Biến tấu của trăm năm

10:25 17/03/2009
NGA LINH NGA1. Xuất bản mười hai tập thơ, mười hai tập văn xuôi, một tập nhạc; viết mười hai kịch bản phim chân dung, hai mươi lời bình cho các phim khác, biên soạn hai mươi tập nhạc... điều thật khó tin ở một người nổi tiếng rong chơi, thích cao đàm khái luận, thường không mấy khi vắng mặt nơi những cuộc rượu của đám văn nghệ Hà Thành như Nguyễn Thụy Kha.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Sinh ngày 7 tháng 10 năm 1949, ngày mà ở châu Âu một bức tường lớn đã được dựng lên để ngăn những con sóng từ Đông Berlin tràn sang Tây Berlin, dường như Nguyễn Thụy Kha cũng là một trong những bức tường nhỏ được số phận dựng lên để nhận về những va đập, sang chấn của kiếp người.

Thế là tôi đã cởi áo lính
Một thanh xuân vô tư
...
Tôi cởi những thập niên máu xanh
đến bao giờ máu tôi đỏ lại
thật đau đớn khi làm lính mà không chết
                                                (Cởi)
Khi em xiết ghì ta
Là khi ta đang mất
Có bàn tay thứ ba
Vẫy vào ta vĩnh biệt
                        (Bàn tay thứ 3)

Tôi gặp Nguyễn Thụy Kha lần đầu vào khoảng những năm 84-85 của thế kỷ trước, qua người bạn trai thân thiết của anh. Lúc đó Nguyễn Thụy Kha còn khá trẻ. Cùng với nhà văn Trần Hoàng Bách, anh ngang qua thành phố miền trung bé nhỏ của tôi ngày ấy còn hiu quạnh như một thị trấn miền núi trong văn Nguyễn Thành Long.

Gầy, cao, gương mặt ít biểu cảm, cặp mắt thông minh nhưng luôn mang cái vẻ nhìn mà không thấy... Nguyễn Thụy Kha đã để lại trong cảm nhận của cô gái mới ngoài hai mươi là tôi lúc bấy giờ, ấn tượng về một tuýp văn sĩ thị thành lớt phớt. Cho đến khi chùm thơ về chuyến đi của anh xuất hiện trên báo.
Có một phần tôi ở đây ký ức
Bạn mang về bụi đường miền Tây
Khi ấy Vinh là anh bộ đội
Quân phục ướt mưa tươi cười lá cây

Có một phần tôi lang thang phố lạ
Em đi ra tận cửa ngập ngừng
Khi ấy Vinh là người yêu nhỏ
Đoá hoa hồng dấu ở sau lưng
                                    (Một nét Vinh)
Râu quai nón ẩn khuất nụ cười
Quán cà phê cây dừa chợt sáng
Rồi rót rượu rồi ngồi im đá tảng
                                     (Khánh ơi)
Em chìm trong tóc xoã
Như bị lãng quên rồi
                       (Chiếc cổng thành)

Một ngày dừng chân, mấy chén rượu nhạt, dăm bảy gương mặt lướt qua... vậy mà hồn anh đã nhận về những vết  hằn thật sâu. Hoá ra ẩn dưới vẻ ngoài thị thành lạnh và kiêu kia là một trái tim đôn hậu, dễ ngân rung, một tâm hồn phóng khoáng, đầy màu sắc hội hoạ.
                        - Thơ với anh là gì vậy?
                        - Là những khám phá vô tận về một thế giới không nhìn thấy trong một thế giới nhìn thấy.

2. Có lẽ ít có nhà thơ nào lại khai rõ lý lịch cuộc đời mình đến thế, trong thơ. Chỉ cần đọc thơ thôi, là đã biết khá rõ về người. Không lựa lọc, dè dữ, Nguyễn Thụy Kha viết thoải mái, đàng hoàng xếp lớp từng khoảnh sống của mình và người đọc nhận ra rất nhanh:
Những dấu vân tay từ đứa con của biển:
Tóc ướt ròng lấp lánh
Ngực phong phanh mang sóng về nhà
                                                (Mẹ cửa biển)
Ta qua ngày đội vôi đội than
Hồn còn nặng nhhững dáng người lối ngõ
Vết dầu loang tiếng còi tàu bờ đá
Sóng ướt mãi vào ta
                                                (Hải Phòng từ xa)
Về Hải Phòng chạm phải tuổi thơ mình
Thằng bé bụi đời lang thang phố xá
Hạt bụi bây giờ đã già đã mong manh quá
Yêu chưa xong mộng mị cũng chưa xong
                                                (Về Hải Phòng)
Những vết xước nơi tâm hồn người lính từng đi qua chiến tranh:
Tôi cô đơn ôm sốt rừng một thuở
Bao tủi mừng còn đầm đìa đường phố
                                                (Cơn sốt ở Sài Gòn)
Đây là lần thứ hai sau lần làm người lính
Anh cầm trong tay một thứ dễ chết người
Ngoe nguẩy năm con rắn
Giữa vỉa hè phe phẩy như sôi

Lặng im anh thương binh ngồi
Như hồi nào phục kích
chỉ có khác súng thì bắn giặc
còn rắn thì để bán thế thôi 
                                    (Người bán rắn ở Văn Miếu)
Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi
Như bụi trong nhà chẳng chổi nào quét sạch
Cả em nữa tận cùng ngóc ngách
                                                (Bụi)
Và còn nữa, tấm hộ chiếu vĩnh viễn của du khách trên xứ sở Thần Ái tình:
Này tóc gió
Này ngực núi
Này thân đường
Những lượn cong đắm mê không cưỡng nổi
                                                (Đêm ướt)
Này nắng mới tay ngà mắt ngọc
Ta ngũ hành năm giác quan em
                                    (Một góc cho mùa hè)
Ta ghé ngực
Đôi khi ta uống
Thấy mình bay trên tóc mùa hè
                                    (Những cánh tay rừng)

Được xếp vào thế hệ những nhà thơ chống Mỹ, nhưng Nguyễn Thụy Kha (cùng với một số tên tuổi khác như Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Anh Ngọc...) lại đạt tới đỉnh cao phong độ vào thời kỳ đất nước đã chấm dứt chiến tranh, chuẩn bị bước vào sự nghiệp đổi mới. Khát vọng của hôm qua và tâm thế ngày hôm nay day trở không nguôi trong những câu thơ của Nguyễn Thụy Kha. Viết nhiều, có chút nồng nàn làm dáng của thị thành, chút ồn ào bốc đồng của lính, những câu thơ của Nguyễn Thụy Kha trào dâng miên man... Người đọc có thể nhận ra dễ dàng thi ảnh độc đáo, những câu thơ có sức quyến rũ, ám gợi đã làm nên cá tính nghệ thuật của anh: “Bất ngờ mưa tóc vàng/miên man xuân/từng sợi châu Âu từng sợi ngô đồng/khuấy anh lên hỗn loạn” (Mưa tóc vàng); “Chiều không em mặt hồ buồn tênh/trái tim anh ai ném lên thềm”; “Anh lúc nào cũng sắp ngã vào em”; “Đồ Sơn đấm thẳng ta một cú/mạnh và phóng túng Đường thi”; “Từ trong ta khẽ một con thuyền lướt/trên lớp lớp sóng nhà”...

Nguyễn Thụy Kha viết khoẻ, viết nhanh, là một thi sĩ không có nhiều tìm tòi về mặt thi pháp nhưng lại gây được ấn tượng mạnh về sức rung cảm của tâm hồn, tinh thần tự do trong ngòi bút và đặc biệt: một khát vọng mãnh liệt muốn hoà mình với đời sống.
-Trong lao động thơ, ý thức của anh hướng về đâu?
-Về cái mới. Về việc phá vỡ sự cân bằng. Cân bằng trong thơ là chết.
-Anh có chịu ảnh hưởng của ai không và thi sĩ nào anh ngưỡng mộ nhất?
-Tôi bị ảnh hưởng bởi Văn Cao và Hoàng Cầm, hai thi sĩ trái ngược nhau. Nhưng tôi ngưỡng mộ Hàn Mặc Tử, thi sĩ đã lê tấm thân tàn tạ vào bất tử.

3. Là sinh viên của trường đại học thông tin liên lạc, mê âm nhạc, Nguyễn Thụy Kha vào bộ đội và trở thành chiến sĩ binh chủng thông tin ngày đất nước chiến tranh. Chính anh là người đã thiết kế và chỉ đạo thi công đường dây trần liên lạc xuyên Trường Sơn để quân ta đánh Buôn Mê Thuột.
  Yêu âm nhạc và thơ ca từ khi còn học phổ thông, nhưng bắt đầu con đường sáng tác bằng ca khúc, năm 1971 Nguyễn Thụy Kha đã có bài hát được phát trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuộc gặp gỡ với nhà thơ cùng đơn vị sớm thành danh là Anh Ngọc và một vài người nữa đã làm anh gắn bó với thơ hơn.
Từ chiến trường trở về, Nguyễn Thụy Kha vào học khoá đầu của trường Viết văn Nguyễn Du. Năm 1982 bài thơ Những giọt mưa đồng hành của anh được giải cuộc thi thơ báo Văn Nghệ. Năm 1990, Nguyễn Thụy Kha rời khỏi quân ngũ trở về làm một thường dân, vừa sáng tác thơ vừa viết báo, viết kịch bản phim, biên soạn sách âm nhạc... tự giát mỏng mình ra trên từng trang giấy.

Những đòi hỏi trong công việc của một cộng tác viên ăn lương nhiều tờ báo nổi tiếng qua các thời kỳ, cộng với khả năng lao động dồi dào và sự tài hoa thiên phú đã giúp Nguyễn Thụy Kha có được một số lượng tác phẩm khá phong phú bên cạnh những sáng tác thơ. Đó là những bộ phim chân dung và những cuốn văn xuôi bao gồm tiểu thuyết tư liệu, phê bình, tiểu luận, tạp văn.
Sự am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật, khả năng sưu tầm và bao quát tư liệu và một bút lực phóng khoáng đã đem lại thành công cho Nguyễn Thụy Kha trên địa hạt này. Những bộ phim về các nhà văn nhà thơ như Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cây đại thụ toả bóng 500 năm), Nguyễn Huy Tưởng (Một người Hà Nội), Vũ Trọng Phụng (Chín năm và vĩnh cửu), Hoàng Cầm (Một điệu Kinh Bắc), Yến Lan (Một bến Mi Lăng)... hay những bài viết về Phan Khôi, Nhất Linh, Lê Văn Trương, Đinh Hùng... trong tập Bóng thế kỷ; đặc biệt là một loạt tiểu thuyết tư liệu về các nhạc sĩ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Việt, Huy Du... đã giúp người đọc, người xem hiểu rõ hơn về cuộc đời cũng như những cống hiến nghệ thuật của nhiều tên tuổi trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Anh đã được nhận giải thưởng cả trong  nước và quốc tế cho bộ phim về Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Thụy Kha nói mình là người có máu giang hồ.
Rượu, bia, gặp gỡ, lang thang, khi làm ăn, khi đàm đạo chuyện chữ nghĩa, rồi tranh cãi, ngợi khen, phán định... đủ cả. Cuối cùng thường là ngồi buồn. Người ít biết về anh có thể cho đó là một cuộc đi hoang và anh đang tiêu đi từng món cuộc đời mình. Còn người biết hơn một chút thì coi đó là một cuộc dấn thân đầy tính mặc định. Sự được thua, còn mất ra sao không rõ, chỉ biết rằng cái hồn thơ vừa lãng đãng mây mưa vừa hùng hồn đau đáu ấy đã được di dưỡng qua thời gian, qua những thăng trầm của cuộc sống:
Cháy thành lửa, tắt thành vuông cỏ
Chín muộn như không thể chín tự nhiên
Những người lính
                 những giọt máu xanh
chảy lặng lẽ trên thân hình bán đảo
                          
(Máu xanh)    
Cay và thơm tinh khiết
ớt xanh
Cái ngọn lửa màu lá biếc
Thiêu đốt anh giống một người tình
                                                (Ớt xanh)
Làm sao quen được hết người mặt đất
Em đi qua em đẹp dửng dưng
Nên anh cứ một mình thiên nhiên
Cứ âm thầm chồi tơ cành biếc
Uống cuộc đời tới chiều tà cạn kiệt
Ngã đã có đêm nâng                                         
                            (Một mình)
Hay nói bằng cái giọng chán đời nhưng thực ra là một người khát sống; tự ném mình vào gió bụi, vào những góc khuất, rồi lại tự mình “lộ sáng”; ky cóp góp nhặt nhưng cũng có lúc tung hê... cứ thế Nguyễn Thụy Kha sống và viết. Và những câu thơ của anh đã có được một hơi thở thật phóng khoáng, trẻ trung, giàu sinh lực.
                        - Một câu thơ thật hàm súc về bản thân, thưa anh?
                        - Một cái đáy không thể chạm tới.
   Hà Nội, ngày 31tháng 3 năm 2005
   N.L.N

(197/07-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÊ THỊ ĐỨC HẠNH

    Mộng Sơn là một trong số hiếm hoi những nhà văn nữ xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám, sau này vẫn tiếp tục bền bỉ đóng góp cho nền văn học mới bằng những tác phẩm vừa phải, khiêm tốn, biểu lộ một tình cảm chân thành, một tấm lòng nhân ái.

     

  • NGUYỄN THANH TRUYỀN

    Ấn tượng của tôi về Nguyên Hào bắt đầu từ một đêm thơ gần 20 năm trước. Lần đầu tiên đọc thơ trước đám đông, dáng vẻ vừa bối rối vừa tự tin, anh diễn giải và đọc bài “Rượu thuốc”: “Ngâm ly rượu trong/ Thành ly rượu đục/ Đắng tan vào lòng/ Ngọt trong lời chúc”.

  • PHẠM XUÂN DŨNG  

    (Đọc tập sách “Bên sông Ô Lâu” của tác giả Phi Tân, Nxb. Lao Động, 2021)

  • PHẠM PHÚ PHONG   

    Nguyên Du là sinh viên khóa 5 (1981 - 1985) khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học).

  • PHONG LÊ    

    Thanh Tịnh (12/12/1911 - 17/7/1988), trước hết là một nhà Thơ mới, tác giả tập thơ Hận chiến trường (1936) với hai bài Mòn mỏi Tơ trời với tơ lòng được Hoài Thanh chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam cùng với lời bình.

  • LÊ HỒ QUANG   

    Dưới “áp lực” của tiêu đề, khi đọc Thỏa thuận, gần như ngay lập tức, trong óc tôi nảy sinh hàng loạt câu hỏi: Thỏa thuận nói về cái gì?

  • VÕ QUÊ    

    Từ trước đến nay chúng tôi chỉ được đọc và trân quý thơ văn của nhà thơ Lê Quốc Hán qua những bài viết đăng trên các tạp chí, trên mạng thông tin, báo điện tử mà chưa được trực tiếp cầm trên tay một cuốn sách nào của ông.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ    

    (Đọc “Phùng Quán & Tôi” của Xuân Đài, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2020) 

  • HỒ THẾ HÀ   

    Hồng Nhu xuất phát nghiệp bút của mình bằng văn xuôi. Văn xuôi gắn bó với đời như một duyên mệnh.

  • YẾN THANH  

    Rất nhiều nhà văn thành danh hiện nay, sau những thành công trên trường văn trận bút, đột nhiên họ làm bạn đọc bất ngờ bằng cách chuyển hướng sang viết cho thiếu nhi, như trường hợp của Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Dương Thụy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Bích Thúy…

  • ĐỖ THU THỦY  

    1.
    Trường ca Ngang qua bình minh là ấn phẩm thứ ba của nhà thơ Lữ Mai, sau hai tập tản văn và ký sự: Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi viết về đề tài biển đảo.

  • NGƯỜI THỰC HIỆN:

    Lê Thị Mây là một cô gái cực kỳ ít nói. Nhà thơ chi thích lặng lẽ nhìn, lặng lẽ nghe, lặng lẽ suy ngẫm... Và nếu như phải nói gì trước đám đông thì đó là một "cực hình" - Kể cả đọc thơ mình - Mây vẫn như vậy.

  • NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG     

    Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988).

  • LÊ NGUYỄN LƯU

    Trong nền văn học đời Đường, thơ ca có một vị trí đặc biệt, trội hơn cả phú đời Hán, từ đời Tống, khúc đời Minh...

     

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ  

    (Đọc “Miền quê thơ ấu” - Hồi ký của Thanh Tùng, Nxb. Thuận Hóa, 2020) 

  • VÕ QUÊ   

    Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian” là công trình nghiên cứu thứ ba của nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh do Nhà xuất bản Đại học Huế cấp giấy phép, tiếp theo 2 ấn bản “Dấu tích văn hóa thời Nguyễn” (in năm 1996 và 2 lần tái bản có bổ sung năm 1998, 2000); “Giữ hồn cho Huế” (2006).

  • PHONG LÊ

    Anh "nhà quê" "chơi trèo" thành phố, với những thất bại và bi kịch khó tránh của nó. Mối quan hệ so le, bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị...


  • KỶ NIỆM 35 HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM (1957-1992) - 60 NĂM PHONG TRÀO THƠ MỚI (1932-1992)

  • NGÔ MINH

    + Cái đêm thẳm khuya Cửa Tùng gió ấy, tôi ngồi với Nguyễn Khắc Thạch bên này bờ sông, bên này chai rượu Huế, bên này mũi Si và bên này những nén nhang lập lòe như hồn ma nơi xóm Cửa!