Hành hương hồn gạch đá

15:42 02/11/2015

LGT: Machu Picchu của đế quốc Inca, núi thiêng Mỹ Sơn của vương quốc Chămpa có cùng số phận đỉnh cao một nghệ thuật kỳ vĩ bị chiến tranh và thời gian tàn phá.

Mỹ Sơn 3 - tranh TPK

Vốn là người nghiên cứu văn hóa Chămpa, số phận của những phế tích ấy đã là nguồn cảm xúc thơ ca của Trần Phương Kỳ. Với lòng ngưỡng mộ huyền thoại Machu Picchu, trước đây Trần Phương Kỳ đã chuyển ngữ thành công trường ca “Trên đỉnh Machu Picchu” của P. Neruda (đăng trên Sông Hương số tháng 8 năm 1984). Giờ đây, hồn gạch đá của phế tích Mỹ Sơn được anh viết ra với tâm tình chuyến hành hương về xứ sở trầm mặc của thần linh và của thi ca.
Do khuôn khổ có hạn, Sông Hương số này xin trích giới thiệu một phần bài thơ “Hành hương hồn gạch đá” của Trần Phương Kỳ.

Phạm Tấn Hầu



TRẦN PHƯƠNG KỲ

Hành hương hồn gạch đá
      Tưởng nhớ Kazimierz Kwiatkowski [Kazik]
                                    (Trích)


giấc mơ trộn lẫn mảnh trăng gạch đá
tiếng chim bắt-cô-trói-cột vọng bên sườn núi cỏ bông lau
mây màu đêm tường tháp đổ
cỏ rêu tiếng gọi côn trùng
cô quạnh tiếng chim thần ngàn xưa vỗ cánh
dưới bóng trăng mọi vật bất thường


có thể ngồi đây một trăm năm nữa
thở & nghe tiếng núi gọi về
phía tây mặt trời máu lún dần
tiếng chim tu hú gọi thằn lằn chắt lưỡi
bóng dơi hoàng hôn mộng mị thế kỷ
gọi to nhỏ những mảnh gạch vỡ bay
những pho tượng gãy đổ
bóng chiều loang dang dở hình hài
tiếng sóng xa vọng vào lòng tháp
thung lũng không mây
suối chảy máu
lại tiếng chim hốt hoảng gọi rừng
tiếng sấm xế chiều
những tấm bia đục xóa
những dòng chữ quằn quại
tiếng hát đâu xa
qua dòng lệ buổi sáng
trời mưa trời sắp mưa
tiếng sấm xế chiều
ngồi lại với gạch đổ đá vỡ
ngồi lại giữa tiếng chim chiều tà
tiếng hát xa
trong những lòng tháp đổ

Mỹ Sơn 7 - tranh TPK


(…)
ai tự tra hỏi mình bằng bàn tay nhung đỏ
ai gọi kêu mình trên những điện thờ đổ vỡ
tất cả thần linh đều trở về
tất cả chim chóc đều điêu đứng
nói bằng lời gạch đá
đổ vỡ trong mơ


tự thảm sát bằng buổi chiều mộng mị
gọi những con chim đen
& con rắn xanh
vẫy vùng trong trí nhớ
sẽ mở phơi tôi trước bầy kiến đen đỏ
sẽ ngợi ca sẽ nguyền rủa
cợt cười & nhã nhặn
thần linh nơi đây đã hóa đá rồi
đã nhìn thấy những khuôn mặt gạch bi thương
những đường gờ sấm sét
ai sẽ mở phơi mình
trước cánh cửa đền thờ ngàn năm lặng lẽ
mối mọt tường hoang


con thuyền buồm ngàn năm trước còn nghe tiếng gió
con thuyền về cõi chết
con thuyền bờ bên kia
bể nước thánh cánh hoa màu xám
con thuyền bờ bên kia


rơi xuống hồn ta những tảng đá giận dữ
hãy đến mà nghe đổ vỡ
kẻ đập phá chính tâm hồn mình
con ngựa ngu si
bờm ngược gió
trăng mù mờ
rơi xuống hồn ta những viên gạch
hoa văn quằn quại
vết nứt đớn đau
âm thầm chảy máu
rơi xuống rơi xuống từ đỉnh cao
lòng ta thăm thẳm
nhảy vào đó với ngọn cỏ sương mai
nhảy vào đó với cười đùa nước mắt
sâu những đêm quên người


rong chơi với kiến đen bên bờ suối
chỉ gạch đá & cỏ
thỉnh thoảng tiếng chim
& tiếng cười chính mình


cao trên những vầng trăng mòn mỏi
bóng những ngọn tháp quỷ ma gào thét
chịu không nổi một bóng cây chim hót
những vệt trăng mọc chông
tiếng đàn bệnh hoạn
mi chết đi
tiếng đàn năn nỉ
mi chết đi


trong lòng tháp mái thuyền lật ngược
tập ngồi im
uống tiếng con chim hót sớm mai
những gờ gạch bệch bạc
những gờ gạch thách thức thời gian
quái
tiếng con chim xa hút
trên cành cây lạ
với bầy voi
hót đã ngàn năm trước
sao còn rúng động hồn ta
trong lòng tháp mái thuyền lật ngược
trôi về giòng sông chết khi xưa
mi cứ tưởng đùa trêu được mây xanh trời thẳm
đừng bật cười chính mi
lừa đảo
ta sẽ hỏi mi những đêm trăng tỏ
dưới cỏ lau
chỗ ngủ heo rừng
tâm hồn mi nhớp nhúa
đáng chỗ nằm của heo

con heo rừng thô bạo
tàn phá bao nhiêu nương rẫy hồn ta


dưới cái nắng bao la
chóng mặt
tất cả gạch đỏ đều đứng bật lên
bay & gọi
mảnh hồn ta rách máu
sẽ chết trên con thuyền buồm mười thế kỷ trước kia
gạch đỏ mù lòa
bỏ về đơn điệu
nắng rát bỏng đôi mắt trời xa
nắng rạo rực đốt thiêu tâm khảm
chẳng còn là ta
cái nắng mênh mông
thần linh ơi thần linh
hãy lắng nghe tiếng động của rừng
giữa trưa sấm chẻ
gạch đỏ đứng lên
giữa chan hòa ánh nắng
đi vu vơ
những hồn ma cụt đầu
loài quỷ dữ
dụ dỗ tâm hồn


xin cho giọt nước thánh
trên đài thờ linga** kia
xin cho giọt nước mắt
của nàng vũ nữ giữa thời gạch đá vàng son
mồ hôi của đá
làm mặn hồn ta
tạ ơn thần thánh


chiều của những cơn giông trên núi diều hâu mây thong thả
cơn giông bạo ngược
ô hay
mi trêu chọc ư
mi quyến rũ ư
mi hăm dọa ư
cơn giông ngang ngược
ta đã đợi từ đổ vỡ mênh mông gạch đá
cơn mưa chiều hiu quạnh
ta thầm biết sức trẻ nơi mi quái kiệt
ta thầm ghen tị
từ núi đá cao kia
mi trút một lượng nước khổng lồ
lên gạch đá rêu phong
lên hồn ta cạn kiệt
cơn giông chiều nghiệt ngã của ta ơi


thanh thản buổi chiều cỏ mượt
mưa qua đi dịu ngọt đất thiêng
những hạt mưa long lanh nước mắt
những bóng người lẩn lút trong tường tháp
khao khát nước thiêng đổ từ trời
những đôi mắt hồn điên thao thức


linh thánh cận kề
sương chiều cầu nguyện
những cột trụ cúi đầu
lặng lẽ với rừng thiêng
có tiếng chim ngoài kia xa tít
có tiếng gần đâu đây
có tiếng ai êm ái
thần linh đã về
trên những bậc cấp điện thờ nhấm nháp nước mưa


................................................
* Chim thần tượng trưng sự bình yên của Ấn Độ giáo
** Vật thờ hình dương vật tượng trưng cho năng lực sáng tạo


(SH320/10-15)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • Nguyễn Đức Tùng - Nguyễn Tân Dân - Huyền Thư - Đông Hương - Nguyễn Bội Nhiên

  • Vũ Dy - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Văn Thanh - Triệu Nguyên Phong - Ngưng Thu - Nguyễn Duy Hới - Huỳnh Lê Nhật Tấn - Nguyễn Văn Học - Đặng Văn Sử - Từ Hoài Tấn - Ngô Bá Hòa - Trường Thắng - Khaly Chàm

  • Ngoài chùm thơ gửi đến, tác giả Lữ Thị Mai không ghi thêm thông tin gì. Tuy vậy khi đọc thơ xong mới hay có lẽ cũng không cần giới thiệu gì nhiều; ngần ấy cũng đủ cho chúng ta thấy đó đích thực là con đường thi ca của một tác giả trẻ đang đi theo vết dấu của thủy thần…
    S.H

     

  • Phan Lệ Dung - Châu Thu Hà - Nguyễn Thị Bích Phượng - Nguyên Hào - Mai Văn Hoan - Vương Kiều - Võ Công Liêm - Phan Đạo - Nguyễn Thiền Nghi

  • LTS: Những bài thơ ngắn, nhưng như chiếc kính hội tụ những cao vọi thanh sạch không gian, lắng lại trong ánh nhìn của chiếc lá sen. Và như trong tàn lá sen ấy, ứa ra những giọt lệ thiền. Dưới đây là chùm thơ của Trần Lê Khánh.

  • Như Quỳnh de Prelle, hiện tại đang sống và làm việc tại Brussels, vương quốc Bỉ. Chị từng là nhà sản xuất phim độc lập và viết kịch bản, làm truyền thông và viết báo tại Việt Nam. Thơ Như Quỳnh de Prelle đã xuất hiện trên các tạp chí chuyên về văn học và các trang văn online trong và ngoài nước. Đáng chú ý là bài thơ Nỗi buồn trên cây của chị được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn “Nỗi buồn trên cây” sau đổi thành Tôi 30 của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2014 và nhiều liên hoan phim khác.
    Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ mới của chị vừa gửi về từ Brussels.

  • LTS: Huyền Thư quê quán Đông Hưng, Thái Bình, hiện đang sinh sống tại Wellington, New Zealand; thơ chị được giới thiệu trên Sông Hương số 325 (3/2016).

  • Do sơ suất trong trình bày, Số đặc biệt Sông Hương 22, tháng 9/2016, trang 25, đã in nhầm tên tác giả bài thơ “Xác” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng thành tên tác giả Hoàng Thụy Anh.

  • Hoàng Vũ Thuật - Đỗ Văn Khoái - Đức Sơn - Nguyễn Đông Nhật - Nguyễn Ngọc Phú - Hường Thanh

  • Những truyền thuyết, huyền thoại là tuổi thơ của một xứ sở, một tộc người. Các câu chuyện tình mang tính chất như thế: Trương Chi - Mỵ Nương, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Giáng Kiều - Tú Uyên, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung,… đã được tấm gương thi ca phản chiếu vào tâm hồn chúng ta, tạo thêm niềm cảm hứng trong cuộc sống.

  • Những bài thơ được giới thiệu sau đây có cùng niềm cảm hứng về đời sống văn minh thôn dã. Một thế giới đầy vẻ thơ mộng của tự nhiên đang bị cuộc sống hiện đại xóa mờ dần dấu vết.

  • Đỗ Văn Khoái - Nguyễn Trọng Tạo - Nguyễn Kim Huy - Ý Nhi - Phạm Ngọc Cảnh - Nguyễn Nguyên Thanh - Nguyễn Huy Việt - Xuân Sách


  • Nguyễn An - Thạch Quỳ - Mạc Mạc - Phạm Bá Thịnh - Nguyễn Hoàng Thọ - Nhất Lâm

  • Bùi Nguyên - Ngô Công Tấn - Ngàn Thương - Nguyễn Hới Thọ - Lãng Hiển Xuân - Đặng Văn Sử