Phùng Tấn Đông - Bạch Diệp - Nguyễn Man Kim - Đoàn Mạnh Phương - Ngô Công Tấn - Vĩnh Nguyên - Phan Trung Thành - Lê Hưng Tiến - Nhất Lâm - Châu Thu Hà - Nguyên Tiêu
Con ngựa đá - tranh Bửu Chỉ
PHÙNG TẤN ĐÔNG
Vĩ thanh tôi, em và Huế
mưa đã mười lăm năm Huế
ta con kiến trên dề củi khô mùa lụt trôi ra biển
một lưu đày một nguyên tội một si mê
ta con ngựa đá sân đền dựng bờm mà không tung nổi vó
đứng làm thông già làm phế tích làm ta
làm ta em ơi làm con trăng ngã ba Tuần đợi mưa khuya rỗ mặt
làm tím bông loa kèn rưng rức tiễn mây thu
làm một gió vu vơ một trời mưng nắng
một câu Kiều trong sách ngủ câm
không cỏ Đạm Tiên không bán mua không lầu xanh không Tiền
Đường không kêu cứu
sao em cứ mãi luân lạc trong ta một sắc nâu sồng
chợ Gia Lạc đã mười lăm phiên
ta con tò he bột sắn thổi chi chi chút chút tháng giêng mà không cầm
nổi tuổi
trách chi em ngày nọ Phú Lương mưa
ta câu hát trễ tàu nên trưa buổi chợ
ta kim chỉ Mậu Tài ông tơ lộn mối xe
biển Thuận An đã mười lăm năm sóng
ta lấy mây côi mà chắp vá cánh buồm
ta con gọng vó trên phá Tam Giang mê chơi không cất nổi cho em
một căn nhà bọt nước
con bửa củi tìm trầm trong ruột dó hoài công
rền vách đá Hải Vân tiếng hải triều vô lượng
ta trăm sóng trẻ trung đã vụn nát chân ghềnh
chừ dẫu có đi Cầu Hai có về Đá Bạc
rượu dẫu xui người say mấy cuộc nguôi quên
thì đành vắng hội Sình mấy bận
thì nhờ Hương Giang đôi bờ cỏ xanh
nhờ Lại Ân trai làng giục trống
nhờ nóc giáo đường rửa tội tháng giêng
nhờ phố Huế buông rèm giấc ăn giấc ở
nhờ bọt bèo đánh cuộc với lênh đênh
BẠCH DIỆP
Về nhà
Kính tặng: ba mẹ và các em
Chật những giấc mơ tuổi thơ
Trên chuyến tàu trở về
Xóc nảy đường ray
Nỗi đau thị thành rơi từng cây số
Vàng dốc sỏi nâu
Nắng đan hàng dẻ
Đàn bò gặm cỏ ung dung
Ước chi đời mình cũng thế
Ngày xưa của con còn đó
Rám hồng đôi má bé thơ
Cơm ủ vần bên bếp nhỏ
Cỏ khô thơm ngọt góc nhà
Sân trước ba ngồi chẻ lạt
Chiến tranh vết sẹo liền da
Mẹ nghiêng vai bên gàu nước
Trăng xưa sóng sánh vỡ òa
Xe bò lộc cộc chở trăng
Nong vàng sao đêm thóc vẫy
Con tựa lưng chiếc cối xay
Đời người vòng quanh lối nhỏ
Quê hương tuổi thơ còn đó
Ấm êm một chốn con về
Phố phường ngày qua vội vã
Ngắn dài chẳng đủ giấc mơ.
NGUYỄN MAN KIM
Bùa gió
bị mê hoặc
mù màu
khắc họa tình người bằng nét sắc không.
bí vần
thơ ghé chợ trời chữ nghĩa
mua bán trăng.
uống rượu giả nhưng say thật
diễn trò ảo giác
trắng đen.
ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Nói thầm
Nước nhạt,
hãy cho thêm muối hoặc đường, vị đắng cà phê, hay vị chanh chua
chát
Ngày nhạt,
thì cứ ngắm mặt trời lên, cứ nhìn chiều nắng tắt
Thơ nhạt,
thì thắp lên ngọn lửa,
dùng ánh sáng của ngọn đèn để soi cho trong nước mắt
Người nhạt
thì cộng thêm bằng gì để mặn?
Người nhạt
nước nhạt theo, ngày nhạt theo, thơ cũng nhạt theo
Vô nghĩa những muối, những đường, những ngọn lửa và nước mắt
những ban mai và những chiều nắng tắt
Người nhạt
thì nhân bằng gì để mặn?
Tâm thế nhọn như kim
Đâm qua biểu bì sự thật:
- Người nhạt thì chia vào đất cát!
NGÔ CÔNG TẤN
Im lặng ngày
Một ngày anh không nói
Ngồi thu lu để hiểu sự cô đơn
Sự cô đơn cho anh thấy
Khuôn mặt thật con người.
Anh lạc vào im lặng
Gặp thiện ác trên sân khấu cuộc đời
Anh trở về hiện tại
Gặp nụ cười chót lưỡi đầu môi.
Im lặng và nói
Là vết nhăn trên trán
Dòng kẻ
Cho
Thơ.
VĨNH NGUYÊN
Hoa móng rồng buổi sớm
Hoa móng rồng buổi sớm
Vầng mây thẹn trắng bay
Hoa móng rồng buổi sớm
Xuôi sáng lật đường cày
Hoa móng rồng buổi sớm
Nhưng nhức đồi cỏ gầy
Hoa móng rồng buổi sớm
Oai phong như nụ hôn
Hoa móng rồng buổi sớm
Hàng thông non nến tắt
PHAN TRUNG THÀNH
Ở đâu yên tĩnh
Không yên tĩnh khi đậy xong chút nhớ đã chín
trên đầu lưỡi chưa tan định đề thói quen
dù biết đó là con đường
nhưng chưa đi thì có khi sông
bất an lời hứa
của đất cát phẳng phiu sóng nước
Anh là gã tồi tệ trong đầm
càng cố nhướng càng lún
hố bảo toàn
hốc mắt trong bóng đêm
Thỉnh thoảng vang một hồi mèo kêu thân thiết
sự sống đang trì níu trên mái tôn
tiếng sột soạt thơm hơn dạ tiệc
đánh thức cả những sợi tóc mềm oặt rối tung
Đã óc ách tiếng gà
nhịp đồng hồ dộng trên vách
bực bội anh tháo tung cả viên pin
Chuyến đường dài
mà khách lùi lại khi xe khởi hành
không phải là thói quen
đời một lần sao gọi là thói quen!
LÊ HƯNG TIẾN
Ý và nghĩ
nấn ná những vết xám xạm ký ức
cơn bão từ chợ đen
con mắt thơ nhâm nhẩm cuộc người
đỏ chưa lên ngầu
tha thẩn bao nhiêu cái đủ đủ cho thừa
mồ côi lên ngôi thời đại
sáng vào mùa đưng cỏ
con hỏi hỏi con hỏi hết mùa mùa
đòng đòng trổ nhiên hồn
lại thơ thớ khói sương khói
lại sau ngày sau nữa xưa sau
muộn về vó ngựa
mùa chữ khói lựng bên ngôn ngữ
thở vào thơ thơ.
NHẤT LÂM
Chim biển
Thương chuỗi ngày luân lạc
Em phiêu dạt trời mây
Vọng sóng mòn ghềnh đá
Biển gào thét trắng ngày
Mùa xác xơ biển động
Làng chài buồn gió lay
Hàng dương xanh giận dữ
Bếp lạnh lửa đêm dày
Kiêu hùng loài chim biển
Khát vọng trời cao xanh
Vỗ cánh ngàn sóng dữ
Ngạo nghễ trước thác ghềnh
Thương em thời luân lạc
Dấn thân mòn con tim
Dừng chân trước làng biển
Ước mình có cánh chim.
CHÂU THU HÀ
Mưa Huế và anh
Về thăm đền đài lăng tẩm
Về đây tựa mạn thuyền rồng
Tóc em mềm thao thiết chảy
Như đêm mưa buồn trên sông
Thương chi cho bằng mưa Huế
Lâm thâm buốt tận tim mình
Xòe ô nụ cười tỏa nắng
Dịu dàng xin tặng riêng anh
Nghe trong lặng yên của phố
Mong manh những sợi tơ trời
Có gì mà như duyên nợ
Buộc hơn một lần chưa thôi
Để rồi ngày mai xa Huế
Cỏ xanh ướt rượt mưa dầm
Vẫn mắt môi người níu giữ
Nhủ lòng hẹn ước tháng năm
NGUYÊN TIÊU
Hát ru tình cũ
Hát ru tình cũ mùa đông
Người đi xa mãi rối lòng tóc tơ
Hát ru tình cũ ơ hờ
Điệu vần thả xuống giấc mơ mãi còn!
Về ngang dốc nhớ chon von
Câu thơ xưa trải lối mòn xanh rêu
Trượt chân ngã dưới bóng chiều
Lời ru rớt xuống cô liêu đổ dài!...
(SH300/02-14)
ĐẶNG BÁ TIẾN
LÊ VI THỦY
LTS: Những nhịp đi cổ điển, những thi ảnh cũng như nhuốm màu cổ điển, nhưng gần như lại không bước ra từ cổ tích, mà từ cuộc sống bộn bề. Ba người đàn bà trong những bài thơ dưới đây, từ ba câu chuyện khác nhau, với những không gian khác nhau, nhưng họ chung một nỗi rất đàn bà: yêu, chờ đợi, và hy vọng trong cô đơn…
HOÀNG VŨ THUẬT
Vũ Dy - Nhất Lâm - Nguyễn Nhã Tiên - Trần Thị Tường Vy - Châu Thu Hà - Nguyễn Miên Thượng - Nguyễn Hàn Chung - Phan Lệ Dung - Vương Kiều
Anh Nguyễn Hữu Đống là bạn của nhiều lớp văn nghệ sĩ, nhất là ở Huế. Từ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc, Đặng Tiến, Trụ Vũ… đến nhiều người thuộc lứa sau như Nguyễn Chí Trí, Vĩnh Ba, Nguyễn Thượng Hải, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Huỳnh Lâm, Bạch Lê Quang, Phạm Tấn Hầu…
ĐÔNG TRIỀU
Tôi là Nguyễn Văn Phong. Sinh năm 1985. Quê quán: xã Hà Ninh, Hà Trung, Thanh Hóa. Hiện sống cùng thân sinh. Làm ruộng, lao động phổ thông. Không dùng điện thoại di động. Đây là một số bài thơ lần đầu tôi gửi đến Tạp chí Sông Hương.
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Mai Văn Phấn - Phạm Đức Mạnh - Hồng Vinh - Nguyên Ngọc - Tôn Nữ Minh Châu
LTS: Nhà thơ Nguyễn Xuân Sang quê quán ở An Hòa - Huế, anh đã xuất bản 04 tập thơ & 01 tập phóng sự, ghi chép; từng đạt một số giải thưởng các cuộc thi.
LGT: Machu Picchu của đế quốc Inca, núi thiêng Mỹ Sơn của vương quốc Chămpa có cùng số phận đỉnh cao một nghệ thuật kỳ vĩ bị chiến tranh và thời gian tàn phá.
Nguyễn Trọng Tạo - Phùng Tấn Đông - Đỗ Xuân Thu
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
TÔN PHONG
Nguyễn Đông Nhật - Từ Hoài Tấn - Trần Hoàng Phố - Phan Trung Thành - Phùng Sơn - Lê Hồ Ngạn
TRẦN TỊNH YÊN
ĐÀO DUY ANH
LTS: Trước những thử thách của nhiều trường phái thơ hiện đại, xem ra thơ lục bát Việt Nam vẫn sống khỏe. Nó thậm chí không nhất thiết phải phân biệt rạch ròi “hậu lục bát Truyện Kiều”, “hậu lục bát Lửa Thiêng” hay “hậu lục bát Bùi Giáng”. Tuy vậy để được ghi tên tác giả dưới những âm tiết quen thuộc, dễ nhớ đó… ắt tâm hồn người thi sĩ phải gạn đục khơi trong bao lần.