Cuộc gặp gỡ giữa hai danh nhân văn hóa

08:58 01/09/2017

DƯƠNG PHƯỚC THU

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhận chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đại diện Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên và Ủy ban Nhân dân Trung Bộ đóng tại Huế đã đến mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một tiến sĩ Nho học yêu nước, một nhà báo nổi tiếng, một người không đảng phái ra Hà Nội gặp cụ Hồ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Ảnh: internet

Mới đầu cụ Huỳnh do dự “để còn xem”. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp gửi các bức điện tha thiết mời, cụ Huỳnh nhận lời(1).

Lúc bấy giờ, nhà thơ Tố Hữu đang làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, trong hồi ký Nhớ lại một thời, ông viết: “Một tháng sau lại được điện của Trung ương bảo đến gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng và mời cụ ra làm việc với cụ Hồ. Cụ Huỳnh vốn tính khẳng khái, tuy đã biết uy tín lớn của ông Nguyễn Ái Quốc, còn tỏ ý dè dặt: không biết có thích hợp không với chế độ mới mà cụ gọi là cộng sản. Chúng tôi phải thưa với cụ Huỳnh rằng Hồ Chủ tịch rất quý trọng cụ, xin mời cụ ra làm việc nước với Hồ Chủ tịch. Nghĩ một lát, cụ nói: “Thôi được, tôi đi ngay nhưng vài ngày thôi rồi lại trở về”. Vì vậy khi lên ô tô, cụ Huỳnh chỉ mang theo một gói áo quần nhẹ tênh. Sau mới biết ra đến Hà Nội, gặp cụ Hồ, hai cụ hàn huyên thế nào đó, cụ tỏ ý tâm đắc và chịu ở lại luôn, nhận một nhiệm vụ rất quan trọng được Hồ Chủ tịch giao cho là Bộ trưởng Bộ Nội vụ”(2). Và chỉ ba tháng sau, trước lúc lên đường sang Paris với vai trò là thượng khách của Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch đã tin tưởng ủy thác, giao Quyền Chủ tịch nước cho Huỳnh Thúc Kháng gánh vác. Với phương châm xử thế “dĩ bất biến ứng vạn biến” theo lời của Hồ Chủ tịch, cụ Huỳnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong một thời đoạn đất nước trước hiểm họa “ngàn cân treo sợi tóc”...

Ngày rời Huế, ngoài số cán bộ của Xứ ủy tháp tùng, còn có ông Nguyễn Xương Thái, một người Quảng Nam, từ năm 1926 ông đã tích cực vận động thành lập Công ty Cổ phần Huỳnh Thúc Kháng, tham gia quản lý báo Tiếng Dân, trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Nhà in “Tiếng Dân” và giao thiệp với cổ đông của Công ty được cụ Huỳnh rất tin cẩn, coi như thư ký riêng, cùng ra Hà Nội để giúp việc cho cụ Huỳnh làm việc nước.

Ra Hà Nội được 10 ngày, thì có tin điện từ Huế báo: con trai ông Thái mới 19 tuổi là tự vệ cứu quốc bị bệnh đau bụng chết. Nguyễn Xương Thái vốn bị bệnh đau dạ dày lâu ngày, nghe tin con chết đột ngột, ông buồn lâm bệnh nặng thêm. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam giới thiệu Nguyễn Xương Thái vào điều trị tại Bệnh viện Đồn Thủy, Hà Nội, với tư cách là cán bộ của Bộ Nội vụ.

Cuối tháng 5/1946, ông Trần Đình Phiên, người có tên ghi trên báo Tiếng Dân dưới vai trò quản lý ngay từ số đầu tiên (8/1927) đến số cuối cùng (4/1943) là nhân vật thân cận của chủ bút Tiếng Dân gửi điện và thư cho cụ Huỳnh đang ở Hà Nội, xin cụ cho Nguyễn Xương Thái trở lại Huế hợp lực cải tổ Ban Quản trị Nhà in “Tiếng Dân”, thay mặt cụ Huỳnh đang bận công việc Chính phủ. Sau một thời gian điều trị được ra viện, cụ Huỳnh Thúc Kháng xin Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Thái về Huế. Hồ Chủ tịch hỏi: “Làm công việc đó, lâu mau thì xong?” Huỳnh Thúc Kháng đáp: “Theo điều lệ của “Tiếng Dân”, phải mất hai tháng, Hồ Chủ tịch nói với Nguyễn Xương Thái: “Về ráng làm cho giỏi rồi trở ra”.

Trước hôm về Huế, Hồ Chủ tịch tặng Nguyễn Xương Thái tấm ảnh của Người và nói: “Hương Giang thân hữu như tương vân”. Ngày hôm sau, đích thân Hồ Chủ tịch dẫn Nguyễn Xương Thái ra xe đi cùng ô tô với chị Nguyễn Khoa Bội Lan(3) từ Huế ra Hà Nội, nay trở về, và chia tay ông với tình cảm thắm thiết.

Mấy hôm sau, biết tin Nguyễn Xương Thái về Huế, nhà báo Thúc Tề, cán bộ Ty Thông tin Tuyên truyền Thừa Thiên đã có cuộc trao đổi với ông về tình hình Thủ đô sau ngày thành lập nước, về cụ Hồ, về công việc và sức khỏe cụ Huỳnh..., mà Thúc Tề gọi là lời của “Một người thân cận của cụ Huỳnh Thúc Kháng thuật lại”.

Nhà báo, nhà thơ Thúc Tề tên thật là Nguyễn Thúc Nhuận, sinh năm 1916, quê ở làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông làm thơ viết báo từ năm 19 tuổi, có chân trong Ban biên tập và làm chủ bút của nhiều tờ báo ở Sài Gòn; có thơ tuyển trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông hăng hái tham gia hoạt động trong Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên, cùng với Hải Triều, Hà Thế Hạnh thành lập Sở Tuyên truyền Trung Bộ. Đầu năm 1946, Thúc Tề được tổ chức phân công cùng ông Hoàng Thượng Khanh thành lập Ty Thông tin Tuyên truyền Thừa Thiên.

Đang trong giai đoạn tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, tích cực hoạt động sôi nổi trên các lĩnh vực tuyên truyền văn hóa, sáng tác văn học và báo chí, vào đầu tháng 12 năm 1946, Thúc Tề bị thực dân Pháp bí mật bắt cóc, thủ tiêu vứt xác ở gần ga Truồi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo cuốn Chân dung các nhà báo liệt sĩ do Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1999, Thúc Tề là nhà báo liệt sĩ đầu tiên kể từ sau ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bài báo dưới đây là tác phẩm cuối cùng của nhà báo Thúc Tề mà chúng tôi vừa tìm được.

Nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 2 tháng 9, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bài báo của Thúc Tề đăng trên tờ Quyết Thắng, cơ quan của Việt Minh Trung Bộ, do ông Lê Chưởng làm chủ bút, số 56 ra ngày 20/7/1946.   


BUỔI DIỆN KIẾN ĐẦU TIÊN GIỮA CỤ HỒ CHỦ TỊCH VÀ CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG  


Bình tĩnh và giản dị là hai đức tính rất đẹp của cụ Hồ Chủ tịch, cũng như sáng suốt và khôn khéo là hai mặt khác của tài năng cụ khiến một ký giả ngoại quốc gọi cụ là một nhà chính khách đáng sợ (politieien redòutsble). Nhưng bạn đừng tưởng vì nhiễm thói quen của người chính khách mà cụ bình tĩnh đến dửng dưng. Trái lại, cụ là người rất hay cảm động. Cảm động vì đức hy sinh quá cao của các chiến sĩ, vì những bức thư của các em bé, vì những quà tặng của những đồng bào ở chốn trời xa. Nhưng có mối cảm động sâu xa nhất của cụ là lúc đầu tiên, diện kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng. Về chỗ này, tôi xin nhường lời cho ông Nguyễn Xương Thái, người thư ký tay chân cho cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa ở Thủ đô về Thuận Hóa. Không bỏ lở một dịp tốt, tôi đã đến thăm ông và đột ngột hỏi:

- Ông già vẫn mạnh chứ, anh?

- Nhất định như thế rồi mặc dầu mấy hôm đi đường có vội vàng vất vả và từ bữa nhận trọng trách, công việc có bề bộn.

- Anh kể cho tôi nghe cuộc hội kiến đầu tiên giữa hai cụ.

- Vâng, có thể là lịch sử lắm và rất cảm động. Hôm đó chúng tôi đến Bắc Bộ Phủ vào tám giờ tối. Cụ Hồ đi vắng, chỉ có ông Võ Nguyên Giáp tiếp chúng tôi. Đêm ấy, hai thầy trò cùng nghỉ trên giường của cụ Hồ, một cái giường chăn nệm sạch sẽ mà giản dị vô cùng. Sáng lại, lúc tôi dùng trà thì cụ Hồ về tới. Dường như đã được báo trước nên cụ đi vào thật nhanh, cởi vội chiếc mũ và cây ba toong rồi chạy lại reo lên hai tiếng: “Cụ Huỳnh!” Đoạn hai ngài ôm nhau xúc cảm đến rơi lụy. Tiếng reo của Hồ Chủ tịch giờ con vang trong tai tôi vì đó là âm thanh đã đánh dấu cho bước đi của dân tộc. Lần này là lần đầu hai ông lão gặp nhau. Kẻ gần sáu chục, người trên bảy mươi; tuy chưa có dịp trùng phùng chớ đã từng đếm bước của nhau đi trên con đường bôn tẩu quốc sự. Nhưng cụ cố thân sinh ra Hồ Chủ tịch vừa là bạn thân của cụ tôi, lúc cụ cố còn ở Huế. Thế rồi hàn huyên xong, hai ngài liền bắt tay vào việc.

- Giờ ngoài việc Quyền Chủ tịch, cụ Huỳnh giữ những trọng trách nào?

- Nội vụ, Tuyên truyền và Công an, cụ tôi làm việc không ngừng. Có khi mới ba giờ sáng đã ra ngồi bàn giấy. Cũng thừa may có ông Hoàng Minh Giám là một tay giúp việc đắc lực. Ồ, còn cụ Chủ tịch thì lại bận vô cùng. Lắm hôm, không lựa được lúc rỗi mà xơi cơm. Tiếp các thượng quan Trung Hoa, phái bộ Mỹ, các tay đặc phái viên thông tấn và đại biểu ở các nơi về. Cụ biết rất nhiều thứ tiếng và nói tiếng Mỹ rất sành sỏi.

- Nhờ con mắt nhà báo, chắc anh đã gặp nhiều nhân vật quốc tế?...

- Có. Tôi đã gặp đại tướng Lư Hán trong một bữa dạ yến. Lư tướng quân tuổi gần năm mươi, người rất có dáng vẻ quan võ mà thích chơi văn. Hôm ấy ngài có xin cụ Huỳnh làm ba bài thơ, cụ làm một hơi thì xong, dường như Lư tướng quân cũng lấy làm thú.

- Anh có để ý đến đời sống bên trong của cụ Hồ?

- Cụ thì thật là một bực vong kỷ. Sống đạm bạc đến phi thường. Thủy chung cụ chỉ có mấy bộ ka ki và mấy chiếc sơ mi. Đã mấy lần mấy ông tính thưa để may đồ cho cụ mà cụ gạt đi, đến khi gần đi Pháp cụ mới chịu để may. Cụ chưa khi nào nghĩ chu đáo cho mình, thật điều ấy làm cho những kẻ giá áo túi cơm nghe đến đủ xấu hổ mà chết. Cụ thường đi dạo chơi một mình và ít khi ngờ đến khúc nhạc kính mến của quốc dân đương vang động bên mình.

Những tin tức ở trời Tây gửi về giúp cho ta nhận định rằng cụ Hồ Chủ tịch của chúng ta có thừa phong độ của một bậc quốc trưởng, của một chính khách quốc tế. Chỉ một điểm đó cũng đủ làm cho ta được ấm lòng, vì nghĩ rằng quốc thể của ta đã được cụ nâng cao, trong lúc cụ đã vẻ vang giới thiệu dân tộc chúng ta ở giữa chốn năm châu chung chợ”.


D.P.T
(TCSH343/09-2017)

-------------------
1. Nguyễn Thành, Lịch sử báo Tiếng Dân.
2. Tố Hữu, Nhớ lại một thời (hồi ký), Nxb. VH-TT, 2002.
3. NB, Chủ nhiệm TC Ánh Sáng, cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Trung Bộ.
4. Bí danh của Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên.




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau: “Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 Octobre 1940). Thêm một ngày đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu

  • Với giọng văn sinh động, pha chút hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò: “Chuyện kể về thầy trò thời xưa”, “Những tấm lòng cao cả” hay bộ văn học teen “Cười lên đi cô ơi”… sẽ đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc và hoài niệm.

  • Trong tất cả các Ni sư Phật giáo mà tôi được biết và chịu ơn hoằng pháp vô ngôn, có lẽ người gần gũi với tôi nhất trong đời là Cố Đại Trưởng lão Ni chúng – Sư Bà Cát Tường - nguyên trụ trì chùa sư nữ Hoàng Mai ở Thủy Xuân – Huế.

  • LTS: Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh năm 78 tuổi sức khỏe không còn như buổi thanh niên, nhưng ngòi bút của ông vẫn còn cái sung sức của một người đã từng yêu du lịch và làm nghề hướng dẫn khách du lịch toàn Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những trang hồi ký đầy lý thú của Thanh Tịnh.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975.

  • Vậy là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã về cõi thiên thu giữa một sáng mùa thu Hà Nội lay phay gió mù u!...Trước khi chưa kịp được vuốt mắt, dường như đôi đồng tử của ông vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh đau đáu về con sông Cụt quê nhà.

  • Với một tướng lãnh võ biền, thì mục tiêu cuộc dẹp loạn là đánh tan loạn quân, rồi ca khúc khải hoàn, ăn mừng chiến thắng.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG

    Đời của nó như thể bềnh bồng
    Cái chết của nó như thể an nghỉ

                               F.Jullien
    (Dẫn nhập cuốn “Nuôi dưỡng đời mình - tách rời hạnh phúc” - Bửu Ý dịch, 2005)

  • THANH TÙNG

    Hiệp định Genève ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ đã trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Nhiều cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc vợ Nam, khi vợ được ra Bắc thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu, đời vợ chồng như chuyện vợ chồng Ngâu.

  • Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại. Không còn gì ngượng bằng đọc một bài người ta đem dẫn toàn những câu thơ dở và những câu ca dao dở mà lại đi khen là hay”. (Vũ Ngọc Phan, trích từ Hồi ký văn nghệ, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 4 năm 1983, trang 168).

  • VƯƠNG TRÍ NHÀN

    I
    Hè phố Hà Nội vốn khá hẹp, chỉ có điều may là ở cái thành phố đang còn lấy xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu này, người đi bộ có phần ít, phía các phố không phải phố buôn bán, vỉa hè thường vắng, bởi vậy, nếu không quá bận, đi bộ lại là cái thú, người ta có thể vừa đi vừa nghỉ, thoải mái.

  • Gặp người thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, tôi có dịp biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện hơn 30 năm về trước khi tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được tái bản lần đầu.

  • THẾ TƯỜNG
                   

    "Quê hương là chùm khế ngọt
    cho con trèo hái cả ngày"

  • Một nhà báo Pháp sắp đến Việt Nam để tìm lại một di sản chiến tranh, nhưng ở một khía cạnh nhân văn của nó - đó là những con người, địa điểm từng xuất hiện trong các bức ảnh mà nữ phóng viên chiến trường nổi tiếng Catherine Leroy ghi lại trong cuộc tấn công Mậu Thân vào thành phố Huế. 

  • Thanh Minh là bút danh chính của Nguyễn Hưu(1), người làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

  • LTS: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết.

  • Thực tế lịch sử gần 70 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và là kết quả tất yếu từ công lao to lớn của Bác chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.

  • Tháng Bảy âm. Tháng cô hồn. Mồng một âm đã rả rích mưa báo hiệu cho một tháng âm u của Tiết Ngâu. Sắp rằm, tâm trí chợt như hửng ấm khi tiếp được cái giấy Hà Nội mời dự lễ khánh thành nhà bia và Khu tưởng niệm đồng bào ta bị chết đói năm 1945. Chợt nhớ, công việc này đã manh nha từ hơn mười năm trước…

  • LTS: Nguyễn Hưu, bút danh Thanh Minh, sinh năm 1914, quê huyện Can Lộc, hoạt động báo chí và văn học từ những năm 1934 - 1935. Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả Hán - Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà quản lý văn hóa văn nghệ có nhiều thành tựu và cống hiến. Ông là Hội trưởng Hội văn nghệ Hà Tĩnh đầu tiên. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [21.8], VHNA sẽ lần lượt đăng một số bài viết về ông.

  • Vùng quê nghèo chúng tôi nằm sát chân núi Hồng Lĩnh có Hàm Anh (nay là xóm 1 xã Tân Lộc) từng sản sinh ra một Tiến sĩ xuất thân Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) (1499) đời Lê Hiến tông tên là Phan Đình Tá (1468-?)