LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.
Minh họa: Nhím
Chàng cảm thấy những bóng người lướt đi trong sương đêm, những bước đi êm ả, dường như đã giải phóng họ khỏi sự giày vò của một đời chiến binh lao khổ. Họ đã im lặng, im lặng nặng nề ngự trị trên khuôn mặt và đôi chân. Dường như đã có một cuộc lột xác hoàn toàn của những người lính, mới đây thôi được nhồi nhét bằng thứ nộ khí và anh hùng. Hà cớ gì những kẻ cùng ông cùng bà, cùng nói một thứ tiếng, cùng đi trên một đôi chân Giao Chỉ lại lao vào nhau?!
Chàng sờ tay lên khuôn mặt mình, sền sệt chất nhầy đáng sợ, của máu hay thứ mồ hôi sa trường không ít lần đã đọng lại sau những cuộc tử chiến sống còn. Gió thu mang tinh khôi của hương rừng xa xăm lướt nhẹ trên cánh mũi. Chàng thấy người con gái đẹp nhất làng đi hái măng trong rừng, trên vai còn gùi cả nhành hoa dại. Nàng mặc áo tím, tím mung lung trong cơn thao thức chiều muộn, như báo hiệu điều gì đó không vẹn toàn. Lúc đó, chàng mới cảm giác sự sống vẫn còn đang hiện hữu. Rồi chàng khóc, điều mà không một người lính trận nào có thể làm, trọn vẹn trong một cuộc chiến.
Nhưng những hố sâu thê lương có thể được xóa đi nhờ lưu vực của dòng sông mê mằn mặn, ướt át. Tạo hóa đã ban cho, có quyền phán xét và kết liễu.
Tiếng khóc khô khốc như đá của lính, lộn chộn giữa bốn bề đêm thẳm.
Chàng hét lên: Ta là lính trận, đồn trú đạo Lưu Đồn. Có ai còn sống không?
*
Thành vắng bóng người. Những bức tường đổ sập xuống lòng phố, những mái nhà cháy đen, những lá cờ rũ rượi, những ngõ nhỏ xanh xao, những dấu chân hốt hoảng... còn vương vất lại dày đặc cả kí ức một màu đen đặc. Chàng ngồi xuống một bậc thềm rêu. Sự hiu hắt thấm trên từng liếp phên, dấu gạch. Chàng lấy gươm gạt một vệt chữ nhất xuống nền dài theo vệt nắng. Chẳng có âm thanh gì ngoài tiếng chuột lúc rúc đâu đó trong đống tro ngồn ngộn cuối góc thành. Một vài cánh chim điêu hót lượn lờ trên tiếng kêu mong cầu chết chóc. Chàng lại vẽ thêm một vệt nữa lên bức tường trước mặt, loang loáng bụi bạc rồi loang loáng... tím.
Một áo tím phất phơ trên cổng Tây thành. Chàng dụi mắt. Áo tím đứng đó, vẻ hờ hững, bất cần. Chàng chống gươm đứng dậy. Áo tím thướt tha tênh tênh bước đi trên mặt thành. Mặt nàng tròn như trăng, da nàng sáng tối thất thường như những áng mây trên núi Đâu Mâu. Nàng nở nụ cười của loài hoa oải hương tàn tạ.
Chàng mở miệng định nói gì nhưng chẳng có âm thanh nào phát ra. Áo tím vẫy tay, vẫn cười héo úa. Lính trận chạy đến lối bậc thang lên thành. Bước nặng như chì. Đây đâu phải là điều gì đó mơ mộng giữa mùa chiến chinh bạo liệt. Kẻ chinh nhân thường gắn với những bóng hồng, giá như làm cho nó đỡ đầm đìa cái thói nhớp nhơ xác thịt thì hẳn đã là một kết cục viên mãn của hoa.
*
- Ngươi hãy mau về dinh mà bẩm lại với Chúa là bọn Trần Giai(1) đã hàng giặc, để quân Quận Việp(2) vượt qua sông Gianh vào được đất Bố chính. Lũy Thầy khó giữ rồi!
Viên trấn thủ thành Cao Lao nói xong thì thổ huyết, mắt trợn ngược chết trên tay chàng. Những lời của ông nói chàng nghe rõ cả, một lính trận thì không thể không nghe lời chủ tướng. Chàng buông viên trấn thủ khỏi tay mình, để ông nằm vùi trong bãi xác người lổn nhổn đã bốc mùi tanh lợm. Lính trận nhổm người quan sát xung quanh, thấy đuốc của Trịnh quân thấp thoáng xa xa khỏi bãi thây ma tử chiến hồi chiều. Chàng nhặt một thanh gươm lận vào người rồi bò men theo bờ sông đi về hướng tây, cho đến khi không còn thấy ánh đuốc của quân doanh nào cả mới dừng lại rúc vào bụi cỏ ngủ cho đến sáng.
*
Trống thúc quân dồn dập đánh vào bên tai chàng. Trịnh quân tiến ồ ạt về lũy Trấn Ninh, cờ xí giương cao kiêu mạn. Bên sông, thuyền chiến cấp tập chuyển quân. Lính Bắc Hà nhanh nhẹn, tiến không sai một bước lùi không lấn một khoảng, mắt mũi lạ lẫm, ý tứ quan sát cảnh vật hai bên đường. Đi đến đâu cờ Quận Việp trương ra đến đấy, ngạo nghễ mà đường hoàng, thế tiến mà khả thủ.
Nhớ đến lời viên trấn thủ, chàng tức tốc men theo đường rừng đi về hướng Nam báo tin dữ. Chân bước đi nhưng hồn lan man bấu víu vào những tán cây lất phất sương mai. Cỏ ngậy mùi thu sớm, dồn ngập chân chàng. Tiếng ngựa hí vang xa, kèn gọi quân ròn rã. Mùa chiến chinh đánh thốc những cú trời giáng vào tâm hồn lao xao chuyện tre làng, xanh xanh đồng nội, lảnh lót tiếng ca buổi ban mai xa lắc xa lơ.
Có tiếng chuông ngân, tiếng mõ gõ, người xuống tóc cúi gập trên nền đất, đảnh lễ Phật Đài. A Di Đà Phật. Con về đây, về với miền Tịnh độ. Xa lắm, xa lắm, đừng bỏ đi. Đứng lại, chờ... chờ... chờ... Thuyền giác xa xôi, kia đường chánh đạo.
*
Khoảng cách còn lại rất gần, đủ để chàng thấy nàng, người con gái áo tím não nề đẹp trong những cánh buồn u uất. Nàng vẫn bước đi như không. Lính trận gào như ra lệnh: “Đứng lại!”. “Ta phải đi chết”. Nàng trả lời, lạnh lùng sắt đá. Bây giờ thì chàng mới thấy nàng bước đi khập khiễng, đứt đoạn. Lính trận đứng yên, không biết nói gì làm gì nữa. Nàng mặc chiếc quần lụa trắng xộc xệch, cả màu tím của áo cũng đen bẩn một cách khó hiểu. Nàng nhìn lính trận bằng cái nhìn khinh bỉ, rồi lại đi, lại nhìn, lại cười, như một bóng ma hời. Đoạn thành phía trước rách toạc, lộ ra một khoảng vực tử thần, cao hơn mười trượng. “Đứng lại, nguy hiểm!”. Lính trận nói như van lơn, tiến đến gần cách một cánh tay. Áo tím cười nụ cười đắng, nhìn xuống mặt thành. Nàng cau mặt, lại cười đau đớn. “Ta phải đi chết. Phải đi chết. Bọn lính ngươi là lũ khốn!”. Nước mắt áo tím túa ra, như một nguồn suối vắt khô sức mình mà tuôn chảy. Lính trận cảm thông, “đừng”, chàng đưa tay ra rất gần để áo tím có thể nắm gọn. “Đừng! Đừng...”.
Và chàng đã nghĩ đến việc cần thiết phải tuốt trần lưỡi gươm.
*
Vườn thu mùa này tan tác, lá rụng sầu nuột dưới những tán bàng khô khốc. Chàng dẫm lên từng chiếc là rào rạt. Đã hai ngày chưa có một chút gì vào bụng. Những con chim thất thần hót trên những chiếc cành meo mốc. Chàng nhặt cục đá định sẽ cho nó một quả. Nhưng khi nghĩ đến máu, chàng lại thôi. Con chim thấy động bay đi, một nhúm lông của nó lả tả rơi xuống. Lính trận chăm chăm nhìn những cánh trắng bay bay trong gió. Cho đến khi nó đừng lại bên một gốc cây. Một tay nải nằm bên dưới. Gạo. Gạo vương vãi trên cỏ, trên lá.
Chàng chưa kịp mừng thì đã thấy một đôi chân treo thõng trên nó. Một thiếu phụ thắt cổ trên cành cây. Lính trận quỳ xuống, thân run run. Cái xác đã cứng như một thân cây khô. Chàng tuốt gươm đào đất để liệm cho người. Khi đào xong cái hố, chàng mới biết cách đó hai gốc cây ba nấm mồ be bé mới vun đất. Máu dây khô quạch trên thân cây tang tóc. Những dấu tay khóc gào, cào trên mộ. Trên bàn tay thiếu phụ nhòe nhoẹt đất nâu.
Chàng ngậm ngùi xốc lại nhúm gạo đã nổi mốc. Đun nó trong chiếc bát sắt bằng lá khô. Khi chàng ăn xong, trời đã nhá nhem. Lính trận vẫn bước đi, vô định về hướng Nam. Gió heo may tạt vào mặt, lạnh như những linh hồn rủa hờn căm phẫn. Rẽ qua một lối mòn, trước mặt là một làng nhỏ, đổ ập trong bóng tối. Làng quê ngoại. Đây đó, lửa khói còn bốc lên, tanh khực máu khô.
Lính trận quỳ xuống, vục người lên đất.
Con không muốn đi nữa. Con không muốn đi nữa!.
*
Nàng quay lại, khẽ đưa tay. Lính trận vươn tay ra. Nàng rụt tay lại. Cười khanh khách. Rồi nhớm mình. Lính trận hụt hẫng, bàng hoàng nhìn áo tím thả mình xuống thành sâu, như một chớm gió, tím ngan ngát, cứa vào nỗi đau bất chợt hạnh ngộ, phút chốc li tan. Nàng là ai, chàng không cần biết, nàng thế nào, chàng không cần biết. Lính trận như muốn lao theo. Chàng thấy nàng nằm nghiêng dưới đất thành, mặt ngửa lên trời thao thiết.
Chàng rùng mình căm phẫn, nhảy phốc xuống đám Trịnh quân đang bước tới. Lính trận điên đảo chém, bổ, đâm... Chàng quỵ xuống, quăng gươm ra xa. Tiếng mõ đều đều vang trong tâm trí. Coốoc coốoc coốoc... Chàng ôm đầu chạy bổ khỏi tòa thành.
Lúc ấy, nàng bay lên, trên tay cầm bông hoa tím, cũng buồn như nàng. Nàng vẫy tay, cười tinh khôi. Đó là nụ cười đẹp duy nhất chàng thấy từ bấy cho đến nay.
*
Lính trận dừng chân, chống gươm đứng trước ngôi chùa cổ giờ đã thành đống gạch không rõ hình thù. Những búp sen lăn lóc nằm im trên thảm lá mục. Ngôi chùa nổi lên trên nền đen của trời chạng vạng, buồn ai oán. Chàng bước qua đống gạch. Mùi nhang đèn phảng phất đâu đây. Chàng tựa mình vào cửa chính của Đại hùng bảo điện, lim dim. Chàng thấy một người đàn ông cạo trọc đầu, ngồi tĩnh lặng trong bóng tối, lảng vảng đâu đó trong kí ức mình. Chàng mở mắt, bên tay chàng, tượng Phật rỡ ràng trong đêm tối, những ánh quang mềm dịu lạ kì, tỏa những vệt dài lung linh như là tưởng tượng. Một động lực vô hình đã kéo chàng đứng dậy, cúi xuống, quỳ chân đảnh lễ. A Di Đà Phật. Đường xa, đường xa, bờ chánh giác muôn vàn nẻo khó... xin dừng lại... quay đầu.
Con rắn mối thậm thụt qua lớp lá nhìn chàng như thể một hóa thân can đảm. Chàng vẫn chưa biết, lũy Thầy đã xẻ đôi. Nhưng ở đây, lính trận thấy bình an. Chàng nằm xuống, ngủ bên bậc thềm. Trong cơn mê, những tiếng bước chân hối hả nện trên đất, gió thổi ào ạt, những mạch huyết ấm nóng tràn qua da người, bung ra ngoài và nén vào đó sự trống trải, bất lực. Chàng thấy vị tỳ kheo hóa duyên trên con đường làng xanh bóng tre, qua mương nước, chiếc cầu, cánh đồng sen nguội gió... Trên con đường ấy, lính trận thấy một hình dung ngút ngát của thế giới xa mù, sẽ không còn khổ đau, không còn thù hận, không còn tham muốn... Con ơi, gieo một chút duyên dưới cội bồ đề. Nam mô...
*
Con vẫn còn mơ giấc mơ ấy, con nằm ngủ dưới cội bồ đề.
Thầy biết con sẽ về đây, con sẽ về, lính trận năm 1774. Tôi nói.
Con là ai?
Con là hạt bồ đề. Con đã nằm ngủ bên gốc cây ấy hơn 200 năm rồi.
Đúng là lính trận đã đập đầu lê gối từ cổng tam quan để vào đến Đại hùng bảo điện. Bầy rắn mối lò đầu qua đám lá nhìn, ngưỡng mộ.
Chùa im ắng, những con chim thôi cất tiếng hót. Chỉ có tiếng chuông là còn vọng ngân, lật trở giấc thiền để cô lại những hạt A-lại-da thức(3) thành một thứ thuần túy chân như.
Con đã là người! Chàng thầm thì.
Huế, tháng 10/2012
L.V.T.G
(SDB10/09-13)
....................................
1. Tướng chúa Nguyễn, đầu hàng quân Trịnh, làm hướng đạo trong đợt tấn công vào lũy Thầy năm 1774.
2. Tức Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776), tướng của chúa Trịnh, có công lớn trong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài và là tổng chỉ huy cuộc nam tiến đánh Đàng Trong tới Quảng Nam, phá được cả lũy Thầy.
3. Là một khái niệm của Phật giáo, theo âm của tiếng Phạn Alaya có nghĩa là cái kho, danh từ Hán-Việt gọi là tàng. A-lại-da thức được xem là thức căn bản của mọi hiện tượng, nên còn gọi là Hàm tàng thức. Thức này chứa đựng mọi sư trải nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần. Tất cả mọi chủng tử không phân biệt thiện ác, tốt xấu, mê ngộ và khổ vui, ngay cả vô ký đều được chứa đựng trong tàng thức này. A lại da thức có khả năng tiếp nhận, duy trì và làm các hạt giống chủng tử tăng trưởng, chuyển biến cho đến khi đầy đủ nhân duyên thuần thục chín muồi thì mới được đi tái sanh vào những thế giới thích hợp với căn nghiệp của mình.
GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.
NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…
NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.
MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.
PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.
HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!
HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm... Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.
NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.
VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…
TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.
ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.
ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.
VŨ NAM TRỰC Truyện ngắn
TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.
XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.
TRẦN THỊ TRƯỜNG Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.
NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...
HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.
PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.
NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.