Nguyễn Thanh Hải - Đỗ Thượng Thế - Trần Kiêm Đoàn - Hữu Văn - Lê Minh Hải - Phạm Ánh - Phan Văn Chương
Tác phẩm “Phố Mùa Thu” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng
NGUYỄN THANH HẢI
Treo trung thu lên trí nhớ
Tôi xách trung thu của mình đi tìm chiếc lồng đèn ngày xưa
chiếc lồng đèn đã treo tôi vào tiếng trống đình quá khứ
những bụi tre gai buồn mọc trí nhớ lên trời
lâu rồi không còn nghe tiếng vót
em có bao giờ về nghe trung thu dỗ ngọt
lục giùm tôi tìm gốc gác chân quê
ngày tháng năm đâu có gì là trễ
ăn thua cuộc đời mình sớm muộn nhận ra
trăng bây giờ như những người già
đêm ra sân thèm tiếng đùa trẻ nhỏ
trong bình yên tiếng gì lung lay gió
như đứa nào gọi tên…
khi những sao trời bắt đầu thắp nến
là đêm manh mún nỗi buồn
mấy con đom đóm cũng treo những lồng đèn của mình lên trí nhớ
làng mạc bây giờ không còn ai cùng tôi đi xách trung thu…
ĐỖ THƯỢNG THẾ
Như là đăng đối
Sau tiếng gà bóng dơi dần nhạt loãng
Cánh vạc dịu nhỉu như chiếc bay
Trát về phía chân trời từng mảng mây ảo nét
Lửa lộng lẫy hành trình giai điệu mới
Ánh bếp mai tươi sốt tàn tro
Ở hai đầu giọt sương phập phồng phiêu phỏng
Đọt nụ cân bằng nách lá vừa đau.
TRẦN KIÊM ĐOÀN
Em ngủ trên lá sen
Em nhẹ như sương khói
Mơ hồ như khói sương
Bờ bên kia vời vợi
Đi một đời chưa tới
Hoàng hôn đã đến rồi
Về thôi em về thôi
Tóc mây pha màu bạc
Trầm hương xưa bát ngát
Đã bay lạc thiên đường
Trùng dương về gối đất
Những mùa xuân xanh tươm
Những mùa hè nắng gắt
Thu sang rồi cũng nhạt
Đông tới lạnh rừng băng
Có ai còn không mất
Đã về và đã tới
Giọt nước nguồn sông xưa
Cội nhớ nguồn hò hẹn
Không đi mà chẳng đến
Em ngủ trên lá sen
HỮU VĂN
Quang gánh đời mẹ
Mẹ về qua ngõ hoàng hôn
Gánh chiều gió thổi trắng cồn lau bay
Mùa đi trên những ngón gầy
Gót chân vướng ngọn heo may lỡ làng
Bóng nghiêng mòn lối thời gian
Lệch đôi quang gánh sảy sàng nắng mưa
Tiếng rao vọng phía ngày xưa
Thúng tre đựng những thiếu thừa tuổi thơ
Mẹ ơi năm tháng hững hờ
Tóc buồn phủ dấu mịt mờ bể dâu
Chợ đời bán nỗi cơ cầu
Áo nâu nhàu vết dãi dầu phôi phai
Đường về sương rụng đầy vai
Mẹ đi qua những rộng dài đa đoan
Cuối trời khuyết mảnh trăng thon
Tựa bờ vai mẹ khuyết mòn bão giông…
LÊ MINH HẢI
Tìm về
Tôi tìm về với đồng chiêm
Chuồn chuồn dẫn lối tới miền ấu thơ
Lạc vào trong những giấc mơ
Thị tròn cổ tích vẫn chờ vàng thơm
Tôi tìm về với rạ rơm
Lăn vào ký ức để ôm lấy mình
Tôi ra đứng ở sân đình
Mái rêu thủ thỉ tâm tình chuyện quê
Tôi tìm ra phía bờ đê
Chợt xanh mươn mướt lời thề hội xuân
Tôi tìm ra phía dòng sông
Vẫy vùng vào thủa tồng ngồng trẻ trâu
Lần hồi tìm lại mo cau
Thấy thời gian gội trắng phau tóc bà
Tìm về cơm muối dưa cà
Để nghe chân chất mặn mà vị quê
Đầu trần đội bóng rặng tre
Con trâu dẫn lối tôi về tìm tôi...
PHẠM ÁNH
Nếu cỏ cây biết buồn
Nếu cỏ cây biết buồn
Xin thấu lòng con suối
Qua thác ghềnh đau nhói
Nước vẫn xuôi mỗi ngày
Nếu cỏ cây biết buồn
Xin nghe chiều lặng lẽ
Mưa ngập lòng khôn nguôi
Trong âm thầm gió xé
Nếu cỏ cây biết buồn
Xin thương người lam lũ
Dòng sông nghiêng bến cũ
Thương con đò trong tôi
Nếu cỏ cây biết buồn
Đất nghìn năm im lặng
Thời gian tuôn mưa nắng
Biết nói gì cô đơn
Nếu cỏ cây biết buồn
Như vầng trăng tròn khuyết
Cõi nhân sinh hư thực
Nghiêng bóng buồn vào tôi
PHAN VĂN CHƯƠNG
Nấm mộ người xin ăn
Nấm mộ người xin ăn như chiếc nón cời
nghiêng bên nào cũng rách bươm vạt nắng
nghiêng bên nào cũng dầm dề mưa
đắng
lăn lóc mấy hòn
nắm cơm bố thí
ai bảo cõi âm hồn yên nghỉ
chẳng phải người lạ xa
là cố tổ nội ta
ruột rà bên ngoại
lang thang khắp dãi biên thùy
nấm mộ người xin ăn như chiếc nón cời
loang lổ vòng đời xoáy hình trôn ốc
cổ tích bước ra
ca dao bước tới
nhập nhòe thực ảo bóng quê nghèo
nghênh ngang mồ cao mả đẹp
tòa cao ốc bằng giấy chẳng đáng đồng tiền
rơi
nghi ngút khói vênh vang lễ nghĩa
bên lề
nấm mộ người xin ăn.
(TCSH366/08-2019)
LÊ VI THỦY
LTS: Những nhịp đi cổ điển, những thi ảnh cũng như nhuốm màu cổ điển, nhưng gần như lại không bước ra từ cổ tích, mà từ cuộc sống bộn bề. Ba người đàn bà trong những bài thơ dưới đây, từ ba câu chuyện khác nhau, với những không gian khác nhau, nhưng họ chung một nỗi rất đàn bà: yêu, chờ đợi, và hy vọng trong cô đơn…
HOÀNG VŨ THUẬT
Vũ Dy - Nhất Lâm - Nguyễn Nhã Tiên - Trần Thị Tường Vy - Châu Thu Hà - Nguyễn Miên Thượng - Nguyễn Hàn Chung - Phan Lệ Dung - Vương Kiều
Anh Nguyễn Hữu Đống là bạn của nhiều lớp văn nghệ sĩ, nhất là ở Huế. Từ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc, Đặng Tiến, Trụ Vũ… đến nhiều người thuộc lứa sau như Nguyễn Chí Trí, Vĩnh Ba, Nguyễn Thượng Hải, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Huỳnh Lâm, Bạch Lê Quang, Phạm Tấn Hầu…
ĐÔNG TRIỀU
Tôi là Nguyễn Văn Phong. Sinh năm 1985. Quê quán: xã Hà Ninh, Hà Trung, Thanh Hóa. Hiện sống cùng thân sinh. Làm ruộng, lao động phổ thông. Không dùng điện thoại di động. Đây là một số bài thơ lần đầu tôi gửi đến Tạp chí Sông Hương.
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Mai Văn Phấn - Phạm Đức Mạnh - Hồng Vinh - Nguyên Ngọc - Tôn Nữ Minh Châu
LTS: Nhà thơ Nguyễn Xuân Sang quê quán ở An Hòa - Huế, anh đã xuất bản 04 tập thơ & 01 tập phóng sự, ghi chép; từng đạt một số giải thưởng các cuộc thi.
LGT: Machu Picchu của đế quốc Inca, núi thiêng Mỹ Sơn của vương quốc Chămpa có cùng số phận đỉnh cao một nghệ thuật kỳ vĩ bị chiến tranh và thời gian tàn phá.
Nguyễn Trọng Tạo - Phùng Tấn Đông - Đỗ Xuân Thu
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
TÔN PHONG
Nguyễn Đông Nhật - Từ Hoài Tấn - Trần Hoàng Phố - Phan Trung Thành - Phùng Sơn - Lê Hồ Ngạn
TRẦN TỊNH YÊN
ĐÀO DUY ANH
LTS: Trước những thử thách của nhiều trường phái thơ hiện đại, xem ra thơ lục bát Việt Nam vẫn sống khỏe. Nó thậm chí không nhất thiết phải phân biệt rạch ròi “hậu lục bát Truyện Kiều”, “hậu lục bát Lửa Thiêng” hay “hậu lục bát Bùi Giáng”. Tuy vậy để được ghi tên tác giả dưới những âm tiết quen thuộc, dễ nhớ đó… ắt tâm hồn người thi sĩ phải gạn đục khơi trong bao lần.
NGUYỄN DUY
Nhìn từ xa... Tổ Quốc!