Nguyễn Hưng Hải - Nguyễn Giúp - Nguyễn Thiền Nghi - Vĩnh Nguyên - Trần Thị Tường Vy - Từ Hoài Tấn - Lê Ngã Lễ - Ngàn Thương
Minh họa: Nhím
NGUYỄN HƯNG HẢI
Chiếc thuyền giấy ngày nào
Chiếc thuyền giấy ngày nào trong vại nước
vẫn trôi trong tưởng tượng của ta
trên chiếc thuyền không có người chèo lái
ta thả thuyền từ lúc mới lên ba
Trong tưởng tượng về sự nổi, sự chìm không ai nói ra
không bền không bờ không định hướng
chiếc thuyền giấy ngày nào trong tưởng tượng
nhắc ta về bờ bến lúc ra khơi
Ước mơ của tuổi thơ tìm kiếm những chân trời
nhắc ta về lực cản
nhắc ta về hướng đi và rào chắn
trò chơi của ngày nào đâu đã hẳn trò chơi
Cái vạc nước có chiếc thuyền tuổi thơ đã vỡ lâu rồi
đã lâu lắm không còn ai đựng nước
nhưng nhờ chiếc thuyền tuổi thơ ta biết được
đâu sự nổi, sự chìm
đâu những bến bờ xa...
NGUYỄN GIÚP
Màu biển
Hết con đường này là biển
ta được nghe sóng thở
nhưng nghe trái tim mình kể chuyện
Có một ngọn gió vừa qua
hát cho tôi nghe bài hát về tình yêu của muối
em ngọt ngào
Có một cánh chim bay đêm
nói với em về một loài sâu bọ
đã yêu đường cùng
Có một bờ thật mịn
đặt tay tôi lên làn da thiếu nữ
em ngại ngần
Có một vì sao
kể em nghe chuyện những vì sao khác
tôi nhìn vào mắt em
Có một đôi giáp xác
nói với chúng tôi về lũ còng dại dột
sóng liếm bờ
Hết con đường này là biển
có thể những giấc mơ
đều xanh như thế!
NGUYỄN THIỀN NGHI
Mùa ve
Tiếng ve ướt gió rơi vai
Hồi ức khô lại se sợi quay về
Những dấu cảm vật vờ mọc nấm
Ăn mòn chiếc bóng âm dương
Mái tóc lau
Bờ bụi trắng đông xô gió bấc
Ngón tay mốc
Quay lên không
Vòng vòng buồn
Vò nát mặt ngày
Vò nhàu đoạn người đã mỏi
Lời chối từ khập khiểng
An trú trên bàn chân
Đôi mắt mờ đánh lửa hồi sinh
Một mùa qua
Không còn trở lại
Vỡ tiếng ve già
Chen lên xe gió
Dựng từng góc đứng bất an
Xa dần nguồn cắt rốn tuổi
Đồng lá khàn chuỗi ho cong
VĨNH NGUYÊN
Trước bàn viết
Trước bàn viết của tôi
Tượng Phật A Di Đà thanh tịnh trang nghiêm
Tượng vũ nữ Chăm uyển chuyển ôm bình nước
Ảnh Nhà thơ Phùng Quán
Ảnh Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Và bình hương, bình hoa với sáu bông vàng đỏ trắng mới cắm là
vừa mút mặt bàn
Ai cũng thấu uy danh các vị
Đức A Di Đà đau đáu trì độ chúng sanh
Vũ nữ múa nước mà chăm chắm sợ đổ nước
Quán cắm cúi viết Lời mẹ dặn, Chống tham ô lãng phí - những
khúc xương khó nhằn khi ấy chưa ai dám nhằn…
Sơn đeo kính gọng nâu lãng tử Như cánh vạc bay, Lời buồn thánh…
đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”
Thế gian nhiều trí thức, người tài
Nhưng đạt Thiện - trí - thức, Thiện - người - tài thì còn ít lắm!
Với những danh đức trên cũng vừa đủ cho tôi thệ nguyện hồi hướng
về một cõi Giác tha
Chẳng phải bàn viết tôi chật
Thật lòng là tôi không còn muốn bưng đặt thêm ai…
TRẦN THỊ TƯỜNG VY
Giờ vàng
Mênh mông sông nước đôi bờ
dựa tường trong trẻo tôi chờ đợi tôi
gần quyến luyến - xa bồi hồi
giờ vàng hoàng hậu lên ngôi cơ đồ
như vầy cũng một bóng mơ
và rồi cũng thế vài tờ lá khô
đâu trong nét bút mơ hồ
dáng cây dáng đá còn ngờ dáng ai
trăm năm hạnh phúc làm người
nghìn năm rực lửa không lời nhớ nhau
đợi tôi hay đợi nỗi sầu
ngần này Em khoác cẩm bào đợi Anh
22/2/2015
TỪ HOÀI TẤN
Khúc ngày thường
Mỗi ngày tôi thường đi qua đây
Dưới con đường những hàng cây cụt đầu
Đến cùng cuộc hẹn
Ai thì thầm đâu đó nghe vẳng bài tự tình
Nhớ một người đã xa một người đã khuất
Bạn thân mến tôi cũng có một mối tình
Để vỗ về ru cùng năm tháng
Để mỗi ngày tôi vui với lời nói ấy từ đôi môi ấy
Để mỗi ngày tôi chìm trong đôi mắt ấy
Để quên và nhớ từng ngày
Như mùa xuân vẫn thường hằng quay về đúng hẹn
Cho cuộc đời trang mới tinh khôi
LÊ NGÃ LỄ
Giấc mơ của biển
Con sóng vỗ ngàn năm vẫn thế
Cứ ầm ào trong khoảng trời không
Mong manh chân bước trên đời sóng
Thì thầm như cát ngủ giữa miền em
Sóng vỗ vào nhau
Ướt mái tóc đời
Gửi vào đêm tiếng vọng
Nghe xôn xao giấc mơ của biển
Khỏa thân nằm đếm những vì sao rơi
Tia nắng muộn dưới lòng sâu
Thắp ngọn tình biển gọi
Ngửa mặt nhìn trời
Thao thức nghe mơ hồ tiếng sóng
Con dã tràng se cát
Giấu tình câm
Mưa lăn tăn bầm tím con mắt sóng
Giấc đêm dài trong cõi mênh mông.
NGÀN THƯƠNG
Tình phố núi
Tưởng nhớ nhà thơ Kim Tuấn
Mỗi mùa sang chợt nhớ
bài ca của một thời
mênh mang tình phố núi
Những bước thầm… xa xôi
Tôi về đây hoài cảm
dáng em trên dốc chiều
trời cao nguyên nắng gió
vạt áo người liêu xiêu
Đồi thông mưa lành lạnh
lòng lữ khách bâng khuâng
mây ngàn trên lũng thấp
sương như mộng bay tràn
Tiếng kèn ai vừa trỗi
chạm vách đá rêu mờ
“tay đan sầu kỷ niệm”
len vào hồn vu vơ…
(SH316/06-15)
TRẦN THỊ TƯỜNG VY
Tháng Chạp bông hồng vàng
Đỗ Nam Cao - Nguyễn Trọng Tạo - Trần Chấn Uy - Nguyễn Văn Chương - Phùng Tấn Đông - Trần Quang Đạo - Trần Lê Văn
Hương xuân - Bài ca mùa xuân
Bạch Diệp - Nguyễn Hữu Minh Quân - Nguyên Tiêu - Nguyễn Thiền Nghi - Phan Lệ Dung - Lê Viết Xuân - Nguyễn Tấn Tuấn - Ngô Thiên Thu - Đinh Ngọc Diệp - Trịnh Bửu Hoài
LÊ HƯNG TIẾN
NGUYỄN NGỌC HẠNH
ĐINH THỊ NHƯ THÚY
HUỲNH LÊ NHẬT TẤN
PHÙNG CUNG
VŨ THANH HOA
Ngô Liêm Khoan - Nguyên Hạnh - Trần Hương Giang - Hoàng Ngọc Giang - Dương Anh Đằng - Trịnh Minh Hiếu
Lê Tấn Quỳnh - Nguyễn Đông Nhật - Trần Thị Tường Vui - Đỗ Thượng Thế - Kiều Trung Phương - Nguyễn Thanh Văn - Từ Nguyễn - Huỳnh Ngọc Phước
NGUYỄN HƯNG HẢI
NGUYỄN THIỆN ĐỨC
PHẠM ÁNH
LTS: Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tăng Việt. Sinh ngày 20 tháng 2 năm 1922 tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên (do đó mới có tên là Tăng Việt), Hà Bắc. Con một nhà nho không thành đạt, sống bằng nghề thầy thuốc. Hoàng Cầm (tên một vị thuốc rất đắng) là bút danh dùng từ năm 1939.
(Trích trong tập thơ sắp in: “Những vẻ đẹp khác”)
LTS: Nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim", tham gia cách mạng từ năm 1936 trong phong trào học sinh ở Thanh Hóa.
LTS: Trong 5 năm qua, trên những trang thơ, cùng với việc giới thiệu các tác giả có nhiều tìm tòi, có bút pháp riêng như Văn Cao, Thanh Thảo, Trần Vàng Sao, Phạm Tấn Hầu... Sông Hương đã chú ý đến những cây bút ở cơ sở - mà anh em trong tòa soạn gọi vui là "tác giả chân đất, như Phương Xích Lô, Nguyễn Thị Thái...
Nguyễn Ngọc Phú - Nguyễn Văn Thanh - Đỗ Hàn - Phan Văn Chương - Tháng Năm - Nguyễn Ngọc Hưng - Phạm Xuân Phụng - Nguyễn Ngọc Hạnh - Nguyễn Loan - Triệu Nguyên Phong