tân cảm giác trên văn đàn Nhật bộn bề các khuynh hướng nghệ thuật những thập niên đầu thế kỷ XX. Trường phái Tân cảm giác đề cao vai trò của trực giác trong việc cảm thụ cái đẹp. Đó là sự cảm nhận trực tiếp, là những rung động tình cảm cùng tần số với cái đẹp mà nếu dùng lí trí để mổ xẻ sẽ làm tổn thương đến nó. Đấy chính là thái độ trân trọng cái đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ bén nhạy, tinh tế.
2. Tình yêu cái đẹp, cảm xúc về cái đẹp là một nét nổi bật của văn hóa Nhật Bản. Trước sự xâm thực của lối sống mới và văn hóa phương Tây, Kawabata đã miệt mài trên lộ trình tìm về cái đẹp của bản sắc dân tộc. Kawabata là nhà văn được người dân của xứ sở mặt trời mọc cho là "Nhật Bản nhất'! Kawabata say mê và am hiểu văn học phương Tây nhưng sâu thẳm tự cội nguồn ông vẫn là nhà văn phương Đông. "Đến hiện đại từ truyền thống", tác phẩm của Kawabata mang đậm dấu ấn của mỹ học truyền thống Nhật Bản.
Theo E.M.D' Jakonova: "Trong mỹ học tuyền thống Nhật Bản, nỗi buồn, nỗi u sầu, nỗi buồn cô đơn không tách khỏi khái niệm vẻ đẹp, bởi vì vẻ đẹp sẽ không đầy đủ nếu thiếu nỗi buồn" (1), "cái đẹp với tư cách là cái bé bỏng, mong manh, yếu đuối. (2) Nghiên cứu về thơ Haiku, Nhật Chiêu đã nêu rõ những cảm thức thẩm mỹ của văn chương Nhật Bản. Theo ông, trước hết là cảm thức sa bi, là cảm thức về sự sâu thẳm, u uẩn và huyền diệu của vạn vật". Wabi là nguyên lí cho rằng cái đẹp cao nhất nằm trong vẻ đơn sơ và sự thanh tịnh. Aware, bi cảm, "một cảm thức xao xuyến trước mọi vẻ đẹp não lòng của sự vật" (3) V.V. Ôtrinnicôp - một nhà văn Liên Xô (cũ), đề cập đến khái niệm Yugen -một tiêu chuẩn trong khái niệm về cái đẹp của Nhật Bản. Yugen "thể hiện tài nghệ nói ẩn dụ, ẩn ý, hoặc vẻ đẹp của câu nói chưa hết" (4) Thế giới nghệ thuật của Kawabata không tách rời quan niệm thẩm mỹ truyền thống ấy.(Từ tác phẩm đầu tiên Cô vũ nữ xứ Izu (1925) đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng Vẻ đẹp và nỗi buồn (1963) Kawabata đều thể hiện nhất quán quan niệm về cái đẹp của mình. Cái đẹp và nỗi buồn, tình yêu và thiên nhiên, sắc đẹp và nữ tính trở thành cảm tính chủ đạo trong tác phẩm của ông.
Kawabata viết nhiều về tình yêu. Tình yêu đầu đời thơ mộng giữa một chàng trai trẻ và cô vũ nữ đẹp trong Cô vũ nữ xứ Izu. Tình yêu bất chợt mỏng manh nhưng nồng thắm giữa Shimamura và cô kỹ nữ trong Xứ tuyết. Tình yêu - tội lỗi đam mê- cái chết trong Ngàn cánh hạc. Tình yêu chung thủy, thiêng liêng trong Thủy Nguyệt... Với Kawabata tình yêu không chỉ là những cám xúc hạnh phúc, hoặc đam mê nhục dục mà tình yêu là sự khám phá đến tận cùng cái đẹp. Xứ tuyết là sự cảm nhận về vẻ đẹp bí ẩn của tình yêu, hồn người, vũ trụ qua mối tương giao đồng điệu. Nhân vật của Kawabata vừa yêu nhau vừa cảm nhận vẻ đẹp của nhau. Tình yêu trong tác phẩm của Kawabata có chút gì huyền diệu, thú vị của sự khám phá và phát hiện. Trong Ngàn cánh hạc, khi Kikuji gần gũi người mình yêu, "mặc dầu cảm thấy sự đụng chạm nồng nàn ấm áp”, “lại có cảm giác về một cái gì dìu dặt du dương như là âm nhạc chứ không phải một cái gì nhận biết qua xúc giác"'. Nhân vật nữ của Kawabata luôn ánh chiếu vẻ đẹp bên trong, ở họ có một cái gì đấy khó nắm bắt. Tất cả dường như ở dạng trực cảm, ẩn náu và tế vi. Tất cả họ đều tràn trề nữ tính. Komako thánh thiện và trần tục, tỉnh táo và đam mê. Cô trốn chạy người đàn ông này để lao vào giường người đàn ông khác, tin cậy và dịu dàng, Yôko lạnh lùng và cháy bỏng, thơ ngây và thâm trầm (Xứ tuyết). Kiôko nhạy cảm, tinh tế và thủy chung (Thủy nguyệt). Fumiko kín đáo, sâu sắc; Otto buông thả, đắm say (Ngàn cánh hạc). Khắc họa chân dung nhân vật nữ, Kawabata thường chộp lấy những khoảnh khắc bừng sáng của vẻ dẹp. Trong tiểu thuyết Xứ tuyết, Shimamura bất ngờ phát hiện đôi mắt và khuôn mặt phụ nữ phản chiếu trên tấm kính cửa sổ toa tàu. Vẻ đẹp "ảo ảnh", "'huyền diệu lạ kỳ" ấy làm anh bàng hoàng sửng sốt, để rồi khoảnh khắc ấy của cái đẹp đã in dấu ấn sâu đậm trong suốt cuộc đời anh. Yôko là cái bóng mỏng manh, mờ ảo nhưng mỗi lần tiếp xúc với Yôko là mỗi lần Shimamura khám phá thêm một nét đẹp ở cô. Vì vậy Shimamura say đắm Komako nhưng trong anh luôn hiện diện thứ ánh sáng diệu kỳ lóe lên từ Yôko. Còn Kikuji mặc dù đam mê Otto, yêu tha thiết Fumikô nhưng hình ảnh Yukiko - "cô gái có cái túi nhiễu màu hồng đào in hình những cánh hạc trắng rập rờn” vẫn thường xuyên nhói lên trong ý nghĩ của anh.
Nhân vật của Kawabata thường đắm chìm trong thiên nhiên, hòa đồng với thiên nhiên bằng thế giới tâm hồn của mình. Thiên nhiên là một yếu tố thẩm mỹ. Tác phẩm của Kawabata thể hiện nét dẹp truyền thống Nhật Bản. Đó là sự thấu thị về tự nhiên, sự tương giao giữa nội tâm và thiên nhiên, sự giao tiếp với thiên nhiên như một thực thể sống. Xứ tuyết chính là những gam màu của hội họa truyền thống phương Đông. Xứ tuyết là sự tương hợp toàn bích giữa "cõi Trời, cõi Đất và cõi Người" (5), là nơi "giữ nguyên được những cảnh sắc, con người, phong tục, lối sống của một vùng đất mà sự hồn hậu, chân phác của Trời-Đất và Người như còn giữ được nguyên vẹn (6). Xứ tuyết còn là sự xóa nhòa ranh giới giữa cõi sinh và cõi tử, giữa cái hữu hạn và vô hạn, cái thường nhật và cõi vĩnh hằng. Thiên nhiên vũ trụ ấy là nguồn nuôi dưỡng khát vọng về hạnh phúc và tình yêu. ÚÃ đó con người dường như đạt tới sự tự do về tinh thần, nơi con người cảm thấy tĩnh tâm và bình yên.
Thể hiện quan niệm về vẻ đẹp của vũ trụ, Kawabata thường sử dụng những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng. Không phải ngẫu nhiên mà hình tượng tấm gương và những biến thái tương đồng của nó được lặp lại rất nhiều lần trong các tác phẩm mang ý nghĩa triết lí về cái đẹp. Trong Ngàn cánh hạc là hình tượng bình sứ Shinô, cặp chén Raku, là cái chén uống trà trên miệng chén còn in vết son môi của người phụ nữ khuất bóng. Vết son môi được thể hiện nhiều lần như một kí hiệu thẩm mỹ. Trong quan niệm thẩm mỹ của người Nhật có một nét rất đặc biệt. Theo Dêênitirô, Tallidaki, người Nhật "thích hơn những cái có độ bóng chìm sâu chứ không phải là sự sáng sủa bề ngoài”. Đó là sự lấp lánh nhưng dưới một lớp mỏng mờ đục - đó là độ bóng của thời gian hay nói chính xác hơn là "vấy dầu mỡ". Người Nhật "thực sự thích những đồ vật mang trên đó dấu vết của thân thể con người, lớp muội dầu mỡ, vẻ phong hóa và sự dầu dãi gió mưa" (7). Trong Xứ tuyết tác giả sử dụng một loạt những biểu tượng cùng hệ thống: tấm kính cửa sổ toa tàu, chiếc gương soi, tuyết, lửa, ngân hà - nơi lưu giữ những hoài niệm, nơi phản ánh vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí của thiên nhiên. Trong truyện ngắn Thủy nguyệt là hình ảnh hai chiếc gương con, là vầng trăng đáy nước. Trong quan niệm của Kawabata cái dẹp không tách rời cái hư ảo. Thiên nhiên được phản chiếu trong tấm gương dường như còn đẹp hơn thế giới thực tại. Đối với người chồng đang ốm nặng của Kiôkô thế giới trong gương có vẻ còn thực hơn, đẹp hơn chính khu vườn. Và khi Shimamura ngắm nhìn cảnh vật phản chiếu trên tấm gương "trong tâm trạng ngất ngây mơ mộng, anh dễ dàng quên mất rằng thế giới con người đã tác động vào trò chơi những phản chiếu bồng bềnh và những hình ảnh kì lạ đã làm anh say mê. Không, cửa kính của toa tàu mà màn đêm đã biến thành một tấm gương hay cái gương tràn ngập màu trắng của tuyết không còn là sản phẩm của bàn tay con người nữa... Một nửa thuộc về chính thiên nhiên, một nửa kia thuộc về một thế giới xa xôi nào đó. Một vũ trụ tồn tại ở nơi khác".
Bằng trực giác tinh nhạy của một người nghệ sĩ luôn run rẩy trước cái đẹp, Kawabata đã nắm bắt từ vũ trụ, cuộc sống, con người... cả những gì mà lí trí khó với chạm. Thế giới bên ngoài, thế giới nội cảm dường như nhòe mất đường ranh. Thiên nhiên trong tác phẩm Kawabata là biểu tượng tâm thức con người phương Đông. Qua khát vọng giao hòa với vũ trụ đất trời, bằng "nghệ thuật trực cảm”, bằng "thẩm mỹ trực giác" Kawabata thể hiện một quan niệm của người phương Đông về tự nhiên "vạn vật hữu linh", "vật ngã đồng nhất". Giáo sư Chu Quang Tiềm trong Tâm lý văn nghệ,. mỹ học hiện đại, đã lí giải: "Trong kinh nghiệm mỹ cảm, sự giới hạn giữa ta và vật hoàn toàn bị tiêu diệt, ta như chìm đắm vào thiên nhiên, còn thiên nhiên lại trở lại nhập vào tận đáy hồn ta " (8)
3. "Mác đã gọi tình cảm đối với cái đẹp là tiêu chí khu biệt quan trọng của con người, còn hoạt động thực sự của con người là sáng tạo theo qui luật cái đẹp” (9) Dostoievski với niềm xác tín "cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại", Pautovski xem "Thái độ dửng dưng thờ ơ với cái đẹp là một thứ bệnh ung thư gặm nhấm làm khô cứng hủy hoại tâm hồn con người". Kawabata đã có sự gặp gỡ, đồng điệu với những bậc thầy sáng tạo nghệ thuật trên hành trình đi tìm cái đẹp. Lộ trình ấy không bao giờ đơn độc, dẫu có lúc Kawabata tự nhận mình là "người lữ hành ưu sầu"...

LÊ THỊ HƯỜNG
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

--------------------------------------------------
(1), (2) E.M D' Jakonova. Truyền thống và cách tân trong tiểu thuyết Nhật Bản. (Thanh dịch). Trong Một số vấn đề tiểu thuyết hiện đại. UÃy ban khoa học xã hội Việt .
(3)
Nhật Chiêu, Bashô và thơ Haiku. Nhà xuất bản văn học, Khoa ngữ văn và báo chí đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 1994.
(4), (7)
V.V Trinnicốp. Những quan niệm thẩm mỹ độc đáo về nghệ thuật của người Nhật. Tạp chí văn nghệ, số 5/1996.
(5), (6)
Ngô Văn Phú (người dịch). Lời bạt nhân đọc Xứ tuyết. Trong Xứ tuyết. Kawabata, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1995.
(8)
Chuyển dẫn từ Lê Trí Viễn. Đôi nét về thẩm mỹ Việt . Tạp chí Văn học, số 4/1998.
(9)
B.A.E Ren Gross. Mỹ học – khoa học diệu kỳ. (Phạm Văn Bích dịch). Nhà xuất bản Văn hóa. Hà Nội 1984.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • MAI VĂN HOAN

    "Dư âm của biển" - theo tôi là cách gọi hợp nhất cho tập thơ mới này của Hải Bằng. Đặt "Trăng đợi trước thềm" chắc tác giả gửi gắm một điều gì đó mà tôi chưa hiểu được. Song với tôi "Trăng đợi trước thềm" có vẻ mơ mộng quá, tên gọi ấy chưa thể hiện được giai điệu cuộc đời của thơ anh.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), hiệu là Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội, là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, về nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân…

  • Chuyện gì xảy ra trong ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn? Nhiều người đã viết về sự kiện này. Một lần nữa, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã lên tiếng, cùng với sự trợ giúp của vợ và hai con - Nguyễn Hữu Thiên Nga và Nguyễn Hữu Thái Hòa.

  • Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật cho ra mắt bạn đọc một số đầu sách về sự kiện lịch sử này, về lịch sử kháng chiến Nam Bộ và về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của toàn dân Việt Nam.

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do Nxb Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    Tôi và nhiều bạn bè sinh viên còn nhớ nguyên vẹn cảm giác lần đầu nghe bài thơ “Đêm qua” của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đêm cư xá Huế lạnh và buồn đến nao lòng tê tái.

  • Ý NHI 

    1.
    Một buổi chiều, khoảng cuối năm 1989, chúng tôi có cuộc gặp gỡ tại nhà Trần Thị Khánh Hội, trong một con hẻm rộng, quận Phú Nhuận.

  • TRẦN HOÀI ANH

    (Kỷ niệm 49 năm ngày mất cố Thi sĩ Nguyễn Bính 1966 - 2015)

  • DƯƠNG PHƯỚC THU  

    Kể từ lúc thị xã Huế được nâng lên cấp thành phố, cho đến khi người Nhật làm cuộc đảo chính hất chân người Pháp khỏi đông Dương vào ngày 9/3/1945 thì Huế vẫn là thành phố cấp 3, nhưng là thành phố của trung tâm chính trị, văn hóa, nơi đóng kinh đô cuối cùng của nhà nước quân chủ Việt Nam.

  • HỒ VĨNH  

    Thi hữu Quốc Hoa Nguyễn Cửu Phương là một thành viên trong hội thơ Hương Bình thi xã do Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm hội chủ. Năm 1933 thi đàn đặt tên là Vỹ Hương thi xã, qua năm 1950 các thi hữu bắt đầu đổi tên Vỹ Hương thi xã thành Hương Bình thi xã.

  • Mùa xuân chiếm một ví trí quan trọng trong thơ Nguyễn Trãi. Xuân hiện lên bằng nhiều vẻ dáng khác nhau, được khắc họa bằng nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi một bài thơ xuân như là một trang nhật kí và cảm xúc của cuộc đời thi nhân.

  • Đọc sách Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý (ảnh, NXB Khoa học xã hội, Sách Khai tâm, quý 1/2015) của Hoàng Xuân Hãn là cách để “gặp lại” danh tướng Lý Thường Kiệt.

  • CAO HUY THUẦN

    Từ trong mênh mông, một sợi mưa rơi vào lá sen. Nước vốn không có hình. Nằm trong lá, nước tròn như một viên ngọc, tròn như một hạt lệ, tròn như một thủy chung. Gió thoảng qua, lá sen lay động, nước rơi không để lại một dấu vết, rơi như chưa bao giờ có, rơi như một hững hờ.

  • NGUYÊN QUÂN

    Những lúc bứt thoát được những hệ lụy cuộc sống, tôi chỉ thích được lang thang lên mạng, mong bắt gặp một câu thơ, một dòng văn nào đó gần gũi với tâm trạng để ru dỗ mình bằng những phút giây đồng điệu.

  • Trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Tế Hanh có dáng vẻ của một thi sĩ hơn cả, không phải chỉ bởi “đôi mắt nồng nàn lạ” (Hoài Thanh-Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam) mà còn là, hay chính là, bởi vẻ buồn ngơ ngác của ông, không phải chỉ trên vẻ mặt mà cả trong cách hành xử, ứng đối của ông với mọi người, mọi sự.

  • DA VÀNG

    (Đọc tập thơ Tùng Gai của Bạch Diệp, Nhà xuất bản Văn Học, 8/2014)

  • NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH

    Đồng hành cùng cuộc chuyển mình lớn lao của đất nước, văn học Việt Nam sau 1975 chứng kiến cuộc vật lộn âm thầm nhưng quyết liệt của bao văn nghệ sĩ trên hành trình tìm kiếm “sinh lộ” mới cho văn chương Việt.

  • Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -2014), NXB Quân đội Nhân dân vừa ấn hành cuốn sách Về cội nguồn Quân đội Nhân dân Việt Nam.

  • YẾN THANH

    Nếu nói một cách đơn giản rằng Đông phương luận hiện đại là một khía cạnh của cả chủ nghĩa đế quốc lẫn chủ nghĩa thực dân thì sẽ ít ai có thể tranh cãi được. Tuy nhiên, nói như thế chưa đủ. Cần phải trình bày nó một cách có phân tích, có tính lịch sử”. [Edward Wadie Said, Đông phương luận, Nxb. Tri thức, 2014, tr.200]

  • NGUYỄN KHẮC VIỆN

    Với một Gavroche, Victor Hugo đã viết nên những trang bất hủ. Trẻ em của chúng ta đã anh dũng, hồn nhiên tham gia cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của cha anh, dẫu chỉ một vài cá nhân; thế mà sách vở về mặt này còn quá ít. Nhà văn Việt Nam còn mắc nợ các em rất nhiều.