NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
Gái quê nghèo ấy người ta nghèo đến cả cách đặt tên. Anh Lô lên lớp đệ tam rồi, học ở tỉnh về, bà con vẫn gọi là anh Lọ, dù tên anh là Nguyễn Lô hẳn hoi, may ông anh làm ủy viên hộ tịch xã sửa lại cho.
Minh họa: Nhím
Nhiều khi Lô buồn lắm, nhưng có khi cũng thấy nhớ cái tên Lọ cha mạ anh đặt cho. Một niên khóa học ở trường tỉnh, không nghe ai kêu Lọ ơi cũng nhớ. Nhớ như nhớ dái mít chấm muối ớt, như cà chấm ruốc nhai nghe rạo rạo cát. Và nhớ nhất là em Ngọc, Lan Ngọc.
Oái oăm là em Ngọc cũng bị dân làng kêu là em Nọc.
Cha mạ Ngọc nuôi bốn con heo nọc, nhà Ngọc thuộc loại giàu nhất làng. Bốn con Nọc chạy gieo tinh khắp vùng, một phát hai thúng lúa, nên có khi Ngọc phải dắt heo nọc đi. Năm đó Ngọc khoảng mười hai tuổi, Lọ lên mười, cứ chạy theo đám trẻ trâu trong xóm theo Nọc, vừa chạy vừa la, “Nọc tới Nọc tới tụi bay ơi.” Lọ cũng thế.
Cho đến một ngày, năm đó, Lô mười bốn, Ngọc mười sáu. Lô lớn rồi và “có học”, và thương Ngọc lạ lùng, đêm nào nằm mơ cũng thấy chị Ngọc đẹp như tiên trong các truyện thần thoại. Lô đâm ghét những thằng trẻ trâu hay chọc ghẹo chị Ngọc.
Heo nhà Lô động đực, Ngọc vâng lệnh cha dắt heo đến phối. Hơn cây số chạy theo con heo “khát tình”, đến sân, Ngọc ngồi khóc. Mạ Lô rót nước chè mời Ngọc cũng không uống, cứ khóc. Con heo nọc nhảy vô chuồng không phối được do con nái nhỏ quá, còn trinh. Mạ Lô kêu lên, Ngọc ơi giúp bác một tay. Ngọc đứng vụt lên, quyệt tay áo lau nước mắt rồi chạy nhanh vào chuồng heo. Lô chạy theo, Ngọc quắc mắt phán, “không được vô đây”. Lô đứng khựng lại.
Ngày Tết Mậu Thân, Lô đã lên lớp đệ tam, phải ra tỉnh học. Có mấy người bạn ở tỉnh về chơi, hỏi, ở đây em nào đẹp nhất, Lô “thật thà khai báo”, “Chỉ có chị tau là đẹp nhất”. “Chị nào”. Lô dẫn mấy bạn đi thăm nhà Ngọc. Ngày tết heo nhà Ngọc được nghỉ bảy ngày (không biết tâm trạng các anh heo có vui khi được nghỉ không, heo khác người làm sao mà biết được) nên cả nhà vui vầy sum họp. Thấy nhóm của Lô vào, Ngọc xúc động lắm. Trai làng chẳng ai đến chơi nhà cô gái, dù đẹp mà có “quá trình” dắt heo nọc.
Tóc Ngọc không cuốn lọn đào như khi chạy theo heo nọc mà thả tóc... thề. Cái nơ vàng hoa cúc trễ xuống trên đôi lông mày cong như trăng khuyết. Má Ngọc đỏ au, mắt chớp chớp, “Chào anh Lô và các bạn đến chơi”. Lô sướng ngất, lần đầu được Ngọc gọi anh. Cầm chén trà mà tay cứ run run rồi… dạ, “Chị Ngọc khỏe khôông”. Ngọc liếc mắt qua các anh rồi dừng lại ở Lô như ngầm bảo, vô duyên, “con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” sao không khỏe được.
Ngọc kêu mấy đứa em dọn mứt, bánh đầy bàn. Ngọc lại nheo mắt như trêu Lô, “ê, uống chút bia nghe”. Lô… “dạ”. Mấy đứa bạn cười rúc rích, “phải nói cho đủ câu, dân văn chương mà, “dạ, thưa chị Ngọc em chưa biết uống bia ạ”. Cả đám cười vang. Mặt Lô đỏ lên, vừa tức vừa sướng. Ngọc liếc nhẹ qua Lô, như ngầm bảo, đừng có mà lộn xộn, vẫn chị em đó, nghe chửa. Cùng tuổi, nhưng mấy thằng thành thị này tinh quái hơn Lô. Tụi nó cứ cười, nhéo nhau la ỏm tỏi, Lô thì mặt đỏ lên, nhìn tụi bạn như cầu xin. Ngọc lấy ra mấy chai bia, trịnh trọng, “hôm ni là ngày đầu xuân, là ngày vui nhất trong năm, đối với gia đình và… đời Ngọc được tiếp các anh. Một bạn phải uống hết một chai La-ve nghe”.
Uống đứa chai bia mà say ngất, có đứa rớt xuống ruộng. Ngọc đi theo một đoạn, kêu “ hi hi, con trai yếu rứa, Ngọc cũng một chai như các anh mà”. Thằng Huy nghịch nhất mà lúc say cũng lạng quạng, nói lắp bắp, “Chị Ngọc ơi, chị đẹp... kinh hồn, tui chưa khi mô chộ ai đẹp như chị. Nàng Mỹ Lệ lớp mình gặp chị Ngọc, thì ôi thôi rồi... xin bái”. Hắn khật khưỡng cười he he, he he, giọng nhừa nhựa. Chị Ngọc mắt đỏ hoe, “Chào các anh nghe... sang năm lại về chơi, nghe. Chúc các anh... chân cứng... đá mềm”. Năm đứa nhìn theo mái tóc rung rinh, rung rinh theo nhịp đi. Hình như nơi nào từ thân thể Ngọc cũng rung rinh, như đang múa.
Đêm đó năm thằng ngủ chung ở căn nhà cha mạ Lô để lại làng, chọc nhau không ngủ được, bèn có sáng kiến làm thơ, đứa hai câu, ghép lại để mai thằng Lọ có nhiệm vụ trao cho nàng Ngọc. Thằng Huy nhập đề:
Làng Đông có chị Ngọc Lan
Người chi mà đẹp bà Hoàng cũng thua
Ha ha, thằng Quy tiếp:
Mắt xanh, má đỏ, môi hờ
Tóc như mây mượt lên bờ da non
Đến lượt thằng Lô, hắn bí. Thằng Hoàng cứu bồ:
Mối tình thằng Lọ héo hon
Mần chi tội rứa, heo con nái xề.
Lô nổi nóng, bảo “im đi mấy thằng ba trợn” rồi ôm mặt khóc hu hu.
Đang vui đang buồn thì súng nổ, súng nổ rát từ phía nhà Ngọc. Cả năm thằng chui xuống hầm núp đạn. Vừa run vừa cười. Lô khóc hưng hức, kêu Ngọc ơi Ngọc ơi, có răng không chị. Mấy thằng còn lại nín, không dám cười.
Sáng ra, nghe tiếng khóc từ phía xóm chị Ngọc. Nghe bà con “trạo”, có mấy ông nghĩa quân đang uống bia cùng gia đình Ngọc bị bắn chết. Tiếng khóc thảm thiết của những người mạ khóc con giữa khuya não nề, da diết. Các ông nghĩa quân cũng chỉ hơn Lô vài tuổi. Mấy đứa cúi rạp người đạp xe ngược lên tỉnh. Hú hồn!
Mồng tám Âm lịch, thứ hai đi học. Cả lớp nhìn nhau chờ Thầy. Thầy trong Huế kẹt chưa ra được. Đạn pháo thì cứ ầm ào phía làng Lô. Trực thăng bay như chuồn chuồn, bắn rocket từng loạt xuống những dãy tre mù mù phía xa. Cả năm thằng ra ngồi ở cánh đồng nhìn về hướng khói. Khói và khói, âm âm, u u. Và lửa, và những tiếng nổ ầm ào như sấm rền. Lô gục đầu trên cuốn sách, nước mắt nó cứ thế tuôn, nhòe cả cuốn tiểu thuyết, hình như là cuốn Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Vai nó rung lên, Ngọc ơi là chị Ngọc ơi…
Mùa xuân năm đó, một mùa xuân đầy chết chóc tang thương, từ thành thị lan dần về miền quê, từ từ xa về phía Trường Sơn, rồi im bặt. Trên không, những chiếc trực thăng vẫn bay bay vu vơ, không còn mục tiêu để bắn. Những vành khăn tang quả phụ trễ tràng trên đôi mắt u hoài đi nhận xác chồng, đi làm sổ tử tuất cũng bình thường như người ta đi chợ.
Ngọc vẫn biệt tăm. Lô hỏi bà con có người bảo Ngọc chết rồi, lại có người nói Ngọc theo du kích lên rừng rồi. Và chàng Lô cứ… làm thơ:
Tóc bay từng vạt gió nồm
Dậy thì như sóng hương cồn cào lên
… …
Nửa đêm nằm khóc một mình
Em là em chị như tình quê hương
Một hôm, trên đường phố thị xã, từ xa, có một cánh áo dài bên một anh lính Mỹ, Lô nhận ra ngay chị Ngọc. Lô đứng nép vào cánh cửa của hiệu sách để Ngọc không nhận ra. Ngọc dẫn anh bạn Mỹ vào hiệu sách, hai người nói tiếng Mỹ, Lô cũng nghe được phần nào, ý như sau: “Tôi có đứa em, là người yêu tôi, nhưng nếu giờ gặp lại, không biết tôi phải nói với anh ta thế nào, vì tôi biết anh ta rất ghét Mỹ. Tôi mua cuốn này nhé, để có dịp tôi tặng đứa em tội nghiệp ấy”. Lô thấy chị cầm trên tay cuốn Đoạn tuyệt và hôn lên đó.
Lô nhìn theo cái bóng nhỏ nhắn của chị Ngọc bên anh chàng Mỹ cao to, xa dần dưới nắng trưa. Tối đó Lô chiêm bao thấy chị Ngọc mang súng AK chạy trong lửa đạn. Rồi thì thấy chị chết. Rồi thì thấy chị bị đè bẹp dưới chàng Mỹ to béo. Lại thấy chị Ngọc nghẹo cổ sang một bên, nước mắt chảy ròng, cái nơ hoa cúc móp méo trên lọn tóc rối bù... Lô hét lên, tung mền đứng nhìn ra đêm. Mưa. Gió bấc và nước mắt Lô hòa vào đêm, cái đêm kinh hoàng ấy theo Lô cả đời.
*
Sau 1975 Lô về quê làm ruộng. Hợp tác xã xơ xác những cánh đồng. Có lần ba Ngọc đi cuốc đất thải cùng, bảo, hay là chú cháu mình mua vài con heo đi dắt đực, chú bỏ vốn, cháu dắt nghe. Thương con Ngọc quá, giờ không biết nó ở mô. Đầu óc “kinh tế thị trường” của ba Ngọc ấy mà được việc. Mấy tháng sau đã có hai anh nọc trai tơ sung sức, nghiệt là Lô khó xử quá. Có học nhất làng mà cứ dắt nọc chạy kiểu ni thì khi mô có vợ, lại có lý lịch xấu nữa. Một tối, ba Ngọc mua đâu về nửa lít rượu, mời Lô lên nhà bàn chuyện. Ba Ngọc bảo, giàu lên thì ai cũng nể, sợ chi. Uống rượu ngà ngà, Lô thề với ba Ngọc là sẽ dắt Nọc để… làm giàu. Mà giàu thiệt. Thời đó bà con nuôi heo nhiều, nhu cầu heo giống không đủ, vậy là Lô và ba Ngọc ăn nên làm ra, chỉ cần một năm đã có của dư của để. Nhưng nào đã yên. Hợp tác buộc phải đưa heo nọc vào đội chăn nuôi, rứa là tiêu.
Đội heo nái heo nọc gọi là chăn nuôi HTX không biết cách chăm sóc, dẫn đi phối nó chỉ đứng nhìn, không mần chi được. HTX mời cha Ngọc lên hỏi kỹ thuật, vì răng mà ông nuôi nó nhảy ngày tới 2 cái, mà HTX nuôi nó nhảy nhiều nhất là một cái. Ba Ngọc tỉnh bơ nói, công lao động hợp tác tui được 2 lạng lúa thì tui cuốc theo kiểu 2 lạng, heo cũng như người mà.
*
Năm 2002, Lô năm hai tuổi, chị Ngọc năm bốn. Chị là Việt kiều đầu tiên về làng vào dịp Tết. Xe đậu ở đường quan, chị đi bộ, một mình về nhà. Tụi nhóc chạy theo, có đứa phụ chị mang vác va li. Tóc chị vẫn... thề như xưa, cái nơ vàng cũng duyên dáng nở hoa cúc trên đôi mắt buồn tênh. Đường xóm sáng hơn, không âm u bóng tre như thời chị dẫn heo nọc chạy khắp vùng. Chị vui, chị buồn, chị cười mà nước mắt cứ ứa ra. Những chân chim rẽ quạt bên mắt chị nhòe nước, miệng chị lại cười toe chào bà con. Chị xoa đầu từng cháu, tụi nó không nghịch như xưa, không còn gọi chị “Nọc tới Nọc tới”. Chị nhớ Lọ ghê gớm, cậu bé hiền, có đôi mắt biết nói. Và súng đạn, và chết chóc. Và những chiếc xe nhà binh mang chị chạy hút vào các doanh trại lính Mỹ... và.
Tần ngần trước nhà, chị ngửi mùi phân heo, điều mà mấy mươi năm rồi chị nhớ. Tiếng heo kêu, không phải vài con như xưa mà là hàng trăm con từ nhà chị. Chị hoảng loạn bước vào, nằm ngay trên bộ phản ngày xưa chị nằm đọc sách của Lọ cho mượn. Ôi, đời chị, đọc sách thấy toàn nhân vật tiểu thư mà chị thì đi dắt heo nọc. Cả làng chẳng đứa con trai nào để ý, trừ Lô. Câu đầu tiên chị hỏi mạ, cậu Lô giờ sao rồi mạ. Đứng sau lưng mạ là Lô, anh mặc bộ đồ công nhân còn mùi phân chuồng gật đầu thưa, dạ, em Lô đây chị. Chị băng tới, ôm chầm Lô mà hức hức, mùi phân heo cùng mùi đàn ông quyện vào nhau thành nỗi niềm cồn cào da diết. Ba chị chết rồi, để trại heo mấy trăm con cho đứa cháu độc thân trung thành gần hết đời với heo.
Buổi tối. Hai chị em đi dọc đường xóm. Trăng hạ tuần. Lô nhìn sững đôi mắt ướt của chị, trên đó đôi lông mày nhíu lại, khuyết đi thành hai nửa vòng tròn gần nhau.
Hai chị em ngồi xuống trước sân trường, nơi ngày hai chị em cùng học, nhắc chuyện xưa, cái ngày chị dẫn heo tới nhà Lô. Chị hỏi sao anh chưa lấy vợ (lại anh). Lô vẫn tưng tửng như xưa “Ngu lâu quá chị ơi, hay là chị bày cho em đi, như ngày xưa vậy. Tại chị không cho em nhìn heo nhảy, nên cứ ngu hoài.” Chị quắc mắt nhìn sửng Lô, đập lên vai Lô, nói như khóc như cười, “ôn nội mi chơ, thằng nứt mắt, thằng Lọ”. Rồi chị lại xoa đầu Lô, rồi chị khóc, rồi chị nói bập bệu, “còn mô nữa, Lọ ơi, mất hết rồi, hết rồi tuổi thơ ơi là tuổi thơ, Lọ ơi là Lọ, Nọc ơi là Nọc...”.
N.Đ.M
(TCSH352&SDB29/06-2018)
DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết (René Char)
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.
NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.
NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.
NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.
NHẤT LÂM Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.
NGUYỄN TRƯỜNG Nơi hầm tối là nơi sáng nhất (Thơ Dương Hương Ly)
TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".
HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.
NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.
XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.
NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.
NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.
NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!
HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.
NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.
MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.
HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.
TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.
LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.