Sự dịu dàng nữ tính nhìn từ góc độ văn hoá của tập truyện ngắn “Giao thừa”

15:19 10/04/2009
ĐÔNG HÀVăn hoá và văn học bao giờ cũng có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể thấy rằng văn học là một bộ phận của văn hoá, nó chịu sự ảnh hưởng của văn hoá. Khi soi vào một thời kì văn học, người đọc có thể thấy được những khía cạnh về phương diện đời sống văn hoá tinh thần của một thời đại, một giai đoạn của xã hội loài người.

Văn hoá có thể được phản ánh trong tác phẩm văn học. Mặt khác, cũng chính văn hoá đã chi phối quan điểm tư tưởng của người viết, dù ý thức hay vô thức. Thậm chí, để khẳng định được tài năng văn bút của mỗi nhà văn, tính văn hoá trong mỗi tác phẩm văn học là yếu tố không thể bỏ qua. Đặc biệt, văn hoá người Việt Nam mang những nét đặc trưng riêng biệt khó trộn lẫn nên khi đi vào văn chương nó đậm đà hồn sắc dân tộc Việt.

Ở đây, chúng tôi muốn bàn đến tập truyện ngắn “Giao thừa” của một tác giả nữ rất trẻ, đó là Nguyễn Ngọc Tư. Đến với văn chương mới một vài năm gần đây, nhưng ngay từ khi mới xuất hiện, Nguyễn Ngọc Tư đã gây một tiếng vang đối với bạn đọc và một “cú sốc” cho những người trong giới phê bình lẫn sáng tác. Bởi họ không tin rằng một “cô bé”, lúc ấy Nguyễn Ngọc Tư dường như mới hơn hai mươi tuổi, chưa trải qua trường lớp đào tạo văn chương bài bản nào, lại viết “có hồn” đến như vậy. Nhưng dù nghi hoặc, cuối cùng Nguyễn Ngọc Tư cũng đã thuyết phục mọi người không phải bằng những giải thưởng đâu đó mà bằng chính những sáng tác ngày càng “nặng ký” của mình. Vậy điều gì đã khiến cô thành công trong những trang viết? Là tài năng thiên bẩm? Là sự thông minh sáng tạo? Là sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật? Tất cả. Nhưng ngoài ra, để có được sự thành công, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những điều đó còn có một vốn văn hoá mà Nguyễn Ngọc Tư đã tinh tế và cần mẫn bồi đắp trong tâm hồn mình. Nên dù trẻ tuổi, văn của chị vẫn ngồn ngộn chất sống, đủ sức đứng được trong lòng người đọc.

Tập tuyện ngắn “Giao thừa” gồm 17 truyện. Có thể dễ dàng nhận thấy đây là những câu chuyện bé, nhỏ, gọn ghẽ như những nhát cắt của mỗi số phận ai đó mà tác giả vô tình biết được. Nhưng nhát cắt nào cũng sắc. Vì vậy dễ gây cảm giác đau. Đau cho nhân vật. Làm đau cả người đọc. Bởi Nguyễn Ngọc Tư viết bằng một tâm hồn văn hoá Việt. Và người đọc cũng mang một tâm hồn như vậy mà làm kẻ tri âm.

Bằng một lối văn trầm, rù rì, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư hầu như đều nói về nhân vật nữ. Như một mẫu số chung, nhân vật nữ của chị lúc nào cũng toát lên sự dịu dàng - một sự dịu dàng rất nữ tính. Có thể thấy được điều này qua các nhan đề truyện, nó cũng đã gợi lên cho người đọc cái gì đó mang mang, khó tả: Bởi yêu thương, Cái nhìn khắc khoải, Cuối mùa nhan sắc, Làm má đâu có dễ, Làm mẹ... Trong văn hoá Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng: “Gắn liền với cuộc sống nông nghiệp và nguyên lý âm dương là khuynh hướng đề cao nữ tính với hàng loạt nữ thần: Bà Mẹ Đất, Bà Mẹ phủ, Tứ phủ, 12 Bà Mụ... Nho giáo và chế độ phụ quyền cũng không tiêu diệt được vai trò của phụ nữ Việt Nam: Phong trào thờ Mẫu Liễu bùng lên chính vào lúc nho giáo đang hưng thịnh nhất. Ở Việt Nam, người phụ nữ cũng có thể đứng trước bàn thờ tổ tiên thay chồng con”. (Trần Ngọc Thêm - Cơ sở văn hoá Việt Nam). Trong giáo trinh “Cơ sở Văn hoá Việt Nam” do Nguyễn San - Phan Đăng chủ biên cũng cho rằng văn hoá Việt Nam” đề cao nữ tính, âm mạnh hơn dương”. Như vậy, yếu tố “tính nữ” trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, đứng ở góc độ văn hoá, đó chính là bản sắc văn hoá dân tộc Việt được kế thừa.

Như rất nhiều cây bút nữ khác, ngay cả những cây bút nam đôi khi cũng vậy, yếu tố tính nữ trong văn Nguyễn Ngọc Tư là một điều rất đỗi bình thường. Dường như sự dịu dàng nữ tính, như một nhà nghiên cứu văn học đã gọi “Thiên tính nữ”, đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, nên dẫu không là nhà văn, con người ta cũng đã mang yếu tố tính nữ trong mình. Và nhà văn, anh là những người khai thác tâm tính này như một nét tự nhiên trong đời sống. Người viết - người đọc gặp gỡ nhau, âu cũng bởi từ tâm thức văn hoá Việt mà ra cả.

Từ những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư, thế giới nhân vật của cô sao mà đoan nặng trĩu, là thân phận nữ giới, xưa nay, ai cũng nhận rằng khổ, rằng bất hạnh. Nhưng cái khổ, cái bất hạnh kia phải từ một nguyên nhân nào đó mà theo quan niệm người đời là phải “xác đáng” kia, thì ở đây, những nhân vật nữ ấy lại buồn, đa đoan bởi do chính cái sự nữ tính của phái yếu mà ra. Nguyễn Ngọc Tư viết: “Bởi yêu thương...”, lẽ ra, yêu thương phải đem đến (và nhận được) hạnh phúc chứ? Thì ở đây, “Bởi yêu thương” mà khổ. Như nhân vật Điệp trong “Bởi yêu thương” là một cô đào hát quá thì, bệnh tật, hết nợ duyên sân khấu, hết luôn cả những tràng hoa tay vỗ. Sáu Tâm yêu thương cô, cũng là một người phụ kéo màn trong đoàn hát ngày xưa, giờ cụt hai chân sau một tai nạn. Âu thế cũng là hạnh phúc. Nhưng San, một cô bé tiếp viên nhà hàng, mê tiếng hát của cô đào Điệp năm xưa, lại là học trò của Sáu Tâm bây giờ, cũng thầm yêu trộm nhớ Sáu Tâm. Lúc này, “thiên tính nữ” trong nhân vật Điệp được bộc lộ rõ nét khi tâm sự cùng San: “Chị em mình còn một chuyện giống nhau nữa, đố San biết, tụi mình cùng thương anh Sáu, thương lắm, phải không?”. Nghe như Thúy Kiều - Thuý Vân vậy. Rồi nữa: “Nếu không chê Tâm tàn tật thì bao giờ chị đi cho chị gửi lại. Em làm lại cuộc đời đi, Tâm rộng lòng lắm, không chấp nhứt chuyện này nọ đâu. Tâm dễ tánh. Mặc gì cũng được, ăn gì cũng xong. Con người đàng hoàng, nghệ sỹ mà đàng hoàng, không phù phiếm, buông thả. Kiếm người tin được không phải dễ đâu, San”. Những câu nói đó chứa chan một sự chịu đựng, chịu đựng đến khủng khiếp, Nguyễn Ngọc Tư viết: “đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu”. Ai đó nói rằng: phụ nữ giỏi chịu đựng hơn đàn ông?

Ở những trang khác, Nguyễn Ngọc Tư luôn để cho nhân vật mình sống bằng nữ tính quá mạnh. Hay chính cái tính nữ ấy đã trỗi dậy trong cây bút của cô? Một đào Hồng khắc khoải trong “Cuối mùa nhan sắc”. Một cô Đậm quê quê quá lứa lỡ thì tồi tội. Hay chị Hảo nấp mặt vô mé quán ngó người mình yêu tha thiết với tình cũ của anh... Dù buồn, dù đau, dù xa xót bao nhiêu đi chăng nữa thì những nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư cũng không phá cách, không quẫy đạp vẫy vùng như rất nhiều nhân vật nữ của các nhà văn nữ hiện nay. Họ vẫn dịu dàng, có một cái gì đó dường như nhẫn nại, cam chịu đến tận cùng. Nên các nhân vật ấy xuất hiện trước mắt người đọc không từ trang sách, mà như từ bậu cửa bước ra, từ con xuồng chống xuống, từ những nỗi chát chua đời họ. Phải chăng đó là từ cội nguồn văn hoá dòng Việt xưa, người phụ nữ Việt Nam giỏi nhẫn nhục và cam chịu?

Văn hoá của dân tộc Việt rất trân trọng người Mẹ. Rất nhiều đền thờ Mẹ Tổ hiện nay còn lưu lại điều đó. Và Văn Nguyễn Ngọc Tư cũng không thoát ra khỏi tư tưởng văn hoá cội nguồn này. Tập “Giao thừa” của chị có rất nhiều truyện viết về nhân vật Mẹ, tiêu biểu có thể thấy: “Làm má đâu có dễ”, “Làm mẹ”... Một đằng có con bỏ đi, đến lúc gặp lại, theo thói quen, đứa con chỉ gọi là “chế”, là chị, dưng dưng, bình thản. Một đằng không có con, phải mướn người ta đẻ giùm. Đều là mẹ, đều phải cảm nhận nỗi đau của một người mẹ. Dù thế nào đi chăng nữa thì “những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau”. Không bỏ được nhau nên cứ ám ảnh về một nỗi đau thân phận. Với văn Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật người mẹ day đi day lại thành một hình tượng khó mờ. Phải chăng từ tâm thức cô, Văn - Hoá - Mẹ như một dòng chảy không thể thiếu trong ngòi bút của mình?!

Không thể tách đời sống ra khỏi văn hoá. Đặc biệt, đối với văn học, là một bộ phận của văn hoá thì sự gắn bó tác động qua lại là điều không thể phủ nhận. Mỗi nhà văn khi sáng tác, bên cạnh vô vàn những điều cần và dù để hình thành nên một phong cách, để cho ra đời một tác phẩm, thì vốn văn hoá là một điều rất quan trọng. Nguyễn Ngọc Tư đã có được điều đó, nên tập “Giao thừa” của cô đã được nhiều người đón nhận. Tất nhiên, vốn văn hoá của một người cầm bút phong phú và đa dạng vô cùng. Nhưng ở trong giới hạn một khía cạnh rất nhỏ của tập truyện này, chúng tôi muốn nói đến một nét văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là khuynh hướng đề cao nữ tính, một khuynh hướng xuất phát từ sự gắn liền với cuộc sống nông nghiệp và nguyên lý âm dương của dân tộc Việt.

Đ.
H
(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Anh không thấy thời gian trôi thời gian ở trong máu, không lời ẩn mình trong khóe mắt làn môi trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời về kiếp người ngắn ngủi.(T.Đ.D)

  • HOÀNG THỤY ANH Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.

  • TRẦN THIỆN KHANH (Nhân đọc Phim đôi - tình tự chậm, Nxb. Thanh niên 2010)

  • LGT: Tuệ Nguyên, một nhà thơ trẻ dám dấn thân để lục tìm chất men sáng tạo ở những vùng đất mới với khát vọng cứu rỗi sự nhàm chán trong thi ca. Trong chuyến xuyên Việt, anh đã ghé thăm tạp chí Sông Hương. Phóng viên Lê Minh Phong đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ này.

  • KHÁNH PHƯƠNG Lê Vĩnh Tài tự chẩn căn bệnh của thơ tình Việt Nam là “sến”, nghĩa là đa sầu đa cảm và khuôn sáo, bị bó buộc trong những lối biểu hiện nhất định. Rất nhanh chóng, anh đưa được lối cảm thức đương đại vào thơ tình, cái ngẫu nhiên, vu vơ, ít dằn vặt và không lộ ra chủ ý, dòng cảm xúc ẩn kín sau những sự vật tình cờ và cả những suy lý.

  • HỒ THIÊN LONGBạn đọc TCSH thường thấy xuất hiện trên tạp chí, và một số báo văn nghệ khác một số tên tuổi như về văn xuôi có: Lê Công Doanh, Phùng Tấn Đông, Châu Toàn Hiền, Nguyễn Minh Vũ, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Phú Phong, Trần Thùy Mai…

  • FAN ANH 1. Sự đồng hành của “ba thế hệ viết trẻ”

  • HOÀNG THÁI SƠN (Về nhà thơ trẻ Xích Bích)

  • NHỤY NGUYÊN

    Đọc bài thơ, thương hốc mắt sâu thẳm của người mẹ chờ con lạc lối, bơ vơ ngay trên ngọn sóng quê nhà.

  • Kỷ niệm 100 năm ngày bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước & Ngày báo chí cách mạng Việt NamPHẠM PHÚ PHONG - HỒ DŨNGHơn ai hết, trong buổi bình minh của cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ý thức rất đầy đủ về sức mạnh của báo chí và dư luận xã hội trong đấu tranh cách mạng. Nó không chỉ là phương tiện giao lưu tư tưởng, mở đường cho văn hóa phát triển mà còn là vũ khí, là công cụ đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc trên mặt trận tư tưởng.

  • ĐÔNG HÀHuế không phải là đất ở để thương mà chỉ là đất đi để nhớ. Nhiều thế hệ học sinh sinh viên đã đến, ở lại nơi này và rồi sau đó lại khăn gói ra đi. Nhưng đi không đành, nên thường để lại bằng những nỗi lòng trải dài theo khói sương bãng lãng của đất trời cố đô. Thành thử có một thời, Huế nên thơ trong mỗi áng văn chương của những người trẻ tuổi là vì vậy.

  • Mới đó mà đã gần ba mươi năm trôi qua, kể từ khi những văn nghệ sỹ trẻ xứ Huế cùng hội ngộ với nhau trong Câu lạc bộ Văn học Trẻ Huế những năm tám mươi thế kỷ hai mươi.

  • LTS: Nhà văn, nhà thơ Thanh Tịnh là người con của xứ Huế, ông sinh ra, trưởng thành và định hình như là một nhà văn ở đây.

  • PHẠM THƯỜNG KHANH - TRẦN XUÂN TUYẾT Trong số những di sản mà Hồ Chí Minh dành cho ngành Công an thì bức thư của Người gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu 12, ngày 11 tháng 3 năm 1948 - nói về Tư cách người Công an Cách mệnh là một di sản quý báu.

  • NGÔ MINH Nhà xuất bản Tri thức vừa ấn hành cuốn sách quý: “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” của nhà văn Dương Phước Thu. Sách: biên khảo, lý giải rất chi tiết, rất sâu và cảm động từng chữ, từng hình ảnh khắc trên Cửu Đỉnh.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNCuốn sách non 220 trang không có phụ bản, bản đồ, tranh ảnh nào khác, giới thiệu. “Bức tranh chung về văn hoá Huế”.

  • LÊ THỊ BÍCH HỒNGTôi đến thăm gia đình cố nhạc sĩ Trần Hoàn trong tiết xuân lây phây mưa bụi. Bác Thanh Hồng - vợ nhạc sĩ, người con gái xứ Nghệ tạo thi hứng cho ca khúc Lời người ra đi bất tử cùng năm tháng niềm nở đón khách.

  • HỒNG NHU“Cánh chim trong bão tố” - NXB Hội Nhà văn Việt Nam - tự truyện của Nguyễn Thanh Song Cầm đến tay tôi vào một ngày mưa dầm xứ Huế ngày tháng 10 chưa cười đã tối. Một cây bút mới xuất hiện. Tôi đọc liền một mạch từ đầu cho đến cuối sách, từ lời giới thiệu cho đến phần vĩ thanh 476 trang.

  • ĐẶNG TIẾNNhật nguyệt dấu yêu là một mùa hoa trái trễ tràng, tập thơ đầu tay được tác giả gửi đến người đọc như một ủy thác, sau khi đã trải nghiệm cuộc đời, thực tế và văn học.

  • MAI VĂN HOAN(Nhân đọc “Quãng cách lặng im” của Xuân Hoàng)