Bước đầu phác thảo và nhận xét niên biểu văn chương Nguyễn Huy Thiệp

15:03 20/11/2015

MAI ANH TUẤN

Cụm từ “văn chương Nguyễn Huy Thiệp” không chỉ được tạo ra bởi và thuộc về giai đoạn văn học Đổi mới (1986) mà giờ đây, rộng rãi và phức tạp hơn rất nhiều, đã có mặt trong nhiều nghiên cứu Việt Nam (Việt học) đương đại, từ văn hóa văn chương đến chính trị - xã hội.

Tác phẩm đã xuất bản của Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: vnexpress

Tại sao Nguyễn Huy Thiệp (xin viết tắt NHT) trở thành cái tên được nhắc đến trước tiên nhất, đảm bảo khả tín lựa chọn nhất, với khả năng gây tranh luận, bàn cãi chưa hề ngừng nghỉ ở các lá phiếu chấp thuận hoặc phản đối, dù tọa độ thời gian đã có hơn ba thập niên điềm tĩnh và cân nhắc tiếp nhận kể từ khi hiện tượng này xuất hiện? Trong tâm thế đối mặt câu hỏi thử thách này, NHT được hình dung là một tác gia văn học sử lí tưởng. Nhưng để bắt đầu giải mã một tác giả văn học sử, công việc cần thiết và quan trọng đầu tiên là phải nắm chắc diễn trình văn chương, một tư liệu cho phép chúng ta nhìn lại chi tiết hơn những thời điểm, tiếng nói, văn phong, thể loại của tác giả. Với những tác giả có vị trí nổi bật như NHT thì cách ông xuất hiện, tạo lập và gây hiệu ứng trên văn đàn không đơn giản là nỗ lực của cá nhân ông mà còn tương thông với bối cảnh đương thời. Bài viết sẽ đưa các cứ liệu và phân tích để chứng minh điều đó.

Niên biểu văn chương NHT

Niên biểu này được tôi dựng trên bốn trục chính: 1. Thời điểm viết theo tác giả xác nhận ở mỗi tác phẩm, có thể chưa đăng in nhưng buộc phải tái hiện trọn vẹn; 2. Các dấu mốc đăng in, xuất bản quan trọng ở trong và ngoài nước; 3. Phê bình, nghiên cứu và làn sóng tiếp nhận của công chúng qua vài xu hướng chính; 4. Một số sự kiện văn chương nghệ thuật và xã hội nổi bật có liên quan, tác động đến trường văn chương NHT. Các lựa chọn đều được dựa trên mức độ quan trọng, khả năng gây ảnh hưởng, dư âm của nó và sẽ được giải thích thêm khi cần thiết. Các chữ viết tắt được dùng: Truyện ngắn (Tr.ng); Kịch (K.); Tiểu thuyết (T.T); Tiểu luận, giới thiệu, phê bình (T.L).

1971: - Tr.ng: Trái tim hổ; Con thú lớn nhất; Nàng Bua. 1979: - Hội nghị đảng viên của Hội Nhà văn bàn về sáng tác, xuất hiện phát biểu của Nguyên Ngọc, về sau được gọi là “Đề dẫn”, H: (11 - 13/6/1979); - Hoàng Ngọc Hiến, Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (Văn nghệ, s.23). 1981: - Tr.ng: Tiệc xòe vui nhất. 1982: - Tr.ng: Sói trả thù; Đất quên; Tâm hồn mẹ. 1983: - Tr.ng: Huyền thoại phố phường; - Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III. 1984: - Tr.ng: Nạn dịch; Sạ; Chiếc tù và bị bỏ quên; Cún. 1985: - Tr.ng: Chảy đi sông ơi; Chút thoáng Xuân Hương. 1986: - Tr.ng: Tướng về hưu; Muối của rừng; Nàng Sinh; Cô Mỵ (Văn nghệ, s.18); Vết trượt (Văn nghệ, s.39). 1987: - Tr.ng: Không có vua; Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát: Ngẫu vật thiêng liêng, Sạ, Chiếc tù và bị bỏ quên, Tiệc xòe vui nhất (Văn nghệ, s.3 + 4); Huyền thoại phố phường (Văn nghệ, s.11); Tướng về hưu (Văn nghệ, s.24 + 25 + 26); - Loạt bài đầu tiên thảo luận “Tướng về hưu”, mở đầu cho chuỗi phản ứng liên tiếp của cộng đồng đọc về hiện tượng NHT: Chu Huy, Đôi điều về truyện ngắn “Tướng về hưu”; Nguyễn Hòa, Cảm nhận về một truyện ngắn; Đặng Anh Đào, Khi ông “Tướng về hưu” xuất hiện; Phùng Văn Tửu, Một câu chuyện thôi thúc chúng ta cùng suy nghĩ (Văn nghệ, s.36, s.37); - Nguyên Ngọc có quyết định về làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ, tháng 6/1987; - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp mặt và làm việc với gần 100 văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa, ngày 6 - 7 tháng 10; - Bộ Chính trị ra Nghị quyết về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lí văn học nghệ thuật và văn hóa (Nghị quyết 05) ngày 28/11; -Nguyễn Minh Châu, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (Văn nghệ, s.49 + 50). 1988: - Tr.ng: Con gái thủy thần (truyện thứ nhất); Những người thợ xẻ; Những bài học nông thôn; Giọt máu; Kiếm sắc (Văn nghệ, phụ trương đặc biệt kỉ niệm 40 năm báo 1948 - 1988); Vàng lửa (Văn nghệ, s.18); Phẩm tiết (Văn nghệ, s.29 + 30); - NHT, Tướng về hưu, Nxb. Trẻ - Tuần báo Văn nghệ. Đây là tập truyện đầu tiên của NHT ấn hành ở Việt Nam; - Hoàng Ngọc Hiến, Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió (viết tháng 10/1987, được dùng làm “Lời giới thiệu” cho tập truyện trên); - Nguyên Ngọc thôi chức Tổng Biên tập báo Văn nghệ vào tháng 12/1988. 1989: - Tr.ng: Con gái thủy thần (truyện thứ hai); - T.L: Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm nhà văn; Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn; - NHT, Những ngọn gió Hua Tát, Nxb. Văn hóa; - Greg Lockhart, Tại sao tôi dịch truyện ngắn NHT ra tiếng Anh (Tạp chí Văn học, s.4); - Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Hải Hà, Xung quanh “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” (Tạp chí Văn nghệ quân đội, s.4); - Nhiều tác giả, NHT tác phẩm và dư luận, Huế: Tạp chí Sông Hương và Nxb. Trẻ; - Phim Tướng về hưu, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần IX. Hiệu ứng Tướng về hưu, như vậy, đã lan sang một lĩnh vực khác là điện ảnh. Cần biết rằng, trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam, chưa một bộ phim nào chuyển thể một tác phẩm văn học ngay tức thì như trường hợp Tướng về hưu; - Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV. 1990: - Tr.ng: Mưa; Đời thế mà vui; Nguyễn Thị Lộ; Trương Chi; Tội ác và trừng phạt; - K: Còn lại tình yêu và T.L: Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn (Sông Hương, s.3. Từ đây, tạp chí Sông Hương trở thành không gian quan trọng cho sự xuất hiện đa thể loại của NHT khi mà cao trào đổi mới trên Văn nghệ tại Hà Nội đã lắng xuống); - NHT, Un général à la retraite [Tướng về hưu], Éditions de l’Aube, Pháp. Nhà xuất bản l’Aube, từ đây, sẽ còn tiếp tục xuất bản, tái bản tác phẩm NHT như một công việc thường niên; - NHT, II generale in pensione [Tướng về hưu], Eurostudio, Ý. 1991: - Tr.ng: Sang sông; Thiên văn; Chuyện tình kể trong đêm mưa; - K: Nhà tiên tri; T.L: Nhà văn và bốn trùm “Mafia” (tạp chí Sông Hương, s.3). 1992: - Tr.ng: Thương nhớ đồng quê, Mưa Nhã Nam; - K: Cái chết được che đậy; - T.L: Con đường của nhà thơ; Con đường văn học; - NHT, The general retires and other stories [Tướng về hưu và những truyện khác], Oxford University Press, Hoa Kỳ; - Nguyễn Đăng Mạnh, Truyện ngắn NHT, vài cảm nghĩ (Cửa Việt, s.16, 8/1992. Một sự lên tiếng tiếp theo đến từ miền Trung, đánh dấu thời kì nổi bật của Tạp chí Cửa Việt). 1993: - K: Xuân hồng; - NHT, Con gái thủy thần, Nxb. HVN; NHT, Le Coeur du tigre [Trái tim hổ], Pháp; - T.N.Filimonova, Lịch sử Việt Nam qua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Moskva, Nga. 1994: - K: Hoa sen nở ngày 29 tháng 4; - NHT, Xuân Hồng, California: Tân Thư xuất bản, Hoa Kỳ. 1995: - NHT, Như những ngọn gió, Nxb. Văn học; - NHT, Tijgerhart [Trái tim hổ], Hà Lan; - Phim Thương nhớ đồng quê, dựa trên truyện ngắn cùng tên, đạo diễn Đặng Nhật Minh, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ XI; - Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V. 1996: - Tr.ng: Thương cho cả đời bạc; Chăn trâu cắt cỏ; - NHT, Les Démons Vivent Parmi Nous [Quỷ ở với người], Pháp. 1997: - Tr.ng: Hạc vừa bay vừa thảng thốt; Không khóc ở California; - NHT, La vengeance du loup [Sói trả thù], Pháp. 1998: - Tr.ng: Con gái thủy thần (truyện thứ ba); - K: Suối nhỏ êm dịu. 1999: - Tr.ng: Bài học tiếng Việt; - NHT, Conte d’amour un soir de pluie [Truyện trình kể trong đêm mưa], Pháp. 2000: - Tr.ng: Sống dễ lắm, Đưa sáo sang sông; - T.L: Lưới thơ; Cười lên đi; Lòng mẹ; Giá phải chăng; - NHT, Thương cho cả đời bạc, Nxb. VHTT; - Đỗ Đức Hiểu, Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Sông Hương, s.136); - Phim Những người thợ xẻ, đạo diễn Vương Đức, giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XII. 2001: - Tr.ng: Thổ cẩm; Những người muôn năm cũ; Chuyện ông Móng; Lòng mẹ; - K: Suối nhỏ êm dịu - T.L: Giăng lưới bắt chim; Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi; Lê Kim Giao: tên nghiện văn chương; Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy; Sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn?; - NHT, Suối nhỏ êm dịu, Văn nghệ xuất bản, Hoa Kỳ; - NHT, Skogens salt [Muối của rừng], Svenska, Thụy Điển; - Nhiều tác giả, Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và biên soạn, Nxb. VHTT. 2002: - Tr.ng: Chú Hoạt tôi; - T.T: Tuổi 20 yêu dấu; - NHT, L’Or et le feu [Vàng và lửa], Pháp. 2003: - T.L: Hiện tượng Vi Thùy Linh; Xin đừng làm chữ của tôi đau; Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ dân gian; Giới thiệu Đồng Đức Bốn; Thời của tiểu thuyết (Ngày Nay, s.19 + 20 + 21 + 22. Ngày Nay, cơ quan ngôn luận của UNESCO ở Việt Nam, một không gian trung lập, thậm chí không dính dáng đến văn nghệ, đã được NHT chọn để phát biểu quan điểm văn chương. “Tiểu thuyết mua vui” trong bài viết này đã là câu cửa miệng nhiều nơi và là căn cứ để người khác phản biện ông); - NHT, Tuyển tập truyện ngắn, Nxb. Trẻ; - NHT, Tuyển tập kịch, Nxb. Trẻ; - NHT, Crossing the River: short fiction [Sang sông: tuyển truyện ngắn], Curbstone Press, Hoa Kỳ. 2004: - Tr.ng: Cánh buồm nâu thuở ấy; Những tiếng lòng líu la líu lo; Chuyện bà Móng; Quan Âm chỉ lộ; - K: Mổ nhà văn; - T.L: Hoàng Ngọc Hiến: Viên ngọc hiếm; Về chiêu pháp “túy quyền” trong văn học của một nhà văn; Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (Ngày Nay, s.4 + 5 + 6. Đây là một tiểu luận gây phản ứng dữ dội bậc nhất và một lần nữa, những ý kiến phủ nhận đã nhắm vào tác giả và cả người đứng đầu tờ báo); 2005: - T.T: Võ lâm ngoại sử; - T.L: Thương bạn Đồng Đức Bốn; Nhớ bạn Đồng Đức Bốn; - NHT, Giăng lưới bắt chim, Nxb. HNV và Đông A; - NHT, Cánh buồm nâu thuở ấy, Nxb. HVN và Đông A; - NHT, À nos vingt ans [Tuổi 20 yêu dấu], Pháp; - Hội thảo “Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy” tại Đại học Sư phạm Hà Nội: Trần Văn Toàn, Nhà văn hiện đại Việt Nam - những giới hạn và sứ mệnh (Suy nghĩ từ những sáng tác của NHT); Châu Minh Hùng, Cuộc tìm kiếm hình thức đa thanh mới của văn xuôi hiện đại qua cấu trúc truyện của NHT; Lê Huy Bắc, “Bậc hiền triết - con chó xồm” hay kỹ thuật nhại của NHT. 2006: - T.L: Tính dục trong văn học hôm nay; Nhân ngày thơ, bàn về thơ; “Khải huyền muộn” - Cảm hứng và những dấu hiệu của hình thức nghệ thuật đương đại trong tiểu thuyết; Lại nói về những dấu hiệu của hình thức nghệ thuật đương đại trong tiểu thuyết; Giời không có mắt; Không nhạt; - NHT, Tiểu long nữ, Nxb. CAND; - Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội về thể loại phê bình dành cho Giăng lưới bắt chim. 2007: - Tr.ng: Cà phê Hàng Hành; - T.L: Trở lại tự nhiên; - NHT, Gạ tình lấy điểm, Nxb. HNV;- NHT, Truyện ngắn NHT (Với minh họa của các họa sĩ), Nxb. Văn hóa Sài Gòn; - NHT được nhận Huân chương Văn học nghệ thuật của chính phủ Pháp. 2008: - Tr.ng: Như sương khói bay; - K: Nhà Ô-sin; Đến bờ bên kia; - T.L: Diễn từ trong dịp nhận giải thưởng Nonino; - NHT, Soffi di vento sul Vietnam, [Những ngọn gió từ Việt Nam], ObarraO, Ý; - NHT, Mon oncle Hoat [Chú Hoạt tôi], Pháp; - NHT được nhận giải thưởng Nonino Risit d’Âur của Ý; - Đến bờ bên kia được trình diễn trong Liên hoan sân khấu thể nghiệm toàn quốc lần I. 2009: - T.L: Đất và người Nam bộ Việt Nam; - NHT, Der pensionierte General [Tướng về hưu], Mitteldeutscher Verlag, Đức. 2010: -NHT, Nhà Ô-sin, tập kịch, Nxb. Thanh Niên; - NHT, Mademoiselle Sinh [Nàng Sinh], Pháp. 2011: - Phim Tâm hồn mẹ, phỏng theo truyện cùng tên của NHT, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. 2012: - NHT, Vong bướm, Nxb. Thời đại và Nhã Nam; - NHT, Tuyển tập kịch, Nxb. Trẻ; - NHT, Crimes, amour et châtiment [Tội ác, tình yêu và trừng phạt], Pháp; - Nguyễn Văn Đông, Lời văn nghệ thuật NHT, Luận án tiến sĩ; - Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn vở kịch Nhà Ô-sin, đạo diễn Lê Khanh. 2013: - Nguyễn Văn Thuấn, Liên văn bản trong sáng tác NHT, Luận án tiến sĩ. 2014: - T.L: Nhà văn và bốn “ông trùm” (Nghệ thuật mới, bộ mới, s.9); - La Khắc Hòa, NHT và bước ngoặt của văn học Việt Nam. 2015: - T.L: Tôi viết truyện “Tướng về hưu” (Tuổi Trẻ cuối tuần, tháng 6/2015); - NHT, Regn i Nhã Nam [Mưa Nhã Nam], Bokfưrlaget Tranan, Thụy Điển.

Một vài nhận xét

Khác với ví von có phần đơn giản rằng “NHT là bông hoa nở muộn trên văn đàn”, chúng ta thấy cuộc viết của NHT nảy sinh khá sớm, từ thập niên 1970, lúc ông ngoài hai mươi tuổi, và âm thầm xuất hiện vào năm 1986 trước khi thực sự bùng nổ vào năm 1987. Một quá trình viết như thế chắc chắn được điều chỉnh bởi sự quan sát, nghiên cứu kĩ lưỡng bạn đọc để “dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình” sao cho “hợp thời” (Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn). Theo thống kê của tôi, đến thời điểm này (6/2015), NHT có 110 tác phẩm, trong đó có 53 truyện ngắn, 4 tiểu thuyết, 13 vở kịch, còn lại là những tiểu luận, tạp văn, phê bình. Việc ông tuyên bố ngừng viết, “rửa tay gác kiếm”, “cuộc chơi kết thúc”1 phần nào phản ánh sự lắng lại của cao trào đổi mới văn học khi mà những điều kiện duy trì, tiếp sức cho nó không còn dồi dào, thuận lợi như trước.

Tác phẩm NHT, một cách liên tục, được “xoay vòng” xuất bản bởi hầu hết các nhà xuất bản lớn của Việt Nam. Đáng chú ý hơn, không lâu sau khi ông vừa nổi tiếng trong nước, biên giới tác phẩm NHT nhanh chóng được mở rộng ra nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau: từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý đến tiếng Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Nhật… Như vậy, không đợi đến ân sủng ngoại giao, NHT trở thành nhà văn Việt Nam đương đại có tính quốc tế đáng kể nhất và nhờ vị thế này, văn chương NHT được sử dụng như một tư liệu tìm hiểu Việt Nam của giới nghiên cứu Việt học trên thế giới. Trong phạm vi tiếp cận các nghiên cứu viết bằng tiếng Anh, tôi coi những tiểu luận dưới đây là nổi bật và có giá trị gợi mở hơn cả: Nguyen Huy Thiep and the Faces of Vietamese Literature [NHT và diện mạo văn học Việt Nam] của Greg Lokhart, vốn là một dẫn nhập cho Tướng về hưu và những truyện khác do ông dịch sang tiếng Anh, ấn hành năm 1992. Cũng vào năm 1992, tiến sĩ Peter Zinoman, với những am hiểu văn chương, xã hội Việt Nam sâu sắc của ông, đã cho đăng hai tiểu luận có tính chất mở rộng và đụng chạm nhiều vấn đề quan trọng: Nguyen Huy Thiep’s “Vang lua” and the Nature of Intellectual Dissent in Contemporary Vietnam [“Vàng lửa” của NHT và bản chất sự bất đồng tri thức trong xã hội Việt Nam đương đại] và Declassifying Nguyễn Huy Thiệp [Giải mật NHT]. Học giả Keith W. Taylor, từ 1991, sau nhiều lần hiệu chỉnh và bổ túc thì năm 1998 cũng đã công bố Locating and translating boundaries in Nguyen Huy Thiep’s short stories” [Định vị và chuyển dịch ranh giới trong truyện ngắn NHT], một tiểu luận thú vị và hấp dẫn, trên Vietnam Review. Cần sòng phẳng để nói rằng, không nhiều nhà văn đương đại của chúng ta được là một từ khóa nghiên cứu thường xuyên tái lặp như vậy.

Những tranh luận, phê bình về văn chương NHT đã phá vỡ các biên giới địa lí tiếp nhận và các không gian im lặng của tri thức. Trước hết, cần thấy sự dịch chuyển và lan rộng ngày một khác đi của không gian tranh luận Nguyễn Huy Thiệp, từ Văn nghệ tại Hà Nội, quá trình “nam tiến” tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp chạm đến những tiếng nói từ các tỉnh như Cửa Việt, Sông Hương, Đất Quảng, thậm chí Cánh Én, mà thực chất, là nới rộng những quan điểm có thể gây hiệu ứng hơn tại thời điểm đó. Và gần như đồng thời, loạt bài viết của Trần Đạo, Văn Ngọc, Thụy Khuê (Pháp), Nguyễn Vy Khanh (Canada), Trương Hồng Quang (Đức), Đào Trung Đạo (Mỹ), Nguyễn Đình Đăng (Nhật Bản)..., có ý nghĩa điển hình cho sự quan sát tinh tế, thẳng thắn của giới văn chương Việt hải ngoại đối với sự thay đổi có tính chất bước ngoặt của văn học trong nước mà cho đến đầu thập niên 1990 mới được tìm thấy qua loạt tác phẩm NHT xuất ngoại. Khi phê bình báo chí với không ít va chạm quan điểm đôi khi nảy lửa lắng lại, tiếp nhận NHT xuất hiện trong các nghiên cứu chuyên sâu, các luận văn, luận án và tại đây, trong lúc chỉ ra những đặc sắc bút pháp và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, việc ứng dụng lí thuyết phê bình văn học trở nên đa hướng, từ thi pháp học, tự sự học, liên văn bản đến sinh thái học, hậu hiện đại… Đóng vai trò phép thử, tác phẩm NHT đã kích hoạt các phiêu lưu tìm biết, ứng dụng lí thuyết phê bình phương Tây và nhắc nhở về sự mất bóng dần của phê bình Mác-xít từng độc tôn lâu dài trước Đổi mới. Độc giả, giới phê bình Việt Nam và quốc tế, bằng việc đọc NHT, đã cùng gặp gỡ trên rất nhiều điểm vừa tương đồng vừa khác biệt. Chứng kiến một tác giả văn chương luôn hiện diện trong hàng loạt từ khóa nghiên cứu văn học, văn hóa Việt Nam đương đại như vậy, tất yếu, sẽ thôi thúc, nảy sinh nhiều cách diễn giải hơn nữa. Không kết thúc tạo ra sự lớn lao của nhà văn, với Nguyễn Huy Thiệp, nghĩa là như vậy.

M.A.T
(SH321/11-15)


.....................................
1. Năm 2012, sau khi in vở kịch Vong bướm, trên nhiều phương tiện truyền thông, Nguyễn Huy Thiệp đã tuyên bố “ngừng viết”. Đến thời điểm này, Nguyễn Huy Thiệp đã hoàn thiện bản thảo một cuốn tiểu thuyết võ hiệp nhưng chưa có điều kiện công bố. Cá nhân tôi đã được đọc bản thảo này và nhận thấy rất nhiều điểm lí thú, độc đáo trong đó.






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

  • Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

  • LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.

  • Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.

  • (Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).

  • 1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

  • Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…

  • "Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.

  • Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.

  • PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…

  • Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của  Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)

  • Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

  • Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận:                Lọt tai nghe suốt năm cung                Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:                Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ? 

  • Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc. 

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...