HỒ NGỌC LAN
Buổi tiệc đêm liên hoan chấm dứt. Vừa lúc đó tiếng nhạc đã nổi lên. Thế là mọi người vội kéo nhau ra chính giữa căn phòng lớn trong khi bàn ghế, bát đĩa được xếp dọn vội vàng kêu lanh canh.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (sưu tầm)
Hiếu đứng trong góc phòng nhìn dòng người chập chờn trước mặt. Từng đôi, từng đôi một sánh vai nhau trên sàn nhảy. Sau mấy học kì, người nào cuối cùng cũng đã tìm ra cho mình một bạn nhảy vừa ý. Không còn ai cô đơn như anh nữa ư? Hiếu liếc nhìn quanh gian phòng ngập đầy khói thuốc và mùi bia nồng - dư âm của buổi liên hoan cuối năm. Ánh mắt Hiếu dừng lại trước khung cửa sổ bức tường đối diện. Cạnh đó còn có một người cô đơn như anh. Cũng trong một góc phòng. Sao nãy giờ anh không thấy nhỉ? Có một vài người nhảy xong, đến trước mặt cô gái. Họ nói gì nhỏ lắm, Hiếu nghe không rõ, anh chỉ nhìn thấy cô mỉm cười lắc đầu. Chắc là người ta muốn mời cô bé nhảy nhưng cô ta từ chối. Hiếu chợt thấy mình ngượng ngập với ý nghĩ thoáng qua. Anh hồi hộp đi về phía khung cửa sổ. Anh đã nhận ra cô lúc đến thật gần. Cô gái nhỏ người Huế - em của Tân Hoa bạn anh. Cô thường vào đây ở lại chơi chỉ một vài ngày rồi sau đó trở về lặng lẽ đến nỗi không một ai biết đến. Có lẽ hôm nay cô lại vào và đợi chị ra luôn thể. Hiếu tự tin hơn khi nhận ra cô quá nhỏ bé trước mặt mình.
- Em không nhảy với các anh chị ấy ư?
- Dạ... em không biết nhảy.
Hiếu chợt lúng túng. Anh không chuẩn bị một câu hỏi nào khác.
- Em định vào đón chị đó hả?
- Dạ không, chị em còn ở lại. Em chỉ ghé thăm rồi sáng mai em sẽ ra ngay. - Cô gái dịu dàng đáp, đôi mắt vẫn chăm chú một đôi nhảy đẹp.
- Thế... sáng mai em đi tàu về ư?
- Dạ.
- Tàu sáng chắc là sớm lắm nhỉ?
Hiếu bắt đầu lúng túng hơn với những câu hỏi xa đề của mình. Cô gái vẫn đáp lời anh nhẹ nhàng, như không để ý gì đến vẻ bối rối của anh cả.
- Dạ tàu chạy vào lúc 6h20.
- Thế có ai đưa em ra ga chưa? - Hiếu hỏi cho liền mạch.
- Dạ em cũng không biết nữa. Chị em thì..
Cô bé bỗng nhìn anh dò hỏi. Dường như anh đã quá tò mò trong đôi mắt ngạc nhiên của cô.
- Anh sẽ... đưa em ra ga nhé?
- Dạ cám ơn anh. Nhưng em sợ phiền anh lắm.
- Không! Không có gì đâu. Anh chỉ sợ - Hiếu ngập ngừng, - anh thành thật nói - anh ngủ quên mất thôi. Anh không có đồng hồ báo thức.
Hiếu ngượng chín người khi nghĩ đến thói quen dậy muộn của mình. Nhưng cô gái đã ôn tồn nói:
- Thế thì em sẽ sang thức anh dậy nhé.
Đến lượt Hiếu ngạc nhiên vì thấy cô gái nói điều đó thật tự nhiên. Anh có cảm giác đối với cô, anh như đã là người rất thân quen. Về nhà, Hiếu cứ băn khoăn không hiểu tại sao anh lại quan tâm đến cô gái nhiều như thế. Suốt cả đêm anh cứ thao thức mãi. Lần đầu tiên anh phải thao thức vì một lời hẹn của sáng hôm sau. Anh thấy mình ngớ ngẩn lạ. Cô gái không là gì của anh cả. Sau cuộc hội thoại ngắn ngủi đầu tiên ấy, anh chia tay cô như một người xa lạ. Chẳng có dáng nét nào của cô đọng lại trong anh. Thế mà chỉ vì một lời hứa. Anh sợ phải bị cô gái đánh thức nên đã không dám ngủ chăng?
Đêm bình yên trôi đi. Đôi mắt Hiếu vẫn ráo hoảnh tưởng chừng nó không hề nhấp nháy. Anh không thấy gì ngoài bóng tối bao trùm xung quanh. Nhưng anh nghe cơn gió vi vu bên ngoài song cửa. Mưa liu riu. Tiếng côn trùng nỉ non đã trở nên quá quen thuộc đến nhức nhối. “Chỉ còn vài ngày nữa thôi, đến lượt mình cũng sẽ từ giã nơi này ra đi”. Hiếu thầm nghĩ. “Thế mà chẳng có gì để mình nhớ cả ư?” Anh cố nhớ lại những buổi học ở lớp thật bình dị, dù học lý thuyết ở giảng đường hay thực hành luyện tập ngoài sân bãi, tất cả các học viên lớp thể thao tại chức của anh chẳng còn say mê khám phá điều gì mới mẻ như “ngày xưa còn bé” nữa. Các anh “cựu trào” chẳng từng nói: “Bọn mình dốt chuyên tu, ngu tại chức, đi học mà chỉ mong cho chóng xong kẻo vợ con ở nhà không ai chăm sóc”. Cả lớp cười ồ lên và rồi lại giải tán. “Mỗi người có một mối bận tâm riêng”. Thế mà đêm liên hoan họ đã nhảy với nhau vui nhộn đến thế là cùng. Chẳng lẻ người ta có thể chấp nhận những cuộc vui dễ dãi như vậy sao? Lạ thật! Hiếu trẻ nhất lớp, anh lại chưa nặng nợ gia đình nhưng rồi ba học kỳ trôi qua trong cái lớp cụ kỵ này không giúp gì cho anh sống lại thời sinh viên như anh hằng mong ước. Đối với anh, mùa Xuân rồi mùa Hạ đi qua, hay một mùa Thu sắp kết thúc cũng không có gì mới mẻ hơn.
Thế mà anh lại buồn hơn lúc nào. Trở về Quy Nhơn lần này, thành phố quê hương đầy gió biển, nắng, những bãi cát vàng, anh sẽ nhớ về thành phố này như là gì nhỉ. Có những lúc con người sẽ chẳng hiểu được mình nữa nếu mà ở nơi đâu, anh cũng chỉ nhìn thấy một màu sắc chung, chỉ nghe cùng một âm thanh - những lời giao tiếp thông thường nhất.
Hiếu suy nghĩ miên man. Đêm qua chưa, mà anh không hề kịp chớp mắt. Anh quên mất cơn mưa đã thôi liu riu. Thỉnh thoảng, những giọt nước, có lẽ còn đọng lại trên lá, buông rơi xuống mái tôn nghe như những trái sung già chín rụng. Thấp thoáng trên kẽ hở các khe cửa, một vật sáng dài lấp loáng. Anh tập trung chờ đợi. Nhưng đó không phải là bước chân người. Đã Năm phút trôi qua. Tiếng bước chân lại rụt rè xào xạc. Và ba tiếng gõ nhẹ nhàng như chỉ là tiếng động của một cành cây vô tình quệt vào cánh cửa. - Anh Hiếu ơi! Đã năm giờ rồi đó nghe. Giọng nói nhỏ nhẹ thoảng vào tai anh.
Hiếu vùng dậy, khoác chiếc áo vào và ra mở cửa. Anh nhìn thấy cô gái nhỏ đã quay trở về tận cuối dãy phòng. Anh mỉm cười khó hiểu. Thế rồi cuối cùng mình cũng không tự đánh thức mình được.
Hiếu đèo cô gái ra ga ngay sau đó chừng mười phút. Anh không còn cảm giác bối rối nữa mà cảm thấy hân hoan lạ thường. Cô gái nhỏ nhắn ngồi sau lưng anh thật tin cẩn và thật xa lạ với cái khoảng cách được ngăn bởi một chiếc cặp sách khổng lồ so với người cô. Một bàn tay cô để hờ trên chiếc cặp, còn tay kia xoè ra để đón những hạt sương vừa rơi xuống, từ một ngọn lá rũ thấp loè xòe trên cái đầu cao ngồng của Hiếu.
Không khí ban mai mát rượi. Mặt đường ẩm ướt vì cơn mưa nhỏ tối qua. Rõ ràng là vẫn còn quá sớm. Chỉ một đôi nhà he hé cửa. Người ta chuẩn bị dọn hàng quán bán buổi sáng. Dãy phố nơi anh và cô gái đi qua cong vòng theo hai lề đường với nhiều đoạn thành ximăng tróc lở, mấy mảnh gạch vụn văng ra cả giữa lòng đường. Chiếc xe đạp lọc cà lọc cọc của anh rên rỉ khi xóc phải những ổ gà nho nhỏ.
- Anh biết không? Có khi mình phải vào bơm xe một tí kẻo anh phải chở nặng mất.
- Ồ, có gì đâu. Anh mỉm cười, lòng ấm áp trước lời đề nghị dễ thương của cô gái.
Im lặng một lúc, cô gợi chuyện thật hồn nhiên như một đứa trẻ.
- Hay là anh kể chuyện cho em nghe đi.
Chuyện gì bây giờ nhỉ? Hiếu ngẫm nghĩ. Thế là Hiếu kể cho cô gái nghe công việc của anh đang làm. Anh là người chơi thể thao và cũng ham mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh đã từng đi thi đấu hoặc làm huấn luyện viên ở nhiều nước, nhờ vậy mà anh có vô số ảnh đẹp làm lưu niệm. Anh là người sống có ước mơ, nhưng thực tế công việc đã lấy mất tất cả thời gian của anh để anh có thể thực hiện một việc gì to tát cho riêng ý muốn của mình. Anh đã từng yêu, từng biết đến những “hương vị hạnh phúc” của cuộc sống, mà theo anh, nó chỉ làm cho người ta bớt thời gian ngủ lại để nghĩ ngợi vu vơ. Thế thôi. Toàn là những điều vô bổ. Chốc chốc, Hiếu phải dừng nói để nhớ lại những chi tiết mà anh cho là thú vị và để xem cô gái có còn ngồi đằng sau không. Bởi cô ngồi lặng yên như một con búp bê nhỏ. Còn Hiếu thì không có cảm giác của một sức nặng nào ở phía sau anh cả. Hiếu kể từ một chuyện này sang chuyện khác, không theo một trình tự thời gian nào. Một lát sau, Hiếu đã chuyển đề tài từ lúc nào anh cũng không biết nữa. Anh nói với cô gái, gần như tâm sự suy nghĩ của anh suốt đêm qua. Chỉ vì anh mất ngủ nên anh mới phát hiện ra nỗi buồn vô cớ của mình. Anh chỉ sợ lúc chia tay với lớp học xong, mọi thứ trong anh vẫn không cô đọng thành một kỷ niệm gì đáng nhớ. Có lẽ tuổi mơ mộng của anh đã đi qua rồi chăng? Hiếu nói say sưa và không hề sợ mình đã quá nhiều lời. Cô gái nhỏ không vì thế mà tỏ ra sốt ruột. Sau lưng anh, cái vẻ im lặng khiêm tốn của cô mới đáng yêu làm sao.
Đến khi Hiếu dừng lại trước cổng nhà ga rồi, những câu chuyện vụn vặt của anh vẫn chưa kết thúc. Anh tiếc rẻ vì đoạn đường ra ga ngắn quá. Cô gái thì có vẻ xúc động lạ thường. Cô ngước nhìn anh, đôi mắt trong trẻo và ấm áp. Hiếu xao xuyến nhìn ánh sáng lấp loáng trong đôi cánh cửa sổ tâm hồn dịu dàng kia.
- Em cảm ơn anh nhiều lắm. Hồi mô anh ra Huế, em sẽ lại đưa anh ra ga. - cô gái mỉm cười - Đó là thành phố của em mà.
Rồi không để cho anh kịp nói gì, cô đi thật nhanh vào ga. Ra về, Hiếu mới nhớ là sao anh vụng về, đã không đưa cô gái vào tận sân ga. Anh ngoái nhìn lại bóng cô gái đang dần dần chìm lẫn vào giữa đám đông người vội vã. Loáng thoáng đâu đó con tàu vừa hú một hồi còi.
Hiếu đã trở về Quy Nhơn hơn hai tháng nay. Anh tiếp tục công việc thể thao thật cần mẫn sau một thời gian dài vắng mặt. Anh làm việc nhiều và nhận thấy cuộc sống của mình bình thường hơn mọi lúc. Hướng dẫn kỹ thuật cho học sinh, luyện tập thể thao, những lúc rảnh rỗi anh đàm đạo với bạn bè hoặc trả lời cho những người hâm mộ. Công việc đã đến nhàm chán đối với anh.
Sáng nay trong tập thư đợi trả lời có một lá thư không ghi địa chỉ người gửi. Lá thư có con dấu bưu điện Huế. Hiếu nghe rạo rực một nỗi niềm gì lạ lắm. Những dòng chữ nhảy múa trước mắt anh với cảm xúc chân thành của cô gái nhỏ.
“Anh thân mến, Em vẫn nhớ buổi sáng anh đưa em ra ga. Thành phố lúc ấy còn ngái ngủ. Trời xanh và trong vắt. Không khí ban mai ở ngoại ô sực hương thơm cỏ dại.. Thành thật mà nói, em chỉ nghe được khoảng chừng phần ba tất cả những mẩu chuyện nhỏ anh kể cho em trên đường đi. Không phải vì giọng anh khó nghe đâu. Mà bởi vì em không tập trung lắm. Em mải nhìn ngắm thành phố. Lần đầu tiên em cảm nhận vẻ đẹp dịu dàng của nó trong một buổi sớm mai tinh khiết như thế. Anh biết không, những lần trước đó em thường ra ga một mình và vội...”
Ôi! Cô gái nhỏ của anh. Suýt nữa Hiếu bật kêu lên như thế. Phải rồi! Chính là cô gái ấy, người đã nhận ra được vẻ đẹp diệu kỳ của cuộc sống, từ những điều bình thường nhất. Con đường ra ga. Đúng rồi. Anh đã nhớ con đường ra ga hôm ấy. Anh nhắm mắt lại, cố hình dung. Và con đường nhỏ có những ổ gà xóc nhảy hiện rõ mồn một trước mắt anh. Từng hàng cây, từng dãy phố cổ không thẳng hàng, tại sao những lần trước đó anh đã không nhìn thấy? Đúng là con đường nhỏ có những nét dịu dàng, khó quên. Nếu cố nhớ những gì anh đã nói với cô gái. Không có gì liên quan đến con đường ra ga cả sao cô ấy lại giàu tưởng tượng đến thế? Thảo nào cô gái lặng yên như một như một con búp bê nhỏ sau lưng anh. Cô không nghe những gì anh nói mà thật ra cô đang chăm chú khám phá vẻ đẹp của tạo vật xung quanh. Hiếu thấy lòng nhoi nhói vì bị xúc phạm. Hoàn toàn không phải là lá thư tỏ tình của một cô gái bạo dạn. Và không ghi địa chỉ người gởi. Như thế là cô gái không hề có ý đợi thư trả lời của anh. Anh đọc đoạn cuối cùng:
“Em chưa được biết anh nhiều lắm đâu. Và em cũng không muốn hỏi ai về anh nhiều hơn nữa. Điều đó có lẽ không cần thiết. Nhưng mà ấn tượng duy nhất để lại trong em để em có thể nghĩ về anh như một người thân thiết đó là vẻ đẹp của con nhỏ dễ thương ấy. Từ rất xa, em thầm cảm ơn anh, cảm ơn về tất cả”.
Suốt ngày, Hiếu chỉ ngồi im lặng như thế. Hiếu đã nhìn thấy tất cả những gì cô gái gợi nhớ cho anh. Không những thế, anh còn có thể hình dung lại những gì thơ mộng nhất của thành phố mà trước đó anh đã vô tình không nhận thấy. Và lúc này đây, khi anh nhìn xung quanh, từ ô cửa sổ nhìn ra bờ biển, anh đã nhìn thấy biển bằng ánh mắt của một người mơ mộng. Anh nhìn thấy những con sóng nhỏ nô đùa trên mặt nước, chúng táp vào nhau những cột sóng cao ngất trời. Và đâu đó những mảnh sò, vỏ ốc trôi dạt vào bờ như là tàn tích của một lâu đài vỡ dưới đáy biển sâu. Không gian sực thơm mùi gió biển. Mặn nồng và ấm áp.
Cảm ơn cô bé, anh phải cám ơn em mới đúng. Bởi vì em đã đánh thức những điều thơ mộng thầm kín nhất của trái tim anh từ lâu nay đang say ngủ. Hiếu chợt nhớ cả dáng vẻ rụt rè của những tiếng bước chân trước cửa phòng anh. Bằng dáng vẻ rụt rè và vô tư như một đứa bé, cô gái đã thật sự đánh thức tâm hồn anh trước vẻ đẹp đáng yêu của cuộc sống.
Tháng 9/1992
H.N.L.
(TCSH53/01&2-1993)
PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.
NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.
TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...
QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.
ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.
HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.
LƯƠNG VĂN CHILGT: Nhà tù, nơi chưa mảy may cải hóa được người đàn ông từng trác táng trên nền đạo đức xã hội, nhưng... Truyện được thắt nút khi Thuần “lột trần” vẻ đẹp phồn sinh xuân thì để minh chứng cho những ham muốn nguyên khai của con người là có giới hạn. Không khiên cưỡng ở nhiều chi tiết nhạy cảm, không tục trần trên từng đường cong mỹ diệu... Kịch độc đã thật sự “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại.
GIAO CHỈ Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con (Tục ngữ)
TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.
NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.
XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…
TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.
QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."
TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.
NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.
HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"
TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…
TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.