Lá cây thuộc bài

10:20 22/03/2010
TRẦN THỊ HIỆPChập choạng tối có lệnh rút. Đây là lần đầu tiên sau ba ngày chiến đấu đơn độc trong lòng địch, chúng tôi mới liên lạc được với đồng đội và thật thất vọng, mệnh lệnh không phải giục xốc tới mà rút lui.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Chúng tôi, bốn đứa còn lại đào cái huyệt như cái hố cá nhân, chôn Lương. Lương là thằng dễ thương nhất, bạn chiến đấu và kể cả bạn ngoài đời, giờ đây nó đã ngủ giấc vô cùng, ngủ như đá nằm trong lòng đất giấc miên viễn. Ai có đào hầm rồi lấp lại mới thấy, dù là chất đất gì đi nữa, số đất đào lên khó lòng nén xuống cho hết. Không để cho địch và người chủ ngôi nhà này khám phá ra nơi mai táng, đất dư mang ra vườn rải đều. Cũng may sau ba ngày đánh nhau ác liệt nơi nào cũng có đổ vỡ, vôi vữa tung tóe khắp nơi. Dù làm cách gì cũng thấy chỗ ấy đất có vẻ mới và khang khác thế nào. Tôi nói ý này, thằng Thịnh bảo mầy tưởng tượng hão, ai biết được. Chúng tôi phải lấy cỏ rác, lá khô, lá vàng và một ít vôi gạch vụn trải một lớp, hi vọng vài ngày sau, nếu có mưa thì khó mà phát hiện nơi ấy có một con người nằm. Mộ không nấm rất dễ thất lạc, nhưng chúng tôi tin chắc một câu chuyện đau thương sâu sắc như thế này làm sao quên được? Chỗ hắn nằm là trung điểm gốc khế và cái giếng, phía sau ngôi nhà hai tầng đoạn giữa con đường Lữ Gia, chạy ven theo phía tây thành phố Nha Trang.

Đêm ba mươi tết Mậu Thân, chúng tôi xuất phát từ căn cứ Đồng Bò, đi dọc con đường mòn dưới chân mấy ngọn núi đất nhấp nhô giữa một vùng đất thấp ngập mặn. Vùng đất này rất thấp, mùa lụt nào cũng ngập, nước biển tràn vào không cây cối gì mọc được, rất trống trải, nhưng lại rất bất ngờ đối với địch. Đoạn phía nam người ta gọi là Đồng Muối. Chúng tôi thâm nhập thành phố Nha Trang bằng con đường chọc vào sườn thành phố này. Các mũi tiến công từ nhiều hướng đã thâm nhập sâu vào nội thành, súng nổ ran khắp nơi. Được tin cánh phía bắc đã lập công đầu. Cánh này băng qua một nhánh sông cầu Hà Ra lên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh thẳng vào hông dinh tỉnh trưởng, bọn địch đã bỏ chạy. Cánh phía tây của chúng tôi có một đơn vị đã lập chiến công ngay từ những phút đầu, tiến chiếm được đài phát thanh, cái miệng om sòm của địch ở đầu bắc cách chỗ chúng tôi chừng cây số. Nhóm tôi, chỉ hơn trung đội bị chận lại nơi đây, trong số này có bán tiểu đội gồm năm người của tôi, đã hi sinh mất một. Lương hi sinh lúc băng qua con đường, hắn chạy rất nhanh cạnh tôi, chỉ còn một bước chân nữa là đến chỗ an toàn, tôi thấy nó ngã, tưởng nó vấp, tôi thét: “Chạy đi!” Nó yên lặng, vào chỗ nấp tôi kêu thêm mấy lần nữa, nó vẫn nằm yên. Trời ơi nó bị bắn gục, sau này thấy đạn trúng vai xuyên qua ngực, hi sinh ngay. Chúng tôi mấy thằng còn sống liều mạng kéo hắn vào nhà, đạn thép cày trên đá mặt đường sáng lòa, lạ qúa thế mà chẳng có đứa nào bị thương, chắc là nhờ vong hồn hắn phù hộ. Từ đó hoàn toàn mất liên lạc. Ba ngày qua chúng tôi chiến đấu đơn độc. Chúng tôi có bản đồ nhưng đây là lần đầu tiiên đến một thành phố lạ, hoàn toàn mù mịt về điểm đứng của mình, lại chẳng nhận thêm lệnh nào, không biết phải đi về đâu, phải làm gì. Chung quanh súng nổ khắp nơi. Mới ló đầu ra đã bị bọn địch đóng ở cuối đường quạt lên. Nghe tiếng nổ biết mấy khẩu M 16, có cả đại liên M 60. Bọn chúng đặt điểm kháng cự cuối con đường đầu kia, kiểm soát cả đoạn đường thẳng này. Không diệt được ổ súng ấy, sẽ không làm sao thoát khỏi ngôi nhà này và khó lòng đưa Lương về căn cứ. Đã ba ngày qua, hơn 70 giờ rồi, xác bắt đầu hủy, ruồi nhặng đã vo ve. Chúng tôi đành chôn bạn ngay trong lòng địch, hi vọng sau ngày chiến thắng, hòa bình sẽ đem hắn về quê hương.

Chưa biết phải xử trí sao, chúng tôi được lệnh rút. Chúng tôi tính, phải đợi bên ngoài trời thực tối mới thoát ra khỏi cái căn nhà quỉ ám này. Mấy ngày qua địch biết căn nhà chúng tôi cố thủ, thôi thì đủ thứ đạn lớn nhỏ trút lên. Cái gì nhô ra chúng bắn ngay. Khu vực này mấy ngày qua chìm ngập trong lửa đạn, song điện không bị cắt, đó là ý đồ của địch, chúng muốn có ánh sáng để kiểm soát con đường này tránh cho ta di chuyển, tiếp tế, chuyển thương binh tử sĩ, và rút lui. Rất khó băng ngang qua 20 mét đường nhựa trống trải sinh tử sang phía bên kia, chuồn ra cánh đồng. Thằng Trịnh leo lên gác đẩy cánh cửa kính ra dùng cửa làm gương quan sát cuối đường đầu kia. Hắn chưa nhìn thấy gì cả thì xoảng, kính bị bắn vỡ, một mảnh kính vỡ ghim vào má, máu chảy ròng ròng. Như thế có nghĩa là bao nhiêu họng súng, bao nhiêu con mắt thù nhìn chăm chăm vào căn nhà này, nhất cử nhất động của chúng tôi chúng đều theo dõi. Tôi có cách khác, tôi nhặt một mảnh kính nhỏ, buột vào đầu cây gậy đưa ra quan sát phía đầu đường. Chiếc gương soi rất nhỏ, hình đa giác, cỡ nửa bàn tay vừa mới đưa ra đã bị một vài viên đạn bay qua cheo chéo. Rất may nhờ nó nhỏ quá và ở xa nên địch không bắn trúng. Chỉ cần vài giây tôi cũng kịp nhận ra nơi bọn địch bố trí. Lạ thật, nơi ấy tối thui, không đèn đóm gì cả, trong khi đó đoạn đường này lại sáng trưng. Sau nghĩ ra mới biết bọn địch rất tinh quái, nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Chúng bắn bể tất cả những bóng đèn sáng ở phía ta. Tôi nghĩ muốn băng qua khúc đường này cũng phải làm như chúng thôi. Tôi leo lên gác bắn vỡ được hai chiếc bóng điện đường, phía bên này đường. Còn những bóng khác ở xa quá không bắn bể được. Bắn ba phát không trúng. Thằng Hoài ở dưới nhà gọi với lên: “Xa quá bắn không trúng đâu, phí đạn!” Nếu không tắt được mấy ngọn đèn ấy thì chúng tôi rất khó, phía sau còn sáng, khi băng qua đường sẽ là những cái bóng đen hiện rất rõ trên cái phông sáng, làm bia cho địch nhắm. Nhưng biết làm thế nào, phải làm cho mất điện. Đức nói: “Muốn có bóng tối, chỉ có cách bắn đứt dây điện. Tôi nhìn lên, đêm ba mươi trời tối đen như mực, nhờ mấy bóng đèn còn lại, chăm chú lắm thì mới nhận ra nhưng sợi dây điện là những sọc đen mờ mờ. Thế nhưng khi nhìn vào súng, từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi, không thấy gì cả. Đành bỏ ý định bắn đứt dây điện, chỉ còn cách phá hỏng lưới điện chốn này. Chúng tôi lấy chất nổ TNT, quấn lại trong chiếc tất nhà binh, ở trong nhà dùng sào đẩy ra cột điện cạnh nhà, cho nổ. Cả một vùng rộng lớn chìm trong bóng tối.

Từ khi điện tắt, địch biết phía ta sắp sửa rút. Chúng bắn rất rát, đạn thép cày trên đá vạch sáng vun vút lướt qua, chúng thay nhau bắn cầm canh. Ngôi nhà chúng tôi đang chiếm giữ là nhà dân, một gia đình trung lưu, không hiểu vì sao tôi nghĩ họ ở trong ngành giáo dục. Trước khi đi kháng chiến gia đình tôi cũng như thế này. Có bàn học đầy vết mực, có bảng đen phấn trắng. Đúng là một cuộc sống hiền hòa, không biết họ đi đâu, có được an toàn hay không? Trong nhà còn nguyên vật dụng sắm tết. Chúng tôi không đụng đến, nằm đất, nấu cơm bằng nồi niêu của mình. Trong nhà vào dịp tết không thiếu thức ăn và đủ vật dụng cho chúng tôi sống thêm nhiều ngày nơi đây nữa. Ban đêm nằm trong nhà áp tai vào tường nghe tiếng địch dùng búa tạ phá tường, tiếng động trầm trầm. Càng lúc tiếng đập phá càng gần. Có lẽ chúng tiến chỉ còn cách chúng tôi ba căn. Tiếng động dễ sợ như tiếng búa đóng nắp quan tài.


Lệnh trên cho rút là hợp lí. Chúng tôi một đơn vị nhỏ, toàn mấy thằng con trai nhà quê xứ Bắc, không nắm được một tí gì về vùng này, bị cô lập ở giữa một biển người xa lạ, thù địch. Đây chỉ là một trận thử lửa để chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng nếu muốn quân ta cũng có thể hạ sơn dạo chơi giữa lòng thành phố của chúng được.

Chúng tôi bàn, cả bốn đứa phải nhanh chóng thoát ra một lúc. Trang bị thật gọn nhẹ, bỏ lại mọi thứ không cần thiết, thắt lại quai dép, buộc ba lô, tư thế sẵn sàng kéo nhau tới gần cửa ra vào. Hẹn xuất phát như vận động viện chạy cự li ngắn. Tôi tính, phải nuốt 20 mét đường sinh tử này từ hai đến ba giây, khoảng cách chúng thay băng đạn, không được chậm hơn. Loạt đạn trước sắp dứt, tôi hô: “Chạy!”. Cả bốn lao vào chỗ núp bên kia đường đứng lại thở một hơi rồi mới nghe loạt súng thứ hai. Bọn địch không đủ thời gian lắp băng khác. Chúng tôi quay lại nhìn căn nhà phía bên kia đường, nơi đã che chở cho chúng tôi trong mấy ngày qua, và hiện nay bạn tôi đang còn nằm lại. Sau đó chúng tôi thoát khỏi thành phố nhanh chóng, tìm lại được đơn vị và trở lại căn cứ không mấy khó khăn.

Tôi chưa thấy ai ham học như Lương. Ba lô hắn luôn luôn có sách giáo khoa. Hắn nói học ôn thực kĩ để khi hết chiến tranh trở về học lại đại học. Hắn sợ bỏ bài vở lâu quá, sau này lớn tuổi khó học. Thằng này ngây thơ hết chỗ nói. Hắn tưởng lên Trường Sơn vào Nam đánh nhau với bọn Mỹ giống như đi chơi, có được sự yên ổn để ôn bài vở. Cuộc chiến cuốn hút chúng tôi đảo lộn, chà xát như cát bờ biển bị sóng vỗ. Làm gì có giây phút yên ổn để tĩnh tâm học hành, với lại sống nay chết mai, ai tính chuyện lâu dài. Tội nghiệp, phải khó nhọc lắm mới mang và bảo vệ được mấy quyển sách dày và nặng như đá, vượt Trường Sơn nắng lửa mưa dầm vào một tỉnh miền Nam trung phần này. Cái ba lô của hắn nặng gấp hai lần của tôi. Ai có đi đường trường mới biết cái gì hơi nặng một chút cũng muốn vất. Đến nỗi mấy cái hạt nút áo tôi còn muốn cắt bớt đi cho nhẹ, thế mà hắn mang theo cả lô sách vở. Sách nước ngoài in trên thứ giấy đặc biệt, dày, trắng, láng và rất nặng. Quyển sách nho nhỏ không dưới hai cân. Bây giờ thì khỏe rồi, cái ba lô, hành trang đi đánh giặc và đi học không còn hành hạ hắn, đè nặng lên đôi vai khẳng kheo, bộ ngực trắng trẻo lộ xương sống xương sườn của thằng con trai hai mươi mốt tuổi ốm o và yếu đuối như con gái nữa. Lúc chôn hắn chúng tôi đặt mấy quyển sách quanh cu cậu, có thằng khóc còn hài hước: “Sướng nhé, xuống dưới đó tha hồ mà ôn tập!”

Có lần tôi vô tình mở một quyển sách ra, thấy bên trong có ép một chiếc lá khô, kiểu học trò ép hoa lá kỉ niệm trong lưu bút ngày xanh. Tôi hỏi đùa: “Kỉ niệm một cuộc tình của mầy phải không? “Hắn lắc đầu nói: “Không phải. đó là thứ lá cây thuộc bài. Học trò nhà quê đứa nào cũng tin ép lá cây này trong vở, học bài rất mau thuộc và lâu quên. Lên Trường Sơn tao thấy loại cây này rất nhiều. Tao hái một mớ hạt hết chiến tranh đem về gieo quanh vườn trường cấp một cho bọn học trò hái ép trong vở...” Lần đầu tiên tôi nghe chuyện này. Tôi cười thầm, cho đó là chuyện vớ vẩn. Phi thức tế, không khoa học, thuộc loại mê tín dị đoan. Hắn một thằng sinh viên học khoa học, luôn luôn đầu lớp, trưởng thành và già dặn như người lớn mà tin cũng lạ thực.

Sau này thằng Hiền đi phép về Bắc, hắn với Lương ở cùng một xã, chúng tôi nhờ hắn mang kỉ vật và báo tin Lương hi sinh. Hiền cứ cằn nhằn mãi: “Tại sao không báo tin bằng quân bưu lại bắt tao làm công việc khó khăn này? Cho tao lao vào lửa đạn còn hơn... khó quá, tao sợ lắm...” Sau động viên mãi nó mới chịu, nhưng không vui. Lúc trở lại đơn vị nó kể:

- Kì dị ma quái lắm chúng mầy ơi!

- Sao?

- Bước vô nhà hắn, mới thấy mặt tao thì cả nhà òa khóc! Tao không cần phải báo tin, chỉ tường thuật sự việc... Mẹ nó nói, lúc nào hòa bình đến đón bà vào Nam đem nó trở về Bắc hương khói.

Sau hòa bình, ai cũng có công việc quan trọng riêng, phải mấy năm sau chúng tôi mới đến đón mẹ Lương vô Nam. Bây giờ được hiên ngang giữa phố xá đông người, dưới ánh mặt trời, thực đáng kiêu hãnh! Thành phố này đông vui và sầm uất hơn trước nhiều. Thật đúng với lời bài hát “Từ trận đánh hôm nay ta xây lại bằng mười” Nhà cửa phố xá mở mang to đẹp. Tôi hồi tưởng lại tết Mậu Thân năm 68, buổi chiều trước khi xuất kích đánh vào thành phố, tại một vạt rừng thưa, chúng tôi được phổ biến thêm một lần nữa bản đồ Nha Trang. Đây là tấm bản đồ của bọn Mỹ phát cho lính ngụy do ta thu được, thật đúng là loại bản đồ quân sự, nghe nói chúng cập nhật hàng năm. Bản đồ in rất rõ và có nhiều chi tiết, đến nỗi một cái nhà bếp, cái chuồng lợn cũng thấy ghi chú. Con đường mà chúng tôi tiếp cận và băng qua tiến chiếm Nha Trang là một con đường mới mở nằm ở phía tây thành phố, đường tiếp cận với một vùng gọi là Đồng Nai, đồng tiếp giáp với núi thấp, vào sâu là vùng núi Đồng Bò, một căn cứ quan trọng. Lâu nay chúng tôi học trên sa bàn đã nhẵn địa hình địa vật vùng này. Chúng tôi ghi nhớ tên con đường là Lữ Gia. Giải phóng rồi cách mạng làm chủ đất nước, một loạt danh nhân thuộc thế hệ cũ không còn hợp thời nữa bị bỏ đi, thay vào tên mới. Lữ Gia ngày trước đổi thành Lê Hồng Phong.

Lạ quá, chúng tôi nghĩ đúng là con đường ấy, thế nhưng giờ đây nó khác xa cái lúc chúng tôi băng qua và băng về trong đêm đầy ánh lửa đạn. Cái nhà ngày trước chúng tôi cố thủ đánh nhau với địch ba ngày đã bị phá. Nơi ấy người ta xây dựng lên ngôi trường cấp một. Chúng tôi vẫn còn hoài nghi, đi vào xem, quả đúng là đây. Cây khế và cái giếng không thể lầm lẫn được. Chỉ có điều mảnh đất chúng tôi chôn Lương giờ đây là một khu vườn hoa.

Giờ đó học sinh đã ra về, còn lại một ông lão làm bảo vệ đang ở ngaòi vườn làm cỏ. Ông lão tưởng chúng tôi là khách tham quan, chào hỏi qua loa xong vẫn ngồi xuống nhổ cỏ. Tôi làm quen: “Chiều rồi nghỉ tay uống nước đi chớ bác Hai?” Ông lão vẫn không chịu dừng tay nhổ cỏ, nói như phân bua: “Cây cỏ gì lạ quá... nhổ mãi không hết?...”

Tôi hỏi:

- Cây cỏ gì?

Ông lão nói:

- Hoa trồng chăm sóc tưới nước thì không chịu tươi tốt mà cái thứ cây cỏ gì lạ quá, cuốc bao nhiêu, dẫy bao nhiêu cũng cứ mọc. Có khi tức mình tôi nhổ cả gốc rễ lên, ai ngờ mấy ngày sau chúng lại mọc tràn lan, chiếm hết phân tro.

Tôi hỏi lại một lần nữa:

- Cỏ gì đó bác Hai?

- Thứ cây này không có tên, chỉ nghe bọn học trò gọi là “cây thuộc bài”. Đứa nào cũng hái lá ép trong vở, tin nhờ đó học bài mau thuộc. Vùng này xưa không có, sao không biết gần đây nó mọc ghê quá...

Tôi giật mình chợt nhớ đến lần mở sách ra thấy ép lá cây học thuộc bài, tôi lẩm bẩm: “À thì ra lá cây thuộc bài”. Ông lão làm vườn: “Ông cũng biết loại lá cây này sao?” Tôi nói:

- Học sinh nào cũng biết, cũng tin. Thuở nhỏ tôi cũng làm thế...

Tôi chợt nhớ lại ngày trước Lương từng nói đã hái hạt cây loại này tính đêm về quê gieo. Hôm chúng tôi chôn, có thể trong áo quần hắn còn vương vải loại hạt cây này, giờ được dịp phát triển đúng với ý định của hắn lúc còn ở Trường Sơn, chỉ khác ngôi trường này không phải là quê hương thôi. Trong vườn có nhiều luống hoa hồng. Tôi quan sát thấy ngay trên nơi chôn nó có một khóm hồng đỏ thắm, cánh hoa sáng lên gương. Tôi đến bên mân mê cánh hồng, ông lão nói: “Lạ lắm, trước nó là gốc hồng bạch sao bứng lên trồng nơi ấy lại hóa thành hồng đỏ thắm?” Tôi thì tôi hiểu...

Chúng tôi bàn bạc với ban giám hiệu. Họ dành cho gia đình mọi sự giúp đỡ. Hôm sau chúng tôi thuê người bốc mộ. Hiệu trưởng cho học sinh nghỉ học, không hiểu sao có mấy đứa bé hay tin tới xem, đuổi mãi không chịu đi.

Khi người làm công giơ chiếc cuốc lên tính bổ xuống gốc hồng thì bà mẹ Lương hét lên:

- Dừng lại! Để bứng bụi hồng sang trồng nơi khác.

Một lúc sau bà lại đổi ý, nói:

- Thôi không bốc nữa, để em nó nằm lại trên đất học này cũng được. Khi còn sống nó là thằng rất hiếu học. Buổi trưa học quên cả ăn cơm. Tối lại lên gác chong đèn ngồi học quên cả muỗi đốt...

Tôi tính kể lại chuyện Lương đem sách vở lên Trường Sơn ôn bài, sau thấy kỉ niệm đó đau xót quá, không kể. Mẹ Lương tiếp: “Em nó còn rất mê trồng cây. Giờ đây nó được an nghỉ giữa chốn học đường. Ngày ngày được nghe tiếng trẻ con học bài, tiếng chơi đùa của bọn trẻ con. Mỗi sáng được thức dậy trong hương hồng thơm ngát, còn đâu bằng? Đất nước độc lập thống nhất rồi, đâu chẳng là quê hương?”

T.T.H
(133/03-2000)





 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

  • I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

  • Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

  • Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.

  • Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.

  • Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

  • Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.

  • Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

  • Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.

  • Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.

  • 1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.

  • Có thể cô gái ấy đã trồi lên từ thủy cung do thủy triều xuống quá nhanh. Một nửa thân hình của cô từ dưới eo trở lên, hoàn toàn khỏa thân nhô ra khỏi mặt nước.

  • Mặt trời như còn ngái ngủ. Cùng với cánh cò trắng từ đâu bay về sáng nay, tôi bần thần chờ đợi một điều gì đó. Nó mong manh và đằm thắm theo về với cơn gió lạnh. Như mặt trời vẫn thập thò, như đường về mệt mỏi, như hàng cây đìu hiu. Vừa gần gũi tưởng có thể ôm giữ được mà cũng vừa cách xa vời vợi.

  • Hôm qua nghe đài, có một cái tên giống hệt người thân của mình đã mất tích trong chiến tranh. Rồi một tên khác, kế tiếp một tên khác với hòm thư toàn những chữ số. Hai anh em tôi nhìn nhau. Đã biết bao lần anh em tôi nhìn nhau như vậy. Từ khi con bé thiên thần kia còn chưa biết khóc vì buồn.

  • ITiệc có vẻ sắp tàn. Nàng đứng lặng lẽ gần cửa ra vào đưa mắt bao quát căn phòng rộng. Đèn chùm sáng trắng. Nhạc êm dịu trong phòng hôn lễ đã giúp nàng tự tin hơn khi bước chân vào có một mình với bộ đồ xoàng xĩnh đang mặc.

  • Bây giờ thì Hồng sắp được gặp chị. Người chị mà suốt những năm tháng đi xa, ở đâu Hồng vẫn luôn nghĩ tới. Cứ mỗi lần như thế, một tình cảm thân thương choán ngập tâm hồn Hồng.

  • - Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rồ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.

  • Bác Hai đang ngồi trước mặt tôi, lặng im như pho tượng. Đôi mắt bác đăm đăm không chớp, nhìn về một cõi xa xăm mà tôi đoán chừng là ở nơi ấy chắc chắn có những kỷ niệm vui buồn về người em trai của bác, chính là cha tôi.

  • Cuối năm, Đài truyền hình liên tục thông báo gió mùa đông bắc tràn về, miền Tây Bắc nhiệt độ 00C, khu vực Hà Nội 70C...

  • Tôi tạm xa Hà Nội một tuần. Cũng chẳng biết là phải xa hay được xa nữa. Bố mẹ phái: - Cho con Hạ đi ăn giỗ!