HẠNH NGUYÊN
Ảnh: tư liệu
Theo Julia Kristeva, “tất cả các văn bản đều đang trò chuyện với các văn bản khác”. Mỗi văn bản đều không còn có tính nguyên bản, mà nó là “sự lắp ghép” từ những “mảnh ghép” đã tồn tại trước đó. Trong tất cả các loại liên văn bản, có loại Tình cờ liên văn bản - tác giả không chủ đích tạo ra những kết nối với các tác phẩm khác. Tuy vậy, nhờ sự nối kết của người đọc, các văn bản phát huy lẫn nhau, cùng tạo ra những ý nghĩa làm nên một “bức tranh nghệ thuật” rộng lớn, giàu giá trị.
Bằng việc soi chiếu một số đoạn trích thuộc các tác phẩm khác nhau dưới lý thuyết liên văn bản, người viết một lần nữa muốn khẳng định “tính liên hệ, tính liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau trong đời sống văn hóa hiện đại”; để từ đó góp phần đưa ra một cách tiếp nhận văn bản trong chương trình Ngữ văn cấp THCS thú vị hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Khi mỗi tác phẩm đều không còn nguyên bản hay độc lập, độc giả có thể dùng tầm đón nhận, sự hiểu biết của mình về thế giới văn chương để liên hệ những chủ đề mà mình muốn hiểu rõ. Từ đó mỗi người có thể nhận thấy sự giăng mắc nhẹ nhàng mà sâu sắc về tư tưởng của những tác giả, sự lấp lánh vẻ đẹp các tín hiệu nghệ thuật qua các sáng tác của họ đâu đó trên khắp thế gian, nối kết châu lục và nối kết quá khứ - hiện tại - tương lai.
Ở đây, người viết muốn dựa vào lý thuyết liên văn bản để tiếp cận chủ đề tình bạn qua một số đoạn trích thuộc chương trình Ngữ văn 6, 7 (bộ Kết nối tri thức và cuộc sống) từ các tác phẩm quen thuộc với bạn đọc: Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài - văn học Việt Nam - 1941), Hoàng tử bé (Antoine de Saint Exupéry - văn học Pháp - 1943) và Tốt-tô-chan bên cửa sổ (Kuroyanagi Tetsuko - văn học Nhật Bản - 1981). Hẳn nhiên, chủ đề của mỗi tác phẩm không chỉ là tình bạn. Song tình bạn lại là vấn đề cốt lõi mà những người biên soạn SGK muốn hướng đến. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn khai thác sâu cách thể hiện tình bạn, giá trị tình bạn qua các đoạn trích dành cho học sinh lớp 6, 7. Không còn là những bài dạy - học rời rạc, khi dùng lí thuyết liên văn bản, những văn bản ấy cùng nhau làm nên một bức tranh tình bạn lấp lánh sắc màu, đa tầng ý nghĩa thông qua các tín hiệu nghệ thuật.
1. Tình bạn “đưa đường dẫn lối”
Trong chủ đề Tôi và các bạn (sách Ngữ văn 6, tập 1), hai trích đoạn từ Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài và Hoàng tử bé của S. Exupéry đã làm rõ giá trị cao đẹp của tình bạn đối với mỗi người. Độc giả dễ dàng nhận thấy tính liên văn bản của hai trích đoạn này qua cặp hình tượng nhân vật, diễn biến câu chuyện và thông điệp nghệ thuật.
Dế Mèn và Dế Choắt vô tình trở thành hàng xóm của nhau, cũng như hoàng tử bé vô tình gặp con cáo. Tình huống truyện ở cả hai đoạn trích là minh chứng cho một vấn đề: tình bạn có những khởi xuất bất ngờ, tự nhiên. Tuy vậy, để có được tình bạn “đưa đường dẫn lối”, mỗi tác giả lại có cách thể hiện riêng.
Thấy anh hàng xóm gầy còm ốm yếu, Dế Mèn trịch thượng gọi là Dế Choắt; rồi lớn tiếng quở trách khi sang chơi và thấy “nhà cửa tuềnh toàng luộm thuộm”. Thật ra, ban đầu, Dế Mèn kẻ cả, “ở vai trên” và cho mình cái quyền được khinh khi anh bạn hàng xóm. Dế Choắt cũng tự biết mình “nghèo sức”, cũng đã nhờ vả tha thiết Dế Mèn, mong được đào một cái ngách sang bên nhà “anh bạn cường tráng” để khi gặp nguy có chỗ trú thân. Dế Mèn ngông nghênh tự đắc không bao giờ nghĩ, sự từ chối thẳng thừng của mình lúc đó, cộng với cái thói hay “nghịch ranh” - trêu chị Cốc, đã gây ra một hậu quả khiến bản thân phải ân hận suốt đời: Dế Choắt chết vì bị chị Cốc mổ mấy cái liền.
Hình tượng Dế Choắt vốn ban đầu khá mờ nhạt, song đến cuối đoạn trích lại trở thành một người bạn quý giá vì lòng bao dung và sự sâu sắc trong phút hấp hối. Những tưởng Dế Choắt chỉ an phận vậy thôi, nhưng đằng sau sự “nghèo sức” đó, là cả chiều sâu chiêm nghiệm cuộc đời, để lại cho Dế Mèn lời trăng trối có giá trị thức tỉnh: “Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn cũng mang vạ vào mình đấy.”1. Cái Dế Mèn có được là “bài học đường đời đầu tiên” vô cùng thấm thía, mãi không thể quên bên cạnh sự hối hận muộn màng. Dù chưa bao giờ thật sự xem Dế Choắt là một người bạn, Dế Mèn hẳn đã tự hiểu rằng, anh bạn hàng xóm chính là người đầu tiên “đưa đường dẫn lối” cho mình trong những bước chân vào đời vụng dại thời niên thiếu. Nhờ có Dế Choắt với lời trăng trối sâu sắc trong giây phút hấp hối, Dế Mèn mới hiểu rõ hơn, không bao giờ được xem thường người khác bởi vẻ bề ngoài; không bao giờ được tự cao tự đắc với những gì mình đang có; không bao giờ được hung hăng bậy bạ trêu chọc người khác mà không màng đến hậu quả; cũng không bao giờ được nghèo sự cảm thông, nghèo sự hiểu biết; và phải tự mình điều chỉnh lối sống bằng trải nghiệm của chính mình.
Không mang không khí căng thẳng, kịch tính như Bài học đường đời đầu tiên, đoạn trích Nếu cậu muốn có một người bạn mở ra một không gian rộng lớn với tình bạn hồn nhiên, bất ngờ mà sâu sắc giữa chàng hoàng tử bé ở hành tinh xa xôi B612 với con cáo - loài vật quen thuộc ở Trái đất.
Ngay trong cuộc gặp gỡ tình cờ, hoàng tử bé ngây thơ “xin chào” kèm lời khen “bạn dễ thương quá” dành cho con cáo. Chính lời chào lịch sự này, chính thái độ đầy tôn trọng và chân thành này của hoàng tử bé đã khiến con cáo - một con vật vốn tinh ranh trở nên hiền hòa và thân thiện. Hoàng tử bé dường như đã cảm hóa con cáo bằng chính sự hồn nhiên, chân thật của mình. Vậy nên, rất tự nhiên, con cáo “đưa đường dẫn lối” để hoàng tử bé hiểu về tình bạn, có được (những) người bạn.
Đầu tiên, tình bạn là sự “cảm hóa” - “làm cho gần gũi”. Chính sự gần gũi sẽ tạo nên tình cảm chân thành sâu sắc, giúp bạn phân biệt được dễ dàng người bạn của mình giữa hàng triệu triệu người khác; giúp bạn yêu cả những điều vốn tưởng không liên quan: “Bởi vậy, nếu bạn cảm hóa mình, xem như đời mình đã được chiếu sáng. Mình sẽ biết thêm một tiếng bước chân khác hẳn mọi tiếng bước chân khác… Và nhìn xem! Bạn thấy không, cánh đồng lúa mì ở đằng kia? Mình không ăn bánh mì. Lúa mì chẳng có ích gì cho mình… nhưng bạn có mái tóc vàng óng… Lúa mì óng ả sẽ làm mình nhớ đến bạn. Và mình sẽ thấy thích tiếng gió thổi trên đồng lúa mì…”2.
Và rồi con cáo tiếp tục “đưa đường dẫn lối” cho cậu bạn hoàng tử bé của mình. Muốn “cảm hóa”, thì phải “rất kiên nhẫn”. Ban đầu hãy xích lại gần một chút. Mỗi ngày sẽ xích lại gần hơn. Bởi chính thời gian mà bạn bỏ ra cho ai đó sẽ khiến người đó quan trọng đối với bạn. Và bạn phải “có trách nhiệm mãi mãi với những gì bạn đã cảm hóa”.
Vậy là, con cáo đã nhẹ nhàng dẫn dắt hoàng tử bé, từ chỗ chỉ là một người chưa từng hiểu ý nghĩa sự gắn bó giữa bông hồng của mình với chính mình, đi đến chỗ thấu hiểu sâu sắc về tình bạn. Hóa ra, tình bạn là tự nhiên, là chân thành, là kiên nhẫn, là biết hy sinh thời gian quý giá của bản thân, và nhận ra được bạn mình giữa muôn vàn người khác bởi từ thẳm sâu đã yêu quý từng đặc điểm thuộc về bạn. Và hơn hết, tình bạn là sự chung thủy. Tình bạn được nhìn thấy bằng sự tinh nhạy của trái tim: “Người ta chỉ thấy rõ bằng trái tim. Điều cốt lõi vô hình trong mắt trần”.
Chính sự tình cờ liên văn bản đã khiến hai đoạn trích thuộc tác phẩm từ hai châu lục xa xôi xích lại gần nhau để cùng thì thầm với độc giả những câu chuyện đẹp nhất về tình bạn. Tình bạn, dù khởi xuất không mấy thuận tiện, kết thúc không mấy tốt đẹp như trong Bài học đường đời đầu tiên, thì cũng đã mang giá trị “đưa đường dẫn lối”. Và tình bạn, thật tự nhiên xuất hiện khi người ta trân trọng nhau, lắng nghe nhau, nên cuối cùng, dù có chia li - “mình sẽ khóc mất”, thì sự quý giá của nó cũng khiến mỗi người tình nguyện khát khao “muốn có một người bạn” đúng nghĩa. Một người bạn đúng nghĩa luôn đem lại cho ta những bài học sâu sắc nhất về cuộc đời.
2. Tình bạn vượt qua khó khăn, luôn bao dung và thấu hiểu
Trong chủ đề Bầu trời tuổi thơ (sách Ngữ văn 7 tập 1), người biên soạn đã đưa vào văn bản Ngôi nhà trên cây (trích từ tác phẩm Tốt-tô-chan bên cửa sổ của nữ văn sĩ người Nhật K. Tetsuko). Cũng với cặp đôi nhân vật đồng hành, Ngôi nhà trên cây thật sự mang tính liên văn bản với hai trích đoạn Bài học đường đời đầu tiên và Nếu cậu muốn có một người bạn.
Không bắt đầu với một tình bạn “miễn cưỡng” như Bài học đường đời đầu tiên, nhưng Ngôi nhà trên cây cũng tạo tình huống tự nhiên để cặp đôi nhân vật Tốt-tô-chan và Ya-sư-a- ki-chan quen biết nhau rồi trở thành bạn. Điều đáng nói về sự “tình cờ liên văn bản” của hai trích đoạn này chính là, sau quá trình “vượt khó”, mỗi người mới nhận ra tính chân thực của tình bạn.
Ở đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên, đó là lòng bao dung của Dế Choắt đối với Dế Mèn sau biến cố bị chị Cốc mổ trúng lưng. Vượt qua sự đau đớn, trong phút hấp hối, Dế Choắt vẫn nói với Dế Mèn những lời chân tình, thấm thía. Còn ở Ngôi nhà trên cây, đó là chặng đường không dài nhưng đầy khó khăn của Tốt-tô-chan trong việc “mời” Ya-sư-a-ki- chan lên cái cây của mình. Cậu bé bại liệt cả tay lẫn chân, di chuyển vô cùng khó khăn, không bao giờ nghĩ mình có thể ngồi vắt vẻo trên một nhánh cây để nhìn ngắm xung quanh như các bạn; bỗng bất ngờ, một ngày, bằng sự cố gắng hết sức của cô bạn Tốt-tô-chan nhiệt tình, tốt bụng và thông minh, đã thực hiện được mong ước gần như là không tưởng. Từ cái thang dựa vào thân cây, cho đến cái thang gấp vững chắc, đã là một sự cố gắng. Và cuối cùng là cảnh tượng “chắc chắn người lớn sẽ hét toáng lên khi trông thấy”: Tốt-tô- chan đã ở bên chạc cây, Ya-sư-a-ki-chan ở bậc trên cùng của chiếc thang; và từng tí một, cô bé dũng cảm đã kéo bạn mình sang chạc cây bằng tất cả sức lực cùng sự nhiệt thành lẫn liều lĩnh của mình. Chưa bao giờ Ya-sư-a-ki- chan có thể nhìn thấy những cảnh vật như thế trong đời nếu không có sự quyết tâm vượt khó của cô bạn Tốt-tô-chan.
Là sự tình cờ liên văn bản, hai đoạn trích cho chúng ta thấy được, bạn là người sẽ mang lại điều bất ngờ cho ta, mở mang tầm mắt cho ta, sau những phút giây vượt khó bởi vì bạn luôn bao dung và thấu hiểu ta. Dù ta đã từng không tốt với bạn (Dế Mèn coi khinh Dế Choắt); hay dù ta có thể khiến bạn mệt nhọc đến mức tưởng như bất lực để phải òa khóc (cậu bạn bại liệt của Tốt-tô-chan dường như không thể trèo lên cây), thì mỗi người còn lại vẫn đủ bao dung, vị tha để thấu hiểu. Dế Choắt, trong những giây phút cuối của mình vẫn đủ bao dung để thấu hiểu Dế Mèn cần một bài học sâu sắc để tiếp tục sống trên đời. Tốt-tô-chan vị tha để thấu hiểu nỗi mong ước tưởng chừng không bao giờ thành hiện thực của Ya-sư-a-ki-chan là được nhìn ngắm cảnh vật ở trên cao như bao bạn khác.
Còn với đoạn trích Nếu cậu muốn có một người bạn, con cáo đã luôn thấu hiểu bạn mình: hiểu rằng hoàng tử bé cô độc ở vùng đất mới cần biết về tình bạn và muốn có một người bạn đích thực. Con cáo đã vị tha vô cùng khi khuyến khích hoàng tử bé “cảm hóa” mình, để mình thật sự yêu mến chàng hoàng tử tí hon khiến chàng ấy thấu hiểu cảm giác “có một người bạn”; và rồi chấp nhận buồn đau khi cả hai phải rời xa nhau:
Cứ thế, hoàng tử bé cảm hóa con cáo. Khi gần đến lúc phải ra đi, con cáo nói:
- A!... Mình sẽ khóc mất.
- Lỗi do bạn đó - hoàng tử bé nói - mình không muốn làm bạn đau lòng chút nào, nhưng bạn lại muốn mình cảm hóa bạn…
- Tất nhiên rồi - con cáo nói.
- Nhưng bạn sẽ khóc - hoàng tử bé nói - vậy thì bạn chẳng được gì cả.
- Mình được chứ - con cáo nói - bởi vì còn đồng lúa mì.3
Cái mà cả con cáo lẫn hoàng tử bé nhận được dĩ nhiên là một tình bạn đúng nghĩa và một người bạn ý nghĩa. Nhưng rõ ràng con cáo đã biết trước buồn đau, mà vẫn thấu hiểu và tình nguyện vượt qua nỗi buồn chia li vì người bạn hoàng tử bé của mình. Thậm chí con cáo còn bình thản đón nhận tất cả trong sự thấu hiểu sâu sắc ấy, để điềm nhiên khẳng định mình sẽ mãi yêu đồng lúa mì, vì đồng lúa mì vốn vàng óng - vàng óng như tóc cậu bạn bé xinh.
Các nhà văn hẳn nhiên không biết nhau, song họ đã cùng tình cờ liên văn bản qua hình tượng cặp nhân vật sóng đôi, bằng cách này hay cách khác cùng khẳng định giá trị vượt khó, bao dung và thấu hiểu của tình bạn đối với mỗi người; để cuối cùng, những độc giả tinh nhạy có thể thấu suốt được một sự liên kết nhẹ nhàng như tơ mà lại vô cùng bền chặt, ý nghĩa giữa các đoạn trích - tác phẩm. Những sợi tơ liên kết đó tình cờ đã cùng nhau dệt nên một tấm tranh lụa quý giá đa màu sắc về tình bạn và ý nghĩa sâu sắc của một người bạn chân thực.
Lời kết
Ba văn bản Bài học đường đời đầu tiên, Nếu cậu muốn có một người bạn, Ngôi nhà trên cây thuộc chương trình Ngữ văn 6, 7 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, chung quy, đều nói về giá trị - ý nghĩa của tình bạn đối với mỗi người. “Lời thì thầm” của tác giả ẩn đằng sau những cặp hình tượng nhân vật song hành, những tình tiết giản đơn mà đầy dụng công, những câu thoại hồn nhiên mà rất sâu tầng tầng ý nghĩa. Độc giả nhỏ tuổi - là học sinh - có thể nhìn nhận đúng đắn về người bạn và tình bạn; độc giả lớn tuổi có thể chiêm nghiệm để thấy giá trị của tình bạn trong cuộc đời vốn lắm thăng trầm. Tô Hoài, S. Exupéry, K. Tetsuko hẳn chưa bao giờ nghĩ, cảm quan về tình bạn của mình lại đồng điệu đến như vậy, khi vượt qua không gian, thời gian để cùng ngợi ca tình bạn đích thực, người bạn đích thực.
H.N
(TCSH46SDB/09-2022)
-----------------------------------
1 Bài học đường đời đầu tiên, SGK Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một, trang 18.
2 Nếu cậu muốn có một người bạn, SGK Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một, trang 22, 23.
3 Nếu cậu muốn có một người bạn, SGK Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một, trang 23, 24.
BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.
THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.
NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?
NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.
HỒ THẾ HÀ(Tham luận đọc tại Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung)
LÊ GIA NINHNgày 10 tháng 10 năm 1955, Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bừng lên niềm vui, ngập trong cờ, hoa và nắng thu. Những chàng trai ngày “ra đi đầu không ngoảnh lại”, trải qua cuộc trường chinh ba ngàn ngày trở về trong niềm vui hân hoan và những dòng “nước mắt dành khi gặp mặt” (Nam Hà).
THANH TÙNGChống tham nhũng, đục khoét dân lành không chỉ là công việc của nhà chức trách mà còn ở tất cả mọi người dù ở chế độ xã hội nào. Các thi sĩ không chỉ làm thơ ca ngợi cuộc sống tình yêu, đất nước con người mà còn dùng ngọn bút thông qua nước thi phẩm của mình để lên án, vạch mặt bọn quan tham này.
NGÔ ĐỨC TIẾNTrong lịch sử các nhà khoa bảng ở Việt , ít có gia đình nào cả ba ông cháu, cha con đều đỗ Trạng nguyên. Đó là gia đình Trạng nguyên Hồ Tông Thốc ở Kẻ Cuồi, Tam Công, Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An.
PHẠM XUÂN NGUYÊN1. Trước hết ta phải bàn với nhau về chữ hay, tức thế nào là một tác phẩm hay. Bởi cái hay không bất biến trong không gian và thời gian, nó vận động và biến đổi tùy theo hoàn cảnh, với những tiêu chí cụ thể khác nhau.
TRẦN HUYỀN SÂMRuồng bỏ - Disgrace (1) là một cuốn tiểu thuyết mang phong cách giản dị. Nhưng đó là sự giản dị của một bậc thầy về thể loại roman. Giới lý luận văn học và các chính trị gia phương Tây (2) đã đặt ra những câu hỏi có tính hoài nghi. Điều gì ở cuốn sách có độ trang khiêm tốn này đã mang lại giải Nobel cho Coetzee: Vấn đề kỹ thuật tiểu thuyết, nỗi điếm nhục về nhân cách con người, hay là bi kịch lịch sử hậu Apartheid?
NGUYỄN THÀNHLịch sử phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX đánh dấu bởi nhiều khuynh hướng phê bình hiện đại: phê bình ấn tượng, phê bình phân tâm học, phê bình xã hội học, phê bình mác xít, phê bình thi pháp học...
TRẦN LỘC HÙNG“NỒI HƠI NGUYÊN TỬ” NGĂN NGỪA THẾ CHIẾN THỨ BAChuyện kể rằng sau cuộc thử nghiệm thành công của trái bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1949, cha đẻ của nó - Igor Vaxilevich Kurchatov - đã khóc nức nở.
HÀ VĂN THỊNHSố 7 là một con số huyền thoại. Nếu như tính xuất xứ xa nhất, công đầu về việc “tìm ra” số 7, thuộc về người Ai Cập, cách nay ít nhất 5.000 năm. Khi hiểu được rõ ràng việc con sông Nil chia làm 7 nhánh trước lúc đổ ra Địa Trung Hải, người Ai Cập vận “lý” để tin là nó nhất định phải hàm chứa nghĩa bí ẩn nào đó phản ánh cái “tư tưởng” triết lý của Đấng Tạo hóa.
TRẦN VIẾT THIỆNNăm 1987, người ta từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến sững sờ trước sự trình làng của một cây bút đã vào độ tứ tuần. Tuổi bốn mươi lại là thời kỳ son sắt nhất của cây bút này, nói theo quan niệm của ông: “Đời viết văn cũng giống như đời người đàn bà”.
NGUYỄN TRỌNG TẠO - NGUYỄN ĐỨC TÙNG(Trích)...
TRẦN NGỌC CƯChúng ta thường nghĩ rằng ở trong mỗi tâm hồn Việt Nam đều có một thi sĩ, hay nói thế khác, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bầu khí văn hoá ra-ngõ-gặp-thi-nhân. Đầu đời là những câu ca dao mẹ hát ru con, cuối đời là câu kinh tiếng kệ, những lời nguyện cầu, đều là thơ cả.
PHẠM TUẤN ANHSau 1975, văn xuôi đóng vai trò chủ đạo trong vận động đổi mới của văn học Việt Nam. Vai trò cách tân của văn xuôi đã được khẳng định đồng thời với vị thế mới của cái hài. Cái hài, với tiếng cười hài hước (humor) phồn thực đã góp phần quan trọng trong quá trình giải thể ý thức “quần thể chính trị”, để văn học thoát khỏi cục diện nhất thể của cái cao cả, sáp tới cuộc sống muôn màu với những giá trị thẩm mĩ đa dạng.
TUẤN ANH“Ở đâu bản năng nghèo nàn, nhân cách cũng nghèo nàn” (Jean Lacroix)
NGUYỄN THẾNhững năm gần đây, vấn đề nghiên cứu về Truyện Kiều đã được các học giả Việt trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về Truyện Kiều được đưa ra trong các cuộc hội thảo chuyên ngành về ngôn ngữ, văn học và trên diễn đàn báo chí, Internet...
NGUYỄN VĂN HẠNHI. Có những quan niệm khác nhau về bản chất, chức năng của văn chương, và có những cách thức khác nhau trong sáng tạo và khám phá văn chương, tuỳ theo hoàn cảnh, mục đích, trình độ, khuynh hướng nhận thức và hoạt động của con người trong lĩnh vực này.