Những năm trước bốn nhăm, phố phường Hà Nội tràn ngập các nhà hát (ca quán) cô đầu. Ước tính có khoảng 2.000 cô đầu và hơn 200 nhà hát ở Hà Nội. Những cô đầu đến hát bao giờ cũng đi theo gia đình. Thường là chồng đàn vợ hát, hay anh đàn em hát. Họ chỉ là “ca sĩ” đơn thuần. Nhưng trong ca quán, khi thưởng thức văn chương nghệ thuật, phải có trà, phải có rượu, phải có đồ ăn đồ uống. Vì vậy phải có tiếp viên, những người hầu rượu, tiêm thuốc, nấu nướng, thậm chí phục vụ nhu cầu thư giãn khi khách nghỉ lại qua đêm. Khốn nỗi, những người tiếp viên trong ca quán đó cũng được gọi là cô đầu. Như thế, có hai loại cô đầu là cô đầu hát và cô đầu rượu. Đi hát cô đầu dần dần được cho là hình thức sinh hoạt thiếu lành mạnh. Các cô đầu rượu không biết hát. Họ không xuất thân từ các giáo phường ca trù ở nông thôn, cũng không xuất thân từ các giáo phường nền nếp ở thành thị. Cô đầu rượu không vào các ca quán để học nghề đàn hát mà chỉ đến đây để kiếm việc làm, “ăn trắng mặc trơn”, tránh công việc lam lũ ở quê nhà. Nghề của các cô đầu rượu là giao đãi với quan viên, đáp ứng các nhu cầu thư giãn của họ. Chính các cô đầu rượu, cô đầu ôm này đã khiến cho bao nhiêu gia đình phải khuynh gia bại sản. Báo chí trước Cách mạng tháng Tám đã có nhiều phóng sự và hý họa về các cuộc đánh ghen tày đình xảy ra ở các ca quán Khâm Thiên mà nguyên nhân chỉ vì các cô đầu rượu này. Và rồi cô đầu hát bị đánh đồng với cô đầu rượu. Tiếng xấu về sinh hoạt ca trù ngày một hằn lên suy nghĩ của người đời. Trong khi đó, hình ảnh của đào nương ca trù đã từng được một khách văn nhân tả thế này: Mặt tròn thu nguyệt/ Mắt sắc dao cau/ Vào - duyên khuê các/ Ra - vẻ hồng lâu/ Lời ấy gấm/ Miệng ấy thêu/ Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban -Tạ/ Dịu như mai/ Trong như tuyết/ Nét phong lưu chi kém bạn Vân - Kiều… Nhưng, theo tháng năm hình ảnh ấy trở nên mờ nhòe với biết bao nghi ngại. Phải mất một thời gian khá dài, và phải mất rất nhiều công sức, trong đó đặc biệt ghi nhận sự tiên phong của những nhà nghiên cứu ca trù, chúng ta mới dần xóa đi những hiểu lầm đáng tiếc này. Do đó bây giờ rất cần xã hội hiểu đúng, minh oan cho những đào kép ca trù, minh oan cho một bộ môn nghệ thuật có giá trị trong văn hoá Việt Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình. Khoảng chục năm trở lại đây dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc. Đóng góp của ca trù vào văn hóa Việt Từ ca trù, một thể thơ hết sức độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ Hát nói, với hàng nghìn bài thơ chữ Nôm chứa đựng rất nhiều tâm trạng, rất nhiều biến thái vi tế của tâm hồn Việt qua nhiều thế kỷ. Về mặt âm nhạc, có hai nhạc khí là đàn Đáy là Phách, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở nên những nhạc khí đặc trưng của ca trù, góp phần đưa ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. Việc Ca trù vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là một điều rất đáng mừng. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, rằng từ đây, di sản ca trù của Việt Nam đã chính thức được thế giới ghi nhận và chính thức là một di sản quý giá mà Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại. Danh hiệu này cũng nhắc nhở chúng ta đang có một di sản quý báu mà bấy lâu nay chúng ta còn thờ ơ, quên lãng. Nay, di sản ấy cần được phủi bụi thời gian và hiển hiện long lanh dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân nghệ sỹ và cả cộng đồng sẽ chung tay gây dựng cho nghệ thuật ca trù, tìm cho ca trù một chỗ đứng trong đời sống văn hóa đa dạng phong phú hôm nay. Ca trù cần được sống trong đời sống đương đại chứ không phải chỉ tồn tại trong thư tịch cổ hay các kho băng đĩa. Và chỉ có như vậy, tiếng hát ca trù mới thực sự là tiếng họa mi cất lên từ cánh đồng âm nhạc Việt Ca trù - nghệ thuật của âm thanh đồng vọng Xưa nay, đến với ca trù là những tâm hồn yêu tiếng hát, tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách ca trù, để sẻ chia tâm sự, để hoà mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm, để hào hứng dốc sạch túi tiền vào một cuộc hát mà thưởng cho một ngón nghề tài hoa. Khác với nghệ thuật chèo, hát văn, đi thưởng thức ca trù gọi là đi “nghe hát”, chứ không phải là đi “xem hát”. Đào nương ca trù khi múa và diễn, không có các trang phục nhiều màu vẻ như hát chèo hay hát văn. Đào nương ca trù chỉ ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Dù khi đào nương cất lên tiếng hát, thì khóe miệng vẫn luôn ở hình chữ nhất ( - ) rất kín đáo. Đào nương chỉ có một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe chỉ bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Do đó, vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao cho người nghe hát, cũng đồng thời là những người làm ra các bài thơ đó, lại cũng là người phẩm bình, chấm điểm cho tiếng hát, tiếng phách ấy. Và như vậy, sau sáu bảy mươi năm vắng bóng, ca trù lại bắt đầu đi tìm tri âm. “Tri âm ta lại bắt đầu tri âm”! Ca trù trên đất cố đô Huế không phải là cái nôi của ca trù, nhưng Huế đã từng vang lên tiếng hát ca trù ngay trong hoàng cung gác vàng điện ngọc, và thể thơ hát nói ca trù đã được các thi sĩ hoàng gia tìm đến như một lựa chọn để thể hiện tấm lòng “giãi tỏ với tri âm”. Huế, miền đất thơ mộng của sông Hương núi Ngự, kinh đô của các vua triều Nguyễn đã từng là nơi diễn ra các khánh tiết, nghi lễ cung đình. Hồ sơ lưu trữ còn lưu giữ được các hình ảnh của đào kép của các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa vào kinh đô Huế chúc thọ “tứ tuần đại khánh” vua Khải Định vào tháng 9 và 10 năm 1924. Các thi sĩ thuộc hoàng tộc như Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng rất chuộng hát ả đào và đã sáng tác nhiều bài theo thể thơ hát nói. Tập Bán buồn mua vui của ông có tới 42 bài hát nói ca trù (trong khi có 30 bài ca Huế, 36 câu Mái nhì và hò khoan, 6 đoạn Nói lối và Hát nam). Giai nhân với tài tử vốn là nợ sẵn, Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng đã ghi lại kỷ niệm giữa ông và các ả đào. Mỗi bài thơ là một câu chuyện riêng tư thi vị, mà rất nhiều trong số này lại là những sáng tác ngẫu hứng, ngay trong chiếu hát, ngay trong tiệc rượu. Nào là cuộc tái ngộ với cô đào Như Ý, nào là bài thơ đưa cho cô Tuyết Ngọc, và rồi những giận hờn: Giận cũng vì thương, thương mới giận/ Thương nên quá giận, giận càng thương. Rồi những dòng tâm sự lắng sâu của khách tài tử được viết ra lúc tiếng trống chầu lỗi nhịp giữa canh khuya…
Văn nhân và ca nữ vẫn là một mối quan hệ mà dường như chỉ có tạo hóa mới ban tặng được. Có phải vì thế mà mối tình giữa văn nhân và ca nữ luôn ở trong trí nhớ người đời? Có phải vì thế mà những mối tình này được lưu giữ trong văn chương rất thi vị cho dù nó hiện diện và tồn tại một cách rất mong manh. QUAN HỌ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Khác với ca trù là môn nghệ thuật có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành châu thổ bắc bộ, bắc trung bộ, quan họ là một môn nghệ thuật sinh ra và đời đời nuôi dưỡng trong cái nôi của vùng văn hóa Kinh Bắc. Cho đến nay, đã từng có rất nhiều giả thuyết về sự ra đời và nguồn gốc của quan họ nhưng chưa có giả thuyết nào được chấp nhận một cách tuyệt đối. Ngay chữ Quan họ, chúng ta cũng chưa tìm được một văn bản Hán Nôm nào chép hai chữ này. Quan họ có từ bao giờ cũng chưa có câu trả lời xác quyết! Không gian văn hóa quan họ trải dài khắp 49 làng quan họ cổ của trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đó là vùng đất cổ xưa, với những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi, những hội hè đình đám, những phong tục tốt đẹp, những vị công hầu khanh tướng, những ông nghè ông trạng và những giai nhân tài sắc. Người Kinh Bắc có câu: Em đi khắp bốn phương trời/ Không đâu lịch sự bằng người ở đây. Thời gian của Quan họ là suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nhưng mùa Xuân mới thực sự là mùa của quan họ. Khi ấy “thong thả nhân gian nghỉ việc đồng”, các làng vào đám, nam thanh nữ tú đua nhau trẩy hội tưng bừng. Người Kinh Bắc hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, và trong các tư gia... Trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng bọn (từ cổ, chỉ một nhóm người) để cùng nhau hát. Một bọn quan họ thường là những người trong một làng với nhau, với ý là để đối đáp với làng khác. Gặp nhau, người quan họ dùng những lời xưng hô thật nhún nhường, lịch sự. Bên nào cũng vui vì gặp gỡ, cũng mong được học lấy đôi lối đôi câu. Những bọn quan họ gặp nhau, thường là hát với nhau thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa (nhà ông trùm của một bọn quan họ), và nghỉ lại ở nhà quan họ bạn của mình. Đó là tục ngủ bọn, có từ thưở xa xưa lắm! Về lề lối, theo học giả Toan Ánh thì quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính để hát đối đáp trong những ngày hội. Đó là Giọng sổng (dùng để dạo giọng lúc bắt đầu hát), thường là những lời ướm hỏi như: Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà. Tiếp theo là Giọng vặt (những câu hát để đôi bên gắn bó với nhau). Giọng sổng chỉ có một giọng, còn giọng vặt thì là gồm nhiều giọng: giọng buồn, giọng vui, giọng cao, giọng thấp, giọng ngắn, giọng dài. Gặp nhau, người quan họ kể cho nhau rằng đêm đông lạnh giá, nhớ bạn, không dám, một mình đắp cả manh chiếu tấm chăn: Gió lạnh suốt đêm đông trường/ Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai… Sau Giọng vặt là Giọng bỉ (Giọng vỉ) để hát lúc chia tay. Giọng bỉ ngân dài, nói lên sự chua xót của phân ly và cả sự luyến tiếc của ngày mau tàn. Vì vậy, nội dung các câu hát giọng bỉ thường là căn dặn, nhắn nhủ nhau nhớ lấy những lời hẹn ước. Dẫu rằng dân gian có câu: “Ăn Bắc, mặc Kinh” ý nói người Kinh Bắc sành ăn, người Kinh kỳ (Kẻ Chợ, Hà Nội) thì sành mặc, nhưng người quan họ ăn mặc rất đẹp. Trang phục của người quan họ nền nã, kín đáo, lịch sự, tinh tế. Chi tiết nào trong trang phục liền anh, liền chị quan họ cũng đẹp. Nhưng có hai chi tiết trên trang phục của liền chị quan họ đã trở thành vẻ đẹp được thi ca tán tụng, đó là chiếc khăn mỏ quạ hình bông sen hồng và nếp váy đã lạc vào câu thơ “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” của thi sĩ Hoàng Cầm. Về chơi quan họ, chơi lối chơi của người quan họ ta cảm nhận được sự thanh lịch và nồng hậu của người Kinh Bắc. Một mâm cơm quan họ dọn ra, be rượu đã nghiêng bầu rót vào chén ngọc. Mâm cao cỗ đầy thịnh soạn, nhưng người quan họ lại vẫn khép nép thưa rằng: “Năm thì năm mới, tháng thì tháng xuân, các liền anh liền chị chẳng quản đường xá xa xôi đến thăm đất nước nhà chúng em, thăm thầy u chúng em. Nay đã thức thời, chúng em có sửa soạn mâm cơm nhạt, đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa dưa, chúng em cũng mong các liền anh liền chị nâng chén dựng đũa để cho chúng em được thù tiếp đấy ạ!”. Và rồi người quan họ ca lên rằng: Về với Kinh Bắc, cho dù bạn không phải là người con của quê hương ấy thì khi cất bước chân đi bạn cũng sẽ thấy đây là một quê hương của bạn rồi. Vì rằng Kinh Bắc có tất cả vẻ đẹp cổ truyền và vẹn nguyên của vùng quê văn hiến mà hồn của muôn xưa vẫn còn hiện diện đâu đây, trong giọng nói tiếng cười, trong nếp sinh hoạt của người dân hôm nay. Khi câu hát “Người ơi người ở đừng về” vang lên lời giã bạn với lời hát rằng “đương vui như thế này, sao người bỏ ra về, có nhớ đến chúng em chăng?” thì bạn có cầm lòng được chăng? N.X.D (252/02-2010)
|
Ngày 23/2, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận các xã An toàn khu, Vùng An toàn khu ở tỉnh Lạng Sơn; đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn.
Ít ai biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từng bị sử dụng làm nơi đóng quân, có thời gian lại dùng làm điểm “cách ly dã chiến” cho việc đối phó với dịch tả ở Hà Nội.
Mỗi dịp đầu Xuân mới, các làng xoan cổ ở Phú Thọ lại có dịp hội tụ hát những làn điệu mượt mà, đằm thắm, thấm đậm tình đất, tình người đất Tổ Vua Hùng.
Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), có sáu lễ hội truyền thống đã được bổ sung vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
LTS: Đầu tháng 12-2016, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO, di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Việt Nam, có luồng ý kiến cho rằng, những biến tướng từ tín ngưỡng này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là gì và tại sao một bộ phận người Việt có cái nhìn như vậy?
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng đạo Mẫu có những vị thánh được “dệt” từ anh hùng trong lịch sử. Bằng cách đó, đạo Mẫu cũng thể hiện chủ nghĩa yêu nước.
Ngày 3/12, đại diện của khoảng 40 nước nhóm họp tại Abu Dahabi đã thông qua kế hoạch thành lập một quỹ bảo vệ các di sản trong các khu vực có chiến tranh và một mạng lưới cất giữ an toàn cho các tác phẩm nghệ thuật đang gặp nguy hiểm.
Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 29.11, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho biết Nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian ở Đà Nẵng vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mới đây, Bộ tem “Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đã chính thức được phát hành và có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng đến ngày 30/6/2018.
Trước khi cho phóng viên Thanh Niên chụp ảnh chiếc lư đồng, ông Hà Xuân Út, Trưởng làng La Chữ (P.Hương Chữ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) phải thắp hương xin phép Thành hoàng, bởi chiếc lư được cho là bảo vật rất thiêng của làng.
Di tích lịch sử Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã chính thức được công nhận là di tích cấp quốc gia (theo Quyết định số 2894/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký).
Kim sách triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ nhân, thợ thủ công cung đình xưa.
TRẦN VĂN DŨNG
Trong dòng chảy lịch sử hàng trăm năm, Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng đất khác nhau để trở thành một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Với mục tiêu năm 2016, hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp và chính thức trở thành di sản đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa hát Xoan.
Trong khi nhiều loại hình âm nhạc truyền thống đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì ca Huế vốn là loại hình âm nhạc bác học mang giá trị độc đáo, có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn, lại chỉ mới được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.
Mộc bản là một trong những di sản quý giá của nền văn hóa dân tộc. Năm 2009, UNESCO đã công nhận mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới (số mộc bản này hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Theo kế hoạch đến cuối năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ phải đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, chính thức đưa hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Xúc động, đầy tính nhân văn và hoàn toàn tương đồng với những giá trị đạo đức của người Việt, lễ Vu lan báo hiếu đang được một số chuyên gia đề nghị tìm hình thức tôn vinh xứng đáng.
Trong hành trình của “Trại hè Việt Nam 2015,” ngày 21/7, Đoàn thanh niên sinh viên kiều bào đã đến với Huế - thành phố văn hóa ASEAN có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với sông Hương, núi Ngự cùng đền chùa, thành quách, lăng tẩm cổ kính rêu phong gắn liền với triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.