Đang những ngày mưa ở Huế tháng 10 này, lại nhắc đến mưa Huế, liệu đây có phải là đặc sản của Huế của mùa thu Huế, nhưng Huế làm gì có mùa thu? Hay là mùa thu Huế quá ngắn đến mức nhiều người không kịp nhận ra...?
Huế, Thành phố không có mùa thu ?
Không có cái năm nào lạ như năm 2015 con Mùi này, tháng 8 dương lịch trời Huế đột nhiên mát dịu trong cõi nắng vàng sau những cơn mưa và kéo dài suốt tuần sau đó, khiến ai ai cũng ngỡ ngàng có phải thu đã về trên Huế vẫn đang cổ kính dẫu trên đôi tay không còn đôi vầng nhật nguyệt mà giờ đang là những chiếc smartphone điệu ngộ...
Nhưng có phải lúc đó thu đã về không? Hay chỉ là một phái sinh của biến đổi khí hậu khiến mùa thu cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều đổi sắc? Trong cái nắng đương đại vàng một màu thiền trên sông Hương như hôm nay, không thể không nhớ cái mùa thu mênh mang của Huế từ bao ngày xa lơ xa lắc...
Trong vỉa tầng ký ức đời người, mùa thu thường hiện lên trong tôi một không gian cao rộng của tầng không. Không gian xanh lơ tinh khôi và mới mẻ nằng nặng hương vị ẩm mục của cây trái trong vườn. Và màu của mùa thu thênh thang xanh đến mềm tươi đầy nhựa sống trên lá non, mềm tươi đầy trải nghiệm trên những chiếc lá vàng. Hơi thở của mùa thu cũng nhè nhẹ hơn, không hừng hực như mùa xuân tràn đầy, không riết róng như mùa hạ nóng bỏng và không xuýt xoa như mùa đông lạnh giá... Ngày xửa ngày xưa, mùa thu gieo hạt giống trong ký ức trẻ thơ là những dòng thu sang “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh. Gần như không chỉ trong tôi, mà trong nhiều người khác, đó là một áng văn đẹp nhất về buổi tựu trường. Năm nào đó, giữa xứ Huế đọc xong bài “Thu điếu” của thi hào Nguyễn Khuyến, lòng thơ trẻ của tôi hình dung mùa thu là giấc ngủ trưa yên ả dưới khóm trúc nín thinh trong gió. Đến khi đọc “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, mùa thu gõ vào nhịp tim tôi là tiếng lá khua động trong không gian tĩnh mịch rừng thưa của con nai mơ hồ nào đó. Và khi nhìn thấy phiên bản bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan in trên giấy bóng trong tạp chí ảnh của Liên bang Xô Viết cũ, tôi nhận ra thế giới mùa thu không chỉ có tiếng dế mèn trái mùa nơi bãi biền ven sông mà còn có cái mênh mông của thảm lá vàng rơi... Mùa thu tích cóp dần trong tôi qua tháng năm toàn là những kỷ niệm kiểu như thế và lòng tôi luôn luôn mở cửa đón nhận những vị khách mơ hồ, hiền hòa, đầy bất ngờ cao rộng của sự nhẹ nhàng không biên giới, trải dài vô bờ bến như những làn sóng lăn tăn trên một dòng sông dìu dịu...
Mưa nắng đất kinh kỳ cũng dạy dỗ cho tôi biết rằng giữa mùa thu trong trang sách với mùa thu thực tế ở Huế, đã có một khoảng cách biệt rộng lớn. Ngày đầu tiên đi học của tôi, không có nắng vàng tươi rực rỡ trên cao, không có hoa cỏ hai bên đường và không có cả “lá ngoài đường rụng nhiều”... mà hôm đó là một ngày “nắng tháng 8 nám trái bưởi”, nắng đổ mồ hôi cháy da cháy thịt mà cái nóng hãy còn đeo đuổi tôi đến hơn 30 năm sau, đến tận bây giờ.
Cũng có người cắc cớ đặt dấu hỏi Huế làm gì có mùa thu? Bèn nói thật là tôi nghĩ mùa thu Huế quá ngắn đến mức nhiều người không kịp cảm nhận ra rằng Huế có mùa thu. Và rồi, cũng có thể vay mượn trong trí tưởng tượng một chút thu sang từ mơ hồ xa xôi nào đó để ứng với Huế, như thể cũng có mây bay trôi ngang đỉnh Ngự, như thể lá rụng đầy sông Hương hay trong những khu vườn Huế. Thế rồi mới thấy là không thể tưởng tượng ra mãi, bởi vì vòm long não trên đường Lê Lợi vẫn ngang nhiên xanh, không nhuốm một chút vàng nào để rụng.
Vậy Huế có mùa thu không? Và mùa thu Huế nó thế nào?...
Nếu định nghĩa mùa thu chỉ đơn giản là “Mùa chuyển tiếp từ hạ sang đông, thời tiết mát dịu dần” thì quả thật mùa thu có ở khắp nơi trên trái đất, trừ xứ Huế vốn chỉ có hai mùa mưa nắng. Sang tháng 7, tháng chớm thu nắng đã vợi bớt nhiều so với tháng 5, tháng 6 nhưng Huế vẫn nóng từng ngày. Có thể nửa đêm về sáng giấc ngủ cần một mảnh chăn đơn cho ấm nhưng đầu hôm tắt đèn vẫn phải để quạt chạy vù vù. Hơi thu vì thế, nói đùa như câu chuyện men rượu về khuya, bắt đầu len vào người từ lúc nửa đêm, lúc mọi người bắt đầu trôi vào giấc điệp, kể cả trong giấc mơ cô gái vừa đi qua cảm giác lâng lâng của lần đầu hò hẹn mà nụ cười hạnh phúc còn đọng trên khóe thu ba.
Có lẽ cái mát dịu của mùa thu xứ Huế cũng chỉ đến với người len lén trong khuya sâu như thế thôi. Hình như Huế chỉ có mùa thu về mặt thời gian, còn về mặt không gian thì họa hoằn lắm mới có được những ngày thu sang thắm thiết. Nhưng mà vẫn thấy mùa thu Huế chuyển rõ ràng sau những cơn mưa bất chợt như nước mắt vợ chồng Ngâu rơi xuống vào những ngày cuối hạ. Mưa nhẹ thôi, từ tang tảng sáng, hay từ xê xế trưa, để im vắng một khoảng trời nhung nhớ truyền thuyết thủy chung từ đó giăng nhớ sang chiều, sang đêm. Mùa thu xứ Huế về mặt không gian thì nhẹ nhàng, ngắn ngủi như không có gì, diễn ra cũng chỉ vài ngày im ắng song về mặt thời gian thì lại nặng bao khối ân tình. Ngoài chuyện vợ chồng Ngâu qua cầu Ô Thước gặp nhau trong ngày trùng thất, Huế còn có cả một mùa Vu lan con cái báo hiếu cho cha mẹ. Huế có gần một nghìn ngôi cổ tự, ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân, con cái lên chùa lễ Phật cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Sông Hương năm nào cứ đến ngày rằm tháng 7 là hoa đăng nhà chùa thả giăng đầy mặt sông, như màu thu hoa đăng rực lên trong đêm về ý niệm sống nhân bản. Trong cả năm, mùa phóng sanh nhiều nhất của người dân Huế cũng là vào dịp này.
Thế nhưng, tất cả những câu chuyện ân tình ấy lại diễn ra rất đỗi nhẹ nhàng tự nhiên như tiếng chuông chùa nhẹ đưa, như lá trúc khẽ chao nghiêng trước gió. Ở đây có hai điều cần nói. Thứ nhất, tính cách Huế chi thì chi đi nữa, vẫn là thứ tính cách nhẹ nhàng, khoan thai hạng nhất thế giới, nên tính cách Huế cũng có thể ví von như tính cách mùa thu. Thứ hai, người Huế thường hay đùa về cái tình cảm của mình “chắt chiu mà hào sảng, đơn giản mà thâm trầm”, thấy cũng y như mùa thu xứ Huế. Như thể cái mát dịu được chắt chiu cả năm, để dành ra mát dịu cho đời được vài ngày thu Huế ngắn ngủi...
Mùa Thu, mùa đặc trưng của Huế
Gần như cái mát dịu của mùa thu đi tìm nơi trú ẩn trong vườn hoa trái, nên mùa thu là mùa cây trái xứ Huế chín rộ. Nhãn lồng Thành Nội vừa chín đến trái cuối cùng, các nhà vườn còn lủng lẳng thanh trà, cam, quýt, bưởi bòng... Thanh trà Nguyệt Biều bây giờ đã thành biểu tượng hoa trái xứ Huế. Quả này uống nước sông Hương, ăn đất bãi bồi sông Hương nên ngon, ngọt, thơm mùi thanh khiết đất trời Hương Ngự. Từ tháng 6 ta, thanh trà đã được các vườn bắt đầu thu hoạch nhưng phải đến tháng 8 ta, thanh trà mới ngon. Là bởi vào tháng này, các cây đại lão thanh trà mới chín trái, trái nhỏ thôi mà thơm mà ngọt quá chừng như hương mùa thu đã được tôi luyện. Cũng vậy, tháng 8 quýt Hương Cần mới ngon. Quýt Hương Cần có đặc điểm khác với các quýt khác là trái nhỏ, hơi dẹp, ở đầu tự nhiên cái núm lún xuống như cái núm đồng tiền trên má người con gái. Ăn quýt Hương Cần nên chờ đến tháng này hãy ăn; ăn sớm quá, trái thơm gắt mà không ngọt. Ăn vào tháng này, trái chín ủ trong tiết trời nắng nóng đã dịu đi nên cái mùi thơm vẫn thăng hoa mà vị ngọt lại như lắng đọng. Cắn một múi, nước tứa ra đầu lưỡi chưa kịp nhăn mặt đã nghe vị ngọt ùa đến bất ngờ, rồi mùi hương xộc lên mũi ngan ngát, rất riêng biệt. Cái ngon của quýt Hương Cần là vậy đó!
Lững thững về làng mùa thu, mùi rơm phơi dọc đường làng dậy lên tươi mới thơm thơm ngọt ngọt. Sau những ngày nắng gắt, rau cỏ trong vườn như tươi non hơn sau những cơn mưa chuyển mùa. Để ý thì mới thấy rau muống dịp này ở Huế ngon nhất trong năm. Như thể cơn mưa sau chuỗi ngày nắng gắt mùa hạ đã đánh thức tất cả mầm sống của cọng rau, khiến cái đọt rau nó trườn ra mãnh liệt, khiến cái ngọt thanh của cọng rau muống cũng được dịp mà non, mà mềm. Ăn rau muống dịp này nên ăn cả nước luộc vắt tí chanh, đơn giản vậy mà khó có sơn hào hải vị nào sánh bằng...
Về làng gặp lúc ngay sau trận mưa lớn, có khi lụt tiểu mãn, bấy giờ cánh đồng làng vừa gặt xong, cá rô, cá trê rúc từ hói rúc lên đồng, chỉ cần đặt chẹp là bắt được khối cá. Con cá rô đợi sang tháng 10 mới ngon nhưng lúc này cũng là lúc cá trê đã vàng lượm cái lườn béo ngậy, cá rô cũng đã mang đầy trứng trong bụng, kho với dưa cải, chắc không ai quên được món ngon đồng quê...
Mùa thu Huế ơi, sao ngắn chẳng tày gang mà bao nhiêu câu thơ viết hoài không hết...?!
Theo Hồ Đăng Thanh Ngọc (doanhnhanviet.org.vn)
Minh Mạng là một trong những vị Vua có đông Công chúa, Hoàng tử nhất lịch sử Việt Nam. Trong số 142 người con của mình, Công chúa thứ 4, hiệu là An Thường, được Nhà vua thương yêu hơn cả bởi từ nhỏ đã hiền hòa, hiếu thảo. Trong đó có câu chuyện về món nầm dê Vua ban khiến cả cung đình Huế cảm động.
Hội chữ thập đỏ huyện nam Đông vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Huế trải hơn 350 năm lịch sử là thủ phủ Chúa Nguyễn Đằng Trong và Kinh Đô nước Việt triều Nguyễn, nhân dân lao động cả nước đã tạo nên Di sản văn hóa thế giới . Một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa Huế là văn hóa ẩm thực.
Ẩm thực Huế phong phú, lại vô cùng đặc sắc mà không nơi mô có được. Đến với xứ Thần Kinh, bạn sẽ được thưởng thức một món chè bột lọc bọc thịt heo quay, được xem là món chè độc đáo nơi cung đình từ thuở xa xưa còn lưu truyền đến ngày nay.
Theo thống kê, Huế có tới 175 loài thuộc 45 họ thực vật khác nhau, với đủ các kiểu dáng tự nhiên và gam màu cơ bản như xanh, vàng, đỏ, tím…
Nhà văn là ai? Tác phẩm của anh ta đảm nhận những sứ mệnh nào? Đâu là những giới hạn của văn chương? Đó là những câu hỏi mà nhiều người cầm bút đã tự vấn. Có nhiều người cho rằng, sứ mệnh duy nhất của nhà văn, không gì khác đó là hướng đến những giá trị nhân văn, chính giá trị nhân văn đã khiến tác phẩm nhà văn vượt qua mọi giới hạn.
Ngày 23 tháng 5 Âm lịch hàng năm là ngày cúng âm hồn của người dân thành Huế. Việc tổ chức cúng âm hồn có liên quan đến sự kiện kinh đô thất thủ năm 1885.
Huế là chốn kinh đô trong hơn 100 năm triều đại phong kiến Việt Nam, và ngày nay, Huế mang một không gian nhẹ nhàng, yên tĩnh, và có gì đó hoài niệm, buồn man mác. Với nhiều người yêu thích lịch sử, truyền thống, Huế là điểm phải đến khi du lịch miền Trung, thế nhưng nhiều người lại không thích đến Huế, nói rằng Huế chán lắm, chẳng có gì chơi. Hãy cùng mình tìm hiểu những lý do tại sao bạn không nên đến Huế nhé!
Tháng sáu, nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Sông Hương dẫn lại một số tư liệu về Hồ Chủ tịch với báo giới trên báo Quyết Chiến của Huế những năm 1945, để bạn đọc có thêm tư liệu về một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn của vị lãnh tụ mà báo giới đã hết sức kính trọng ngay từ những ngày đầu cách mạng.
Không ít vị khách chắp tay chào thiền sư một cách kính cẩn, không nghĩ rằng mình đang đối diện với một bức tượng thiền sư được tạo tác giống hệt người thật.
Hoàng hôn trên sông Hương, sắc phượng đỏ trong Hoàng thành, vẻ đẹp của vịnh Lăng Cô... là những hình ảnh khó quên về xứ Huế đầu thập niên 1990.
Là điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế, Bạch Mã có rất nhiều nơi để khám phá...
Dù nằm giữa thành phố Huế, nhưng Thủy Biều lại mang dáng dấp của một làng quê yên bình với khu vườn thanh trà ngát hương và những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi.
Thương về miền Trung bấy lâu nay được biết đến qua giọng hát của ca sĩ Duy Khánh cũng như nhạc sĩ Minh Kỳ - tác giả của ca khúc “Thương về xứ Huế”. Tuy nhiên, tác giả thực sự của bài hát này lại là Châu Kỳ, nhạc sĩ gắn liền với bản “Giọt lệ đài trang”.
Đánh bài tới là thú chơi dân gian phổ biến ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung.
Rừng Rú Chá là rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn tồn tại trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Những tiếng vọng toan lo từ biển khơi dội vào các dòng văn, dòng thơ trong chuyên đề VỌNG BIỂN trên Sông Hương số này, là những trăn trở chung cùng đồng bào, cùng đất nước.
Đầm Lập An là một trong những đầm nước lợ, có cảnh đẹp nên thơ, là một đầm nổi tiếng trong hệ thống đầm phá phong phú của Thừa Thiên Huế. Tuy là đầm nhưng nước rất trong có thể nhìn thấy đáy...
Vạc đồng thời Chúa Nguyễn là 1 trong số 5 hiện vật tại Huế được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đợt 4.
Huế là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi bề dày văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng quần thể di tích lịch sử.