Đám tang

15:01 04/12/2009
HERTA MULLERHerta Mueller vừa được trao giải Nobel văn học 2009 vì đã mô tả cảnh tượng mất quyền sở hữu bằng một lối thơ cô đọng và một lối văn thẳng thắn. Truyện ngắn này rút từ tập truyện Nadirs (1982) là tác phẩm đầu tay của bà.

Tập truyện Nadirs (1982) đầu tay của Herta Muller - Ảnh: inbooks.com.au


T
rên sân ga xe lửa, những người họ hàng chạy dọc theo đoàn tàu đang phụt khói. Vừa chạy họ vừa giơ cao tay vẫy vẫy.

Một chàng trai đứng sau cửa sổ toa tàu. Ô kính kéo lên ngang tầm nách anh. Anh giữ chặt một bó hoa trắng tơi tả trước ngực. Khuôn mặt anh đờ đẫn.

Một phụ nữ trẻ bế một đứa bé nằm im ra khỏi ga. Người phụ nữ bị gù.

Đoàn tàu đang đi ra trận.

Tôi tắt ti vi.

Cha đang nằm trong quan tài đặt ở giữa phòng. Các bức tường dán đầy ảnh che kín cả tường.

Trong một bức Cha đứng cao gấp rưỡi chiếc ghế ông đang nắm tay. Ông mặc quần áo và đôi chân vòng cung của ông cứ khuỳnh ra. Đầu ông hình quả lê, bị hói.

Trong một bức khác Cha là chú rể. Bạn chỉ thấy được nửa ngực ông thôi. Nửa kia bị che khuất bởi bó hoa trắng tơi tả trong tay Mẹ. Đầu hai người kề sát nhau dến mức dái tai chạm vào nhau.

Trong một bức khác nữa, Cha đứng thẳng người trước hàng rào. Chân ông đi giày dẫm lên tuyết. Tuyết trắng lóa khiến ông như đứng giữa khoảng trống không. Một tay ông giơ cao lên đầu làm điệu bộ chào. Trên cổ áo ông thấy có những hình thù kỳ dị.

Trong bức kế bên Cha đang vác cuốc. Phía sau ông là những thân ngô dán chặt lên trời. Cha đội một cái mũ trên đầu. Cái mũ phủ một bóng râm lớn che khuất mặt ông.

Trong bức tiếp đó Cha đang ngồi sau tay lái một chiếc xe tải. Xe chở đầy bò. Hàng tuần Cha phải lái xe chở bò đến lò mổ trong thành phố. Khuôn mặt cha gầy và có những nét thô cứng.

Trong mọi bức ảnh Cha đều bị đóng khung ở tư thế nửa chừng. Trong mọi bức ảnh Cha trông như là không biết mình làm gì. Nhưng Cha luôn biết việc mình làm. Vì vậy các bức ảnh đều sai. Tất cả các bức ảnh đều giả, tất cả các khuôn mặt trong ảnh đều giả, chúng khiến căn phòng trở nên lạnh lẽo. Tôi muốn đứng lên khỏi ghế, nhưng quần áo tôi đã bị đóng băng vào gỗ. Quần áo tôi trong suốt và màu đen. Mỗi khi tôi cử động, nó kêu răng rắc. Tôi vươn tay chạm vào mặt Cha. Nó lạnh hơn các đồ vật trong phòng. Bên ngoài đang là mùa hè. Bọn ruồi bay loạn xạ. Làng trải dài dọc theo một con đường cát to. Con đường nóng bỏng, rám nắng, nhìn vào chói mắt.

Nghĩa trang xây bằng đá. Trên các ngôi mộ có rải đá cuội.

Khi tôi nhìn  xuống đất thì thấy đế giày đã bật ra. Tôi luôn dẫm phải dây giày. Chúng dài và nặng lết quết kéo lê phía sau tôi, đầu dây cuộn lên.

Hai người đàn ông bé nhỏ một cách kỳ lạ đang khiêng quan tài ra khỏi xe tang và hạ nó xuống huyệt bằng hai sợi dây thừng cũ nát. Cỗ quan tài lắc lư. Cánh tay hai người đàn ông và hai sợi dây thừng cứ vươn dài ra. Huyệt đầy nước dù là đang hạn hán.

Cha cô đã giết nhiều người, một trong hai người đàn ông nhỏ bé dáng say rượu nói.

Tôi nói: ông ấy đi lính đánh nhau. Cứ giết được hai lăm người thì được một huân chương. Ông ấy đã mang về nhà mấy tấm huân chương.

Ông ấy đã hiếp một phụ nữ trong ruộng củ cải, người đàn ông nhỏ nói. Cùng với bốn người lính khác. Cha cậu đã thọc một củ cải vào giữa hai chân cô ta. Khi bọn ta bỏ đi cô ta bị chảy máu. Cô ta người Nga. Các tuần sau đó, bọn ta gọi mọi thứ súng ống là củ cải tất.

Khi đó là cuối thu, người đàn ông nhỏ nói. Lá củ cải bị đen và cuộn lại vì sương giá. Nói rồi người đàn ông nhỏ đặt một hòn đá to lên quan tài.

Người đàn ông nhỏ dáng say nói tiếp:

Vào dịp Năm Mới, bọn ta đi xem opera ở trong một thị trấn nhỏ của Đức. Giọng hát của tay ca sĩ nghe the thé như giọng đàn bà Nga la hét. Bọn ta từng người một bỏ về hết. Chỉ cha cậu là ngồi nghe đến cuối. Mấy tuần sau ông ấy gọi tất tật bài hát là củ cải, tất tật đàn bà là củ cải.

Người đàn ông nhỏ uống rượu sơ-nap. Dạ dày ông ta sôi ùng ục. Bụng ta chứa đầy rượu sơ-nap y như huyệt đầy nước ngầm vậy, người đàn ông nhỏ nói.

Nói rồi người đàn ông nhỏ đặt một hòn đá to lên quan tài.

Người đàn ông chủ tang đang đứng cạnh cây thập giá bằng đá hoa trắng. Ông tiến lại chỗ tôi. Hai tay ông đút trong túi áo khoác.

Người đàn ông chủ tang có một bông hồng bằng bàn tay cài ở lỗ khuy áo. Bông hoa trông mượt mà, mềm mại. Khi đến sát bên tôi ông rút một tay ra khỏi túi. Đó là một bàn tay co quắp. Ông cố duỗi thẳng các ngón tay nhưng không được. Mắt ông trợn lên vì đau. Ông rên lên khe khẽ, chỉ đủ cho mình nghe.

Trong chiến tranh, anh không thể đi cùng đồng hương được, ông ta nói. Anh không thể ra lệnh cho họ ở quanh mình được.

Nói rồi người đàn ông chủ tang đặt một hòn đá to lên quan tài.

Bây giờ một người đàn ông béo bước đến đứng cạnh tôi. Đầu ông ta thuôn như một cái ống, không thấy mặt đâu.

Cha cô đã ngủ với vợ ta hàng năm trời, ông ta nói. Lão ấy đã hăm dọa ta khi ta say và cuỗm luôn tiền của ta.

Ông ta ngồi xuống một phiến đá.

Tiếp đó một phụ nữ nhăn nheo, khẳng khiu đi lại chỗ tôi, dậm chân xuống đất, chửi rủa tôi.

Đám người dự tang đứng ở phía bên kia huyệt. Tôi nhìn mình và hoảng sợ vì họ có thể nhìn thấy cặp vú của tôi. Tôi cảm thấy lạnh.

Mọi người đều đổ dồn mắt vào tôi. Những cặp mắt trống rỗng. Từ dưới mi mắt, các cặp đồng tử chĩa ra chòng chọc. Đàn ông khoác súng, đàn bà thì đeo chuỗi hạt.

Người đàn ông chủ tang rút bông hồng ra. Ông ta ngắt từng cánh hoa đỏ như máu cho vào mồm nhai.

Ông ta vẫy tay cho tôi. Tôi biết giờ là lúc mình phải nói. Mọi người đang nhìn tôi.

Tôi không nghĩ ra được lời nào. Mắt tôi trợn ngược lên đầu qua cổ họng. Tôi đưa tay lên miệng và gặm ngón tay. Mặt sấp tay tôi vẫn còn in dấu răng. Răng tôi nóng. Máu chảy từ khóe miệng nhỏ xuống vai tôi.

Một cơn gió giật tung tay áo tôi. Mảnh vải đen bị cuốn tung lên trời dập dờn bay lượn.

Một người đàn ông đang chống gậy dựa vào một phiến đá to. Ông ta giương súng nhằm vào ống tay áo bóp cò. Khi nó sa xuống đất ngay trước mặt tôi nó nhuộm đầy máu. Cả đám tang vỗ tay.

Cánh tay tôi lộ ra. Tôi đứng chết lặng giữa trời.

Người chủ tang ra hiệu. Đám đông thôi vỗ tay.

Chúng ta tự hào về cộng đồng mình. Các thành tích của chúng ta đã cứu chúng ta khỏi suy sụp. Chúng ta không muốn để mình bị xúc phạm. Chúng ta không muốn để mình bị phỉ báng. Nhân danh cộng đồng Đức của chúng ta, cô bị kết tội chết.

Tất cả họ chĩa súng vào tôi. Trong đầu tôi vang lên một tiếng nổ lớn.

Tôi ngã nhào nhưng không chạm đất. Tôi nằm lơ lửng trong không trung giữa những cái đầu của họ. Lặng lẽ tôi đẩy các cánh cửa mở ra.

Mẹ tôi đã lau chùi hết mọi căn phòng.

Bây giờ trong phòng có một chiếc bàn dài trên đó cơ thể được bày ra. Đó là chiếc bàn hàng thịt. Có một chiếc đĩa trắng để không và một cái bình cắm bó hoa trắng tơi tả.

Mẹ mặc một bộ đồ đen trong suốt. Bà cầm một con dao to. Mẹ đứng trước gương và dùng con dao to đó cắt rời bím tóc xám dày nặng của mình. Mẹ dùng hai tay bê bím tóc đến bàn. Bà để một đầu bím tóc lên chiếc đĩa.

Từ nay đến hết đời mẹ sẽ chỉ mặc đồ đen, bà nói.

Bà châm lửa vào đầu bím tóc. Lửa lan từ đầu bím tóc trên đĩa đến đầu kia. Bím tóc cháy như một cái cầu chì. Lửa liếm sạch và nuốt hết.

Ở Nga họ đã cạo tóc mẹ. Đó là hình phạt thấp nhất. Mẹ bị đói đến không đi vững nữa. Đang đêm mẹ bò vào ruộng củ cải. Người gác có súng. Anh ta mà thấy mẹ chắc sẽ bắn mẹ chết. Khu ruộng không phát ra tiếng sột soạt. Khi đó là cuối thu, lá củ cải bị đen và cuộn lại vì sương giá.

Tôi không nhìn thấy Mẹ nữa. Bím tóc đang cháy mạnh. Khói mù mịt khắp phòng.

Họ đã giết con, mẹ tôi nói.

Hai mẹ con không nhìn thấy nhau nữa vì cả căn phòng dày đặc khói.

Tôi nghe tiếng bước chân mẹ đi lại gần. Tôi giang tay ra sờ người mẹ.

Đột nhiên bà móc bàn tay xinh xắn vào tóc tôi. Bà móc đầu tôi. Tôi thét lên.

Tôi đột ngột mở mắt. Căn phòng quay tròn. Tôi đang nằm trên đống hoa trắng tơi tả và bị khóa ở bên trong.

Sau đó tôi cảm thấy tòa nhà chung cư này đang nghiêng xuống và đổ vào lòng đất.

Đồng hồ báo thức kêu. Bây giờ là năm rưỡi sáng thứ bảy.

NGÂN XUYÊN dịch từ tiếng Anh

(249/11-09)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HANS CHRISTIAN ANDERSON   

    Hans Christian Andersen sinh tại Odense, Đan Mạch, thuộc gia đình bình dân, cha là thợ đóng giày, mẹ là thợ giặt. Tuy gia cảnh tầm thường, cha ông lại say mê văn học, ông có cả một tủ sách văn học quý giá. Từ sau khi cha qua đời (năm Andersen 11 tuổi), cậu bé đã được thỏa thích đọc những quyển sách cha để lại.


  • George Saunders - Franz Kafka

  • Brazil, nhà văn danh tiếng Jorge Amado nói, không phải là một quốc gia mà là một lục địa. Trong phần đóng góp mới nhất của loạt nhà văn trẻ xuất sắc được tạp chí Granta giới thiệu, họ kể những câu chuyện rộng lớn và hấp dẫn của xã hội Brazil hiện đại và ai là tương lai của nó; trong những nhà văn chưa từng được dịch và giới thiệu này góp mặt có Ricardo Lísias đã xuất bản hai tiểu thuyết rất hấp dẫn người đọc.
    Xin chuyển dịch sang Việt ngữ từ bản dịch sang Anh ngữ của Daniel Hahn: “My chess teacher”.
                                  Dương Đức dịch và giới thiệu

  • Daly sinh trưởng tại thành phố Winchester, bang Indiana, Hoa Kỳ. Ông có bằng Cử nhân Văn chương của đại học Ohio Wesleyan University và bằng Bác sĩ Y khoa của đại học Indiana University. Trong 35 năm, ông là bác sĩ phẫu thuật tại Columbus, Indiana. Ông từng là một bác sĩ phẫu thuật cấp tiểu đoàn trong chiến tranh Việt Nam.

  • AMOS OZ

    Sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, tiếng gù của đôi chim bồ câu trong bụi cây bắt đầu trôi qua ô cửa sổ để mở.


  • ALBERTO MORAVIA

  • KATHERINE MANSFIELD (Anh)     

    Thời tiết thật tuyệt vời. Người ta sẽ không có một bữa tiệc ngoài trời hoàn hảo hơn nếu họ không tổ chức tiệc vào ngày hôm nay.

  • Shun Medoruma (sinh năm 1960) là một trong những nhà văn đương đại quan trọng nhất của Okinawa, Nhật Bản. Ông được giải Akutagawa Prize năm 1997 với truyện ngắn “Giọt nước” (Suiteki).

  • Có lẽ tác giả tâm đắc lắm với truyện này nên mới chọn để đặt tên cho cả tuyển tập. “The Persimmon Tree, and Other Stories (1943)” gồm 15 truyện ngắn, góp phần mang lại chỗ đứng vững vàng trong văn đàn nước Úc cho nhà văn nữ Marjorie Barnard (1897-1987), người có thể sáng tác nhiều thể loại khác nhau, kể cả phê bình và lịch sử.

  • MARK TWAIN  

    M. Twain (1835 - 1910) là nhà văn lớn của Mỹ, từng phải lăn lóc nhiều nghề lao động chân tay trước khi trở thành nhà văn, do đó văn của ông rất được giới lao động ưa chuộng.

  • L. TOLSTOY

    Các anh em từng nghe nói rằng: mắt đền mắt, răng đền răng; còn ta nói với các anh em rằng: đừng chống lại kẻ ác. (Phúc Âm theo Matthiew V, 38, 39).

  • VẠN CHI (Trung Quốc)

    Tôi nhớ hình như ở đây có một bến ô tô buýt. Phải, phải rồi, ngay chỗ giờ đây cô gái kia đang đứng, dưới ngọn đèn đường ảm đạm ấy. Tôi thong thả bước tới, hỏi thăm.

  • Peter Bichsel sinh tại Lucerne (Thụy Sĩ) ngày 24 tháng 3 năm 1935, là con của một người thợ thủ công. Ông là nhà giáo dạy tại một trường tiểu học cho tới năm 1968.

  • Chitra Banerjee Divakaruni sinh năm 1957 tại Calcutta, Ấn Độ. Bà học đại học tại Đại học Calcutta. Năm 1976, bà đến Mỹ học thạc sĩ và tiến sĩ, sau đó dạy văn chương tại các đại học ở đó. Bà làm thơ, viết tiểu thuyết và truyện ngắn, được trao nhiều giải thưởng văn học. Ngoài ra bà còn sáng lập tổ chức Maitri chuyên trợ giúp phụ nữ Nam Á bị xúc phạm.

  • SAKI   

    1. Saki là bút hiệu của nhà văn Hector Hugh Munro (1870 - 1916), sinh tại Miến Điện (nay là nước Myanmar) khi nước này còn là thuộc địa của Anh.

  • Kevin Klinskidorn trưởng thành ở Puget Sound - một vùng ven biển tây bắc bang Washington và hiện sống ở bờ đông tại Philadelphia. Anh đã được giải thưởng Nina Mae Kellogg của đại học Portland State về tác phẩm hư cấu và hiện đang viết tiểu thuyết đầu tay.

    Truyện ngắn dưới đây của anh vào chung khảo cuộc thi Seán Ó Faoláin do The Munster Literature Center tổ chức năm 2015.

  • NAGUIB MAHFOUZ  

    Naguib Mahfouz là nhà văn lớn của văn học Arab. Ông sinh năm 1911 tại Cairo (Aicập) và mất năm 2006 cũng tại thành phố này. Mahfouz đã viết tới 34 cuốn tiểu thuyết và hơn 350 truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết lớn nhất của ông là Bộ ba tiểu thuyết (The trilogy) (1956 - 1957).
    Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.

  • Pete Hamill sinh ngày 24 tháng 6 năm 1935, tại Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Ông là nhà văn, nhà báo. Ông đi nhiều và viết về nhiều đề tài. Ông từng phụ trách chuyên mục và biên tập cho báo New York Post và The New York Daily News.