TẠ BẢO
Hôm chú tôi đi bộ đội, trong lúc liên hoan chú cao hứng tuyên bố trước cả nhà: "Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực".
Minh họa: Lê Văn Ba
Bà tôi sợ quá người run bắn: "Thôi ở nhà cưới vợ, hỏi rồi để đến bao giờ?" Ông tôi phát cáu: "Cái bà này, hồi trước tôi còn phải ba năm, bây giờ ít cũng ba tháng, khi nào về phép hẵng hay".
Thế là chú tôi khoác ba lô đi.
Hồi ấy đi bộ đội vinh dự lắm. Xã ba làng chọn được có ba người. Các đoàn thể tập trung trống rong cờ mở tiễn đưa lên tận huyện, chỉ kém ông thành hoàng một nước là ngồi lên kiệu. Bà tôi cũng phấn khởi, nỗi lo bỗng dưng bay biến, niềm vui tăng lên, phấp phỏng đợi chờ.
Lúc về phép lại càng long trọng. Họ mạc làng xóm kéo đến chật nhà. Bà tôi mừng rối rít, chuẩn bị đầy đủ gạo thịt để nay mai đón nàng dâu.
Tối, khi ngả ngũ câu chuyện bên bàn trà, chú tôi băn khoăn bảo ông tôi:
- Con đang phấn đấu, để khi nào xong thủ tục hồ sơ sẽ cưới.
- Việc chung anh cứ phấn đấu, chuyện riêng tư cản trở gì!
- Thầy biết nguyên tắc tổ chức phải khai báo cả bên vợ.
Ông tôi sững người.
Người vợ mà ông tôi đã nhắm cho chú tôi là thím Nghiệp nhà ông Phó Bí. Tôi không hiểu ngày xưa ông phó thời Tây thế nào, theo tôi nghĩ chắc như ông Phó chủ nhiệm bây giờ. Ấy thế không hiểu sao chú tôi lại băn khoăn.
Tôi biết chú tôi yêu thím Nghiệp lắm. Thím đẹp nhất làng lại hiền. Lần nào đến chơi với chú tôi thím cũng mang cho tôi đầy túi ổi. Răng tôi sún, chỉ thích những quả chín, thím trảy rặt quả ương. Tôi hỏi, thím bảo "Chín là chim ăn". Tuy vậy, tôi vẫn nhệu nhạo nhai vì tôi quý thím. Đến nỗi có lần bọn trẻ rủ tôi ra đình chơi bịt mắt bắt dê, tôi không thèm, cứ ngồi sán bên thím suốt buổi tối ở trong bếp xem chú tôi đan lờ bắt cá.
Tôi ước ao có thím lắm thế mà bây giờ...
- Thôi được, tao sang nói với ông bà bên ấy xin khất đến sang năm.
- Ông tôi dứt khoát với chú tôi như vậy.
Tuy thế những ngày chú tôi ở nhà, thím Nghiệp vẫn sang làm lụng ở bên nhà ông tôi, có hôm còn ở lại ăn cơm tối, đến khuya chú tôi mới đưa về. Tôi cảm thấy như thím đã thật sự là con dâu của ông bà tôi rồi.
Hết phép chú tôi đi, ông bà tôi tính từng ngày.
Theo nguồn tin ở xã hé lộ, ông tôi biết việc "kia" của chú tôi đã ổn, cả nhà dồn vốn liếng lo chuyện cưới xin cả bên ông Phó cũng sửa sang sân vườn cổng ngõ cho quang quẻ. Thư chú tôi viết về vẻn vẹn có mấy dòng: "Tết này con về lo việc tổ chức". Tôi nghe lõm được đôi điều sướng phồng mũi. Ở nhà, ra đường, lúc nào tôi cũng bám chặt gấu áo thím Nghiệp ý bảo với bọn trẻ thím Nghiệp là của nhà tao rồi.
29, 30, rồi mồng một tết không thấy chú tôi về, cả nhà thất vọng. Mọi người đang ngồi trầm ngâm xét đoán, chợt có tiếng còi báo động ở nhà máy đường đột ngột rú lên, ông tôi giật nẩy người, tai nghe có tiếng máy bay phản lực văng vẳng đâu đấy. Biết là hỏng việc ông tôi gieo người nằm thượt trên giường lẳng lặng không nói.
Ngày hôm sau có bức điện khẩn từ bưu điện chuyển về: "Con có lệnh lên đường gấp, mọi việc tạm dừng lại đợi con về tính sau".
Ông tôi sang nói chuyện nghiêm túc với bên nhà ông Phó, ông bà Phó châng hẩng, bên ngoài tỏ ra thông cảm, nhưng bên trong vẫn có điều nghi hoặc; "Không biết có phải thế thật hay anh ấy sợ dây dưa vì chuyện phấn đấu". Ông bà Phó hỏi thím Nghiệp, thím vẫn bình tĩnh như không. Thím nhận được của chú tôi một lá thư dài nói về chuyện chiến tranh nổ ra, bọn Mỹ vô cớ bắn vào tàu của ta ở vịnh Bắc Bộ, chú tôi khẩn trương lên đường đi B ra sao, chú tôi còn bảo: "Thời cơ đánh Mỹ ngàn năm có một, chuyện hạnh phúc trăm năm không lo hôm nay lo mai cũng không nóng vội" và sau đó hẳn có điều hẹn ước riêng với thím. Cứ theo dõi thái độ thím điềm nhiên như không đủ biết mối tình của hai người chẳng có điều gì vướng víu.
Một năm, hai năm rồi ba năm, tôi thấy thím không còn được vui vẻ như trước, trong khóe mắt phảng phất quầng mây đen bao phủ.
Thư chú tôi gửi về thưa dần, nhận được cái nào thím xem đi xem lại như nuốt từng chữ. Lúc này tôi đã lớn, thỉnh thoảng Thím vẫn thường tỉ tê tâm sự với tôi, còn cho cả tôi xem thư. Một lần tôi giật mình thấy chú tôi viết: "Anh đi chưa biết khi nào trở lại, thương em lắm chẳng làm được gì giúp em. Đời con gái có một thì, nếu chờ được là quý, còn không em cứ việc tính chuyện đi bước khác, anh chẳng thể oán thán được em". Tôi để ý nét mặt thím Nghiệp lạnh băng khó hiểu. Tôi biết, thím không nỡ lòng nào bỏ mặc chú tôi.
Bên ông bà Phó bực dọc, mối nghi hoặc càng khoét sâu. Dư luận làng xóm vun vào thì ít ngãng ra thì nhiều. Đã mấy lần ông bà Phó thúc thím Nghiệp đem trả trầu cau nhưng nhất định thím không nghe. Hình như đã có lần thím Nghiệp lẻn đi xem bói. Tôi nghe lõm bõm thím kể với bạn bè: Chú tôi sinh năm Thìn cầm tinh rồng vẫy vùng chín tầng mây, nhưng cuối cùng vẫn phải hạ xuống khúc sông quê lấy nước. Thím cầm tinh gà quẩn quanh ở vườn bới ăn là tốt số, chớ có lang bang xa, gặp lúc mưa bay gió cuốn chạp rã cánh không kịp cư trú. Chắc vì lẽ đó thím yên lòng.
Nhưng ông bà Phó thì lo lắng ra mặt: Con gái đã luống tuổi, đi làm Hợp tác túm năm túm bẩy, xầm xì chuyện nhỏ chuyện to chẳng lợi lộc gì, tối tối lại có vài anh lượn lờ qua ngõ; ông Phó quyết định cho thím Nghiệp lên tỉnh học nghề may, sau về còn có nghề, có nghiệp.
Hôm đi thím dặn tôi nhớ có thư giữ cho thím. Tôi rất mừng vì được thím giao một công việc cực kỳ hệ trọng.
Quả nhiên ba tháng sau tôi nhận được của chú tôi một lá thư gửi thím. Tôi không dám bóc. Nhìn mép phong bì đã sờn tôi biết thư gửi từ một nơi xa lắc, qua tay rất nhiều người. Tôi cầm lá thư đợi mãi không thấy thím Nghiệp về. Tôi đã có ý định lên tỉnh đưa thím, nhưng nghĩ đến chuyện gặp ông bà Phó hỏi địa chỉ thì hãi quá. Sau tôi đành cất kín lá thư trong hốc cột.
Tháng sau nghe tin thím về, về ở trạng thái không bình thường, bà tôi bảo vậy. Tôi hốt hoảng nhào đến thăm thím. Thím nằm ly bì suốt ngày đêm trong buồng, người xanh nhợt. Ai hỏi không nói, chỉ đưa mắt lờ đờ nhìn ra như người mất hồn. Tôi sợ quá, không dám đưa tận tay thím lá thư, tôi len lén để ở chỗ gối thím nằm rồi lẻn ra về vì có bà Phó ngồi đấy.
Ông bà Phó chạy vạy thuốc thang cúng lễ lung tung. Điện nhà ông tối nào cũng đồng bóng rộn rịp, nhìn vào, lửa đèn, lửa nến sáng lập lòe như ma trơi, khói hương ngạt thở, tôi lạnh toát người. Nghe đâu bên nhà ông Phó còn làm cỗ lên lễ thành hoàng trên Đình, có hy vọng ít nhiều. Mọi người xì xầm: sao không lễ chùa lại lễ đình, tôi chẳng hiểu ra sao?
Một hôm, bên ông bà Phó bỗng khóc như ri. Tôi chạy sang hết sức kinh ngạc, không thể tin đấy lại là thím Nghiệp. Một người đàn bà khác hẳn, mặc toàn quần áo trắng, chiếc áo dài khoác ngoài cũng trắng tinh, bụng quấn một vòng dây đay, xung quanh dắt kín những cành cây hai tay cầm hai lá cờ làm bằng giấy xé ở vở học sinh, cứ thế thản nhiên múa may quay lộn trên sân.
Tôi chạy bổ đến hét lên:
- Thím.
Ông Phó tóm tay tôi giật lại:
- Nó điên rồi đừng có động đến.
- Thím cháu điên, vì sao cơ ông? - Tôi ngơ ngơ hỏi lại:
- Vì cái thư của thằng chú mày đấy.
Tôi choáng váng. Sao, vì chú tôi thím điên ư? Không, không thể như thế được. Tôi biết chú tôi yêu thím ấy lắm. Tôi thét lớn:
- Không phải, trời ơi, không... Ph...ải.
Tôi ôm mặt khóc rống lên. Làm sao thím tôi lại có thể điên được. Trời đất sao độc ác đến thế. Người tôi rũ ra, đầu óc quay cuồng chao đảo. Từ đấy dân làng bàn tán ghê lắm:
Người bảo:
- Nó phải lòng thằng thợ may con vợ hắn biết mới trị cho một liều thuốc.
Người bảo:
- Thằng bé đầu to đít bé, mặt trông như quỷ nó thèm vào.
Người bảo:
- Chính thằng ấy dỗ dành không được, nó mới lừa cho hôm mụ vợ đi vắng cho con bé uống thuốc mê quật ra giường lột truồng con bé.
Phía họ hàng nhà ông Phó lại bảo:
- Chính ông bà Phó có ý đồ đưa nó lên tỉnh muốn nó lấy chồng trên ấy, nó không chịu, ức mới phát điên lên.
Tôi giật mình chợt nghĩ đến lá thư: (có thể thư này chú tôi khuyên thím quyết liệt hơn), nếu tôi nhắn thím, thím về ngay thì không sao. Cũng có thể hôm trước tôi không đưa thư cho thím, tâm trí thím không bị xúc động đột ngột chắc cũng không việc gì.
Trời ơi, lỗi tại tôi một phần.
Ân hận quá, trưa ấy ăn cơm xong mặc dù trời đang nắng rất oi, tôi vẫn nháo đi tìm thím.
Tôi nhòm qua khe rào nhà ông Phó không thấy thím có nhà, chắc thím ra bến đò. Bà tôi bảo ngày nào thím cũng ngồi lỳ ở đấy, lúc cầm cờ lúc cầm cành cây đuổi ruồi muỗi, mồm lẩm nhẩm đếm người qua lại sông. Đặc biệt thím điên dại nhưng tôi có thấy thím đập phá hò hét gì đâu, múa chán thím lại lôi những tấm vải trắng, giấy trắng ra cắt may đầy một gian hè. Hình như thím bị lẩn thẩn thì phải. Mẹ tôi bảo: Thím ấy điên tình đấy, chú mày về là khỏi hết. Tôi không biết nên tin vào ý nào.
Kia rồi, thím Nghiệp đang ngồi kia rồi, đúng cái vị trí trước kia thím ấy cùng chú tôi ngồi đợi đò để chú tôi trả phép về đơn vị.
Tôi rón rén bước tới. Thấy tôi, thím coi như không hề quen biết, mắt vẫn cuốn theo dòng nước trong xanh, miệng mủm mỉm cười một mình vẻ như đang nghĩ điều gì thích thú lắm. Tôi vòng lại phía trước mặt thím, thím nhìn tôi, cười: ô, tôi hết sức ngạc nhiên, vẫn nụ cười và ánh mắt trìu mến của người thím hiền lành độ lượng, con mắt như vỗ về xoa đầu tôi, lấy ổi cho tôi tự nhiên bình thản.
Thế này mà bảo thím Nghiệp điên ư? Không, dứt khoát không phải thím điên, thím xõa tóc rối tung xòe trên vai chắc là vờ vẫn đóng kịch đấy thôi. Tôi mạnh bạo ngồi xuống cạnh thím.
- Nhìn kìa, trời khóc chảy máu mắt.
Thím thì thầm bên tai tôi nghe giọng lạ như tiếng ai đó hút trong tiếng gió. Tôi chăm chú theo hướng tay thím chỉ thấy phía bên kia sông, đúng, có một quầng đỏ li ti, màu đỏ ấy chẳng phải đâu xa, màu của những bông gạo.
Một cảm giác buồn tê lạnh lẻo từ trên không trung ập xuống đầu tôi, lòng tôi se sắt.
Tôi biết nói với thím câu gì, những điều tôi muốn hỏi chẳng ăn nhập gì với thím, con người thím tôi ngồi đây nhưng quả thật tâm trí thím đang lang thang cùng mây trời sóng nước.
Ai đã cướp đi mất người thím hiền lành quý mến của tôi? Ai?
Tôi muốn đạp đổ trời, quẳng con sông khinh bạo ra ngoài trùng khơi biển cả. Kẻ nào tàn nhẫn dửng dưng thò bàn tay bóp nát hạnh phúc của chú tôi? Tôi mơ hồ nhận ra nhiều điều cái oái oăm ác nghiệt. Giá như ông bà Phó, ông bà tôi, chú tôi và giá như thím tôi... Thật là một mớ bòng bong rối mù quẩn quanh trong lẽ sống người đời.
Tôi lặng lẽ ngồi bên thím hồi lâu chẳng chia sẻ được nỗi gì. Tôi bảo thím như bảo với chính tôi:
- Thôi cháu sang sông cắt cỏ kẻo chiều rồi.
Con mắt thím nhìn tôi đột ngột như níu chân tôi lại:
- Đừng đi, rồng cuốn đấy.
Tôi giật mình nhìn về phía trời xa lắc, giữa màn mây bạc phếch có sợi chỉ trắng tắp cắm phập xuống con nước cuối nguồn. Nhưng đò đang lịch kịch sang sông, tôi đành vội vã chia tay thím.
Xuống đến đò, tôi ngoái lên bờ đưa đôi mắt lấn vấn tìm thím, chợt thấy thím líu tíu chạy thẳng xuống sông, miệng hét toáng:
- Ối...ối, ông hạ bá, trời sập, trời sập...
Không kịp lấy lại quang gánh tôi lao vút khỏi mạn đò chạy chặn ngay lối trước mặt thím. Phát hiện ra tôi, thím quánh ngang, cứ nhăm nhắm rìa nước ùa xuống.
Tôi vọt lên tóm chặt cánh tay thím, nước bắn tóe ướt hết ống quần tôi, mãi tôi mới dìu được thím lên bờ.
Con đò mặc nhiên từ từ đưa mọi người sang sông. Tôi không còn đầu óc nào nghĩ đến cỏ dả. Tôi cùng thím ngồi phịch xuống bờ sông. Thím nhìn tôi cười, con mắt cái miệng lại thản nhiên như không.
Trời bỗng tốì sầm, lá bay gió cuốn mù mịt, sóng nước nổi giận ào ạt chồm lên bờ.
- Ối...ối đắm đò rồi làng nước ôi...
Tôi hốt hoảng lia mắt ra sông, con đò bị gió quật dựng đứng, người người tan tác xô đẩy nhảy đò xuống nước. Trong bờ các thúng đánh cá cưỡng sóng lao ra. Tôi luống cuống định chạy xuống thì thím Nghiệp cũng vùng dậy, tôi vội quay lại ghì chặt thím xuống.
Tôi giằng co với thím trên này, dưới sông các thuyền thúng quay tròn trước những cánh tay chới với. Tôi sợ hết hồn, cả làng cả xóm đổ xô ra nháo nhác kín hai bên bờ. Mọi người khóc rống lên: Quả là một đám tang kinh hãi ghê người. Dòng sông hiền lành, là người bạn đời của thời gian từ hàng ngàn năm, lặng lẽ chuyển trở phù sa bồi đắp hai bờ không hề tiếc sức lực tuổi xuân, nay bỗng dưng mang tội với nhân loại.
Trận đắm đò ấy xóm tôi mất chín người, suýt nữa thì cả tôi. Tôi thầm biết ơn thím. Nếu không có thím thì tôi... Tôi linh cảm thấy trong tâm linh thím có gì cao siêu hơn lẽ thường.
Nhưng đau lòng thay, sau hôm ấy cánh lái đò nhất định không cho thím ngồi ở chỗ bờ sông, họ cầm mái chèo xua đuổi thím như xua đuổi một bóng ma ám ảnh. Họ bảo thím thiêng lắm, trời đất quỷ thần hiện hình nhập vào người thím.
Tôi ngẫm cũng có thể đúng, cũng có thể, chỗ chân trời xa tít, nơi chú tôi đang sống khiến con mắt thím chờ mong mòn mỏi suốt ngày nhăm nhăm để ý mà phát hiện lúc trời chuyển cơn giông. Điều này khiến tôi càng tin vào lời mẹ tôi nói: "Nếu chú tôi trở về có lẽ thím Nghiệp khỏi điên".
Ít ngày sau cả làng tôi nhộn nhịp chuẩn bị đón một anh hùng lực lượng vũ trang về thăm và nói chuyện chiến đấu. Đảng ủy và chính quyền xã được trên cho biết người anh hùng này một mình một súng trên đèo Hải Vân, chỉ bằng lựu đạn đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Đài ngụy cũng phải thốt lên: "Đối phương xuất quỷ nhập thần, trên đoạn đường vòng chặn trước chặn sau khiến lính Mỹ rối mà trúng mảnh đau nằm ra như rạ".
Xã tôi vinh dự lắm, địa phương đầu tiên được đón anh hùng trên đường từ miền Nam ra Bắc, thành thử đình làng cũng là hội trường ủy ban được trang hoàng cờ đỏ, bằng chữ tranh ảnh lộng lẫy.
Đúng chín giờ, xe huyện đội, tỉnh đội đưa người anh hùng về. Tôi cũng bị truyền lan cái không khí hào hứng ấy, mặc bộ quần áo nghiêm chỉnh nhất đứng ở vị trí hàng đầu của đoàn học sinh lớp đàn anh trường phổ thông cấp hai xã, trong lòng hồi hộp phấp phỏng.
Đây rồi, phía dốc đê xuất hiện hai chiếc xe com-măng-ca màu xanh xám đang hăm hở lao xuôi trong đám bụi đường mờ mịt.
Chiếc xe đầu chắc của tỉnh đội, rặt những ông cốp, trên vai áo chằng chịt những gạch những sao. Xe sau là... Tôi thoáng nhận ra một khuôn mặt quen quen, kính lòa lóa tôi không nhìn kịp chỉ thấy trên ngực áo người đó gắn kín huân chương.
Phái đoàn đổ xuống nườm nượp kéo vào trong đình. Tôi giật thốt: Chú tôi, đúng chú tôi rồi. Tôi lách đám đông nhao tới, nhưng một anh bảo vệ giữ tay tôi lại. Tôi không biết xoay sở thế nào, đành lùi lại phía sau. Lúc ấy tôi chẳng còn đầu óc nào để nghe ông tỉnh ông huyện nói. Khi chú tôi uy nghi bước lên bàn chủ tịch, hàng trăm cánh tay giơ cao chào đón hoan hô tưởng đến vỡ đình.
Tôi không ngờ người anh hùng ấy lại chính là chú tôi. Sự hào hứng phút đầu trong tôi biến mất, mắt tôi nhòa đi trong nước, tai ù ù nghe tiếng gió hút ngoài sông, tôi nghĩ đến thím Nghiệp, tôi vùng chạy về nhà nằm vật ra giường dụi mặt vào đống chăn khóc.
Tôi nằm đấy chẳng biết bao lâu, khi nghe tiếng rậm rịch ngoài ngõ tôi choàng mắt nhìn ra: Chú tôi lầm lũi bước vào như một người biết thân phận về chịu tội trước vong linh của tổ nghiệp. Đi sau chú có vài ba người bộ đội nào đấy, chẳng ai nói với ai câu nào, ông bà tôi vẫn ngồi im phỗng trên giường. Cả nhà lặng lẽ... Chỉ có mình tôi, tôi chùi nước mắt đứng dậy phía bàn lấy nước pha chè mời khách.
Với tôi tôi biết tôi có lỗi với chú, ở nhà không làm tròn được công việc chú dặn trước khi đi: "Cháu nhớ động viên thím kẻo một mình thím buồn." Chú ơi!
* * *
Chiếu cố hoàn cảnh đặc biệt, cấp trên cho chú tôi ở nhà hết ngày hôm sau, nếu không chiều ấy phải đi ngay.
Thấu hiểu nỗi lòng chú, sáng hôm sau tôi dẫn chú ra bến đò, chỗ thím Nghiệp vẫn thường ngồi đuổi ruồi muỗi đếm người qua lại.
Nhưng hai chú cháu chờ mãi, chờ mãi, vẫn không thấy bóng dáng thím đâu, ngồi nhìn bọt nước trôi xuôi đến chóng mặt đành đứng dậy.
Bên nhà ông Phó bảo từ hôm qua thím không về, mọi người sục đi tìm khắp nơi vẫn chưa thấy.
Ông lái đò bảo: Nửa đêm nghe giữa sông có tiếng hò reo sợ quá, ông chồm dậy ghé mắt nhìn qua kẽ liếp, từ trên bờ có bóng áo trắng chạy ào xuống nước, cứ thế bơi thoăn thoắt ra giữa sông.
Mấy thằng chăn bò bảo: chiều tối còn thấy một người mặc quần áo trắng ở ngoài bờ sông đi xuôi kè Đại Gia.
Mấy bà già làm cỏ ngô lại bảo: Đúng lúc ô tô đỗ ở đình thấy thím vội vã từ trên bờ đê chạy nhào xuống bãi mía trong đồng, chắc còn lẫn trốn đâu đây.
Chú tôi chết lặng người, hai hố mắt đỏ lòm, nước mắt thấm ra ngầu như máu.
Ngày 5 tháng 3 năm 1990.
T.B
(TCSH46/04-1991)
NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.
CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.
NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.
LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.
NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.
PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.
MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.
MAI NINH- Rối, Rối ơi! Dậy đi nào. - Nằm mãi đây cũng đừng hòng có ai lượm xác đem chôn. - Dậy đi! Rối ơi.
ANH DƯƠNGCòn sống đến nay, ông tôi phải hơn trăm tuổi. Trước ngày chết, ông kể cho tôi câu chuyện thương tâm này.
NGUYỄN XUÂN HOÀNG1. Từ Huệ nằm thiêm thiếp bên cạnh án thư. Tóc râu chàng bạc trắng. Đêm qua, ngoài trời mưa gió to quá. Chàng không làm sao ngủ được. Từ Huệ sợ mưa, sợ phải nghe thấy những âm thanh cuồng nộ của trời đất. Điệu luân vũ ấy là nỗi ám ảnh khi chàng còn là một anh khóa vô danh.
PHAN TUẤN ANHLớp Lý trong một chiều nhốn nháo. Vài đứa con gái ngồi sụt sùi cho nhân vật nữ trong phim trên ti vi chết sớm và nguyền rủa đạo diễn như một tay giết người. Những đứa con trai thì tiếc rẻ cho một vài pha bóng hụt tối qua, để lại hậu quả là mất hẳn một "tháng lương" mà nhẽ ra đã có thể lĩnh sáng nay tại... chủ quán.
NGUYỄN VIỆT HOÀLGT: Khi ánh sáng phản chiếu từ mặt trái đồng tiền ùa vào cánh cửa làng mở rộng, “sức nóng” của nó gần như thiêu rụi mọi nền tảng đạo đức một bộ phận không nhỏ đám thượng lưu gồm cả quan viên hương lý. Căn bệnh mà tác giả Nguyễn Việt Hoà mổ xẻ trong truyện ngắn dưới đây, dẫu chưa cao tay để diệt bằng hết những vi-rút-làng, song việc ngăn chặn một đại dịch bắt đầu là có thể...S.H
TRẦN HẠ THÁP1/ Người đàn ông đang huơ rìu. Liên tục những bi củi tươi bị xé phanh, toang toác. Gió lạnh một buổi tàn đông, sắp Tết nhưng trên khuôn ngực mồ hôi loang lổ như mưa. Xóm lò heo. Buổi sáng chưa mở mắt đã hỗn độn, mù trời hơi nước. Cái thế giới được khoanh vùng bằng tiếng kêu bi thiết các con vật thảm tử. Mùi phân chuồng phát tán, nghẹt thở. Tiếng người lê la trả giá, mặc cả. Tiếng cười rộ lên đắc ý trộn lẫn tiếng chửi thề tục tằn đe doạ. Đâu đó, mơ hồ giọng trẻ con khóc và tiếng ru hò ngái ngủ xa xôi…
NGUYỄN NGỌC LỢITôi diện bộ "téc gan" quân nhu, dắt súng vào người, dặn dò cậu lái xe rồi hoà vào dòng người đi ra sân bay. Được giao nhiệm vụ về nước sắm hàng, gặp một sự kiện quan trọng, tôi không muốn bỏ lỡ dịp được chứng kiến. Thị xã Lộc Ninh năm 1973 đã trở thành thủ đô của chính phủ cách mạng.
THÁI BÁ TÂN…Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông giành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xoè hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng…
NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNMọi người đến Huế với những lí do khác nhau. Riêng các văn nghệ sĩ thì thường đến để tìm cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên ý tưởng của mỗi người thì mỗi khác, chẳng ai giống ai. Họa sĩ Vĩnh Trung và nghệ sĩ Hải Lý là một trong những trường hợp như vậy.
XUÂN ĐÀIChuyện thằng Thanh con cô Ngoan ở làng Đông cuối tháng này tổ chức đám cưới với con Thuý con cô Lâm ở làng Nổi, dân xã Vĩnh Sơn ai cũng tỏ tường. Cái đận cô Lâm có chửa, điều tiếng khắp làng, người ta đoán già đoán non về cha của đứa bé. Đoán vụng đoán trộm, thì thầm nhỏ to sau lưng, chứ thấy bóng cô đi ngang qua là họ im bặt. Nó mà nghe được nó tế cho! Nó vén mồm, vén váy, réo tên cúng cơm ba đời nhà mình ra mà chửi.
PHẠM THỊ XUÂNChị Xoan trở mình nhè nhẹ, sợ làm đứa cháu giật mình thức giấc. Chị quay mặt vào tường như cố tránh cái ánh sáng xanh dịu phát ra từ ngọn đèn ngủ. Chị nhắm kín mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Đầu óc chị rối bời bao ý nghĩ. Có một cái gì day dứt, một cái gì tiếc nuối, một cái gì hẫng hụt vừa đi vào cuộc đời chị. Chị bỗng thấy lòng mình trống trải đến vô vị...
PHẠM THỊ XUÂNLGT: Ấn tượng của một nữ tác giả mới lần đầu tiên gửi tác phẩm đến cho TCSH thật khá đậm đà. Ấy là Phạm Thị Xuân, một phụ nữ ở độ tuổi đã qua thời thanh xuân, đang công tác tại một đơn vị y tế huyện Quảng Điền.
QUÝ THỂCó ai đến nhà chơi, bà cụ Tuần chỉ mép tấm phản gỗ mời ngồi, bà nói:- Giang sơn của "bầy choa" (chúng tôi) chỉ có chừng ni. Không ghế bàn, xa lông, sập gụ tủ chè chi cả, chịu khó ngồi đỡ, ông bà mô áo quần trắng trẻo sạch sẽ sợ dơ, thì ngồi lên đây. Bà cụ xoè cái quạt giấy cũ đã rách, lộ ra mấy cái nan tre lót cho khách ngồi. Nhưng không ai nỡ ngồi lên cái quạt giấy của cụ.