Có một liệt sĩ xứng danh Anh Hùng viết hoa

09:40 30/06/2025
Trước hết, xin có vài dòng “bên lề”. Dạo này, do tuổi sắp chạm “cửu tuần”, mắt thì kèm nhèm (một mắt “cống hiến” cho các con đường từ hơn 60 năm trước, mắt còn lại, thị lực chỉ 3/10), nên ít đọc sách báo. Nhưng với tác phẩm mới của Nguyễn Quang Lập, tôi “đọc thử” hai chương rồi thấy khó buông sách vì liên tiếp bị… bất ngờ.

Nói vậy, vì tôi có “duyên” quen biết và dõi theo sáng tác của nhà văn đa tài này từ khi chàng còn là sinh viên. Đó là năm 1975, ngay sau ngày đất nước thống nhất, tôi vừa nhập “làng” văn nghệ, ra Hà Nội, đến Đại học Bách Khoa tìm sinh viên Nguyễn Quang Lập trao giải thưởng thơ của Hội Văn nghệ Quảng Bình. Sau đó, tôi luôn được đọc những trang văn “đặc biệt” của Nguyễn Quang Lập, bắt đầu là những truyện ngắn đặc sắc đăng trên Tạp  chí Sông Hương. Hai năm liền, Nguyễn Quang Lập được Tạp chí Sông Hương trao giải thưởng: “Người lính hay nói trạng” (Sông Hương số 9 năm 1984) và “Tiếng lục lạc” (Sông Hương số 12 năm 1985). Chính vì thế mà trong Sông Hương số 32 (tháng 7/1988), Kỷ niệm 5 năm Sông Hương ra số đầu tiên, do lúc đó Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ đang ở Liên Xô, tôi và Thư ký Tòa soạn Thái Ngọc San quyết định chọn trích tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” của Lập cùng với bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” của Trần Vàng Sao một thời có “tai tiếng” nhưng nhờ Đổi mới, lại trở thành bài thơ nổi tiếng, năm 2020 được chọn làm nhan đề tập thơ đạt Giải thưởng sách Quốc gia. Chuyện xảy ra thời Bình Trị Thiên còn sum họp một nhà, Sông Hương là tiếng nói của phong trào văn nghệ ba vùng đất “hội tụ” tại Huế. 37 năm đã qua rồi, nhiều người đã biết, nhưng vẫn muốn nhắc lại, nhất là vào lúc “làng” báo chí đang sôi nổi Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng như sự kiện sáp nhập tỉnh và xã. Ôi! Làm sao quên được Lễ kỷ niệm 5 năm Sông Hương ra số đầu tiên, ngoài những tên tuổi văn nghệ Bình Trị Thiên, lãnh đạo văn nghệ tỉnh bạn và Trung ương, còn có khách từ nước Byelorussia, Hội Người yêu Huế tại Paris.

Tôi nhắc lại sự kiện này còn vì năm đó, lần đầu tôi bình luận về tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Quang Lập khi viết trang giới thiệu “Những mảnh đời đen trắng” trên Sông Hương số 32. Trong bài viết có câu: “…Tôi cứ băn khoăn: Chẳng lẽ anh chỉ theo đuổi các số phận dị thường? Đến lúc cần dựng một nhân vật dung dị, liệu truyện còn sức hấp dẫn không?...”.

Mấy chục năm qua, tôi không viết một bài nào về Lập nữa vì chàng sinh viên Bách khoa 50 năm trước ngày càng nổi tiếng cả với phim ảnh, tạp văn và cả với vai trò nhà báo, khi Lập được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mời ra xây dựng Tạp chí Cửa Việt, rồi ra Hà Nội làm báo Văn Nghệ Trẻ, tôi có viết gì thêm cũng bằng thừa. Nhưng nay, khi Lập đã sắp lên lão bảy mươi, chân đi cà nhắc sau một lần đột quỵ, chẳng còn bay nhảy ham hố chi nữa, tôi lại hăng hái “vào cuộc” vì… bất ngờ với tác phẩm mới của Lập. A! Cái lão nhà văn tưởng là chỉ theo đuổi các số phận dị thường, nay lại viết truyện anh hùng liệt sĩ cho nhà Kim Đồng! Đọc xong tác phẩm, tôi “ngộ” ra một điều: một nhà văn vốn có một giọng điệu riêng như Nguyễn Quang Lập, đã phải trải qua cả nửa thế kỷ học hỏi, trau dồi nghề nghiệp mới viết được một tác phẩm mà tôi tin sẽ có sức sống lâu bền như “Làng ta có một anh hùng”.

Bất ngờ nữa là trong danh sách những người mà tác giả cảm ơn đã cung cấp tư liệu cho Lập viết cuốn sách này có tên người “chỉ huy tầm xa” của tôi là vị tướng lừng danh trên đường Trường Sơn huyền thoại Đồng Sĩ Nguyên (1923 - 2019) và một thủ trưởng trực tiếp của tôi trong năm 1966 - ông Lại Văn Ly (1929 - 2015) - người đã tạo điều kiện cho tôi viết xong tập ký sự đầu tay về cuộc chiến đấu trên đoạn đường chiến lược dưới chân đèo Mụ Giạ: “Vì sự sống con đường” (Nxb. Thanh niên, 1968; Nxb. Thuận Hóa tái bản có bổ sung 2011). Vậy mà đến nay tôi mới biết ông Ly từ năm 1947 - 1948, cũng như liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn - nhân vật chính của cuốn sách, từng là thành viên nhóm điệp báo do tướng Trần Quý Hai tổ chức, đã tham gia trận tấn công vào đồn Hoàn Lão những mong giải cứu cho Nhẫn, sau khi anh bị địch bắt. Chính “người kể chuyện” cho tác giả viết nên tác phẩm này cũng bị… bất ngờ. Chương 7 cuốn sách có đoạn: “…Còn nhiều bất ngờ thú vị lắm. Chú Thành làm nghề bốc vác ở bến chợ ga tàu, hiền lành nhu mì, suốt ngày không nói một tiếng, hóa ra là lãnh đạo Việt Minh đầu huyện đầu tỉnh. Chú Vũ bán dao, kéo, rựa ở chợ, vừa bán vừa ngủ, ngáy vang cả đình chợ, hóa ra là chỉ huy bộ đội chủ lực của huyện…” Cả hai đều là cấp trên trực tiếp của anh Nhẫn. Mà bạn có biết không, “Chú Thành”, tức là ông Cổ Kim Thành (1918 - 2005), cũng như ông Lại Văn Ly, sau này là lãnh đạo chủ chốt của Quảng Bình và tỉnh Bình Trị Thiên khi hợp nhất; còn “chú Vũ” tức là tướng Đồng Sĩ Nguyên nổi tiếng.

Cuốn sách còn nhiều bất ngờ nữa, xin nói sau vì chuyện “bên lề” có tính riêng tư mà dài quá rồi. Tuy chỉ là một bài báo, nhưng cái nghiệp văn đã quen đưa “cái riêng” vào trang viết. Mà hình như văn chương, đều thường bắt nguồn từ “cái riêng”, mới dễ chạm đến trái tim người đọc. Thì tác phẩm này của Nguyễn Quang Lập cũng vậy. Bạn đọc phần tiếp sau sẽ rõ. Người liệt sĩ - nhân vật chính của tiểu thuyết được miêu tả chủ yếu từ một góc nhìn riêng tư.

*

Người liệt sĩ ấy có tên thật là Nguyễn Tiến Nhẫn (1929 - 1948), quê làng Phan Long, thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình). Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã có nhiều anh hùng được Nhà nước phong tặng, đồng thời có rất nhiều người từng lập được những chiến công xuất sắc, nhưng không chính danh là anh hùng, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người lập chiến công nổi tiếng được cả tướng Pháp kính nể là “Hùm xám” Đặng Văn Việt, khi là sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế đã kéo lá cờ cách mạng đầu tiên lên Kỳ đài Huế trước ngày khởi nghĩa, đến cuối đời chỉ là trung tá! Cũng có khi chỉ do điều kiện không kịp lập hồ sơ, hoặc một đơn vị - trong thời đoạn nào đó, chỉ có thể chọn một anh hùng. Vậy nên chàng thanh niên Ba Đồn hy sinh lúc 19 tuổi, là điệp báo viên khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bắt đầu - một công việc thầm lặng, bí mật, thành tích không phải ai cũng biết, chưa (hoặc không) được phong tặng danh hiệu anh hùng là điều dễ hiểu.

Vì thế, từ “anh hùng”, đúng ra phải đặt trong ngoặc kép do đây là anh hùng mới được nhà văn Nguyễn Quang Lập phong tặng khi in cuốn sách này. Tuy vậy, đọc xong tác phẩm, tôi xin được tôn vinh người liệt sĩ trẻ tuổi xứng danh là một Anh Hùng viết hoa. Thành tích của anh xứng đáng như thế, chứ không phải do nhà văn tô vẽ, thổi phồng. Chỉ riêng tài trí, công phu trong thời gian anh luồn sâu vào hang ổ địch lấy được kế hoạch 2 đợt càn quét lớn nhằm xóa sổ làng chiến đấu Cảnh Dương anh hùng khiến chúng thảm bại đã là một chiến công đặc biệt xuất sắc. Trận đánh nổi tiếng đã được ghi vào sử sách; tôi đã thử “kiểm tra”, gõ từ “làng Cảnh Dương” thấy ngay bài báo “Làng chiến đấu Cảnh Dương” trên báo “Quân đội nhân dân” ngày 13/12/2006 có đoạn viết:

“…Biết bao lần kẻ thù hung hãn mưu toan “san phẳng” Cảnh Dương nhưng đều thất bại thảm hại. Nổi bật nhất là trận chống càn của quân và dân Cảnh Dương ngày 12/7/1948. Hôm đó, địch tấn công ra Cảnh Dương bằng 3 cánh quân với lực lượng hơn 1.000 tên, 31 xe cơ giới, 12 máy bay và 8 tàu chiến, ca-nô. Cánh thứ nhất từ Ba Đồn theo Quốc lộ 1A đánh vào phía Nam. Cánh thứ hai bằng không quân chở lính dù đổ bộ xuống vùng Tây Bắc. Cánh thứ ba địch sử dụng tàu chiến, ca-nô tấn công bằng đường biển. Sau khi dùng hỏa lực từ biển cấp tập bắn vào làng để uy hiếp, các cánh quân Pháp tiến vào, tạo thành gọng kìm hòng xóa sổ làng Cảnh Dương bất khuất…”.

Nguyễn Quang Lập không hề bịa ra trận đánh lịch sử này; chỉ khác, anh miêu tả với cây bút của một nhà văn có tài, trong đó có công lao của điệp báo viên Nguyễn Tiến Nhẫn. Mặt khác, nhờ công phu sưu tầm tư liệu, qua lời kể của “bà cụ Lê” - một nhân chứng thời đó, tác giả còn cho biết làng Cảnh Dương bị kẻ địch tấn công nhiều lần vì đó là “Cảng Việt Minh”. “Rồi đây sử sách sẽ ghi chép. Chỉ riêng một ngôi làng nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã vận chuyển 674 tấn hàng, đã viết nên một cuốn sử lớn… Thời kháng Pháp đó là con số dễ sợ, nể lắm. Cảnh Dương có Binh trạm 11, có Đội vận tải biển 139…”. Bà cụ Lê đã nói như thế ở trang mở đầu trận càn quét dữ dội nhất vào làng Cảnh Dương. Như thế, từ câu chuyện một liệt sĩ, những trang sử anh hùng của một vùng đất nổi tiếng thời Bình Trị Thiên khói lửa vẫn là một kho báu vô tận cho nhà văn sáng tạo. Đó là chưa nói, thời chống Mỹ, những tay chèo kỳ cựu và dũng cảm ở Cảnh Dương là một trong số đội quân mở đường “Đường Hồ Chí Minh trên biển” tiếp vận cho chiến trường Trị Thiên ruột thịt. Sự tích này tôi được biết chính trong thời gian bắt đầu về làm việc dưới “trướng” ông Lại Văn Ly.  

Cho dù vậy, như tôi hiểu, tác giả viết tác phẩm này không nhằm “bổ sung”, làm sáng tỏ thành tích, công lao của người liệt sĩ đã hy sinh từ hơn 70 năm trước. Đúng như Nxb. Kim Đồng giới thiệu, “Câu chuyện về chàng trai ở ngôi làng Phan Long nhỏ bé ven bờ sông Gianh sớm có lòng yêu nước rồi trở thành một tình báo viên trẻ tuổi đã được nhà văn Nguyễn Quang Lập kể lại theo cách đặc biệt của mình…”. “Cách đặc biệt” đó chính là thủ pháp, giọng điệu riêng của nhà văn. Dù vậy, tôi vẫn bất ngờ với tác phẩm mới của Lập. Tôi tin là nhiều người cũng… bất ngờ, nhất là vì tên sách dễ làm bạn đọc tưởng đây là truyện anh hùng mà chúng ta từng quen. Trong “Lời nói đầu”, tác giả viết: “Đây là một sáng tác, một tiểu thuyết được viết với thủ pháp trộn lẫn giữa hư cấu và phi hư cấu…”. Thủ pháp này, nhiều tác giả viết tiểu thuyết lấy nguyên mẫu là những con người có thật. Cái “đặc biệt” - cái tài của Lập là đã tạo ra một không gian nghệ thuật đầy chất lãng mạn, tươi trẻ mà vẫn chân thật, chuyển tải được các thành tích, phẩm chất cốt yếu của người anh hùng.

Nói theo danh từ của học giả Phan Ngọc, cái “mẹo” cao cường của tác giả trong cuốn tiểu thuyết này là mượn đôi mắt trẻ thơ của cô láng giềng Mai Thị Lê, ngày đêm nhìn ngắm chàng Nguyễn Tiến Nhẫn qua khung cửa sổ luôn có cánh bướm vàng bay lượn suốt 19 năm ròng, rồi kể lại cho chúng ta nghe mọi hoạt động của chàng. Rất nhiều câu chuyện vui đùa dí dỏm, nhiều trò nghịch ngợm của nhóm trẻ làng Phan Long: Bộ ba Nhẫn, Lê và Trinh - con nhà tư sản Thuận Đức yêu nước. Nhiều tiểu thuyết đã dựng những mối tình “tay ba” hấp dẫn; nhưng ít có mối tình “tay ba” thơ trẻ cảm động và đẹp như bộ ba Nhẫn-Lê-Trinh. Những trang miêu tả tình yêu của bộ ba này, khi thực khi mơ, lúc thầm kín rụt rè nhưng cũng có phút bồng bột, nồng ấm và thật lãng mạn, nhất là sau những ngày Nhẫn “biệt tích”, hoặc nghe đồn anh bị bắt, nhưng rồi bất ngờ hiện về. Trong chương nhắc lại chiến công của Nhẫn khi làm liên lạc cho “chú Vũ” (tên thật của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên) từ năm 12 tuổi, anh đã khôn khéo lợi dụng các cây trâm bầu rỗng ruột để làm chỗ ẩn nấp tránh địch, “bà cụ Lê” cho biết: “lâu lâu anh “mất tích” một tuần, rồi bất ngờ xuất hiện trước cửa sổ nhà em. Một tuần vắng anh với em là bảy thế kỷ. Bảy thế kỷ, em ngồi tưởng tượng anh đi về những đâu …”. Trong một lần Nhẫn bất ngờ trở về, “bà cụ” nhớ lại:

“Em sợ anh biến mất, vội vàng kéo tay anh qua cửa sổ hôn lấy hôn để, áp hai tay lên má em.

C’ est lui pour moi, moi pour lui dans la vie…

Anh hát rồi em hát, chúng mình cùng thì thầm hát…”.

Nhẫn đậu Primaire, nói tiếng Pháp cực siêu, nên ông Trần Quý Hai (1913 - 1985; nguyên là Tư lệnh chiến trường Bình Trị Thiên, về sau là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) mới chủ trương “cài” anh vào hàng ngũ địch. Anh ghét thằng Tây xâm lược, nhưng rất thích hát tiếng Pháp rồi dạy cho cô bé láng giềng cùng hát. Thích nhất là bài “La vie en rose” (Đời màu hồng) mà cô giáo Angelie dạy Trường Phủ tập cho cả lớp, trong đó có câu “Anh thuộc về em, em thuộc về anh suốt cuộc đời này”.

Lời kể của “bà cụ Lê”, khi là tiếng nói “người trong cuộc” - đó là những cảnh, những tình tiết “cụ” trực tiếp tham gia lúc còn trẻ; nhưng nhiều khi là sự việc thuật lại theo lời kể của người cùng hoạt động với anh Nhẫn. Cách thể hiện lời kể của bà cụ cũng rất “đặc biệt”, uyển chuyển, khi hư khi thực, lúc lại là giấc mơ… Bạn đọc có thể nghĩ “bà cụ” kể lại chuyện đời xưa cho tác giả nghe, nhưng thật ra, chủ yếu là giọng điệu của “bà cụ” trò chuyện với vong linh người yêu đã hy sinh! Hình ảnh con bướm vàng luôn xuất hiện, khi thực, khi mơ hẳn là biểu tượng sự hiện hữu của tâm linh con người, cả lúc thể xác đã về với cát bụi.

Với một lối viết như thế, tác phẩm trở nên phong phú, sinh động nhờ tính đa chiều, đa thanh.

“Mẹo” tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập còn thể hiện ở kết cấu tác phẩm. Tác giả đã công phu tạo dựng một kết cấu xen kẽ thực - hư trong cả 16 chương sách. Mở đầu mỗi chương là cuộc đối thoại ở thời điểm hiện tại giữa tác giả và bà cụ Lê 91 tuổi - người yêu của liệt sĩ, đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh (một trong hai nhân chứng còn sống đã cung cấp tư liệu cho tác giả và có thể là “nguyên mẫu” của nhân vật này). Đoạn đối thoại này in chữ nghiêng. Ví như mở đầu Chương 7, tác giả hỏi bà cụ Lê:

- Năm 1945, thím 12 tuổi? 

- Tuổi “mụ” là mười ba. Ngày đó con gái tuổi mười ba là đến tuổi cặp kê rồi […]. Tui nói với anh Lập rồi mà, tui yêu anh Nhẫn khi còn trong bụng mẹ…

Sau đó là câu chuyện kể của bà với nhiều góc nhìn khác nhau; mặc dù có phần “hư cấu” như tác giả đã “tự thú” trong “Lời nói đầu”; nhưng đoạn đối thoại mở đầu với tính chân thật 100% đã tạo niềm tin cho độc giả suốt cả tác phẩm, trong đó, nhiều sự kiện lịch sử đã được tái hiện một cách sống động như nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu - 1945 hay cảnh dân chúng đón phái đoàn Gô Đa khi Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm quyền (1936 - 1939), rồi cảnh Nhật đảo chính và những ngày vui sau Cách mạng Tháng Tám. Và chính là khi đọc những trang văn thuật lại những sự kiện nhiều người đã biết với góc nhìn “riêng tư” của các nhân vật, tôi lại bị… bất ngờ do được gặp lại một người quen - anh Hồ Văn Danh (1924 - 2012). Thật không ngờ ông anh thân thiết cùng sống gần 8 năm trời trong những căn “nhà hầm” thời phản lực Mỹ gầm rú suốt ngày đêm tại Trại Cau (nơi sơ tán của Sở Giao thông Quảng Bình), sau tháng 8/1945 là thành viên Ủy ban Cách mạng lâm thời khu vực Phan Long - Ba Đồn, nên được cử phụ trách “Tuần Hội sách báo” trong chuỗi hoạt động sôi nổi Tuần lễ vàng, xóa mù chữ, chống giặc đói ngay khi chính quyền Việt Minh được thành lập. Trong Chương 9 của tác phẩm, “bà cụ Lê” đã nhớ lại:

“Anh và anh Trinh đứng gian báo chí. Nghe anh giới thiệu với bà con, biết anh đã đọc hết các báo Cờ Giải phóng, Tiếng Dân, Phong hóa, Ngày nay… Có lẽ anh đã đọc từ tuổi lên mười. Em được đứng gian sách văn, những Bỉ vỏ, Số đỏ, Tắt đèn, Bước đường cùng… toàn những tiểu thuyết lần đầu em mới thấy […]. Chúa thương em. Cách mạng cũng thương em nốt. Ơn Chúa, ơn Cách mạng, “cô bé da trắng tóc dài” được nhiều người biết đến. Em đi đâu cũng có những cái nhìn theo. Chúa còn thương em khi em được chọn cùng anh, “chàng Phan Long đẹp trai”, nâng ảnh Cụ Hồ ở hội chợ…”.  

Đó là lời “bà cụ Lê” kể lại với góc nhìn khi còn là cô bé 12 tuổi. Ôi chao! Chỉ định dẫn một chi tiết “riêng tư” được gặp lại anh Danh trong sách; thế mà lại trích dẫn dài dòng. Cũng bởi… bị lối viết của chàng Lập thu hút, nhưng quan trọng hơn là câu chuyện của cô bé Lê kể lại làm tôi ngộ ra một điều không hề riêng tư và nhỏ bé. Thì ra cái vùng đất Ba Đồn lâu nay “thiên hạ” tưởng chỉ là nơi hội tụ dân buôn bán nổi tiếng với chợ Bò, té ra lại rất văn hóa - văn hóa theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Có mấy nơi tổ chức được “Tuần Hội sách báo” ngay sau nạn đói kinh hoàng và dân chúng nhiều người còn mù chữ. Trong sự kiện nhỏ mà đặc sắc này có một chi tiết không nên bỏ qua: Nhà thuốc Thông Dư của ông Lưu Trọng Dư, em trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, là người tài trợ cho Hội sách. Vậy nên vùng quê này mới sản sinh ra khá nhiều người “có chữ”, trong đó chàng liệt sĩ tuổi 19 và cô bé Lê hơn mười tuổi không theo Đạo Ki-tô nhưng lại tin có Chúa, đều biết nói tiếng Tây, thích hát cả “La Marseillaise” Quốc ca Pháp, mà lại hăng hái chống quân xâm lược! 

Có lẽ cũng cần nói thêm công phu về mặt ngôn ngữ của tác giả trong tác phẩm này. Như tôi được biết, Nguyễn Quang Lập hình như chỉ học tiếng Nga; riêng việc in nguyên văn các bài hát tiếng Pháp cùng vô số tên vũ khí, đơn vị lính tráng bằng tiếng Pháp có chú thích rất chi tiết đã phải tốn không ít thời gian và tâm sức. Tác giả còn thận trọng trong việc dùng từ địa phương khi đối thoại, hay gọi tên các cây cỏ, trò chơi, địa danh… vừa đủ tạo nên “không khí” truyện, vừa không “làm khó” cho bạn đọc rộng rãi, đồng thời có chú thích kỹ lưỡng… Đó không chỉ là công phu mà còn thể hiện tình yêu của tác giả đối với quê hương và trách nhiệm của nhà văn đối với bạn đọc.

*

Nếu tôi không nhầm, có rất nhiều anh hùng thành tích lẫy lừng, luôn được đề cao trong những dịp kỷ niệm trang trọng, nhưng không (hoặc chưa) trở thành nhân vật tiểu thuyết như Nguyễn Tiến Nhẫn. Sau khi bị địch xử bắn ngày 16/8/1948, người thanh niên 19 tuổi này chỉ là một liệt sĩ như ngàn vạn người con đất Việt đã hy sinh vì Độc lập và Tự do của Tổ quốc; đến nay, nhờ tài năng của nhà văn, chàng trai chưa mấy ai biết tên ở ven bờ sông Gianh, đã thành một Anh Hùng viết hoa trong lòng độc giả. Nói cách khác, văn học nghệ thuật có giá trị đích thực là sự tôn vinh lớp người đã hy sinh xương máu cho dân tộc một cách đẹp nhất, lâu bền nhất.

Có thể nói: nhà văn Nguyễn Quang Lập đã may mắn tìm được một nguyên mẫu để dựng một liệt sĩ có thật trở thành nhân vật tiểu thuyết sinh động; và ngược lại, liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn đã có “duyên” được nhà văn quê hương chọn làm nhân vật tiểu thuyết để có hạnh phúc sống “mãi mãi tuổi hai mươi” trong lòng độc giả nhiều thế hệ như nhà văn Đức Anna Seghers đã viết trong tiểu thuyết “Những người chết còn trẻ mãi”.

Từ nhân vật trung tâm là một liệt sĩ, tác giả đã dựng nên bối cảnh cuộc chiến đấu và đời sống muôn vẻ của cả một vùng đất khá đặc biệt ở phía bắc Sông Gianh một thời “Bình Trị Thiên khói lửa”. Bên cạnh các “thủ trưởng” của Nguyễn Tiến Nhẫn - về sau trở nên những tên tuổi nổi tiếng như tướng Đồng Sĩ Nguyên, Trần Quý Hai…, tác giả đã miêu tả nhiều hoạt động thể hiện lòng yêu nước của rất nhiều lớp dân cư một vùng đất 90% theo Việt Minh, trong đó có nhiều trí thức, các nhà buôn, con cháu của quan phủ Quảng Trạch.

Còn nhiều điều đáng viết về cuốn sách này. Để các bạn còn tìm sách đọc, tôi đã “bỏ qua” không nói đến nhiều đoạn miêu tả trò chơi thuở ấu thơ rất thú vị, cũng như những hoạt động tình báo khá hồi hộp, rồi chuyện Nhẫn đã lọt được vào hang ổ địch bằng cách nào, cũng như vì sao anh bị bắt… Chỉ “tiết lộ” thêm lý do cuộc tấn công vào Hoàn Lão để giải thoát anh Nhẫn do chính “chú Vũ” lập kế hoạch đã thất bại vì không ngờ địch đã chuyển anh vào nhà lao Đồng Hới ngày trước! Và thế là chúng dẫn anh ra Ba Đồn xử bắn trước hàng vạn người dân quanh vùng, trong đó có “em Lê”. Trong trang cuối sách, người yêu của Nhẫn đã nhớ lại:

“…Bỗng anh ngẩng phắt lên nhìn về phía em, cái nhìn như đẫm máu rực sáng lửa tình. Cái nhìn cuối cùng anh dành cho em trước khi về trời. […] Ba phát trúng anh… Có hai phát bắn trượt. Nhưng cả năm phát đạn đều trúng tim em!”

Đó là đoạn cuối Chương 16. Không phải ngẫu nhiên tác giả kết cấu tác phẩm với 16 chương. Anh Nhẫn hy sinh vào lúc người yêu của anh lên tuổi 16 trăng tròn!

Vậy đó! Tôi đã định gọi cuốn tiểu thuyết này là một bản tình ca. Không chỉ vì mối tình Nhẫn - Lê đẹp mà đau đớn như một huyền thoại mà còn vì tình yêu vô bờ của tác giả đối với mỗi tên xóm, mỗi căn nhà, mỗi gốc cây, mỗi phiên chợ, mỗi món ăn… của quê hương. Và chính là trong hai cuộc trường chinh kháng chiến của đất nước ta, kẻ xâm lược giàu súng đạn, rốt cuộc đã thất bại trước một dân tộc đã chiến đấu với tình yêu cao đẹp đó.

N.K.P
(TCSH436/06-2025)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Tin nổi bật
  • HOÀNG KIM DUNG      (Đọc trường ca Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây)Nhà thơ Lê Thị Mây đã có nhiều tập thơ được xuất bản như: Những mùa trăng mong chờ, Dịu dàng, Tặng riêng một người, Giấc mơ thiếu phụ, Du ca cây lựu tình, Khúc hát buổi tối, v.v... Chị còn viết văn xuôi với các tập  truyện: Trăng trên cát, Bìa cây gió thắm, Huyết ngọc, Phố còn hoa cưới v.v...Nhưng say mê tâm huyết nhất với chị vẫn là thơ. Gần đây tập trường ca Lửa mùa hong áo của nhà thơ Lê Thị Mây đã được nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. (quý IV. 2003)

  • PHẠM PHÚ PHONGTrước khi có Hoa nắng hoa mưa (NXB Thanh Niên, 2001), Hà Huy Hoàng đã có tập Một nắng hai sương (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí minh, 1998) và hai tập in chung là Một khúc sông Trà (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) và Buồn qua bóng đuổi (NXB Văn hoá Dân tộc, 2000). Đã có thơ đăng và giới thiệu trên các báo Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Lao động, Người lao động, các tập san, tạp chí Thời văn, Tiểu thuyết thứ bảy, Cẩm thành hoặc đăng trong các tuyển thơ như Hạ trong thi ca (1994), Lục bát tình (1997), Thời áo trắng (1997), Ơn thầy (1997), Lục bát xuân ca (1999)...

  • Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sinh ngày 9 tháng 9 năm 1937. Quê ở Triệu Long, Triệu Hải, Quảng Trị. Năm 1960, tốt nghiệp khóa I, ban Việt Hán, Trường đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, nhận bằng cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế. Năm 1960 - 1966, dạy trường Quốc Học Huế. Từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ - ngụy đòi độc lập thống nhất Tổ quốc. Năm 1966 - 1975, nhà văn thoát li lên chiến khu, hoạt động ở chiến trường Trị Thiên. Sau khi nước nhà thống nhất, từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt.

  • ANH DŨNGLTS:  Kết hợp tin học với Hán Nôm là việc làm khó, càng khó hơn đối với Phan Anh Dũng - một người bị khuyết tật khiếm thính do tai nạn từ thuở còn bé thơ. Bằng nghị lực và trí tuệ, anh đã theo học, tốt nghiệp cử nhân vật lý lý thuyết trường Đại học Khoa học Huế và thành công trong việc nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh bộ Phần mềm Hán Nôm độc lập, được giải thưởng trong cuộc thi trí tuệ Việt Nam năm 2001.Sông Hương xin giới thiệu anh với tư cách là một công tác viên mới.

  • SƠN TÙNGLTS: Trong quá trình sưu tầm, tuyển chọn bài cho tập thơ Dạ thưa Xứ Huế - một công trình thơ Huế thế kỷ XX, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết các nhà thơ lớn đương thời khắp cả nước đều tới Huế và đều có cảm tác thơ. Điều này, khiến chúng tôi liên tưởng đến Bác Hồ. Bác không những là Anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hoá thế giới mà còn là một nhà thơ lớn. Các nhà thơ lớn thường bộc lộ năng khiếu của mình rất sớm, thậm chí từ khi còn thơ ấu. Vậy, từ thời niên thiếu (Thời niên thiếu của Bác Hồ phần lớn là ở Huế) Bác Hồ có làm thơ không?Những thắc mắc của chúng tôi được nhà văn Sơn Tùng - Một chuyên gia về Bác Hồ - khẳng định là có và ông đã kể lại việc đó bằng “ngôn ngữ sự kiện” với những nhân chứng, vật chứng lịch sử đầy sức thuyết phục.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊAnh Hoài Nguyên, người bạn chiến đấu của nhà văn Thái Vũ (tức Bùi Quang Đoài) từ thời kháng chiến chống Pháp, vui vẻ gọi điện thoại cho tôi: “Thái Vũ vừa in xong TUYỂN TẬP đó!...” Nhà văn Thái Vũ từng được bạn đọc biết đến với những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ như “Cờ nghĩa Ba Đình” (2 tập - 1100 trang), bộ ba “Biến động - Giặc Chày Vôi”, “Thất thủ kinh đô Huế 1885”, “Những ngày Cần Vương” (1200 trang), “Thành Thái, người điên đầu thế kỷ” (350 trang), “Trần Hưng Đạo - Thế trận những dòng sông” (300 trang), “Tình sử Mỵ Châu” (300 trang)... Toàn những sách dày cộp, không biết ông làm “tuyển tập” bằng cách nào?

  • MINH QUANG                Trời tròn lưng bánh tét                Đất vuông lòng bánh chưng                Dân nghèo thương ngày Tết                Gói đất trời rưng rưng...

  • NGUYỄN THỊ THÁITôi không đi trong mưa gió để mưu sinh, để mà kể chuyện. Ngày ngày tôi ngồi bên chiếc máy may, may bao chiếc áo cho người. Tôi chưa hề may, mà cũng không biết cách may một chiếc Yêng như thế nào.

  • Nhà thơ Hải Bằng tên thật là Vĩnh Tôn, sinh ngày 3 tháng 2 năm 1930, quê ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông mất ngày 7 tháng 7 năm 1998.

  • NGUYỄN VĂN HOACuốn sách: "Nhớ Phùng Quán" của Nhà xuất bản Trẻ, do Ngô Minh sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn với nhiều tác giả phát hành vào quý IV năm 2003. Cuốn sách có 526 trang khổ 13x19cm. Bìa cứng, in 1000 cuốn. Rất nhiều ảnh đẹp của Nguyễn Đình Toán - nhà nhiếp ảnh chân dung nổi tiếng của Việt nam. Đơn vị liên doanh là Công ty Văn hoá Phương Nam.

  • ĐÀ LINHĐể có trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, trước đó quân đội Nhân dân Việt Nam đã có những trận đánh để đời mở ra những khả năng to lớn về thế và lực cho chúng ta. Trong đó Trận chiến trên đường (thuộc địa) số 4 - biên giới Cao Bắc Lạng 1950 là một trận chiến như vậy.

  • HOÀNG VĂN HÂNLướt qua 30 bài thơ của Ngô Đức Tiến trong “Giọng Nghệ”, hãy dừng lại ở những bài đề tài tình bạn. Với đặc điểm nhất quán, bạn của anh luôn gắn liền với những hoài niệm, với những địa chỉ cụ thể, về một khoảng thời gian xác định. Người bạn ấy hiện lên khi anh “nghĩ về trường” “Thăm trường cũ”, hoặc là lúc nhớ quá phải “Gửi bạn Trường Dùng” “ Nhớ bạn Thanh Hoá”. Bạn của anh gắn với tên sông, tên núi: sông Bùng, sông Rộ, Lạt, Truông Dong, Đồng Tháp.

  • FAN ANHTrên thế gian này tồn tại biết bao nhiêu báu vật, hoặc những huyền thoại về báu vật, thì cũng gần như hiện hữu bấy nhiêu nỗi đau và bi kịch của con người vốn dành cả cuộc đời để kiếm tìm, bảo vệ, chiếm đoạt hay đơn giản hơn, đặt niềm tin vào những báu vật ấy. Nhẫn thạch (Syngué sabour - Pierre de patience) của Atiq Rahimi trước tiên là một báu vật trong đời sống văn học đương đại thế giới, với giải thưởng Goncourt năm 2008, sau đó là một câu chuyện về một huyền thoại báu vật của những người theo thánh Allad.

  • KIM QUYÊNSinh năm 1953 tại Thừa Thiên (Huế), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1976, sau đó về dạy học ở Khánh Hoà (Nha Trang) hơn 10 năm. Từ năm 1988 đến nay, nhà thơ xứ Huế này lại lưu lạc ở thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục làm thơ và viết báo. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện nay là biên tập viên Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật của Sở Thông tin Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh.

  • VÕ QUANG YẾN Tôi yêu tiếng nước tôi                Từ khi mới ra đời làm người                                                Phạm Duy

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGKhao khát, đinh ninh một vẻ đẹp trường tồn giữa "cuộc sống có nhiều hư ảo", Vú Đá, phải chăng đó chính là điều mà kẻ lãng du trắng tóc Nhất Lâm muốn gửi gắm qua tập thơ mới nhất của mình? Bài thơ nhỏ, nằm nép ở bìa sau, tưởng chỉ đùa chơi nhưng thực sự mang một thông điệp sâu xa: bất kỳ một khoảnh khắc tuyệt cảm nào của đời sống cũng có thể tan biến nếu mỗi người trong chúng ta không kịp nắm bắt và gìn giữ, để rồi "mai sau mang tiếng dại khờ", không biết sống. Cũng chính từ nhận thức đó, Nhất Lâm luôn là một người đi nhiều, viết nhiều và cảm nghiệm liên tục qua từng vùng đất, từng trang viết. Câu chữ của ông, vì thế, bao giờ cũng là những chuyển động nhiệt thành nhất của đời sống và của chính bản thân ông.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHTôi nghe rằng,Rạch ròi, đa biện, phân minh, khúc chiết... là ngôn ngữ khôn ngoan của lý trí nhị nguyên.Chan hoà, đa tình, niềm nỗi... là ngôn ngữ ướt át của trái tim mẫn cảm.Cô liêu, thuỷ mặc, bàng bạc mù sương, lấp ló trăng sao... là ngôn ngữ của non xanh tiểu ẩn.Quán trọ, chân cầu, khách trạm, phong trần lịch trải... là ngôn ngữ của lãng tử giang hồ.Điềm đạm, nhân văn, trung chính... là ngôn ngữ của đạo gia, hiền sĩ.

  • MAI VĂN HOANTập I hồi ký “Âm vang thời chưa xa” của nhà thơ Xuân Hoàng ra mắt bạn đọc vào năm 1995. Đã bao năm trôi qua “Âm vang thời chưa xa” vẫn còn âm vang trong tâm hồn tôi. Với tôi, anh Xuân Hoàng là người bạn vong niên. Tôi là một trong những người được anh trao đổi, trò chuyện, đọc cho nghe những chương anh tâm đắc khi anh đang viết tập hồi ký để đời này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ giới thiệuNhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà phê bình Hoài Thanh (1909-2009)Chúng ta từng biết cố đô “Huế Đẹp và Thơ” một thời là nơi hội tụ các văn nhân, trong đó có những tên tuổi kiệt xuất của làng “Thơ Mới” Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…; nhưng nhà phê bình Hoài Thanh lại đến với Huế trong một hoàn cảnh đặc biệt và có thể nói là rất tình cờ.

  • LÊ TRỌNG SÂM giới thiệuBà sinh ra và lớn lên ở Painpol và Saint-Malo, một đô thị cổ vùng Bretagne, miền đông bắc nước Pháp. Học trung cấp và tốt nghiệp cử nhân văn chương ở thành phố Nice, vùng xanh da trời miền nam nước Pháp. Là hội viên Hội nhà văn Pháp từ năm 1982, nay bà đã trở thành một trong số ít nhà văn Châu Âu đã tiếp thu và thâm nhập sâu sắc vào rất nhiều khía cạnh của văn hoá Việt Nam.