Văn tế khóc vợ

15:39 06/05/2013

NGUYỄN PHÚC VĨNH BA

Lời người viết: Biết tin hiền thê của người bạn vong niên qua đời quá muộn, ghé thăm và nghe bạn than thở nỗi lòng, bỉ nhân không cầm được lòng xúc động. Thấy ông lão tám mươi rưng rưng khóc vợ, kể lể bao vui buồn ngày còn đủ vợ chồng, bỉ nhân xao xuyến vô cùng. Thay bạn, bỉ nhân viết quấy quá đôi hàng văn tế, chỉ mong nói hộ bạn nỗi niềm đau khổ đó. Than ôi! Chữ nghĩa cũng chỉ dành cho người sống đọc. Còn người đã khuất thì liệu có biết thấu chăng?

Ảnh: internet

Than ôi!
Thiên địa vô tình,
Tử sinh hữu phận.
Mình ra đi đã đành mệnh số, non xanh nước biếc thong dong,
Anh ở lại cố nén bi thương, nhà quạnh ngõ buồn ngớ ngẩn.
Cõi lòng như muối xát, chỗ xót chỗ đau,
Đôi mắt tựa ớt xông, giọt dài giọt ngắn.
Rồi mai mốt, mặc mấy kẻ lao xao xuôi ngược, phố thị vui đông,
Riêng nơi đây, chỉ có anh lận bận tới lui, sân vườn tẻ vắng.


Nhớ mình xưa,
Con cháu nòi ái quốc, vì phải nuôi mẹ già ôn mệ, cam tâm đành ở chốn quê nhà,
Cha anh gốc trung kiên, ra đi cùng đồng đội anh em, hăng hái quyết theo cờ cách mạng.
Nhà thiêu cửa cháy, giặc Pháp đốt tan,
Đồng trống làng hoang, dân Nam lánh nạn.
Lúc hái rau, lúc cắt cỏ, thất tha vất vưởng qua ngày,
Khi bắt ốc, khi mò đam, thui thủi đọa đày trót tháng.
Nào làm thuê, nào hàng xáo, cay đắng miếng cơm kiếm sống, khốn khổ bao kỳ,
Rồi ở đợ, rồi bán hàng, rách lành manh áo che thân, nhọc nhằn mấy chặng.
Mười mấy tuổi xông gai đạp gốc, ra sức bòn chài,
Ba miệng ăn trông sớm chờ chiều, dám đâu chểnh mảng.
Giành chính quyền toàn dân nổi dậy, cha trở về rồi cha lại lên khu,
Vỡ mặt trận bộ đội rút lui, anh lên núi và anh đi mất dạng.
Trời ơi! Lắm nỗi chua cay,
Đất hỡi! Biết bao xót đắng.
Trung trinh vẫn giữ, làm hòm thư sống chết, nguy hiểm đâu màng,
Chí khí không lay, tiếp lương thực giấu đùm, gian lao chẳng quản.
Một lòng theo tổ chức, sợ chi mật thám chằm hăm,
Trọn kiếp quyết đấu tranh, liều với cường quyền ngạo mạn.

Giơ ne vơ ký kết,
Lén lút giao liên địch vận, thân sắt đồng chốn Thừa Phủ đòn roi,
Âm thầm tình báo kinh tài, cánh câu nhạn nơi Trị Thiên gió nắng.
Mình Phú Lộc khó ngăn luồng bố ráp, xui sao sa lưới bẫy giăng,
Anh Hương Trà không thoát đợt vây lùng, rủi thật rơi vòng tra tấn.
Thân dẫu có đau vì kìm khảo, cùm tròng,
Miệng vẫn không khai dù điện tra, nước trấn.
Thức ăn thì rau héo, cơm siu,
Nơi ở ấy sàn trơn, vách ẩm.
Tình đồng chí chốn lao tù tủi nhục, anh nương mình giữ vững một niềm tin,
Duyên ái tình nơi địa ngục tối tăm, mình tựa anh thêm dày bao nỗi hận.
Mơ ngày mai thoát khỏi xiềng lao lý, bền gan son sắt lập công,
Hẹn rồi đây nhập lại cuộc đấu tranh, quyết chí gan lì xung trận.


May thay,
Bứt được gông cùm,
Lọt qua thẩm vấn.
Năm 57 thoát đời tù ngục, một thân mà bươn chải tảo tần,
Năm 63 nên nghĩa phu thê, hai đứa cứ miệt mài cần mẫn.
Về An Cựu, mình bán buôn đủ thứ, hòng gạt bầy mật vụ truy tra,
Nơi Exxo
*, anh làm lụng qua ngày, vẫn theo lời đảng đoàn hướng dẫn.
Làm nhà mua đất, nuôi cái con học tập đàng hoàng,
Tậu máy thuê người, tạo cơ sở làm ăn sòng phẳng.
Năm 68 nhà tan vì pháo đạn, xót xa ơi, số phận gặp hồi đen,
Qua 70 tiệm dựng lại quy mô, may mắn quá, cơ may tìm tay trắng.
Cũng sức mình lo toan khuya sớm, trông nom sổ sách chi li,
Thêm công anh tất bật hôm mai, điều động thợ thầy chóng vánh.
Dẫu giàu sang không chút se sua,
Dù vất vả đâu hề chán nản.
Đôi chồng vợ chung lưng đấu cật, xa phường gần phố, trông những ganh ghen,
Lũ con thơ sát cánh chen vai, trong xóm ngoài thôn, thấy đều khen tặng.


Xuân 75 về,
Cùng cả nước chung chia khổ sướng, mặc dẫu rằng chỉ áo vải quần xô,
Với toàn dân gìn giữ vững bền, ăn chi sá vài rổ khoai củ sắn.
Chuyển tới bán cửa hàng chất đốt, bán cà phê rang tẩm, ngày ngày lo mậu dịch lăng xăng,
Xoay qua làm cắt dán áo mưa, làm kem giặt chế pha, tháng tháng nhập quốc doanh đều đặn.
Nuôi gà, ấp trứng, bỏ công cùng bỏ sức, trời xót thương ủng hộ được lời,
Trồng lúa, chăn bò, ra vốn với ra tiền, đất cảm mến trợ phù nên thắng.
Sướng thật sướng, sáu con đều thành đạt, con nhờ đức mẹ, mãn nguyện ước ao.
Mừng quá mừng, trăm việc thảy chu toàn, việc có tay mình, chuyên tâm lo lắng.
Huân chương nhà nước tặng, hai ba cái treo cao,
Gia nghiệp chúng ta xây, chín mười lần tỏ rạng.


Hỡi ơi!
Thấm thoắt đã qua thời gian khổ, toàn gia đình chung hưởng quãng đời vui,
Oan nghiệt sao đến buổi hưu nhàn, chỉ một mình riêng mang căn bệnh nặng.
Tìm thuốc đã chín nơi mười chốn, bôn ba xông xáo, anh đây đâu sá nhọc nhằn,
Rước thầy đủ bốn hướng tám phương, bươn bả cầu mời, con chúng một niềm sốt sắng.
Chỉ mong rằng mình chóng được khoẻ lành,
Ai hay được anh sớm đành lẻ bóng.
Tình nồng nghĩa thắm, năm mươi năm khăng khít, bóng dáng mình in sâu,
Gối chiếc chăn đơn, còn một kiếp lạc loài, cõi lòng anh chết lặng.


Ơi mình ơi,
Kể mấy cho vừa,
Nói sao hết đặng,
Lầu cao cổng đẹp, chăn êm nệm ấm, ai hưởng cho đây?
Con giỏi cháu ngoan, chồng tốt dâu hiền, mình sao đành đoạn?
Con từ nay không còn thấy mẹ, nhớ bao nhiêu nhớ chỉ than dài,
Cháu mai mốt sẽ chẳng gặp bà, buồn có mấy buồn đành thở ngắn.
Tiễn mình đi, này chồng này con này dâu này cháu, đầm đìa nước mắt hai hàng,
Dìu anh bước, kìa em kìa chị kìa bạn kìa bè, thất thểu đường quê mấy chặng.
Thôi cũng hết phận đời lao nhọc, mong mình nay sạch nợ trần gian,
Thế là xong số kiếp đa đoan, riêng anh mãi nặng lòng bi oán.


Mình ơi,
Anh biết từ đây,
Mình đà xa vắng.
Hồn có linh nghe
Mấy lời ai vãn.


-------------
* Exxo: Tên một đại lý xăng dầu trước 1975.

Tháng 7/2012

N.P.V.B
(SDB8/3-13)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • Nguyễn Đức Tùng - Nguyễn Tân Dân - Huyền Thư - Đông Hương - Nguyễn Bội Nhiên

  • Vũ Dy - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Văn Thanh - Triệu Nguyên Phong - Ngưng Thu - Nguyễn Duy Hới - Huỳnh Lê Nhật Tấn - Nguyễn Văn Học - Đặng Văn Sử - Từ Hoài Tấn - Ngô Bá Hòa - Trường Thắng - Khaly Chàm

  • Ngoài chùm thơ gửi đến, tác giả Lữ Thị Mai không ghi thêm thông tin gì. Tuy vậy khi đọc thơ xong mới hay có lẽ cũng không cần giới thiệu gì nhiều; ngần ấy cũng đủ cho chúng ta thấy đó đích thực là con đường thi ca của một tác giả trẻ đang đi theo vết dấu của thủy thần…
    S.H

     

  • Phan Lệ Dung - Châu Thu Hà - Nguyễn Thị Bích Phượng - Nguyên Hào - Mai Văn Hoan - Vương Kiều - Võ Công Liêm - Phan Đạo - Nguyễn Thiền Nghi

  • LTS: Những bài thơ ngắn, nhưng như chiếc kính hội tụ những cao vọi thanh sạch không gian, lắng lại trong ánh nhìn của chiếc lá sen. Và như trong tàn lá sen ấy, ứa ra những giọt lệ thiền. Dưới đây là chùm thơ của Trần Lê Khánh.

  • Như Quỳnh de Prelle, hiện tại đang sống và làm việc tại Brussels, vương quốc Bỉ. Chị từng là nhà sản xuất phim độc lập và viết kịch bản, làm truyền thông và viết báo tại Việt Nam. Thơ Như Quỳnh de Prelle đã xuất hiện trên các tạp chí chuyên về văn học và các trang văn online trong và ngoài nước. Đáng chú ý là bài thơ Nỗi buồn trên cây của chị được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn “Nỗi buồn trên cây” sau đổi thành Tôi 30 của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2014 và nhiều liên hoan phim khác.
    Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ mới của chị vừa gửi về từ Brussels.

  • LTS: Huyền Thư quê quán Đông Hưng, Thái Bình, hiện đang sinh sống tại Wellington, New Zealand; thơ chị được giới thiệu trên Sông Hương số 325 (3/2016).

  • Do sơ suất trong trình bày, Số đặc biệt Sông Hương 22, tháng 9/2016, trang 25, đã in nhầm tên tác giả bài thơ “Xác” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng thành tên tác giả Hoàng Thụy Anh.

  • Hoàng Vũ Thuật - Đỗ Văn Khoái - Đức Sơn - Nguyễn Đông Nhật - Nguyễn Ngọc Phú - Hường Thanh

  • Những truyền thuyết, huyền thoại là tuổi thơ của một xứ sở, một tộc người. Các câu chuyện tình mang tính chất như thế: Trương Chi - Mỵ Nương, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Giáng Kiều - Tú Uyên, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung,… đã được tấm gương thi ca phản chiếu vào tâm hồn chúng ta, tạo thêm niềm cảm hứng trong cuộc sống.

  • Những bài thơ được giới thiệu sau đây có cùng niềm cảm hứng về đời sống văn minh thôn dã. Một thế giới đầy vẻ thơ mộng của tự nhiên đang bị cuộc sống hiện đại xóa mờ dần dấu vết.

  • Đỗ Văn Khoái - Nguyễn Trọng Tạo - Nguyễn Kim Huy - Ý Nhi - Phạm Ngọc Cảnh - Nguyễn Nguyên Thanh - Nguyễn Huy Việt - Xuân Sách


  • Nguyễn An - Thạch Quỳ - Mạc Mạc - Phạm Bá Thịnh - Nguyễn Hoàng Thọ - Nhất Lâm

  • Bùi Nguyên - Ngô Công Tấn - Ngàn Thương - Nguyễn Hới Thọ - Lãng Hiển Xuân - Đặng Văn Sử